BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC THUẾ ------- Số: 1114/TCT-CS V/v:Chính sách thuế. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 2017 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.
Trả lời công văn số 286/UBND-KT ngày 07/2/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về giá tính tài nguyên, giá tính thuế GTGT và thuế TNDN đối với sản phẩm gỗ khai thác bán ra phát sinh năm 2015, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Về giá tối thiểu để tính thuế tài nguyên đối với sản phẩm rừng tự nhiên do UBND tỉnh quy định có phải là giá thị trường làm cơ sở để xác định hành vi vi phạm về giá bán hàng của doanh nghiệp không?
Tại khoản 4, Điều 6 Thông tư số 105/2010/TT-BTC ngày 23/7/2010 của Bộ Tài chính về thuế tài nguyên hướng dẫn:
“Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 50/2010/NĐ-CP và phải được thể hiện trên chứng từ bán hàng, nhưng không được thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định; trường hợp giá bán tài nguyên khai thác thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh thì tính thuế tài nguyên theo giá do UBND cấp tỉnh quy định. Giá tính thuế tài nguyên được xác định đối với từng trường hợp như sau:...
3. Giá tính thuế tài nguyên trong một số trường hợp được quy định cụ thể như sau:... 3.2. Đối với gỗ là giá bán tại bãi giao (kho, bãi nơi khai thác); trường hợp chưa xác định được giá bán tại bãi giao thì giá tính thuế được xác định căn cứ vào giá tính thuế do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định theo hướng dẫn tại khoản 4, Điều này....
4. Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nhưng không bán ra; hoặc không thực hiện đầy đủ chế độ sổ sách kế toán, chứng từ kế toán theo chế độ quy định; tổ chức, cá nhân nộp thuế tài nguyên theo phương pháp ấn định hoặc trường hợp loại tài nguyên xác định được sản lượng ở khâu khai thác nhưng do mô hình tổ chức, khai thác, sàng tuyển, tiêu thụ qua nhiều khâu độc lập nên không có đủ căn cứ để xác định giá bán tài nguyên khai thác thì áp dụng giá bán đơn vị tài nguyên do UBND cấp tỉnh tại địa phương có khai thác tài nguyên quy định cho từng thời kỳ để tính thuế tài nguyên.”
Căn cứ đặc điểm, yêu cầu về xây dựng giá tính thuế tài nguyên tại địa phương, UBND cấp tỉnh có văn bản chỉ đạo, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng phương án giá tính thuê tài nguyên trình UBND cấp tỉnh quyết định.
Việc xây dựng giá tính thuế tài nguyên phải đảm bảo phù hợp với hàm lượng, chất lượng, sản lượng của loại tài nguyên, tỷ lệ thu hồi tài nguyên, giá tài nguyên bán ra trên thị trường địa phương có tài nguyên khai thác và tham khảo thêm giá bán tài nguyên trên thị trường của địa phương lân cận.
Khi giá bán của loại tài nguyên có biến động tăng hoặc giảm 20% trở lên thì phải điều chỉnh giá tính thuê tài nguyên. Sở Tài chính tỉnh, thành phố chủ trì phối hợp với Cục Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức khảo sát tình hình về giá bán tài nguyên trên thị trường địa phương và lập phương án điều chỉnh giá tính thuế trình UBND cấp tỉnh quyết định và báo cáo về Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế).”
Tại điểm b, c, khoản 5.1, Điều 6 Thông tư số 152/2015/TT-BTC ngày 02/10/2015 của Bộ Tài chính về thuế tài nguyên (có hiệu lực từ ngày 20/11/2015 và thay thế Thông tư số 105/2010/TT-BTC) hướng dẫn:
“4. Giá tính thuế tài nguyên trong một số trường hợp được quy định cụ thể như sau:...
b) Đối với gỗ là giá bán tại bãi giao (kho, bãi nơi khai thác); trường hợp chưa xác định được giá bán tại bãi giao thì giá tính thuế được xác định căn cứ vào giá tính thuế do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định theo hướng dẫn tại khoản 6 Điều này....
5. Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Bảng giá tính thuế tài nguyên để thực hiện cho năm tiếp theo liền kề như sau:...
b) Giá tính thuế quy định tại Bảng giá là giá tài nguyên khai thác và giá sản phẩm tài nguyên tương ứng với tính chất của tài nguyên, sản phẩm tài nguyên khai thác, chế biến của các doanh nghiệp hoạt động trong địa bàn tỉnh, được xác định trên cơ sở các tài liệu, chứng từ, hợp đồng mua bán của các doanh nghiệp, tổ chức trong tỉnh về chất lượng, sản lượng của loại tài nguyên, giá sản phẩm tài nguyên bán ra tại thị trường địa phương và thị trường của địa phương lân cận, trừ trường hợp được quy định tại điểm c khoản 5 Điều này.
c) Giá tính thuế tài nguyên đối với trường hợp tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra được xác định như sau:
c1) Đối với trường hợp tài nguyên khai thác được đưa vào sản xuất, chế biến và bán ra sản phẩm tài nguyên thì giá tính thuế là giá bán sản phẩm tài nguyên không có thuế giá trị gia tăng (trường hợp tiêu thụ trong nước) hoặc trị giá hải quan không bao gồm thuế xuất khẩu (đối với trường hợp xuất khẩu);
c2) Đối với trường hợp tài nguyên khai thác được đưa vào sản xuất, chế biến thành sản phẩm công nghiệp mới bán ra (tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu): Giá tính thuế tài nguyên được xác định căn cứ vào giá bán (trường hợp tiêu thụ trong nước) hoặc trị giá hải quan (đối với trường hợp xuất khẩu) của sản phẩm công nghiệp bán ra trừ thuế xuất khẩu (nếu có) và chi phí chế biến công nghiệp của công đoạn chế biến từ sản phẩm tài nguyên thành sản phẩm công nghiệp.
Chi phí chế biến được trừ quy định tại điểm c2 này phải căn cứ hướng dẫn của các Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành, Bộ Tài chính và do Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan thuế, cơ quan tài nguyên môi trường và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có liên quan thống nhất xác định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào công nghệ chế biến theo Dự án đã được phê duyệt và kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp khai thác, chế biến tài nguyên trong địa bàn tỉnh nhưng không bao gồm chi phí khai thác, sàng, tuyển, làm giàu hàm lượng.”
Căn cứ quy định nêu trên, giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định làm căn cứ tính thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân bán sản phẩm tài nguyên thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định; hoặc áp dụng đối với trường hợp tài nguyên khai thác không bán ra (đưa vào chế biến sản phẩm khác) hoặc không có đủ căn cứ để xác định giá bán tài nguyên khai thác như: không thực hiện đầy đủ chế độ sổ sách kế toán, chứng từ kế toán; nộp thuế tài nguyên theo phương pháp ấn định hoặc trường hợp loại tài nguyên xác định được sản lượng ở khâu khai thác nhưng do mô hình tổ chức, khai thác, sàng tuyển, tiêu thụ qua nhiều khâu độc lập nên không có đủ căn cứ để xác định giá bán tài nguyên khai thác....
Việc xây dựng giá tính thuế tài nguyên đảm bảo phù hợp với hàm lượng, chất lượng, sản lượng của loại tài nguyên, tỷ lệ thu hồi tài nguyên, giá tài nguyên bán ra trên thị trường địa phương có tài nguyên khai thác và tham khảo thêm giá bán tài nguyên trên thị trường của địa phương lân cận.
Khi giá bán của loại tài nguyên có biến động tăng hoặc giảm 20% trở lên thì phải điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên thì tổ chức khảo sát tình hình về giá bán tài nguyên trên thị trường địa phương và lập phương án điều chỉnh giá tính thuế trình UBND cấp tỉnh quyết định.
Vì vậy, giá tính thuế tài nguyên quy định tại Bảng giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định được xây dựng theo nguyên tắc trên, nếu được xác định phù hợp với giá trên thị trường sẽ là một trong những căn cứ để ấn định doanh thu tính thuế GTGT, tính thuế TNDN đối với các trường hợp thuộc diện ấn định thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
2. Việc xử lý đối với doanh nghiệp bán gỗ có giá bán ghi trên hóa đơn phù hợp với hợp đồng, thanh lý hợp đồng, chứng từ thanh toán qua ngân hàng nhưng thấp hơn giá tối thiểu tính thuế tài nguyên do UBND tỉnh quy định
Căn cứ quy định tại Điều 37 Luật Quản lý thuế về ấn định thuế đối với người nộp thuế nộp thuế theo phương pháp kê khai trong trường hợp vi phạm pháp luật về thuế;
Tại Điều 34, Điều 35 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế quy định:
“Điều 34. Ấn định từng yếu tố liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp
Người nộp thuế bị ấn định từng yếu tố liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp trong các trường hợp sau:
1. Qua kiểm tra hồ sơ khai thuế, cơ quan quản lý thuế có căn cứ cho rằng người nộp thuế khai chưa đủ hoặc chưa đúng các yếu tố làm cơ sở xác định số thuế phải nộp, đã yêu cầu người nộp thuế khai bổ sung nhưng người nộp thuế không khai bổ sung theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.
2. Qua kiểm tra sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ liên quan đến việc xác định số thuế phải nộp, cơ quan quản lý thuế có cơ sở chứng minh người nộp thuế hạch toán không đúng, không trung thực các yếu tố liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp.
3. Hạch toán giá bán hàng hóa, dịch vụ không đúng với giá thực tế thanh toán làm giảm doanh thu tính thuế hoặc hạch toán giá mua hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh không theo giá thực tế thanh toán phù hợp thị trường làm tăng chi phí, tăng thuế giá trị gia tăng được khấu trừ, giảm nghĩa vụ thuế phải nộp.
4. Người nộp thuế không giải trình hoặc không chứng minh được tính trung thực, chính xác về các nội dung liên quan đến việc xác định số lượng, chủng loại, xuất xứ, trị giá tính thuế, mã số, mức thuế suất hoặc số tiền thuế được miễn, giảm, được hoàn của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
5. Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế nhưng không xác định được các yếu tố làm cơ sở xác định căn cứ tính thuế hoặc có xác định được các yếu tố làm cơ sở xác định căn cứ tính thuế nhưng không tự tính được số thuế phải nộp.
Điều 35. Căn cứ ấn định thuế
Cơ quan quản lý thuế ấn định thuế đối với các trường hợp quy định tại các Điều 34 và 35 Nghị định này căn cứ vào một trong các thông tin sau:
1. Cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế thu thập từ:
a) Hồ sơ khai thuế, số thuế đã nộp của các kỳ, lần khai thuế trước;
b) Thông tin về các giao dịch kinh tế giữa người nộp thuế với tổ chức, cá nhân có liên quan;
c) Thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp;
d) Thông tin khác do cơ quan quản lý thuế thu thập được.
2. Các thông tin về:
a) Người nộp thuế kinh doanh cùng mặt hàng, ngành nghề, cùng quy mô tại địa phương. Trường hợp tại địa phương không có thông tin về mặt hàng, ngành nghề, quy mô kinh doanh của người nộp thuế thì lấy thông tin về mặt hàng, ngành nghề, quy mô của người nộp thuế tại địa phương khác;
b) Số thuế phải nộp bình quân của một số cơ sở kinh doanh cùng ngành nghề, cùng mặt hàng tại địa phương. Trường hợp tại địa phương không có thông tin về một số cơ sở kinh doanh cùng ngành nghề, cùng mặt hàng của người nộp thuế thì lấy số thuế phải nộp bình quân của một số cơ sở kinh doanh cùng ngành nghề, một hàng tại địa phương khác.
3. Tài liệu, kết quả kiểm tra, thanh tra còn hiệu lực.”
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp cơ quan kiểm toán nhà nước thông qua hoạt động kiểm toán, phát hiện doanh nghiệp khai thác kinh doanh gỗ tròn, gỗ xẻ có dấu hiệu gian lận về thuế GTGT, thuế TNDN thông qua giá bán gỗ không phù hợp với giá thị trường thì đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra cụ thể tình hình giá bán gỗ trên thị trường để xem xét tính thực tế khách quan. Trường hợp qua kiểm tra thực tế phát hiện gian lận thì đề nghị giao cơ quan thuế xử lý ấn định thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Tổng cục Thuế trả lời Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum được biết./.
Nơi nhận: - Như trên; - Cục Thuế tỉnh Kon Tum; - Vụ PC, CST- BTC; - Vụ PC-TCT; - Lưu: VT, CS (3b).9 | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG Cao Anh Tuấn |