BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC HẢI QUAN ----------------- Số: 1392/TCHQ-TXNK V/v: vướng mắc thực hiện thuế BVMT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------------------- Hà Nội, ngày 22 tháng 03 năm 2012 |
Kính gửi: Vụ Chính sách thuế - BTC
Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 462/HQBD-TXNK ngày 29/2/2012 của Cục Hải quan Bình Dương về việc đề nghị hướng dẫn việc thực hiện thu thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng túi nilong nhập khẩu. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan xin trao đổi với quý Vụ như sau:
1. Về thời điểm tính thuế bảo vệ môi trường đối với nguyên liệu tiêu hao nhập khẩu trước thời điểm Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực nhưng thanh khoản tại thời điểm Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực:
Căn cứ quy định tại điểm 3 công văn số 1199/BTC-TCT ngày 30/1/2012 thì hàng gia công không thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường, tuy nhiên đối với nguyên liệu tiêu hao thuộc đối tượng chịu thuế thì phải nộp thuế bảo vệ môi trường khi thanh khoản. Thực tế Cục Hải quan địa phương gặp vướng mắc trong việc thu thuế bảo vệ môi trường đối với các hợp đồng gia công nhập khẩu nguyên liệu tiêu hao hoặc nguyên liệu còn tồn kho trước khi Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực nhưng đến khi thanh khoản Luật Thuế bảo vệ môi trường mới có hiệu lực (từ ngày 1/1/2012) thì có phải thực hiện thu thuế bảo vệ môi trường đối với số nguyên liệu tiêu hao khi thanh khoản hay không?
Hiện nay có 2 quan điểm khác nhau để xử lý vấn đề này:
- Quan điểm 1: Chi thu thuế bảo vệ môi trường đối với các tờ khai hàng hóa nhập khẩu chịu thuế bảo vệ môi trường kể từ ngày Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực. Vì theo quy định tại khoản 1 Điều 83 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 thì "Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp văn bản có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó". Như vậy khoản 1 Điều 12 Luật Thuế Bảo vệ môi trường quy định Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012, không quy định tính hồi tố cho các trường hợp trước đó, vì vậy có thể được hiểu chỉ những hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu theo tờ khai từ ngày 1/1/2012 thì mới phải chịu thuế bảo vệ môi trường.
- Quan điểm 2: Phải nộp thuế bảo vệ môi trường cho số nguyên liệu tiêu hao nhập khẩu trước đó chưa nộp thuế, vì mặc dù lúc nhập khẩu chưa có Luật Thuế bảo vệ môi trường nhưng khi thanh khoản Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực đồng thời lúc thanh khoản mới xác định được chính xác số nguyên liệu tiêu hao thuộc đối tượng chịu thuế để làm căn cứ cho cơ quan hải quan tính và thu thuế bảo vệ môi trường.
Ý kiến của TCHQ:
Theo TCHQ thì để công bằng trong việc tính và thu thuế đề nghị chọn phương án 1.
2. Về việc tính thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng túi nilong nhập khẩu theo loại hình nhập sản xuất xuất khẩu (SXXK) sau đó xuất khẩu:
Căn cứ quy định tại Luật thuế bảo vệ môi trường, Nghị định 67/2011/NĐ-CP ngày 8/8/2011, Thông tư 152/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 và công văn số 1199/BTC-TCT ngày 30/1/2012 thì không quy định túi nilong nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế bảo vệ môi trường. Do đó ngày 13/2/2012 Tổng cục Hải quan đã có công văn số 559/TCHQ-TXNK hướng dẫn Cục Hải quan địa phương theo hướng phải thu thuế đối với túi nilong thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường nhập khẩu theo loại hình sản xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên hiện nay Cục Hải quan địa phương gặp vướng mắc khi doanh nghiệp sử dụng túi nilong nhập khẩu theo loại hình SXXK thì có được hoàn thuế bảo vệ môi trường tương ứng với lượng túi nilong xuất khẩu hay không? Nếu có thì thủ tục, thẩm quyền giải quyết, hồ sơ … như thế nào và có được hoàn như đối với các loại thuế khác hay không?
Ý kiến của TCHQ:
- Căn cứ quy định tại Luật Thuế bảo vệ môi trường, Nghị định 67/2011/NĐ-CP ngày 8/8/2011, Thông tư 152/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 và công văn số 1199/BTC-TCT ngày 30/1/2012 thì không quy định túi nilong nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế bảo vệ môi trường.
- Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư 152/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 thì hàng hóa nhập khẩu do người nhập khẩu tái xuất khẩu (kể cả trường hợp trả lại hàng) ra nước ngoài được hoàn lại số thuế bảo vệ môi trường đã nộp đối với số hàng tái xuất ra nước ngoài.
Đối chiếu với quy định nêu trên đối với túi nilong nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường theo loại hình sản xuất xuất khẩu nhưng không đưa vào sản xuất mà tái xuất nguyên trạng thì căn cứ vào khoản 4 Điều 8 Thông tư 152/2011/TT-BTC để xử lý hoàn thuế theo quy định.
Hồ sơ, thủ tục, trình tự và thẩm quyền giải quyết hoàn thuế bảo vệ môi trường đối với hàng xuất khẩu được thực hiện theo quy định như đối với việc giải quyết hoàn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Để có cơ sở hướng dẫn Cục Hải quan địa phương thực hiện, đề nghị Quý Vụ có ý kiến tham gia về các nội dung nêu trên trước ngày 25/3/2012.
3. Ngoài ra trong quá trình giải quyết vướng mắc đối với việc nhập khẩu mặt hàng túi nilong. Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 07/KC-HQ ngày 29/2/2012 của Công ty TNHH KimBerly-Clark VN hỏi về nguyên liệu màng nilong nhập khẩu để làm bao ngoài cho các sản phẩm băng vệ sinh có thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường hay không?
Hiện nay Vụ Chính sách thuế đang tổng hợp các vướng mắc liên quan đến túi nilong để trình Bộ hướng dẫn thực hiện, do đó Tổng cục Hải quan xin chuyển vướng mắc nêu trên của Công ty TNHH KimBerly-Clark VN để Quý Vụ tổng hợp xử lý.
Trân trọng!
Nơi nhận: - Như trên; - Cục Hải quan Bình Dương (để biết); - Công ty TNHH KimBerly-Clark VN (Số 32 Đại lộ Hữu Nghị, VSIP Thuận An, Bình Dương, (thay trả lời); - Lưu: VT, TXNK-CST(3). | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG Hoàng Việt Cường |