hieuluat

Công văn 1465/TCT-CS chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với công ty con

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Tổng cục ThuếSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:1465/TCT-CSNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Công vănNgười ký:Phạm Duy Khương
    Ngày ban hành:04/05/2010Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:04/05/2010Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Thuế-Phí-Lệ phí
  • BỘ TÀI CHÍNH
    TỔNG CỤC THUẾ
    --------------

    Số: 1465/TCT-CS  
    V/v:chính sách thuế TNDN

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    -----------------------

    Hà Nội, ngày 04 tháng 05 năm 2010

     

     

    Kính gửi: Cục thuế tỉnh Long An

     

     

    Trả lời công văn số 31/CT-TTHT ngày 12/01/2010 của Cục thuế tỉnh Long An về chi phí khấu hao TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất và ưu đãi thuế TNDN đối với công ty con, Tổng cục Thuế hướng dẫn căn cứ áp dụng văn bản quy phạm pháp luật như sau:

    1. Về khấu hao TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất:

    Căn cứ quy định tại điểm 1 Điều 9 Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định quy định nguyên tắc trích khấu hao TSCĐ: từ ngày 01/01/2010 TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất không được trích khấu hao.

    Vấn đề Cục thuế hỏi: trường hợp năm 2009 các doanh nghiệp đang trích khấu hao TSCĐ là quyền sử dụng đất có thời hạn theo quy định tại Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì từ ngày 01/01/2010 có được tiếp tục trích khấu hao đến hết thời hạn sử dụng hay không?

    Tổng cục Thuế ghi nhận vướng mắc của Cục thuế về khấu hao TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất để tập hợp báo cáo Bộ hướng dẫn chung những vấn đề còn vướng mắc về quyết toán thuế TNDN năm 2009. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế có căn cứ hướng dẫn Cục thuế thực hiện đúng quy định.

    2. Về ưu đãi thuế TNDN đối với Công ty con:

    2.1. Căn cứ pháp lý liên quan đối với Công ty con:

    Điều 84 Bộ Luật Dân sự số 33/2005/QH11 ngày 14/06/2005 quy định: “Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

    1. Được thành lập hợp pháp;

    2. Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;

    3. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;

    4. Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập”.

    Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 63, Luật Doanh nghiệp quy định:

    “1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty); chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

    2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.

    Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 147, Luật Doanh nghiệp quy định quyền và trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con:

    “1. Tùy thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con, công ty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con theo quy định tương ứng của Luật này và pháp luật có liên quan.

    2. Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với các chủ thể pháp lý độc lập, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này”.

    Theo các quy định nêu trên thì Công ty con là một pháp nhân mới, hạch toán độc lập với Công ty mẹ. Công ty mẹ là chủ sở hữu của Công ty con chỉ được thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty theo quy định.

    2.2. Căn cứ xem xét ưu đãi thuế TNDN:

    Tại điểm 1 Mục IV Phần E Thông tư số 134/2007/TT-BTC ngày 23/11/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 24/2007/NĐ-CP ngày 14/2/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định: “Cơ sở kinh doanh thành lập trong các trường hợp dưới đây không hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo diện cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư.

    - Cơ sở kinh doanh thành lập trong các trường hợp chia, tách, sáp nhập, hợp nhất theo quy định của pháp luật.

    - Cơ sở kinh doanh thành lập do chuyển đổi hình thức doanh nghiệp, chuyển đổi sở hữu (trừ các trường hợp giao, bán doanh nghiệp nhà nước theo Nghị định số 80/2005/NĐ-CP ngày 22/6/2005 của Chính phủ về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê công ty Nhà nước)”.

    Tại điểm 5 Mục II Phần E Thông tư số 134/2007/TT-BTC ngày 23/11/2007 của Bộ Tài chính quy định: “Cơ sở kinh doanh đang trong thời gian hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp có tổ chức lại doanh nghiệp (chia, tách, sáp nhập, hợp nhất), chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật thì cơ sở kinh doanh mới sau khi có sự thay đổi nêu trên tiếp tục hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đơn vị đang được hưởng cho khoảng thời gian ưu đãi còn lại, nếu vẫn đáp ứng các điều kiện ưu đãi đầu tư”.

    Theo các quy định nêu trên thì cơ sở kinh doanh thành lập trong các trường hợp chia, tách, sáp nhập, hợp nhất hay chuyển đổi hình thức doanh nghiệp, chuyển đổi sở hữu (trừ các trường hợp giao, bán doanh nghiệp nhà nước theo Nghị định số 80/2005/NĐ-CP ngày 22/6/2005 của Chính phủ về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê công ty Nhà nước) không được hưởng ưu đãi về thuế TNDN theo diện cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư.

    Công văn số 31/CT-TTHT ngày 12/01/2010 của Cục thuế tỉnh Long An nêu: Công ty CP nhựa Tân Hóa ở TP Hồ Chí Minh (Công ty mẹ) dùng vốn của mình để thành lập Công ty TNHH MTV nhựa Tân Hóa ở Long An (Công ty con) hạch toán độc lập đồng thời cho Công ty con thuê lại tài sản (tài sản cũ và mới) để hoạt động. Tuy nhiên, nội dung công văn chưa nêu rõ Công ty TNHH MTV nhựa Tân Hóa - Long An được thành lập có thuộc một trong các trường hợp: chia, tách doanh nghiệp hay chuyển đổi hình thức doanh nghiệp, chuyển đổi sở hữu theo quy định của Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29/11/2005 hay không?

    Căn cứ các quy định pháp lý nêu trên, đề nghị Cục thuế kiểm tra tình hình thực tế của công ty mẹ và công ty con:

    - Nếu Công ty TNHH MTV nhựa Tân Hóa ở Long An (Công ty con) có tư cách pháp nhân, thành lập theo Luật doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29/11/2005, hạch toán kinh doanh độc lập với Công ty CP nhựa Tân Hóa ở TP Hồ Chí Minh (Công ty mẹ) nhưng trên cơ sở Công ty mẹ thực hiện các thủ tục chia, tách theo quy định của pháp luật hoặc do chuyển đổi hình thức doanh nghiệp, chuyển đổi sở hữu (trừ các trường hợp giao, bán doanh nghiệp nhà nước theo Nghị định số 80/2005/NĐ-CP ngày 22/6/2005 của Chính phủ về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê công ty Nhà nước) thì không hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo diện cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư. Các cơ sở kinh doanh mới (Công ty mẹ và Công ty con) sau khi có sự thay đổi về tổ chức tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo mức ưu đãi thuế mà đơn vị đang được hưởng cho khoảng thời gian ưu đãi còn lại nếu vẫn đáp ứng các điều kiện ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật.

    - Nếu Công ty TNHH MTV nhựa Tân Hóa ở Long An (Công ty con) được thành lập theo Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29/11/2005, hạch toán kinh doanh độc lập và không thuộc một trong các trường hợp chia, tách doanh nghiệp hay chuyển đổi hình thức doanh nghiệp, chuyển đổi sở hữu từ Công ty CP nhựa Tân Hóa ở TP Hồ Chí Minh thì Công ty con là một pháp nhân mới, độc lập được hưởng ưu đãi về thuế TNDN theo diện cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư nếu thực tế đáp ứng các điều kiện hưởng ưu đãi thuế theo quy định của Luật thuế TNDN, Nghị định số 24/2007/NĐ-CP ngày 14/2/2007 của Chính phủ và Thông tư số 134/2007/TT-BTC ngày 23/11/2007 của Bộ Tài chính.

    Tổng cục Thuế trả lời để Cục thuế được biết và hướng dẫn đơn vị theo điều kiện thực tế đáp ứng để áp dụng theo đúng quy định.

     

    Nơi nhận:
    - Như trên;
    - Vụ PC - BTC, Vụ CST - BTC;
    - Vụ PC - TCT;
    - Lưu: VT, CS(4b).

    KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
    PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




    Phạm Duy Khương

     

     

  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X