hieuluat

Công văn 1489/TCT-CS hoàn thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp chế xuất

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Tổng cục ThuếSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:1489/TCT-CSNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Công vănNgười ký:Phạm Duy Khương
    Ngày ban hành:05/05/2010Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:05/05/2010Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Thuế-Phí-Lệ phí
  • BỘ TÀI CHÍNH
    TỔNG CỤC THUẾ  
    --------------

    Số: 1489/TCT-CS

    V/v: thuế GTGT đối với doanh nghiệp chế xuất

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
    --------------------

    Hà Nội, ngày 05 tháng 05 năm 2010

     

     

    Kính gửi:

    - Đại sứ quán Nhật Bản;
    - Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

     

     

    Tổng cục Thuế nhận được công văn của Đại sứ quán Nhật Bản và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam về việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với doanh nghiệp chế xuất. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

    Doanh nghiệp chế xuất không phải đối tượng nộp thuế, hoàn thuế GTGT theo Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12. Theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành thì người nộp thuế được hoàn trả tiền thuế nếu nộp nhầm, nộp thừa. Tuy nhiên, trong trường hợp này, các doanh nghiệp chế xuất không nộp thuế GTGT cho cơ quan thuế mà thanh toán tiền dịch vụ bao gồm cả thuế GTGT (nếu có) cho các cơ sở cung ứng dịch vụ. Do đó, không có cơ sở hoàn thuế GTGT bằng tiền mặt cho doanh nghiệp chế xuất như đề nghị của Quý đơn vị.

    Tại điểm 2.9 mục IV phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính về thuế GTGT hướng dẫn: “Cơ sở kinh doanh đã xuất bán, cung ứng hàng hóa, dịch vụ và lập hóa đơn do hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng, quy cách, kiểu dáng hoặc ghi sai thuế suất phải điều chỉnh (tăng, giảm) giá bán, điều chỉnh thuế suất thuế GTGT thì bên bán và bên mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ số lượng, quy cách hàng hóa, mức giá tăng (giảm) theo hóa đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hóa đơn, thời gian), lý do tăng (giảm) giá, lý do điều chỉnh thuế suất đồng thời bên bán lập hóa đơn điều chỉnh mức giá được điều chỉnh. Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm), giá bán, (không được ghi số âm (-)), thuế GTGT cho hàng hóa, dịch vụ tại hóa đơn số, ký hiệu …. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào”.

    Ngày 27/10/2009, Bộ Tài chính đã có công văn 15057/BTC-TCT hướng dẫn về việc áp dụng thuế suất thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ do cơ sở kinh doanh nội địa cung cấp cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan.

    Căn cứ các hướng dẫn trên, trường hợp các cơ sở kinh doanh nội địa cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp chế xuất đã tính thuế GTGT theo mức thuế suất thuế GTGT là 5% hay 10% cho các dịch vụ được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT là 0% theo quy định thì doanh nghiệp chế xuất và cơ sở kinh doanh nội địa thực hiện điều chỉnh theo hướng dẫn tại điểm 2.9 mục IV phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC nêu trên.

    Trường hợp các dịch vụ do cơ sở kinh doanh nội địa cung cấp cho doanh nghiệp chế xuất phục vụ cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế xuất thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất thuế GTGT là 0% nhưng không đáp ứng được các điều kiện nêu tại điểm 1.2 mục II phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC nêu trên thì không được áp dụng thuế suất thuế GTGT là 0%.

    Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, trường hợp các cơ sở kinh doanh nội địa và doanh nghiệp chế xuất có phát sinh nhiều hóa đơn cần điều chỉnh thì có thể điều chỉnh trên một tờ hóa đơn căn cứ vào bảng kê tổng hợp số hóa đơn cần được điều chỉnh.

    Tổng cục Thuế xin thông báo để Đại sứ quán Nhật Bản và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam được biết để thông tin cho các doanh nghiệp chế xuất biết và thực hiện điều chỉnh hóa đơn theo hướng dẫn trên.

    Trong quá trình thực hiện, nếu còn có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Tổng cục Thuế để được hướng dẫn giải quyết kịp thời.

     

    Nơi nhận:
    - Như trên;
    - Cục thuế các tỉnh, TP trực thuộc TW;
    - Vụ PC, CST-BTC;
    - Vụ PC-TCT;
    - Lưu: VT, CS (4).

    KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG

    PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG





    Phạm Duy Khương

     

     

  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X