BỘ TÀI CHÍNH ------- Số: 19039/BTC-TCHQ V/v: Thuế GTGT đối với tàu thuê từ nước ngoài để phục vụ hoạt động dầu khí | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2015 |
Kính gửi: | - Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố; - Các Cục Thuế tỉnh, thành phố. |
Thời gian qua, Bộ Tài chính nhận được phản ánh vướng mắc về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hoạt động thuê tàu AHTS công suất đến 16.000HP từ nước ngoài để phục vụ hoạt động dầu khí. Để thực hiện thống nhất, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Căn cứ quy định tại khoản 20 Điều 5 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 ngày 03/6/2008 thì hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật Thuế GTGT số 31/2013/Q13 ngày 19/6/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT quy định tàu bay, dàn khoan, tàu thủy thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo TSCĐ của doanh nghiệp hoặc thuê của nước ngoài để sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê, cho thuê lại thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014, thì: Trường hợp Nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác mỏ dầu, khí đốt nếu không đáp ứng được một trong các điều kiện nêu tại Điều 8 Mục 2 Chương II thì Bên Việt Nam có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay thuế GTGT trước khi thanh toán. Số thuế nộp thay tính bằng tổng số tiền thanh toán chưa bao gồm thuế GTGT nhân (x) với mức thuế suất thuế GTGT quy định đối với hàng hóa, dịch vụ do nhà thầu nước ngoài cung cấp.
Căn cứ ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 50/BKHĐT-KTCN ngày 07/01/2015.
Xét đề nghị của doanh nghiệp và hoạt động thuê tàu AHTS từ chủ tàu nước ngoài là để phục vụ hoạt động dầu khí của chủ đầu tư. Trong quá trình thực hiện, chủ tàu có thể đổi ca, thay tàu khác từ nước ngoài và tái xuất tàu hiện hành để bảo trì kĩ thuật nhằm đảm bảo hiệu quả công việc. Việc tạm nhập khẩu tàu thuê vào Việt Nam rồi tái xuất có thể diễn ra thường xuyên theo đặc thù hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí. Quy định mỗi lần nhập cảnh, đơn vị thuê tàu phải khai, nộp thuế GTGT nhập khẩu làm tăng số lần phải nộp thuế GTGT đối với 01 dịch vụ thuê tàu nếu đơn vị thay tàu, tăng thủ tục hành chính, phức tạp trong công tác quản lý đối với cả doanh nghiệp thuê tàu và cơ quan hải quan.
Do đó, trường hợp doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng thuê tàu AHTS công suất đến 16.000HP là dịch vụ từ nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài và thực hiện nhập cảnh vào Việt Nam để thực hiện hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác mỏ dầu, khí đốt, sau đó xuất cảnh khi kết thúc hợp đồng hoặc theo yêu cầu công việc, thì:
- Khi nhập khẩu, xuất khẩu tàu thuê, doanh nghiệp Việt Nam làm thủ tục hải quan theo loại hình tạm nhập tái xuất quy định tại Điều 50 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; kê khai, không phải nộp thuế GTGT với cơ quan hải quan.
- Khi thanh toán tiền thuê tàu cho chủ tàu nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam thực hiện kê khai nộp thuế nhà thầu nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam.
Trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu thì được kê khai, khấu trừ thuế GTGT theo quy định.
Công văn này thay thế điểm 2 công văn số 9586/BTC-TCHQ ngày 15/7/2015 của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính thông báo để các Cục Hải quan, Cục Thuế tỉnh, thành phố chỉ đạo, thống nhất việc thực hiện./.
Nơi nhận: - Như trên; - TT Đỗ Hoàng Anh Tuấn (để b/c); - Vụ Pháp chế; - Vụ Chính sách thuế; - Tổng cục Thuế; - Lưu: VT, TCHQ. | TL. BỘ TRƯỞNG KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG CỤC HẢI QUAN PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG Nguyễn Dương Thái |