BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC THUẾ ------------------- Số: 2378/TCT-CS V/v: Kê khai điều chỉnh thuế GTGT của dịch vụ cấp tín dụng, bảo lãnh. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------------------- Hà Nội, ngày 11 tháng 07 năm 2011 |
Kính gửi: Cục thuế tỉnh Bình Định.
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 234/CT-TT.HT ngày 22/02/2011 của Cục thuế tỉnh Bình Định về việc tính phạt nộp chậm do kê khai điều chỉnh thuế GTGT đối với dịch vụ bảo lãnh, cấp tín dụng. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Tại Điều 111 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 được Quốc hội khóa 11 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/11/2006 quy định:
“1. Người bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế có quyền đề nghị miễn xử phạt vi phạm pháp luật về thuế trong trường hợp gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp bất khả kháng khác.
…”;
Tổng cục Thuế có công văn số 757/TCT-PC ngày 6/3/2009 hướng dẫn chung về việc xử lý vi phạm hành chính về thuế đối với trường hợp người nộp thuế kê khai, xác định nghĩa vụ thuế chưa đúng do hướng dẫn của cơ quan thuế.
Theo quy định tại điểm 8 mục II phần A Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 hướng dẫn đối tượng không chịu thuế GTGT thì:
“a) Dịch vụ cấp tín dụng gồm các hình thức: cho vay; chiết khấu và tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác; bảo lãnh; cho thuê tài chính và các hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của pháp luật do các tổ chức tài chính, tín dụng tại Việt Nam cung ứng”;
Bộ Tài chính đã có công văn số 11754/BTC-CST ngày 6/9/2010 hướng dẫn:
“- Thư tín dụng (L/C): Thư tín dụng (L/C) là một phương thức bảo lãnh thanh toán quốc tế, thực chất là một cam kết thanh toán của ngân hàng phát hành (ngân hàng phục vụ người mua), đảm bảo là người mua sẽ thanh toán tiền mua hàng hóa cho người bán khi các điều kiện quy định trong thư tín dụng được thực hiện đúng và đầy đủ. Nếu người mua không thanh toán đúng hạn, ngân hàng phát hành thực hiện cho vay bắt buộc đối với người mua để thanh toán cho người bán. Vì vậy, các khoản thu về phát hành, xác nhận, thông báo thư tín dụng (L/C) là khoản thu bảo lãnh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
- Căn cứ các khoản thu khác của ngân hàng, tổ chức tín dụng từ dịch vụ bảo lãnh mà pháp luật không cấm, phù hợp với thông lệ quốc tế theo quy chế bảo lãnh ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước thì thuộc đối tượng không chịu thuế.
Trước ngày 18/3/2010 (ngày ban hành công văn 3316/BTC-CST nêu trên) nếu các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đã thực hiện tính thuế GTGT và phát hành hóa đơn GTGT, kê khai nộp đầy đủ số thuế đã tính đối với các khoản thu dịch vụ cấp tín dụng, bảo lãnh vào NSNN thì không thực hiện điều chỉnh lại”;
Bộ Tài chính cũng có công văn số 2811/BTC-CST này 3/3/2011 trả lời Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartedred về thuế GTGT đối với các khoản thu dịch vụ cấp tín dụng, bảo lãnh (đính kèm), trong đó hướng dẫn:
“Trong khoảng thời gian từ ngày 18/3/2010 đến ngày 6/9/2010, Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartedred đã tính, phát hành hóa đơn có thuế GTGT và kê khai nộp đầy đủ số thuế đã tính đối với khoản thu về phát hành, xác nhận, thông báo thư tín dụng (L/C) vào ngân sách nhà nước nếu chưa thực hiện điều chỉnh lại theo hướng dẫn tại công văn số 11754/BTC-CST ngày 06/9/2010 của Bộ Tài chính thì không thực hiện điều chỉnh lại”.
Căn cứ các hướng dẫn nêu trên, trường hợp trước ngày 6/9/2010 (ngày ban hành công văn số 11754/BTC-CST), ngân hàng đã xuất hóa đơn với mức thuế suất thuế GTGT 10% đối với dịch vụ phát hành, xác nhận, thông báo thư tín dụng (L/C), sau đó ngân hàng lập lại hóa đơn điều chỉnh từ thuế suất thuế GTGT 10% thành không chịu thuế thì khi khách hàng của ngân hàng kê khai, điều chỉnh giảm thuế GTGT đã khấu trừ và không bị phạt chậm nộp đối với số thuế GTGT phải nộp do kê khai điều chỉnh bổ sung nêu trên.
Tổng cục Thuế trả lời để Cục thuế tỉnh Bình Định được biết và hướng dẫn đơn vị thực hiện./.
Nơi nhận: - Như trên; - Vụ PC, CST-BTC; - Website TCT; - Lưu: VT, TC, CS (3b) | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG Cao Anh Tuấn |