BỘ TÀI CHÍNH -------- Số: 2988/BTC-TCHQ V/v: Thuế GTGT đối với thức ăn chăn nuôi là sản phẩm trồng trọt | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc -------------------- Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 2014 |
Kính gửi: | - Bộ Công Thương; - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. |
Bộ Tài chính nhận được phản ánh vướng mắc của một số Cục Hải quan địa phương và doanh nghiệp về việc áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với thức ăn chăn nuôi là sản phẩm trồng trọt. Về vấn đề này, Bộ Tài chính trao đổi với Quý Bộ như sau:
1. Nội dung vướng mắc:
Các doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng nông sản như: bắp hạt, đậu tương hạt, sắn lát khô, lúa mì, lúa đại mạch…, khai báo là làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi không phải là thức ăn gia súc, gia cầm ăn trực tiếp, đề nghị được áp dụng theo khoản 1 Điều 5 Luật thuế GTGT: “Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Cục Hải quan địa phương đã áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% cho các mặt hàng trên theo quy định tại Khoản 2, Điều 8 Luật thuế GTGT (Thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác chịu thuế suất thuế GTGT là 5%); Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 5/2/2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi (Thức ăn chăn nuôi là những sản phẩm mà vật nuôi ăn, uống ở dạng tươi, sống hoặc đã qua chế biến, bảo quản, bao gồm: nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hay thức ăn đơn, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung, phụ gia thức ăn chăn nuôi, premix, hoạt chất và chất mang).
Các doanh nghiệp và hải quan địa phương đề nghị hướng dẫn chính sách thuế GTGT đối với các mặt hàng nông sản chưa qua chế biến nhập khẩu làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
2. Quy định hiện hành:
a) Về thuế GTGT:
- Theo quy định tại Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12:
+ Khoản 1 Điều 5: “Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
+ Khoản 2 Điều 8: “Thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác…” áp dụng thuế suất thuế GTGT là 5%.
- Theo quy định tại tiết đ khoản 3 Điều 2 Nghị định 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế GTGT: “Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến hoặc chỉ qua sơ chế thông thường được bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng” thuộc trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.
- Theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính: “Thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác theo quy định của pháp luật về quản lý thức ăn chăn nuôi, bao gồm các loại đã qua chế biến hoặc chưa chế biến như cám, bã, khô dầu các loại, bột cá, bột xương, bột tôm và các loại thức ăn khác dùng cho gia súc, gia cầm và vật nuôi” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT là 5%.
- Theo quy định tại khoản 11 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính: “Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho các hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ không kê khai, tính nộp thuế GTGT … được khấu trừ toàn bộ”.
b) Về thức ăn chăn nuôi:
Theo quy định tại khoản 1, Điều 3, Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 5/2/2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi: “Thức ăn chăn nuôi là những sản phẩm mà vật nuôi ăn, uống ở dạng tươi, sống hoặc đã qua chế biến, bảo quản, bao gồm: nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hay thức ăn đơn, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung, phụ gia thức ăn chăn nuôi, premix, hoạt chất và chất mang”.
3. Hướng xử lý của Bộ Tài chính:
Từ thực tế quy định nêu trên, Bộ Tài chính thấy cần áp dụng chính sách thuế GTGT các mặt hàng thức ăn chăn nuôi là sản phẩm trồng trọt theo các nguyên tắc sau:
- Các mặt hàng là nông sản nhập khẩu có tính chất lưỡng tính, vừa là nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi chịu thuế suất thuế GTGT 5%, vừa là sản phẩm trồng trọt chưa qua chế biến thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT thì áp dụng mức thuế thấp hơn, ưu đãi hơn (không chịu thuế GTGT).
- Tôn trọng nguyên tắc đã cam kết trong WTO về không phân biệt đối xử giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu (nông sản do tổ chức cá nhân tự sản xuất bán ra thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, nông sản do doanh nghiệp, Hợp tác xã bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai tính nộp thuế GTGT), thống nhất không thu ở khâu kinh doanh trong nước thì cũng không thu ở khâu nhập khẩu.
- Tuy nhiên cũng cần tính đến việc hạn chế nhập siêu thức ăn chăn nuôi đã qua chế biến đồng thời nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước.
Theo các nguyên tắc áp dụng trên, xét thấy đây là sản phẩm nông sản có thể trực tiếp dùng làm thức ăn chăn nuôi, nhưng cũng mới là nguyên liệu đầu vào để sản xuất thức ăn chăn nuôi và để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo nguyên tắc pháp chế (hướng dẫn Luật thuế GTGT, Nghị định số 08/2010/NĐ-CP bằng văn bản quy phạm pháp luật), Bộ Tài chính dự kiến:
Hướng dẫn/quy định các mặt hàng là sản phẩm trồng trọt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường, làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật thuế GTGT.
Trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu thì được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào đã nộp ở khâu nhập khẩu.
Bộ Tài chính đề nghị Quý Bộ cho ý kiến tham gia về các nội dung vướng mắc nêu trên.
Ý kiến tham gia xin được nhận lại trước ngày 17/3/2014.
Xin trân trọng cảm ơn sự phối hợp trong công tác của Quý Bộ./.
Nơi nhận: - Như trên; - Bộ trưởng (để b/c); - Vụ CST (BTC), Vụ PC (BTC), Tổng cục Thuế; - Lưu: VT, TCHQ (14). | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Đỗ Hoàng Anh Tuấn |