BỘ TÀI CHÍNH -------- Số: 3229/BTC-CST V/v: Xử lý vướng mắc thực hiện Thông tư số 61/2006/TT-BTC ngày 29/6/2006 của Bộ Tài chính | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Hà Nội, ngày 13 tháng 03 năm 2013 |
Kính gửi: Cục Hải quan tỉnh An Giang.
Bộ Tài chính nhận được công văn số 1394/HQAG-NV ngày 12/9/2012 của Cục Hải quan tỉnh An Giang báo cáo vướng mắc thực hiện Thông tư số 61/2006/TT-BTC ngày 29/6/2006 của Bộ Tài chính. Sau khi trao đổi với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
- Theo quy định hiện hành, để được áp dụng chính sách miễn thuế theo Thông tư số 61/2006/TT-BTC doanh nghiệp phải có văn bản xác nhận cho phép đầu tư của cơ quan có thẩm quyền tại Campuchia nơi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư (bản chụp kèm bản dịch tiếng Việt có đóng dấu và xác nhận của doanh nghiệp).
Việc yêu cầu xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nhằm đảm bảo ưu đãi đúng đối tượng, chủng loại và tránh trường hợp khai tăng diện tích trồng trọt nhằm hưởng chính sách ưu đãi miễn thuế không đúng đối tượng và mục đích là tạo công văn việc làm cho người Việt Nam;
- Theo Luật Đầu tư1 của Vương quốc Campuchia, các Nhà đầu tư là công dân người Campuchia và/hoặc người nước ngoài (Nhà đầu tư có thể là một cá nhân hay pháp nhân) khi đầu tư tại Campuchia, căn cứ vào quy mô, lĩnh vực dự án đầu tư, Nhà đầu tư làm thủ tục đăng ký đầu tư tại Hội đồng Phát triển Campuchia (The Council for Development of Cambodia) hoặc tại các Tiểu ban Hội đồng Phát triển Campuchia đặt tại các tỉnh, thành phố. Hội đồng Phát triển Campuchia là cơ quan hành chính một cửa duy nhất cấp phép đầu tư, bao gồm 2 ủy ban chuyên trách: Ủy ban đầu tư nước ngoài (CIB), Ủy ban quản lý đầu tư khu kinh tế đặc biệt (CSEZB).
- Tại khoản a Điều 6 Hiệp định về quy chế biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Campuchia năm 1983 quy định: “Những người dân khu vực biên giới Bên này không được sang khu vực biên giới Bên kia cư trú, làm nhà, canh tác, lấy lâm thổ sản, săn bắn, chăn trâu bò, gia cầm…, đánh cá, bắt tôm trừ trường hợp được phép của chính quyền hai Bên từ cấp huyện trở lên”.
Như vậy, trường hợp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân Việt Nam sang các tỉnh của Campuchia giáp biên giới Việt Nam để thuê đất hoặc hỗ trợ đầu tư, trồng thì văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền của Campuchia gồm một trong các trường hợp sau:
- Đối với doanh nghiệp: cấp có thẩm quyền của Campuchia xác nhận cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Campuchia là:
+ Xác nhận cấp có thẩm quyền ở Trung ương:
Theo luật đầu tư của Campuchia, Hội đồng phát triển Campuchia (CDC) cấp phép cho những dự án đầu tư trên 2 triệu USD/dự án. Nếu doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, hỗ trợ đầu tư hoặc thuê đất tại các tỉnh của Campuchia giáp biên giới với Việt Nam với vốn đầu tư trên 2 triệu USD/dự án, thì cấp có thẩm quyền xác nhận là “Hội đồng phát triển Campuchia (CDC)”.
+ Xác nhận cấp có thẩm quyền ở địa phương:
Chính phủ Campuchia cho phép chính quyền cấp tỉnh thành lập Tiểu ban Hội đồng phát triển Campuchia và cấp phép đối với những dự án đầu tư dưới 2 triệu USD/dự án. Nếu doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, hỗ trợ đầu tư hoặc thuê đất tại các tỉnh của Campuchia giáp biên giới với Việt Nam với vốn đầu tư dưới 2 triệu USD/dự án, thì cấp có thẩm quyền xác nhận là “Tiểu ban Hội đồng phát triển Campuchia” tại tỉnh đó.
- Đối với hộ kinh doanh, cá nhân: Cấp có thẩm quyền của Campuchia xác nhận cho hộ kinh doanh, cá nhân đầu tư, hỗ trợ đầu tư hoặc thuê đất vào Campuchia là văn bản xác nhận của Chính quyền từ cấp huyện trở lên (theo Điều 6, khoản a của Hiệp định về quy chế biên giới giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia ký năm 1983).
Bộ Tài chính có ý kiến để Cục Hải quan tỉnh An Giang được biết và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện./.
Nơi nhận: - Như trên; - TCHQ; - Vụ PC, Vụ HTQT; - Lưu: VT, Vụ CST (PXNK). | TL. BỘ TRƯỞNG KT. VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH THUẾ PHÓ VỤ TRƯỞNG Lưu Đức Huy |