BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC THUẾ ------- Số: 3603/TCT-HTQT V/v: Thuế thu nhập cá nhân theo Hiệp định thuế giữa Việt Nam-Hàn Quốc. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 2016 |
Kính gửi: | - Cục thuế tỉnh Bắc Ninh - Công ty PMS Korea Div. of Spectric Hàn Quốc. |
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 01/2016/DTA-SDBN ngày 4/5/2016 của Công ty PMS Korea Div. of Spectric Hàn Quốc (“Công ty PMS Hàn Quốc”) đề nghị hướng dẫn việc xác định nghĩa vụ thuế của hai cá nhân nước ngoài đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công phát sinh tại Việt Nam từ việc thực hiện Hợp đồng mua bán sản phẩm và dịch vụ giữa Công ty TNHH Samsung Display Bắc Ninh (“Samsung Display Bắc Ninh”) với Công ty PMS Hàn Quốc. Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Hai nhân viên nói trên được xác định là đối tượng cư trú của Hàn Quốc (có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong một năm tính thuế) nên nghĩa vụ thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công phát sinh tại Việt Nam của các nhân viên này được căn cứ quy định tại Khoản 1 và 2, Điều 15 của Hiệp định thuế giữa Việt Nam - Hàn Quốc. Cụ thể:
“1. Thể theo quy định tại Điều 16, 18, 19, 20 và 21 các khoản tiền lương, tiền công, và các khoản tiền thù lao tương tự khác do một đối tượng cư trú của một Nước ký kết thu được từ lao động làm công sẽ chỉ bị đánh thuế tại Nước đó, trừ khi công việc của đối tượng đó được thực hiện tại Nước ký kết kia. Nếu công việc làm công được thực hiện như vậy, số tiền công trả cho lao động đó có thể bị đánh thuế tại Nước kia.
2. Mặc dù có những quy định tại khoản 1, tiền công do một đối tượng cư trú của một Nước ký kết thu được từ lao động làm công tại Nước ký kết kia sẽ chỉ bị đánh thuế tại Nước thứ nhất nếu:
a. người nhận tiền công có mặt ở Nước kia trong một thời gian hoặc nhiều thời gian gộp lại không quá 183 ngày trong bất kỳ giai đoạn 12 tháng, và
b. chủ lao động hay đại diện chủ lao động trả tiền công lao động không phải là đối tượng cư trú tại Nước kia, và
c. số tiền công không phải phát sinh tại một cơ sở thường trú hoặc cơ sở cố định mà người chủ lao động có tại Nước kia.”
Theo quy định trên, thu nhập của ông Cho Sungeun và ông Lee Tae Hee từ công việc lắp đặt máy móc (FMS - máy đo các yếu tố về môi trường như bụi bẩn, nhiệt độ, độ ẩm...) cho Samsung Display Bắc Ninh tại Việt Nam sẽ chỉ chịu thuế TNCN tại Hàn Quốc (được miễn thuế TNCN tại Việt Nam) nếu cả 3 điều kiện a, b và c nêu trên đồng thời được thỏa mãn.
Trong trường hợp này hai cá nhân người Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày (thỏa mãn điều kiện a.), nếu không thỏa mãn 1 trong 2 điều kiện b và c nêu trên, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế đối với thu nhập từ công việc làm công tại Việt Nam của các nhân viên này. Khi đó, Hàn Quốc có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp tránh đánh thuế hai lần đối với các nhân viên này theo quy định tại Khoản 2, Điều 23 (Các biện pháp xóa bỏ đánh thuế hai lần) của Hiệp định.
Do vậy đề nghị Cục thuế tỉnh Bắc Ninh kiểm tra thực tế Công ty PMS Hàn Quốc có thỏa mãn cả hai điều kiện tại khoản 2b và 2c như trên hay không.
Đối với điều kiện 2b. liên quan đến chủ lao động thực sự:
Căn cứ quy định tại điểm 3, Mục 10, Điều 31, Thông tư số 205/2013/TT-BTC ngày 24/12/2013 của Bộ Tài chính và thông tin do Công ty PMS Hàn Quốc cung cấp, trường hợp Công ty PMS Hàn Quốc cử hai cá nhân người Hàn Quốc sang làm việc tại Việt Nam, chịu trách nhiệm, rủi ro trong quá trình lắp đặt máy móc, bồi thường khi công việc không đạt chất lượng và kiểm soát toàn bộ công việc của hai cá nhân, đồng thời chịu trách nhiệm về địa điểm lao động, thì Công ty PMS Hàn Quốc được coi là chủ lao động của hai cá nhân người Hàn Quốc nêu trên.
Tổng cục Thuế thông báo Cục thuế tỉnh Bắc Ninh và Công ty PMS Hàn Quốc biết để thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn tại văn bản này.
Nơi nhận: - Như trên; - Vụ PC, TNCN; - Lưu: VT, HTQT (2b). | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG Đặng Ngọc Minh |