hieuluat

Công văn 367/TCT-CS thuế đối với Hợp đồng hợp tác kinh doanh

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Tổng cục ThuếSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:367/TCT-CSNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Công vănNgười ký:Cao Anh Tuấn
    Ngày ban hành:30/01/2015Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:30/01/2015Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Thuế-Phí-Lệ phí
  • BỘ TÀI CHÍNH
    TỔNG CỤC THUẾ
    ___________

    Số: 367/TCT-CS
    V/v Thuế đối với HĐ HTKD

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    ________________________

    Hà Nội, ngày 30 tháng 01 năm 2015

     

     

    Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Nam Định

     

    Tổng cục Thuế nhận được công văn số 4547/CT-TTHT ngày 09/12/2014 của Cục Thuế tỉnh Nam Định đề nghị hướng dẫn vướng mắc về kê khai thuế, sử dụng hóa đơn đối với hoạt động liên kết giữa Bệnh viện và Doanh nghiệp. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

    Tại Khoản 2 mục I, khoản 6 mục IV Thông tư số 15/2007/TT-BYT ngày 12/12/2007 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập quy định:

    - Khoản 2 mục I:

    “2. Các hình thức sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh giữa cơ sở y tế công lập và các tổ chức, cá nhân (sau đây gọi là đối tác) để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ thực hiện theo quy định của Thông tư này gồm:

    a) Hình thức phía đối tác và cơ sở y tế sử dụng tài sản là trang thiết bị, nhà cửa, cơ sở hạ tầng để liên doanh, liên kết tổ chức các hoạt động dịch vụ, hạch toán riêng các chi phí và phân chia thu nhập theo tỷ lệ góp vốn, mức độ tham gia của các bên.

    b) Hình thức cơ sở y tế công lập và phía đối tác liên doanh cùng góp vốn bằng tiền để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ.

    c) Hình thức phía đối tác đầu tư lắp đặt trang thiết bị, cơ sở y tế công lập tổ chức hoạt động cung cấp dịch vụ, trả phía đối tác theo số lượng dịch vụ đã thực hiện (thuê thiết bị và trả chi phí thuê theo dịch vụ).”

    - Khoản 6 mục IV:

    “6. Cơ chế tài chính và phân chia thu nhập

    a) Đối với hình thức quy định tại điểm a và điểm b mục 2 phần I của Thông tư này: Các đơn vị thỏa thuận với các bên đối tác để thống nhất đưa vào Đề án trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc sau:

    - Căn cứ vào tỷ lệ góp vốn, tài sản, mức độ tham gia của các bên, đảm bảo thu hồi được các chi phí của các bên đã chi trong quá trình thực hiện hoạt động liên doanh liên kết.

    - Phần được hưởng của các đơn vị công lập phải được thảo luận rộng rãi, dân chủ, công khai trong đơn vị và có ý kiến thống nhất của tổ chức công đoàn.

    Hình thức phân chia: theo tỷ lệ tính trên doanh thu hoặc tính trên chênh lệch thu chi sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế với nhà nước;

    - Phải dành một tỷ lệ nhất định để lập Quỹ dự phòng rủi ro cho một số trường hợp đặc biệt. Các bên tham gia phải thống nhất tỷ lệ, nguyên tắc sử dụng Quỹ này.

    b) Đối với hình thức quy định tại điểm c mục 2 phần I của Thông tư này: Các đơn vị căn cứ vào giá của thiết bị, vào đặc tính kỹ thuật của thiết bị và quy định về khấu hao tài sản tại mục 6 phần II để tính toán số tiền thuê thiết bị phải trả theo từng dịch vụ và thực hiện chi trả theo Đề án và hợp đồng đã ký với bên đối tác.

    c) Số tiền trích khấu hao của các hoạt động được sử dụng để chi trả cho các bên nhằm tái tạo tài sản sử dụng để liên doanh liên kết hoặc trả vốn góp cho các bên tham gia”.

    Tại điểm n khoản 3 Điều 5 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hướng dẫn: “n) Đối với hoạt động kinh doanh dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh:

    - Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ thì doanh thu tính thuế là doanh thu của từng bên được chia theo hợp đồng.

    - Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng sản phẩm thì doanh thu tính thuế là doanh thu của sản phẩm được chia cho từng bên theo hợp đồng.

    - Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh thu để xác định thu nhập trước thuế là số tiền bán hàng hóa, dịch vụ theo hợp đồng. Các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phải cử ra một bên làm đại diện có trách nhiệm xuất hóa đơn, ghi nhận doanh thu, chi phí, xác định lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp chia cho từng bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh. Mỗi bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh tự thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp của mình theo quy định hiện hành.

    - Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh thu để xác định thu nhập chịu thuế là số tiền bán hàng hóa, dịch vụ theo hợp đồng. Các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phải cử ra một bên làm đại diện có trách nhiệm xuất hóa đơn, ghi nhận doanh thu, chi phí và kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thay cho các bên còn lại tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh”.

    Tại khoản 6 Điều 8 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu nhập được miễn thuế: “6. Thu nhập được chia từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần, liên doanh, liên kết kinh tế với doanh nghiệp trong nước, sau khi bên nhận góp vốn, phát hành cổ phiếu, liên doanh, liên kết đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, kể cả trường hợp bên nhận góp vốn, phát hành cổ phiếu, bên liên doanh, liên kết được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp”.

    Như vậy, nếu căn cứ vào Luật thuế TNDN và Thông tư số 78/2014/TT-BTC nêu trên, trường hợp phát sinh Hợp đồng hợp tác kinh doanh thì việc thực hiện nộp thuế TNDN đối với hợp đồng hợp tác kinh doanh theo hai cách nêu trên phụ thuộc vào thỏa thuận các bên trong Hợp đồng hợp tác kinh doanh. Nếu theo quy định tại Khoản 6 Mục IV Thông tư số 15/2007/TT-BYT thì phải nộp thuế TNDN trước khi phân chia doanh thu hoặc chênh lệch thu chi. Nguyên tắc này cũng phù hợp với quan điểm thứ nhất nêu tại công văn số 4547/CT-TTHT ngày 09/12/2014 của Cục thuế và không trái với quy định của Luật thuế TNDN và sẽ đảm bảo thống nhất với các Hợp đồng hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực y tế theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

    Đề nghị Cục thuế Nam Định căn cứ quy định pháp luật nêu trên và thực tế phát sinh hoạt động kinh doanh tại địa phương để hướng dẫn đơn vị thực hiện nộp thuế theo đúng quy định và kịp thời vào Ngân sách nhà nước.

    Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế tỉnh Nam Định được biết./.

     

     Nơi nhận:
    - Như trên;
    - Vụ PC -BTC;
    - Vụ PC, KK- TCT;
    - Lưu: VT, CS (2b)

    KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
    PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




    Cao Anh Tuấn

     

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Công văn 367/TCT-CS thuế đối với Hợp đồng hợp tác kinh doanh

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Tổng cục Thuế
    Số hiệu:367/TCT-CS
    Loại văn bản:Công văn
    Ngày ban hành:30/01/2015
    Hiệu lực:30/01/2015
    Lĩnh vực:Thuế-Phí-Lệ phí
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Đang cập nhật
    Người ký:Cao Anh Tuấn
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X