BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC THUẾ ----------------- Số: 4282/TCT-CS V/v: Thuế GTGT đối với khoản hỗ trợ bảo vệ giá. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2012 |
Kính gửi: | - Cục thuế thành phố Hà Nội. - Cục thuế tỉnh Bắc Ninh. |
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 29215/CT-TTra3 ngày 13/11/2012 và công văn số 11578/CT-KTNB ngày 17/05/2012 của Cục thuế thành phố Hà Nội, công văn số 2126/CT-KT1 ngày 01/8/2012 của Cục thuế tỉnh Bắc Ninh đề nghị hướng dẫn về thuế GTGT đối với hỗ trợ bảo vệ giá. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Tại điểm 2.5 và điểm 2.19 mục IV, Phần B Thông tư số 129/2008/TT- BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT hướng dẫn về hóa đơn chứng từ mua bán hàng hóa, dịch vụ:
“2.5. Hàng hóa, dịch vụ có giảm giá thì trên hóa đơn ghi giá bán đã giảm, thuế GTGT, tổng giá thanh toán đã có thuế GTGT.
Nếu việc giảm giá áp dụng căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa, dịch vụ thực tế mua đạt mức nhất định thì số tiền giảm giá của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau. Trên hóa đơn phải ghi rõ số hóa đơn được giảm giá và số tiền được giảm giá”.
“2.19. Đối với cơ sở kinh doanh nhận tiền hỗ trợ của các cơ sở kinh doanh khác thì khi nhận tiền cơ sở kinh doanh lập chứng từ thu và xác định là khoản thu nhập khác để kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.
Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền hỗ trợ, căn cứ mục đích hỗ trợ đã được ghi trong hợp đồng hỗ trợ để lập chứng từ chi tiền”.
Căn cứ hướng dẫn trên, theo trình bày của Cục thuế tỉnh Bắc Ninh tại công văn số 2126/CT-KT1 ngày 01/8/2012 và Cục thuế thành phố Hà Nội tại công văn số 29215/CT-TTra3 ngày 13/11/2012 và công văn số 11578/CT-KTNB:
Trường hợp năm 2009 và năm 2010 Công ty cổ phần viễn thông Phú Thái ký hợp đồng mua bán sản phẩm điện thoại di động với Công ty TNHH Samsung Việt Nam. Hợp đồng mua bán giữa hai bên quy định: Công ty cổ phần viễn thông Phú Thái phải bán các sản phẩm mua từ Công ty TNHH Samsung Việt Nam (điện thoại di động nhãn hiệu Samsung) theo đúng giá đại lý Công ty TNHH Samsung Việt Nam quy định cho từng thời kỳ, đồng thời nhận được các khoản “Hỗ trợ bảo vệ giá” bằng tiền do Công ty TNHH Samsung Việt Nam trả trong trường hợp Công ty TNHH Samsung Việt Nam điều chỉnh giảm giá bán công bố đối với sản phẩm Công ty cổ phần viễn thông Phú Thái đã mua. Với cơ chế bán hàng trên của Công ty TNHH Samsung Việt Nam, Công ty TNHH Sam Sung đã không giảm trừ doanh thu thông qua việc điều chỉnh giảm giá trên hóa đơn GTGT bán hàng thì Công ty TNHH Samsung Việt Nam thực hiện hạch toán khoản chi phí hỗ trợ bảo vệ giá khách hàng trong chi phí bán hàng của doanh nghiệp. Công ty TNHH Samsung Việt Nam và Công ty TNHH Phú Thái đã lập Biên bản xác nhận và chứng từ thu, chi để bên nhận hỗ trợ (Công ty TNHH Phú Thái) làm căn cứ hạch toán vào thu nhập khác để kê khai, nộp thuế TNDN theo quy định, bên hỗ trợ (Công ty TNHH Samsung Việt Nam) hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định.
Theo đó, khoản thu “Hỗ trợ bảo vệ giá” của Công ty TNHH Phú Thái nhận được bằng tiền là khoản tiền hỗ trợ và không phải kê khai nộp thuế GTGT. Đối với Công ty TNHH Phú Thái khi bán hàng cho doanh nghiệp là đại lý cấp dưới hoặc người mua tiếp theo, nếu Công ty TNHH Phú Thái chi khoản “Hỗ trợ bảo vệ giá” thì Công ty TNHH Phú Thái không được giảm trừ trên hóa đơn GTGT mà phải hạch toán như một khoản chi phí hỗ trợ khách hàng trong chi phí bán hàng của doanh nghiệp (tương tự như khi Công ty TNHH Samsung chi khoản “hỗ trợ bảo vệ giá” cho Công ty TNHH Phú Thái).
Tổng cục Thuế trả lời để Cục thuế thành phố Hà Nội và Cục thuế tỉnh Bắc Ninh được biết./.
Nơi nhận: - Như trên; - Vụ PC, CST -BTC; - Vụ PC-TCT; - Vụ KK, Ttra-TCT; - Lưu: VT, CS (2b). | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG Cao Anh Tuấn |