hieuluat

Công văn 4895/TCHQ-TXNK thời hạn nộp thuế với nguyên liệu NK sản xuất xuất khẩu

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Tổng cục Hải quanSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:4895/TCHQ-TXNKNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Công vănNgười ký:Hoàng Việt Cường
    Ngày ban hành:17/09/2012Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:17/09/2012Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Thuế-Phí-Lệ phí
  • BỘ TÀI CHÍNH
    TỔNG CỤC HẢI QUAN
    --------------------
    Số: 4895/TCHQ-TXNK
    V/v: Thời hạn nộp thuế đối với nguyên liệu NK sản xuất xuất khẩu
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------
    Hà Nội, ngày 17 tháng 09 năm 2012
     
     
    Kính gửi: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam.
     
    Phúc đáp công văn số 93/2012/CV-VASEP ngày 09/9/2012 của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam kiến nghị tiếp tục áp dụng thời hạn nộp thuế 275 ngày đối với nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất xuất khẩu; Về vấn đề này; Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
    1. Theo quy định hiện hành tại Điều 42 Luật quản lý thuế, nếu là doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan và tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan người nộp thuế không có nợ tiền thuế quá hạn, tiền phạt chậm nộp thì vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu được áp dụng thời hạn nộp thuế là 275 ngày.
    Quy định trên đã giúp doanh nghiệp có thời gian thu xếp nguồn tiền để nộp thuế. Tuy nhiên, trên thực tế, do cơ chế thông thoáng trong việc thành lập doanh nghiệp và doanh nghiệp có thể không thường xuyên thực hiện xuất nhập khẩu, nên có tình trạng lợi dụng chính sách ân hạn thuế để chây ỳ nợ thuế, sau đó bỏ trốn hoặc tự giải thể. Đồng thời quy định này dẫn đến sự bất lợi cho hàng hóa sản xuất trong nước so với hàng nhập khẩu (không được hưởng ưu đãi), từ đó không khuyến khích sử dụng, tiêu dùng hàng nội địa trong bối cảnh hiện nay Chính phủ đang phát động phong trào ưu tiên dùng hàng Việt Nam và áp dụng các biện pháp chống nhập siêu; cơ quan quản lý thuế phải bố trí nguồn lực lớn cho công tác quản lý nợ thuế.v.v.
    Để khắc phục tình trạng trên, góp phần nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của công ty quản lý hành chính thuế, chống thất thu, giảm nợ thuế, thực hiện thu đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước, đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế (đa số các nước không cho nợ thuế, phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng - Thái Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Campuchia, Lào… . Một số nước cho chậm nộp thuế nhưng phải có bảo lãnh - Anh, hoặc cho nộp chậm với điều kiện có tài khoản do cơ quan Hải quan quản lý để đảm bảo việc nộp thuế - Newzeland), tại Tờ trình Quốc hội số 78/TTr-CP ngày 20/04/2012 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế, Chính phủ đã trình Quốc hội cho sửa đổi thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo đó, hàng hóa là vật tư nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu phải nộp tiền thuế trước khi được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Thời hạn bảo lãnh tối đa là 275 ngày. Trong thời hạn bảo lãnh không bị phạt chậm nộp thuế.
    2. Việc sửa đổi theo hướng trên sẽ có ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhưng phí bảo lãnh không cao (1-2% năm). So với hàng hóa khác, nguyên liệu sản xuất xuất khẩu vẫn được “ưu đãi” hơn (trong thời gian bảo lãnh nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu không phải trả lãi chậm nộp trong khi hàng hóa thông thường khác vẫn phải trả lãi chậm nộp). Trong trường hợp doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên thì có thể sử dụng L/C của các lô hàng kế tiếp làm tài sản ký cược bảo lãnh, và không làm phát sinh thêm tài sản ký quỹ. Đồng thời, phí bảo lãnh là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Thực tế hiện nay nhiều Hiệp hội, Tập đoàn, Tổng công ty… trong hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh của đơn vị đã có tổ chức kinh doanh thuộc lĩnh vực tài chính, tín dụng có chức năng bảo lãnh để thực hiện bão lãnh. Với quy định về ân hạn thuế có bảo lãnh không tính lãi chậm nộp trong thời gian bảo lãnh, doanh nghiệp cũng đã được hưởng lợi từ việc sử dụng luồng tiền thuế thực chất là chậm nộp mà không phải trả lãi chậm nộp (như các doanh nghiệp khác là 0,05%-0,07%/ngày). Như vậy, vẫn đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp trong việc sử dụng luồng tiền và góp phần giảm bớt chi phí nhà nước phải bỏ ra để quản lý, thu nợ thuế và thất thoát tiền thuế trong khi ý thức chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp chưa cao, lợi dụng quy định về ân hạn thuế và điều kiện thông thoáng về thành lập doanh nghiệp để nhập khẩu hàng hóa sau đó tự ngừng hoạt động, bỏ trốn.
    3. Nội dung sửa đổi theo hướng trên đã được lấy ý kiến các Bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan, thành viên Chính phủ. Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cũng đã họp và cho ý kiến về vấn đề này. Đa số các ý kiến nhất trí với việc sửa đổi theo hướng trên. Một số ý kiến đề nghị rút ngắn thời hạn bảo lãnh đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu xuống 180 ngày (thay vì 275 ngày như Dự thảo luật) hoặc theo thời gian quy định của chu kỳ sản xuất hàng xuất khẩu. Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ giải trình, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quy định thời hạn bảo lãnh tối đa đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu là 275 ngày như Dự thảo luật, không giảm xuống 180 ngày như một số ý kiến đã nêu và đã được Ủy ban ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2012.
    Từ cơ sở nêu trên, Tổng cục Hải quan đề nghị Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam hướng dẫn các doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện cần thiết, có chiến lược sản xuất kinh doanh thích hợp để đáp ứng với yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế.
    Trân trọng cảm ơn sự phối hợp công tác của quý Hiệp hội./.
     

     Nơi nhận:
    - Như trên;
    - Lưu: VT, TXNK-QLN(3b).
    KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
    PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




    Hoàng Việt Cường
     
  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 của Quốc hội
    Ban hành: 29/11/2006 Hiệu lực: 01/07/2006 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X