hieuluat

Công văn 57/TCT-CS về việc trích lập dự phòng

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Tổng cục ThuếSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:57/TCT-CSNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Công vănNgười ký:Cao Anh Tuấn
    Ngày ban hành:07/01/2016Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:07/01/2016Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Thuế-Phí-Lệ phí
  • BỘ TÀI CHÍNH
    TỔNG CỤC THUẾ
    -------
    Số: 57/TCT-CS
    V/v: Trích lập dự phòng
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------
    Hà Nội, ngày 07 tháng 01 năm 2016
     
     
    Kính gửi: Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh.
     
    Tổng cục Thuế nhận được công văn số 7827/CT-TTHT ngày 28/8/2015 của Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh về trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn của Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thành. Về vấn đề này, sau khi báo cáo và có ý kiến của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
    - Tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 7/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi và dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp tại doanh nghiệp hướng dẫn:
    “2. Thời điểm lập và hoàn nhập các khoản dự phòng là thời điểm cuối kỳ kế toán năm. Trường hợp doanh nghiệp được Bộ Tài chính chấp thuận áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch (bắt đầu từ ngày 1/1 và kết thúc 31/12 hàng năm) thì thời điểm lập và hoàn nhập các khoản dự phòng là ngày cuối cùng của năm tài chính.
    Đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán phải lập báo cáo tài chính giữa niên độ thì được trích lập và hoàn nhập dự phòng ở cả thời điểm lập báo cáo tài chính giữa niên độ.
    - Tại Điều 1 Thông tư số 89/2013/TT-BTC ngày 28/6/2013 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 228/2009/TT-BTC về dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính dài hạn như sau:
    “Điều 1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 Thông tư số 228/2009/TT-BTC như sau:
    a) Đối tượng: là các khoản vốn doanh nghiệp đang đầu tư vào tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật (bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần không đủ điều kiện để trích lập dự phòng theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 7/12/2009 của Bộ Tài chính, công ty liên doanh, công ty hợp danh) và các khoản đầu tư dài hạn khác phải trích lập dự phòng nếu tổ chức kinh tế mà doanh nghiệp đang đầu tư bị lỗ (trừ trường hợp lỗ theo kế hoạch đã được xác định trong phương án kinh doanh trước khi đầu tư).
    Việc trích lập dự phòng đầu tư dài hạn được thực hiện đối với các khoản đầu tư được trình bày theo phương pháp giá gốc, không áp dụng cho các khoản đầu tư trình bày theo phương pháp vốn chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
    b) Điều kiện: Doanh nghiệp chỉ thực hiện trích lập dự phòng khi tổng số vốn đầu tư thực tế của chủ sở hữu cao hơn tổng giá trị vốn chủ sở hữu thực có của tổ chức kinh tế được đầu tư.
    c) Phương pháp trích lập dự phòng:
    Mức trích cho mỗi khoản đầu tư tài chính bằng số vốn đã đầu tư và tính theo công thức sau:
     

    Mức trích dự phòng cho mỗi khoản đầu tư tài chính
    =
    Tổng vốn đầu tư thực tế của các bên tại tổ chức kinh tế
    -
    Vốn chủ sở hữu thực có của tổ chức kinh tế
    x
    Số vốn đầu tư của mỗi bên
    Tổng vốn đầu tư thực tế của các bên tại tổ chức kinh tế
     
    Trong đó:
    - Tổng vốn đầu tư thực tế của các bên tại tổ chức kinh tế được xác định trên Bảng cân đối kế toán năm của tổ chức kinh tế nhận vốn góp tại thời điểm trích lập dự phòng (mã số 411 và 412 Bảng cân đối kế toán - ban hành kèm theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).
    - Vốn chủ sở hữu thực có của tổ chức kinh tế được xác định trên Bảng cân đối kế toán năm của tổ chức kinh tế tại thời điểm trích lập dự phòng (mã số 410 Bảng cân đối kế toán - ban hành kèm theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).”.
    …”.
    - Tại khoản khoản 9 Điều 40, điểm b khoản 1 Điều 45, khoản 2 Điều 99 Thông tư sô 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp hướng dẫn:
    “9. Khi lập Báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải xác định giá trị khoản đầu tư bị tổn thất để trích lập dự phòng tổn thất đầu tư.”.
    “b) Dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác: Là khoản dự phòng tổn thất do doanh nghiệp nhận vốn góp đầu tư (công ty con, liên doanh, liên kết) bị lỗ dẫn đến nhà đầu tư có khả năng mất vốn hoặc khoản dự phòng do suy giảm giá trị các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết.”
    2. Đối tượng lập Báo cáo tài chính giữa niên độ (Báo cáo tài chính quý và Báo cáo tài chính bán niên):
    a) Doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ hoặc nắm giữ cổ phần chi phối, đơn vị có lợi ích công chúng phải lập Báo cáo tài chính giữa niên độ;
    b) Các doanh nghiệp khác không thuộc đối tượng tại điểm a nêu trên được khuyến khích lập Báo cáo tài chính giữa niên độ (nhưng không bắt buộc).
    …”.
    - Tại Điểm 2.19 khoản 2 Điều 4 Thông tư sô 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định khoản chi không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN như sau:
    "2.19. Trích, lập và sử dụng các khoản dự phòng không theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng: dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hoá công trình xây lắp và dự phòng rủi ro nghề nghiệp của doanh nghiệp thẩm định giá, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập.".
    Căn cứ các quy định nêu trên và theo trình bày tại công văn của Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh thì Công ty con mà Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh đầu tư góp vốn vào không thuộc đối tượng phái lập Báo cáo tài chính bán niên nhưng được khuyến khích lập Báo cáo tài chính bán niên. Do đó, trường hợp Công ty Bình Thạnh là tổ chức niêm yết trên thị trường chứng khoán (đơn vị phải lập và công bố thông tin về Báo cáo tài chính năm, bán niên) góp vốn đầu tư vào các Công ty con được thành lập theo quy định của pháp luật, nếu Công ty con lập Báo cáo tài chính bán niên năm 2015 và kết quả kinh doanh ghi nhận trên Báo cáo tài chính bán niên năm 2015 của Công ty con phát sinh lỗ (không phải là lỗ theo kế hoạch đã được xác định trong phương án kinh doanh trước khi đầu tư) và tổng số vốn đầu tư thực tế của các bên cao hơn tổng giá trị vốn chủ sở hữu thực có của Công ty con thì tại thời điểm lập Báo cáo tài chính bán niên Công ty Bình Thạnh được trích lập dự phòng đầu tư tàí chính dài hạn (căn cứ vào Bảng cân đối kế toán bán niên năm 2015 của Công ty con để tính trích 1ập dự phòng theo quy định) và tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
    Tổng cục Thuế thông báo Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh biết./.
     

    Nơi nhận:
    - Như trên;
    - Các Vụ: PC, CST, TCNH, TCDN (BTC);
    - Vụ PC (TCT);
    - Lưu: VT, CS (3b).
    KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
    PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




    Cao Anh Tuấn
  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X