hieuluat

Công văn 766/BNN-BVTV không áp thuế theo Thông tư 134/2008/TT-BTC với Công ty CP chế biến thuỷ hải sản Sơn Sơn

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:766/BNN-BVTVNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Công vănNgười ký:Bùi Bá Bổng
    Ngày ban hành:21/03/2012Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:21/03/2012Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Thuế-Phí-Lệ phí
  • BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
    -----------------
    Số: 766/BNN-BVTV
    V/v: đề nghị không áp thuế theo Thông tư 134/2008/TT-BTC đối với Công ty Cổ phần chế biến thủy hải sản Sơn Sơn
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    -----------------------------
    Hà Nội, ngày 21 tháng 03 năm 2012
     
     
    Kính gửi: Bộ Tài chính.
     
    Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) đã nhận được công văn số 01/CV-SS/2012 ngày 02/02/2012 của Công ty Cổ phần chế biến thủy hải sản Sơn Sơn (Sơn Sơn) với  nội dung đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cho phép miễn áp dụng nộp thuế nhà thầu theo Thông tư 134/2008/TT-BTC. Về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và PTNT có ý kiến với Bộ Tài chính như sau:
    Theo chủ trương của Chính phủ, đẩy mạnh và tạo điều kiện xuất khẩu cho nông sản Việt Nam, đặc biệt các nông sản thế mạnh như trái cây tươi, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống người nông dân; Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao cho Cục Bảo vệ thực vật – cơ quan Bảo vệ thực vật quốc gia Việt Nam thực hiện đàm phán với nhiều nước, đề nghị xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam, trong đó đã đàm phán và thực hiện thành công hàng loạt thủ tục để trái thanh long Việt Nam được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ.
    Tuy nhiên, để quản lý nguy cơ dịch hại, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS), là cơ quan Bảo vệ thực vật quốc gia Hoa Kỳ đưa ra yêu cầu thanh long Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải được xử lý bằng biện pháp chiếu xạ, và dưới sự giám sát của cán bộ APHIS.
    Tại nhiều nước trên thế giới, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện chương trình xúc tiến thương mại cho sản xuất xuất khẩu của quốc gia phải do nhà nước đảm nhiệm. Tuy nhiên trong điều kiện Việt Nam, việc nhà nước đầu tư cho một cơ sở xử lý chiếu xạ với dây chuyền hiện đại, được chuyên gia APHIS kiểm tra, chứng nhận là hết sức khó khăn và thanh long Việt Nam khó có cơ hội xâm nhập được vào thị trường Hoa Kỳ. Trước tình hình đó, Sơn Sơn là doanh nghiệp đã dám tiên phong đưa công nghệ xử lý chiếu xạ vào Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ. Doanh nghiệp này đã bỏ một khoản đầu tư không nhỏ và phải chấp nhận rủi ro rất lớn. Đây là việc làm rất đáng khuyến khích của doanh nghiệp, cùng chia sẻ khó khăn với nhà nước.
    Theo quy định của phía Hoa Kỳ và phù hợp với thông lệ quốc tế, APHIS sẽ cùng phía Việt Nam thực hiện chương trình kiểm dịch tại nước xuất (Pre-clearance). Đại diện của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Sơn Sơn đã ký một bản Kế hoạch thực hiện chiếu xạ (Irradiation Operational Work Plan, 2008). Trong đó quy định rõ trách nhiệm của mỗi bên liên quan trong việc này như:
    - APHIS cử cán bộ giám sát quá trình xử lý chiếu xạ tại cơ sở xử lý;
    - Cục Bảo vệ thực vật kiểm soát vùng trồng, cơ sở đóng gói, trao đổi thông tin với APHIS về tình trạng dịch hại, cử cán bộ cùng cán bộ APHIS thực hiện giám sát xử lý,…
    - Đại diện nhà xuất khẩu, cơ sở đóng gói, xử lý (cooperator): trả các chi phí liên quan để APHIS thực hiện chương trình này như chi phí hành chính, sinh hoạt phí cho cán bộ APHIS (ăn, ở,…), chi phí hỗ trợ các thiết bị cần thiết cho việc thực hiện giám sát,… Do đó, hàng năm, Sơn Sơn đều phải nộp một khoản tiền cho APHIS theo văn bản hợp tác đã ký kết.
    Như vậy, cùng với các cơ quan liên quan, Sơn Sơn đã góp phần vào thành công và mở đường cho thanh long Việt Nam thâm nhập được một thị trường tiềm năng với quy định KDTV ngặt nghèo như Hoa Kỳ. Song cho đến nay việc kinh doanh của Sơn Sơn cũng còn gặp nhiều khó khăn do hàng trái cây chỉ có theo mùa vụ, lượng hàng xử lý xuất khẩu chưa đạt hết công suất nhà máy, trong khi vẫn phải chịu các khoản chi phí lớn như đầu tư, chi phí thực hiện chương trình với APHIS,…
    Về bản chất, việc cán bộ APHIS sang Việt Nam và thực hiện các hoạt động kiểm dịch trên không phải là hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mà là thực hiện trách nhiệm của cơ quan bảo vệ thực vật quốc gia Hoa Kỳ, giám sát việc thực hiện xử lý hàng thực vật xuất sang Hoa Kỳ; do đó họ không phải là “Nhà thầu nước ngoài” hoặc “Nhà thầu phụ nước ngoài” – là đối tượng chịu sự điều chỉnh của Thông tư 134/2008/TT-BTC; Hơn nữa, khoản chi phí này cũng không phải là chi phí Sơn Sơn trả lương cho cán bộ APHIS, vì vậy cũng không thể coi là thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
    Tuy nhiên, cơ quan thuế yêu cầu Sơn Sơn phải đóng thuế nhà thầu theo Thông tư 134/2008/TT-BTC cho khoản chi phí mà Sơn Sơn đã nộp cho APHIS để thực hiện chương trình kiểm dịch trên (ngoài các khoản thuế khác mà Sơn Sơn đã nộp đầy đủ theo quy định).
    Vậy, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Bộ Tài chính xem xét và không áp dụng việc thu thuế nhà thầu đối với Sơn Sơn.
     

     Nơi nhận:
    - Như trên;
    - Tổng cục thuế;
    - Công ty CP CB THS Sơn Sơn;
    - Lưu: VT, BVTV
    KT. BỘ TRƯỞNG
    THỨ TRƯỞNG




    Bùi Bá Bổng
     
  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X