BỘ TÀI CHÍNH ------------------ Số: 7879/BTC-TCHQ V/v:Tuế NK xăng dầu trong phương tiện tự hành | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc -------------------------------- Hà Nội, ngày 13 tháng 06 năm 2014 |
Kính gửi: | - Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; - Công ty CP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương. (Tầng lửng, Tòa nhà PVFCCo, 43 Mạc Đĩnh Chi, P. Đa Kao, Q.1, TP. Hồ Chí Minh) |
Để xử lý vướng mắc về việc nộp thuế đối với xăng dầu nằm trong phương tiện vận tải tự hành nhập cảnh tạm nhập- tái xuất theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Thông tư 139/2013/TT-BTC ngày 09/10/2013, Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:
- Khi nhập khẩu xăng dầu chứa trong phương tiện vận tải tự hành thuê của nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, doanh nghiệp thực hiện kê khai lượng xăng dầu chứa trong tàu, trong đó xác định rõ số lượng xăng dầu dự kiến tiêu thụ tại Việt Nam và lượng tái xuất theo tàu. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp nộp thuế tính trên khối lượng xăng dầu ước tính tiêu thụ tại Việt Nam và xuất trình chứng thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng đối với số xăng dầu còn lại kèm theo văn bản cam kết sẽ thực hiện nộp đầy đủ số thuế. Điều kiện, thủ tục bảo lãnh thực hiện theo quy định tại Điều 21 Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính.
- Khi tái xuất, doanh nghiệp khai đầy đủ, chính xác số lượng xăng dầu thực tế đã sử dụng tại Việt Nam theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 128/2013/TT-BTC. Nếu số tiền thuế phải nộp tính trên lượng xăng dầu thực tế tiêu thụ nội địa nhỏ hơn số tiền thuế đã nộp thì doanh nghiệp được trả lại số tiền thuế nộp thừa thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 2 công văn này.
Trường hợp số tiền thuế thực tế phải nộp tính trên lượng xăng dầu tiêu thụ nội địa lớn hơn số tiền thuế đã nộp thì doanh nghiệp phải nộp bổ sung tiền thuế thiếu và tiền chậm nộp theo quy định.
- Căn cứ để xác định số lượng xăng dầu chứa trong phương tiện chuyên dùng là bản khai chung khi phương tiện chuyên dụng làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh theo quy định tại khoản 15 Điều 3 Thông tư 139/2013/TT-BTC. Trường hợp cơ quan Hải quan có nghi ngờ hoặc các cơ quan chức năng khác kiểm tra phát hiện doanh nghiệp khai báo không đúng số lượng xăng dầu chứa trong phương tiện tự hành nhập cảnh tại Việt Nam thì yêu cầu doanh nghiệp cung cấp giấy chứng nhận giám định khối lượng xăng dầu của cơ quan có thẩm quyền khi làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh.
2. Thủ tục, hồ sơ hoàn thuế đối với số lượng xăng dầu đã nộp thuế khi tạm nhập nhưng thực tế không tiêu thụ tại Việt Nam:
Thủ tục hoàn thuế đối với số lượng xăng dầu đã nộp thuế khi tạm nhập nhưng thực tế không tiêu thụ tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại Điều 26 và Điều 130 Thông tư số 128/2013/TT-BTC. Hồ sơ gồm:
+ Công văn đề nghị xử lý tiền thuế nộp thừa trong đó nêu rõ số tiền thuế nộp thừa, tiền thuế thực tế đã nộp; lý do nộp thừa, cách đề nghị xử lý: 01 bản chính;
+ Tờ khai hải quan nhập khẩu, xuất khẩu: 01 bản chính;
+ Các giấy tờ, tài liệu khác liên quan đến số tiền thuế nộp thừa: 01 bản chụp;
+ Chứng từ nộp thuế: 01 bản chụp, xuất trình bản chính để đối chiếu.
3. Giá tính thuế đối với xăng, dầu nhiên liệu chứa trong phương tiện vận tải tự hành nhập cảnh:
Theo quy định tại Điều 12 Thông tư 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010 thì trị giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên.
Đối chiếu với quy định trên thì giá tính thuế xăng, dầu nhiên liệu chứa trong phương tiện vận tải tự hành nhập khẩu vào Việt Nam là giá thực tế phải trả để mua nhiên liệu. Vì vậy, giá nhiên liệu ghi trên hóa đơn gần nhất do doanh nghiệp mua để phục vụ cho phương tiện vận tải tự hành nhập khẩu vào Việt Nam là cơ sở để xác định trị giá tính thuế theo quy định tại khoản 5 Điều 20 Thông tư 205/2010/TT-BTC.
Bộ Tài chính có ý kiến để Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Công ty CP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương được biết và thực hiện./.
Nơi nhận: - Như trên; - TT. Đỗ Hoàng Anh Tuấn (để b/c); - Vụ CST, Vụ Pháp chế; - Cục HQ các tỉnh, thành phố (để t/h); - Lưu: VT, TCHQ (47). | TL. BỘ TRƯỞNG KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG Nguyễn Dương Thái |