hieuluat

Công văn 901/CT-KTr4 về chính sách thuế của Cục thuế thành phố Hà Nội

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Cục thuế TP. Hà NộiSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:901/CT-KTr4Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Công vănNgười ký:Phi Vân Tuấn
    Ngày ban hành:15/01/2010Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:15/01/2010Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Thuế-Phí-Lệ phí
  • TỔNG CỤC THUẾ
    CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
    ----------------

    Số: 901/CT-KTr4
    V/v: Chính sách thuế

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

    ----------------------------

    Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2010

     

    Kính gửi: Tổng cục Thuế

     

     

    Thực hiện theo nội dung công văn số 5234/TCT-CS ngày 24/12/2009 của Tổng cục thuế về việc tham gia ý kiến các vướng mắc về chính sách thuế để thực hiện hướng dẫn quyết toán thuế TNDN năm 2009. Cục thuế Thành phố Hà Nội tham gia ý kiến nội dung như sau:

    1. Quy định về khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế tại điểm 2.27 mục IV Phần C Thông tư số 130/2008/TT-BTC như sau: “Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế”.

    Chuẩn mực kế toán số 16 trong hệ thống chuẩn mực kế toán ban hành và công bố theo Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ngày 31/12/2002 của Bộ Tài chính có nội dung: “Chi phí đi vay phải ghi nhận vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ khi phát sinh, trừ khi được vốn hóa theo quy định…”

    Theo các quy định trên, chi phí đi vay có phải phân bổ cho hàng tồn kho hay không, trừ khi được vốn hóa khi chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến đầu tư xây dựng hoặc sản xuất sản phẩm dở dang.

    2. Tại mục III Phần G Thông tư số 130/2008/TT-BTC hướng dẫn về việc kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Trong đó hướng dẫn kê khai thuế đối với các trường hợp: doanh nghiệp không phát sinh thường xuyên hoạt động chuyển nhượng bất động sản và doanh nghiệp phát sinh thường xuyên hoạt động chuyển nhượng bất động sản như sau:

    “Doanh nghiệp không phát sinh thường xuyên hoạt động chuyển nhượng bất động sản thực hiện khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo từng lần phát sinh chuyển nhượng bất động sản”.

    “Doanh nghiệp phát sinh thường xuyên hoạt động chuyển nhượng bất động sản thực hiện khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế theo hướng dẫn tại Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính”.

    - Do có khác nhau như vậy và hiện nay chưa có hướng dẫn để xác định như thế nào là không phát sinh thường xuyên và như thế nào là phát sinh thường xuyên hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

    3. Theo quy định tại điểm 2.b mục III Thông tư số 03/2009/TT-BTC ngày 13/01/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện giảm, gia hạn nộp thuế TNDN có quy định hướng dẫn thời gian gia hạn nộp thuế như sau:

    “Thời gian gia hạn nộp thuế là 9 tháng kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định của Luật quản lý thuế, cụ thể:

    - Số thuế tính tạm nộp của quý I năm 2009 được gia hạn nộp thuế chậm nhất đến ngày 29 tháng 1 năm 2010;

    - Số thuế tính tạm nộp của quý II năm 2009 được gia hạn nộp thuế chậm nhất đến ngày 29 tháng 4 năm 2010;

    - Số thuế tính tạm nộp của quý III năm 2009 được gia hạn nộp thuế chậm nhất đến ngày 30 tháng 7 năm 2010;

    - Số thuế tính tạm nộp của quý IV năm 2009 được gia hạn nộp thuế chậm nhất đến ngày 29 tháng 10 năm 2010.”

    Trường hợp phát sinh số thuế phải nộp thêm của hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tức là ngày thứ chín mươi kể từ khi kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính. Như vậy số thuế phát sinh phải nộp của hồ sơ khai quyết toán tiếp tục được gia hạn 9 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế.

    Thông tư số 03/2009/TT-BTC chưa nêu nội dung gia hạn số thuế phải nộp của hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN.

    4. Tại điểm 2.4 mục IV phần C Thông tư số 130/2008/TT-BTC quy định về chi phí của doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ không có hóa đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào (theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư này) có nội dung: “Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực. Trường hợp giá mua hàng hóa, dịch vụ trên bảng kê cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua hàng thì cơ quan thuế căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm mua hàng, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự trên thị trường xác định lại mức giá để tính lại chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế.”

    Khoản 1.2(b), Mục II, Phần G Thông tư 130/2008/TT-BTC về chi phí giá vốn trong chuyển nhượng bất động sản quy định:

    “Đối với đất có nguồn gốc do góp vốn thì giá vốn là giá trị quyền sử dụng đất, quyền thuê đất theo biên bản định giá tài sản khi góp vốn;

    Trường hợp giá vốn của đất theo biên bản góp vốn cao hơn giá thị trường tại thời điểm góp vốn thì cơ quan thuế căn cứ vào giá đất của thị trường tại thời điểm góp vốn để xác định lại mức giá đất khi xác định thu nhập chịu thuế”.

    Đề nghị Tổng cục thuế có văn bản hướng dẫn cách thức, thủ tục thực hiện công tác xác định lại mức giá theo giá thị trường tại thời điểm. Về mặt thời gian, khi đi kiểm tra thường thời điểm mua hàng xảy ra trước đó một hoặc nhiều năm.

    5. Về các khoản chi phí trích trước: Khoản 2.18, Mục IV, Phần B Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính quy định về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế có nội dung:

    “Các khoản chi phí trích trước theo kỳ hạn mà đến kỳ hạn chưa chi hoặc chi không hết.

    Các khoản trích trước bao gồm: trích trước về sửa chữa lớn tài sản cố định theo chu kỳ, các khoản trích trước đối với hoạt động đã hạch toán doanh thu nhưng còn tiếp tục phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng và các khoản trích trước khác.” 

    Các khoản trích trước đối với hoạt động đã hạch toán doanh thu nhưng còn tiếp tục phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng là nội dung mới. Để việc thực hiện được thống nhất, tránh xử lý tùy tiện, đề nghị trong hướng dẫn quyết toán thuế TNDN năm 2009 cần có hướng dẫn cụ thể phương pháp, căn cứ xác định khoản chi phí trích trước này.

    6. Tại Khoản 2.2, Mục IV, Phần C Thông tư 130/2008/TT-BTC về chi phí khấu hao tài sản cố định được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế quy định:

    “Tài sản cố định góp vốn, tài sản cố định điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình có đánh giá lại theo quy định thì doanh nghiệp nhận tài sản cố định này được tính khấu hao vào chi phí được trừ theo nguyên giá đánh giá lại”.

    Theo quy định trên, trường hợp doanh nghiệp nhận tài sản cố định giá đánh giá lại nguyên giá cao hơn thực tế, dẫn đến tăng chi phí khấu hao, giảm thu nhập chịu thuế. Cần có hướng dẫn để tránh doanh nghiệp đánh giá lại nguyên giá không phù hợp giá thị trường và hạch toán tăng chi phí khấu hao không hợp lý.

    7. Tại điểm d 2.2 mục IV phần C Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNDN có quy định: “Doanh nghiệp phải đăng ký phương pháp trích khấu hao tài sản cố định mà doanh nghiệp lựa chọn áp dụng với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi bắt đầu thực hiện trích khấu hao. Hàng năm doanh nghiệp tự quyết định mức trích khấu hao tài sản cố định theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định kể cả trường hợp khấu hao nhanh. Trong thời gian hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có thay đổi mức trích khấu hao nhưng vẫn nằm trong mức quy định thì doanh nghiệp được điều chỉnh lại mức trích khấu hao nhưng thời hạn cuối cùng của việc điều chỉnh là thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm trích khấu hao”.

    Tại điểm d 2.2 mục IV phần C Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNDN có quy định: “Mức tiêu hao hợp lý nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa sử dụng vào sản xuất, kinh doanh do doanh nghiệp tự xây dựng. Mức tiêu hao hợp lý được xây dựng từ đầu năm hoặc đầu kỳ sản xuất sản phẩm và thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 3 tháng kể từ khi bắt đầu đi vào sản xuất theo mức tiêu hao được xây dựng. Trường hợp doanh nghiệp trong thời gian sản xuất kinh doanh có điều chỉnh bổ sung mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa thì doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Thời hạn cuối cùng của việc thông báo cho cơ quan thuế việc điều chỉnh, bổ sung mức tiêu hao là thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp một số nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, hàng hóa Nhà nước đã ban hành định mức tiêu hao thì thực hiện theo định mức của Nhà nước đã ban hành.”

    Cần có hướng dẫn chế tài xử lý đối với trường hợp doanh nghiệp không thông báo cho cơ quan thuế mức tiêu hao hợp lý nguyên liệu, vật liệu, doanh nghiệp không đăng ký phương pháp trích khấu hao tài sản cố định với cơ quan thuế.

    - Trường hợp khác, doanh nghiệp có thực hiện đăng ký với cơ quan thuế mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu nhưng mức đăng ký cao vượt mức thực tế tiêu thụ. Ví dụ: doanh nghiệp sản xuất mua nguyên vật liệu không có hóa đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào (theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 130/2008/TT-BTC); Doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển đăng ký mức tiêu hao xăng dầu chiếm tỷ lệ cao bất hợp lý so với doanh thu và tổng chi phí trong kỳ. Các doanh nghiệp trên đăng ký cao vượt mức thực tế tiêu thụ và bằng nhiều cách hợp thức được chứng từ mua vào. Khi đi kiểm tra, cơ quan thuế chỉ chấp nhận định mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu khống chế là rất khó thực hiện, do mức tiêu hao của từng phương tiện, máy móc, thiết bị cũ và mới khác nhau, hơn nữa mức tiêu hao khi vận chuyển, thi công trên các địa bàn cũng có sự chênh lệch khác nhau, định mức tiêu hao nhiều loại nguyên nhiên vật liệu không có văn bản của cơ quan Nhà nước quy định. Việc xác định và loại trừ chi phí bất hợp lý ở một số trường hợp là khó thực hiện.

    8. Tại điểm 2.15 mục IV phần C Thông tư số 130/2008/TT-BTC quy định về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế có nội dung: “Chi trả lãi tiền vay để góp vốn điều lệ hoặc chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp kể cả trường hợp doanh nghiệp đã đi vào sản xuất kinh doanh.”

    Trường hợp doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ, đang hoạt động kinh doanh, vay bổ sung vốn để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, đồng thời để góp vốn thành lập doanh nghiệp khác. Như khoản lãi vay tương ứng với vốn góp thành lập doanh nghiệp khác có được xác định là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế hay không?

    9. Tại điểm 2.1 mục IV phần C Thông tư số 130/2008/TT-BTC quy định về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế có nội dung: “Khoản chi không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Mục này, trừ phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường.

    Doanh nghiệp phải tự xác định rõ tổng giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh và trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật.

    Phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường được xác định bằng tổng giá trị tổn thất trừ phần bồi thường do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thanh toán theo quy định của pháp luật.”

    Để tránh tình trạng xử lý tùy tiện hoặc lợi dụng kê khai khống về khoản chi phí này hoặc Người nộp thuế không biết cách chứng minh về giá trị thiệt hại dẫn đến không được chấp nhận vào chi phí SXKD… đề nghị trong hướng dẫn quyết toán cần có hướng dẫn cụ thể các thủ tục, hồ sơ, chứng từ người nộp thuế cần phải có khi phát sinh thiệt hại để được trừ vào chi phí SXKD khi xác định thu nhập chịu thuế.

    10. Tại điểm b, điểm e khoản 2 Điều 7 Luật kinh doanh bất động sản (Luật số 63/2006/QH11 ngày 29/06/2006) quy định về điều kiện đối với bất động sản đưa vào kinh doanh như sau: “Trường hợp chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất thuộc dự án khu đô thị mới, dự án… thì phải có các công trình hạ tầng tương ứng với nội dung và tiến độ của dự án đã được phê duyệt”.

    Tại điểm 1 mục I phần G Thông tư số 130/2008/TT-BTC quy định về thu nhập thuộc diện nộp thuế từ chuyển nhượng bất động sản có nội dung: “Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản bao gồm thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền thuê đất, cho thuê lại đất của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về đất đai không phân biệt có hay chưa có kết cấu hạ tầng, công trình kiến trúc gắn liền với đất.

    Như vậy đang có quy định khác nhau giữa các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.

    Cục thuế Thành phố Hà Nội báo cáo Tổng cục thuế các nội dung vướng mắc chính sách nêu trên./.

    Nơi nhận:
    - Như trên;
    - Lưu HC, KTr4 (2 bản).

    KT. CỤC TRƯỞNG
    PHÓ CỤC TRƯỞNG




    Phi Vân Tuấn

     

  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X