CHÍNH PHỦ ------- Số: 41/NQ-CP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 26 tháng 5 năm 2016 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI THUẾ THÚC ĐẨY VIỆC PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TẠI VIỆT NAM
---------------
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
QUYẾT NGHỊ:
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, coi trọng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) với mục tiêu đưa ngành công nghệ thông tin trở thành một công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới và bảo vệ Tổ quốc; là ngành kinh tế - kỹ thuật tăng trưởng nhanh và bền vững, có vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng phát triển kinh tế tri thức; phát triển ngành CNTT Việt Nam lên tầm cỡ khu vực và thế giới.
Triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển CNTT, hệ thống chính sách thuế đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, qua đó đóng góp vào thành tựu phát triển quan trọng của ngành CNTT. Tuy nhiên nếu so với các nước phát triển trong khu vực và thế giới, ngành CNTT Việt Nam vẫn đang ở quy mô nhỏ; công nghiệp phần mềm - nội dung số mặc dù phát triển nhanh, nhưng còn manh mún, thiếu tập trung nguồn lực; năng lực nghiên cứu và phát triển chưa cao, đội ngũ nhân lực còn thiếu về số lượng và yếu về các kỹ năng chuyên sâu; công nghiệp phần cứng, điện tử nặng về lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng giá trị gia tăng đem lại không cao; sức cạnh tranh còn thấp.
Để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp CNTT, đẩy mạnh thu hút đầu tư phục vụ cho phát triển CNTT theo các mục tiêu đã đặt ra trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cần thiết phải có thêm các chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách ưu đãi thuế nhằm thúc đẩy hơn nữa ứng dụng và phát triển CNTT tại Việt Nam.
II. CÁC GIẢI PHÁP VỀ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI THUẾ THUỘC THẨM QUYỀN CỦA QUỐC HỘI
1. Bổ sung thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện các dự án: sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số, dịch vụ phần mềm, sản xuất sản phẩm CNTT trọng điểm, dịch vụ khắc phục sự cố an toàn thông tin, bảo vệ an toàn thông tin được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như mức đang áp dụng đối với dự án sản xuất sản phẩm phần mềm theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
2. Giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực CNTT, là đội ngũ những người có trình độ và kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực CNTT; dịch vụ công nghệ cao trong lĩnh vực CNTT, quản lý hoạt động công nghệ cao trong lĩnh vực CNTT; vận hành các thiết bị, dây truyền sản xuất sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực CNTT; quản lý an toàn hệ thống thông tin.
III. CÁC GIẢI PHÁP VỀ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI THUẾ THUỘC THẨM QUYỀN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
1. Bổ sung các hoạt động CNTT cần đặc biệt khuyến khích là: Sản xuất và dịch vụ phần mềm; dịch vụ thiết kế, tư vấn CNTT; dịch vụ tích hợp hệ thống; dịch vụ quản lý, duy trì hệ thống CNTT (ứng dụng, mạng, thiết bị); dịch vụ thuê ngoài hệ thống CNTT; dịch vụ bảo mật hệ thống thông tin không sử dụng mật mã dân sự; dịch vụ xử lý, khai thác dữ liệu cơ sở dữ liệu; dịch vụ tìm kiếm thông tin trên mạng; dịch vụ trung tâm dữ liệu Data center; dịch vụ thuê ngoài BPO, KPO cho xuất khẩu; dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử vào Danh mục hoạt động thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.
2. Trường hợp dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực CNTT cần đặc biệt khuyến khích đầu tư quy định tại Điểm 1 Mục này có sử dụng thường xuyên trên 1.000 lao động (kể cả trường hợp dự án đã hết thời gian 15 năm hưởng thuế suất 10%), được kéo dài thêm thời gian áp dụng mức thuế suất 10% trong 15 năm.
1. Bộ Tài chính có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn thực hiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động công nghệ thông tin thuộc Danh mục lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành trong tháng 10 năm 2016.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ báo cáo Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung các Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân để thực hiện các giải pháp nêu tại Mục II Nghị quyết này vào thời điểm thích hợp.
c) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các giải pháp về thuế tại Nghị quyết này để tổ chức, cá nhân biết và theo dõi, giám sát việc thực hiện.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:
a) Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định thí điểm quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm phần mềm, dịch vụ phần mềm và nội dung thông tin số, hoàn thành trong tháng 8 năm 2016.
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng tiêu chí, điều kiện xác định cụ thể đối với một số hoạt động dịch vụ phần mềm quan trọng để được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp khi trình Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
c) Phối hợp với Bộ Tài chính để đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các giải pháp về thuế nêu tại Nghị quyết này.
3. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm:
a) Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung các hoạt động CNTT cần đặc biệt khuyến khích nêu tại Điểm 1 Mục III Nghị quyết này vào Danh mục hoạt động thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển. Thời gian hoàn thành trong tháng 8 năm 2016.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành liên quan xây dựng tiêu chí, điều kiện xác định cụ thể đối với nhân lực công nghệ cao để xem xét hưởng ưu đãi thuế thu nhập cá nhân khi trình Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập cá nhân, đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đảm bảo chính sách ưu đãi thuế đúng đối tượng.
4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và phối hợp triển khai thực hiện các giải pháp tại Nghị quyết này nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Bám sát tình hình thực tế, chủ động theo dõi, đánh giá để có biện pháp xử lý linh hoạt, kịp thời hoặc kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền những giải pháp chỉ đạo, điều hành kịp thời, hiệu quả./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - UB Giám sát tài chính quốc gia; - Kiểm toán Nhà nước; - Ngân hàng Chính sách xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: Văn thư, KTTH (3b). | TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Nguyễn Xuân Phúc
|