hieuluat

Thông tư 54-TC/TCT quản lý lệ phí đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài hồi hương

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Tài chínhSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:54-TC/TCTNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Thông tưNgười ký:Vũ Mộng Giao
    Ngày ban hành:16/08/1997Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:16/08/1997Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Thuế-Phí-Lệ phí
  • Thông tư

    THÔNG TƯ

    CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 54 TC/TCT NGÀY 16 THÁNG 8 NĂM 1997
    HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ THU, NỘP VÀ QUẢN LÝ LỆ PHÍ ĐỐI VỚI
    CÔNG DÂN VIỆT NAM ĐỊNH CƯ Ở NƯỚC NGOÀI
    HỒI HƯƠNG VỀ VIỆT NAM

     

    Căn cứ Điều 7, Điều 8, Điều 9 Quyết định số 875/TTg ngày 21/11/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài (dưới đây viết tắt là công dân VNĐCNN) hồi hương về Việt Nam;

    Căn cứ Quyết định số 276/CT ngày 28/7/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc quản lý các loại phí và lệ phí;

    Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được hồi hương về Việt Nam như sau:

     

    I. ĐỐI TƯỢNG NỘP VÀ MỨC THU LỆ PHÍ:

     

    1. Đối tượng nộp lệ phí: công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài khi được hồi hương về Việt Nam thì phải nộp lệ phí (dưới đây gọi là lệ phí hồi hương) theo quy định tại Thông tư này, trừ trường hợp quy định tại điểm 2, mục này.

    2. Không phải nộp lệ phí hồi hương đối với thân nhân là trẻ em dưới 16 tuổi kê khai cùng đơn với người được hồi hương.

    Thủ trưởng cơ quan cấp giấy thông hành hồi hương (đối với người được hồi hương đang ở nước ngoài) hoặc thủ trưởng cơ quan cấp giấy giới thiệu cho người hồi hương đăng ký hộ khẩu thường trú (đối với người hồi hương đã về Việt Nam) xét, quyết định trường hợp không phải nộp lệ phí hồi hương quy định tại điểm này.

    3. Mức thu lệ phí hồi hương một người/lần: 100 USD (một trăm đôla Mỹ).

    Lệ phí hồi hương nộp tại Việt Nam thu bằng tiền "đồng" Việt Nam, quy đổi theo tỷ giá chính thức do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thu lệ phí; trường hợp người nộp lệ phí có nhu cầu nộp bằng tiền nước ngoài thì được nộp bằng tiền đôla Mỹ theo mức thu quy định tại điểm này.

    Lệ phí hồi hương nộp tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài thì được nộp bằng đôla Mỹ hoặc bằng tiền của nước sở tại quy đổi theo tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước hoặc Ngân hàng thương mại có thẩm quyền của nước sở tại công bố tại thời điểm nộp tiền.

     

    II. TỔ CHỨC THU, NỘP VÀ QUẢN LÝ:

     

    1. Đối với lệ phí hồi hương thu tại Việt Nam:

    a. Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi người hồi hương thường trú) có nhiệm vụ tổ chức thu lệ phí hồi hương đối với những công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đã về và đang ở tại Việt Nam. Cơ quan thu lệ phí hồi hương có trách nhiệm:

    - Đăng ký việc thu lệ phí hồi hương với cơ quan Thuế địa phương nơi đóng trụ sở, thực hiện mở sổ sách kế toán, sử dụng chứng từ thu, nộp và sử dụng lệ phí hồi hương theo quy định của Bộ Tài chính.

    - Tổ chức thu lệ phí hồi hương trước khi cấp giấy giới thiệu (gọi chung là giấy phép) cho người hồi hương làm thủ tục đăng ký hộ khẩu thương trú theo thông báo của Bộ Nội vụ và thực hiện nộp lệ phí hồi hương đúng chế độ quy định. Khi thu tiền phải cấp biên lai thu lệ phí cho người nộp tiền (loại biên lai do Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) phát hành, do Cục Thuế tỉnh, thành phố nơi đơn vị thu đóng trụ sở cấp).

    - Hàng năm thực hiện quyết toán thu, nộp, sử dụng tiền thu lệ phí đồng thời với việc sử dụng chứng từ thu lệ phí (biên lai) với cơ quan Thuế và gửi báo cáo quyết toán cho cơ quan Thuế trực tiếp quản lý trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày kết thúc năm.

    b. Thủ tục nộp ngân sách và quản lý lệ phí hồi hương:

    - Định kỳ một tháng một lần, cơ quan thu lệ phí hồi hương thực hiện kê khai với cơ quan Thuế nơi đóng trụ sở về số lượng người được cấp giấy phép hồi hương, các trường hợp không thu lệ phí và số tiền lệ phí thu được trong kỳ.

    Cơ quan Thuế kiểm tra tờ khai, tính và ra thông báo cho cơ quan thu số tiền phải nộp vào ngân sách nhà nước 90% số lệ phí thu được trong kỳ, thời hạn nộp và chương, loại, khoản tương ứng, mục 042 (tiểu mục 03), mục lục ngân sách nhà nước quy định.

    Căn cứ vào thông báo của cơ quan Thuế, cơ quan thu thực hiện nộp đầy đủ, kịp thời số lệ phí phải nộp vào ngân sách nhà nước (cơ quan thu thuộc Trung ương quản lý thì nộp vào ngân sách Trung ương; cơ quan thu thuộc tỉnh, thành phố quản lý thì nộp vào ngân sách địa phương).

    - Cơ quan trực tiếp thu lệ phí hồi hương được tạm trích lại 10% số tiền lệ phí hồi hương thu được trong kỳ (kể cả số ngoại tệ thu được quy đổi ra tiền Việt Nam) để chi phí cho công việc tổ chức thu lệ phí hồi hương theo nội dung cụ thể sau đây:

    - In (hoặc mua) mẫu đơn, tờ khai, hồ sơ liên quan và giấy thông hành hồi hương.

    - Trả thù lao cho cán bộ công nhân viên chuyên trách việc thu lệ phí phải làm việc ngoài giờ hành chính nhà nước (nếu có) theo chế độ Nhà nước quy định.

    Việc chi trả tiền thu lao cho cán bộ công nhân viên làm ngoài giờ phải có bảng chấm công làm thêm giờ, bảng kê thanh toán lương làm thêm theo chế độ, có ký nhận của người lao động. Các khoản chi phí phải có chứng từ thanh toán hợp lý, hợp lệ theo quy định của Nhà nước. Toàn bộ số tiền lệ phí được tạm trích (10%) nêu tại tiết này, cơ quan thu phải sử dụng đúng mục đích, cuối năm quyết toán nếu chưa chi hết, phải nộp tiếp số tiền còn lại vào Ngân sách nhà nước.

    2. Đối với lệ phí hồi hương thu ở nước ngoài:

    Cơ quan đại diện (CQĐD) ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài tổ chức thu lệ phí hồi hương đối với những công dân Việt Nam đang ở nước ngoài.

    Lệ phí hồi hương thu trước khi cấp giấy phép hồi hương theo thông báo của Bộ Nội vụ. Khi thu tiền phải cấp cho người nộp tiền biên lai thu lệ phí do Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) phát hành (biên lai do Cục Thuế Hà Nội cấp cho Bộ Ngoại giao để chuyển cho các CQĐD). Tiền lệ phí hồi hương thu được phải nộp 100% vào quỹ tạm giữ của ngân sách Nhà nước ở các CQĐD. Cuối quý, cuối năm, các CQĐD kê khai và quyết toán việc thu, nộp lệ phí hồi hương trong kỳ với Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao.

     

    III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

     

    1. Cơ quan Thuế có trách nhiệm cấp đầy đủ biên lai thu lệ phí cho cơ quan thu, tổ chức kiểm tra, đôn đốc các cơ quan thu lệ phí thực hiện chế độ thu, nộp lệ phí; việc quản lý và sử dụng biên lai thu lệ phí, thực hiện chế độ sổ sách, chứng từ kế toán theo đúng chế độ quy định.

    2. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Mọi quy định trước đây về lệ phí hồi hương trái với quy định tại Thông tư này đều bãi bỏ.

     

    Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan cần phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao để nghiên cứu giải quyết.

  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X