Cơ quan ban hành: | Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính | Số công báo: | 591&592 - 11/2008 |
Số hiệu: | 90/2008/TTLT-BTC-BLĐTBXH | Ngày đăng công báo: | 01/11/2008 |
Loại văn bản: | Thông tư liên tịch | Người ký: | Đàm Hữu Đắc, Phạm Sĩ Danh |
Ngày ban hành: | 16/10/2008 | Hết hiệu lực: | 15/09/2013 |
Áp dụng: | 16/11/2008 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Thuế-Phí-Lệ phí, Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, Chính sách |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA BỘ TÀI CHÍNH - BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
SỐ 90/2008/TTLT-BTC-BLĐTBXH NGÀY 16 THÁNG 10 NĂM 2008
HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ DỰ ÁN TĂNG CƯỜNG
NĂNG LỰC DẠY NGHỀ THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU
QUỐC GIA GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO ĐẾN NĂM 2010
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ- CP ngày 6 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 07/2008/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo đến năm 2010;
Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Dự án tăng cường năng lực dạy nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo đến năm 2010 như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các cơ quan, đơn vị có sử dụng nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách nhà nước để thực hiện Dự án tăng cường năng lực dạy nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo đến năm 2010 (sau đây gọi tắt là Dự án).
Trường hợp Dự án có sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển, vốn viện trợ không hoàn lại thì thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước và của nhà tài trợ hướng dẫn riêng cho các nguồn vốn này.
2. Nguyên tắc phân bổ kinh phí:
a) Chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị phải được Thủ trưởng các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương phê duyệt đối với các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí Dự án thuộc Trung ương quản lý; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh) phê duyệt đối với các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí Dự án thuộc địa phương quản lý.
b) Ưu tiên đầu tư cho ba trường tiếp cận trình độ khu vực vào năm 2010, trường trọng điểm, các trung tâm dạy nghề được đầu tư tập trung theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; các cơ sở dạy nghề thuộc tỉnh khó khăn; khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%.
c) Kinh phí hàng năm phân bổ cho các cơ sở dạy nghề căn cứ vào tình hình thực hiện Dự án năm trước và yêu cầu nhiệm vụ năm kế hoạch theo các mục tiêu, nội dung của Dự án đã được phê duyệt tại Quyết định số 07/2008/QĐ-TTg ngày 10/1/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo đến năm 2010 và hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Mức phân bổ cụ thể cho các cơ sở dạy nghề do Bộ trưởng, Thủ trưởng các Bộ, ngành ở Trung ương và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành.
3. Ngoài nguồn kinh phí của ngân sách Trung ương, tuỳ theo khả năng, điều kiện cụ thể, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động bố trí thêm các nguồn vốn khác, đặc biệt là huy động vốn từ nguồn xã hội hoá để thực hiện Dự án; tổ chức lồng ghép với các chương trình trên địa bàn nhằm đạt hiệu quả trong sử dụng kinh phí.
4. Các đơn vị trực tiếp sử dụng kinh phí của Dự án có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng đối tượng và hiệu quả.
II. LẬP, PHÂN BỔ, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN DỰ ÁN TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC DẠY NGHỀ
Việc lập, phân bổ, quyết định giao dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí Dự án được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật, các quy định về quản lý và điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia và những quy định tại Thông tư này; cụ thể như sau:
1. Lập dự toán kinh phí:
Hàng năm, trên cơ sở hướng dẫn xây dựng dự toán của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những quy định về nội dung, mức chi tại Thông tư này, các Bộ, cơ quan Trung ương và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng dự toán năm kế hoạch, đảm bảo phù hợp với nhu cầu và khả năng thực hiện của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Phân bổ và giao dự toán kinh phí:
- Căn cứ vào tổng mức kinh phí của Dự án được cấp có thẩm quyền giao hàng năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất phương án phân bổ kinh phí của Dự án cho các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo mục tiêu, nội dung Dự án đã được duyệt.
- Các Bộ, cơ quan Trung ương: Căn cứ dự toán ngân sách đã được cấp có thẩm quyền giao, thực hiện phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc theo quy định đảm bảo đúng đối tượng, nhiệm vụ và mục tiêu của Dự án. Kết quả phân bổ gửi Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chậm nhất sau 5 ngày kể từ ngày ký quyết định phân bổ để theo dõi việc thực hiện Dự án.
- Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Căn cứ vào dự toán kinh phí hàng năm của Dự án được thông báo trong mục “chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương”; khả năng cân đối của ngân sách địa phương, hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về các chỉ tiêu chuyên môn của Dự án và các quy định tại Thông tư này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư xây dựng tiêu chí, phương án phân bổ kinh phí Dự án cho các cơ quan, đơn vị trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp kết quả phân bổ, giao dự toán kinh phí của Dự án gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chậm nhất sau 5 ngày kể từ ngày ký quyết định giao dự toán để theo dõi công tác triển khai thực hiện Dự án.
3. Chấp hành dự toán:
- Căn cứ vào dự toán chi của Dự án được cấp có thẩm quyền giao, các đơn vị thực hiện rút dự toán tại Kho bạc nhà nước nơi đơn vị giao dịch.
- Kho bạc nhà nước thực hiện kiểm soát, cấp phát, thanh toán cho Dự án theo quy định hiện hành về chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc nhà nước; các chế độ chi tiêu hiện hành và các quy định tại Thông tư này.
4. Hạch toán và quyết toán:
- Các cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách của Dự án có trách nhiệm mở sổ kế toán để ghi chép, hạch toán và quyết toán kinh phí thực hiện các nội dung Dự án theo chương, loại, khoản, mã số chương trình mục tiêu quốc gia của Mục lục ngân sách nhà nước theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành; thực hiện quy chế kiểm tra chi tiêu nội bộ theo quy định hiện hành.
- Đối với các hoạt động của Dự án do cơ quan, đơn vị thực hiện thông qua hình thức ký hợp đồng với cơ quan chủ trì Dự án thì chứng từ làm căn cứ thanh, quyết toán được lưu tại cơ quan chủ trì Dự án, gồm: Hợp đồng thực hiện nhiệm vụ ký giữa cơ quan chủ trì với cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện (kèm theo dự toán chi tiết được cơ quan chủ trì Dự án phê duyệt), biên bản nghiệm thu công việc, biên bản thanh lý hợp đồng, uỷ nhiệm chi hoặc phiếu chi và các tài liệu có liên quan khác (nếu có). Các hoá đơn, chứng từ chi tiêu cụ thể do cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện Dự án lưu trữ theo quy định hiện hành.
5. Chế độ báo cáo và kiểm tra:
5.1. Chế độ báo cáo.
- Định kỳ sáu tháng, năm, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo quy định hiện hành và hướng dẫn của Thông tư này gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Báo cáo sáu tháng gửi chậm nhất sau 25 ngày kể từ ngày kết thúc sáu tháng; báo cáo năm gửi chậm nhất sau 45 ngày kể từ ngày kết thúc năm.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp báo cáo của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định hiện hành.
Trường hợp các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương không thực hiện đúng quy định chế độ báo cáo, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội ở Trung ương và địa phương có quyền đề nghị Kho bạc nhà nước dừng thanh toán kinh phí Dự án cho đến khi nhận được báo cáo.
- Kho bạc nhà nước và Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo số vốn đã thanh toán cho Dự án theo quy định tại Thông tư số 86/2006/TT-BTC ngày 18/9/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương.
5.2. Kiểm tra và giám sát.
- Các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương có trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc sử dụng kinh phí Dự án của các đơn vị trực thuộc, bảo đảm sử dụng kinh phí Dự án đúng đối tượng, nội dung, mức chi và chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án.
- Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với cơ quan Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư cùng cấp kiểm tra định kỳ, đột xuất; giám sát đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu, sử dụng kinh phí của Dự án, bảo đảm việc quản lý, sử dụng kinh phí Dự án đúng quy định.
- Thực hiện kiểm toán đối với toàn bộ hoạt động quản lý tài chính của Dự án theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.
Trường hợp cơ quan, đơn vị và cơ sở dạy nghề phân bổ và sử dụng kinh phí không đúng mục tiêu, đối tượng; không thực hiện đúng quy định về chế độ báo cáo thì cơ quan chủ quản Dự án có văn bản gửi Kho bạc nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch đề nghị dừng thanh toán, đồng thời tuỳ theo mức độ vi phạm trình cấp có thẩm quyền xem xét đưa ra ngoài danh sách đối tượng thực hiện Dự án.
III. NỘI DUNG VÀ MỨC CHI
1. Các nội dung chi và mức chi chung có liên quan đến các hoạt động của Dự án:
1.1. Các nội dung chi mang tính chất nghiên cứu khoa học để phục vụ cho hoạt động chuyên môn về: xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề; ngân hàng đề thi; chương trình khung, chương trình, giáo trình dạy nghề; tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề; giám sát, đánh giá: nội dung và mức chi áp dụng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 7/5/2007 của liên Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ về hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.
1.2. Chi xây dựng đề cương, báo cáo tổng hợp; lập mẫu phiếu điều tra, cung cấp thông tin, báo cáo xử lý, phân tích số liệu điều tra: áp dụng mức chi theo quy định tại Thông tư số 120/2007/TT-BTC ngày 15/10/2007 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra từ nguồn vốn sự nghiệp của ngân sách nhà nước.
1.3. Chi hội nghị, tập huấn triển khai nhiệm vụ, công tác phí thuộc nội dung hoạt động của Dự án: nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 23/2007/TT-BTC ngày 21/3/2007 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, Thông tư số 127/2007/TT-BTC ngày 31/10/2007 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2007/TT-BTC ngày 21/3/2007 và Thông tư số 57/2007/TT-BTC ngày 11/6/2007 của Bộ Tài chính.
1.4. Chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức áp dụng theo quy định tại Thông tư số 51/2008/TT-BTC ngày 6/6/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước. Trường hợp cơ quan triệu tập chịu trách nhiệm thanh toán công tác phí cho học viên từ nguồn kinh phí của Dự án, học viên không thanh toán tại đơn vị nơi cử đi.
1.5. Chi dịch tài liệu: áp dụng theo Quyết định số 61/2006/QĐ-BTC ngày 2/11/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành một số định mức chi tiêu áp dụng cho các dự án, chương trình có sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
1.6. Chi thuê địa điểm, máy móc, trang thiết bị: Mức chi theo hợp đồng, giá cả thực tế tại thời điểm thuê, phù hợp với từng công việc thực hiện cụ thể và do thủ trưởng đơn vị triển khai quyết định.
1.7. Chi mua sắm hàng hoá, vật tư, nguyên nhiên vật liệu, trang thiết bị dạy nghề thực hiện theo quy định tại Thông tư số 63/2007/TT-BTC ngày 15/6/2007 và Thông tư số 131/2007/TT-BTC ngày 05/11/2007 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước bằng vốn nhà nước.
1.8. Chi in ấn tài liệu, mua văn phòng phẩm (nếu có) phục vụ Dự án: Mức chi căn cứ vào nhu cầu thực tế phát sinh do thủ trưởng đơn vị quyết định và hoá đơn chứng từ chi tiêu hợp pháp.
2. Các nội dung và mức chi đặc thù:
2.1. Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề.
a) Chi hỗ trợ mua thiết bị dạy nghề từ nguồn vốn sự nghiệp cho cơ sở dạy nghề theo quy định tại điểm 1.7, khoản 1, mục III Thông tư này.
b) Chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất:
- Các cơ sở dạy nghề được sử dụng kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp để sửa chữa cải tạo, mở rộng, nâng cấp nhà xưởng trong trường hợp cơ sở vật chất chưa đáp ứng, phù hợp với việc lắp đặt thiết bị được đầu tư nhưng tối đa không quá 10% nguồn vốn sự nghiệp của Dự án được giao hàng năm.
- Ưu tiên hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, nhà xưởng, phòng học, ký túc xá cho các trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề ở các tỉnh mới tách và những tỉnh có khó khăn trên cơ sở quy hoạch mạng lưới các trường, trung tâm dạy nghề theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với các hạng mục của dự án đang đầu tư dở dang.
- Không bố trí vốn sự nghiệp cho các dự án đầu tư xây dựng mới các cơ sở dạy nghề. Trường hợp các Bộ, ngành, địa phương đã sử dụng nguồn vốn sự nghiệp năm 2008 để đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất theo Dự án được cấp có thẩm quyền thông báo thì được sử dụng và quyết toán theo quy định tại Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 03/4/2007 và Thông tư số 130/2007/TT-BTC ngày 2/11/2007 của Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung một số điểm của Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 3/4/2007 hướng dẫn quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Từ năm 2009, chi đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất các trường dạy nghề bố trí từ nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện. Quy trình, thủ tục, việc quản lý sử dụng và thanh quyết toán nguồn kinh phí này thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.
c) Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định việc bố trí kinh phí thực hiện Dự án từ dự toán chi ngân sách địa phương hàng năm cùng với nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương nhằm nâng cao hiệu quả của Dự án.
2.2. Xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia:
a) Nội dung chi xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia thực hiện theo quy trình quy định tại Quyết định số 09/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 27/3/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quy định nguyên tắc, quy trình xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.
b) Một số nội dung chi và mức chi cụ thể:
- Lập phiếu phân tích công việc: 200.000 đồng/01 phiếu phân tích công việc.
- Lấy ý kiến chuyên gia về sơ đồ phân tích nghề và danh mục các công việc theo các bậc trình độ: 200.000 đồng/01 văn bản đóng góp ý kiến; về bộ phiếu phân tích công việc, bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia: 400.000 đồng/01 văn bản đóng góp ý kiến.
- Biên soạn tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia: 200.000 đồng/01 tiêu chuẩn thực hiện công việc.
- Thẩm định để ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia: 200.000 đồng/01 phiếu tiêu chuẩn thực hiện công việc.
- Thuê chuyên gia phản biện độc lập (trước khi ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia): 100.000 đồng/phiếu tiêu chuẩn thực hiện công việc.
Mức và nội dung chi này không áp dụng đối với những bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề đã được xây dựng và chi từ Dự án Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề vay vốn của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
2.3. Xây dựng ngân hàng đề thi đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; thí điểm tổ chức đánh giá kỹ năng nghề cho một số nghề quốc gia để hoàn thiện quy trình tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia do cấp có thẩm quyền quyết định:
Chi xây dựng ngân hàng đề thi lý thuyết và đề thi thực hành, thử nghiệm đề thi; thí điểm tổ chức đánh giá kỹ năng nghề áp dụng theo quy định tại Thông tư số 49/2007/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 18/5/2007 của liên Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tạm thời về nội dung, mức chi, công tác quản lý tài chính thực hiện xây dựng ngân hàng câu trắc nghiệm, tổ chức các kỳ thi phổ thông, chuẩn bị tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực.
Ngoài ra, Thông tư này quy định một số nội dung chi và mức chi cụ thể như sau:
- Phân tích các phiếu tiêu chuẩn thực hiện công việc, xác định các kiến thức, kỹ năng cần thiết để biên soạn các câu hỏi trắc nghiệm bài thi lý thuyết, bài thi thực hành: 30.000 đồng/01 tiêu chuẩn thực hiện công việc.
- Biên soạn đề thi thực hành: 500.000 đồng/01 đề thi.
- Lấy ý kiến chuyên gia về đề thi thực hành: 100.000 đồng/01 đề thi.
- Chi thẩm định đề thi thực hành: 100.000 đồng/01 đề thi.
2.4. Xây dựng chương trình khung trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề:
2.4.1. Nội dung xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình khung dạy nghề thực hiện theo quy định tại Quyết định số 58/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 09/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quy định về chương trình khung trình độ trung cấp nghề, chương trình khung trình độ cao đẳng nghề. Một số nội dung chi và mức chi cụ thể như sau:
- Thiết kế chương trình khung (CTK) dạy nghề:
+ Trình độ cao đẳng nghề: 25.000 đồng/1 giờ;
+ Trình độ trung cấp nghề: 20.000 đồng/1 giờ;
- Chi biên soạn CTK dạy nghề (phần biên soạn chương trình môn học, mô đun đào tạo bắt buộc và tự chọn):
+ Biên soạn chương trình môn học, mô đun đào tạo: trình độ cao đẳng nghề 75.000 đồng/1 giờ; trình độ trung cấp nghề 70.000 đồng/1 giờ;
+ Sửa chữa, biên tập tổng thể: trình độ cao đẳng nghề 45.000 đồng/1 giờ; trình độ trung cấp nghề 40.000 đồng/1 giờ;
+ Thuê chuyên gia tư vấn hướng dẫn, giám sát xây dựng CTK: 10.000 đồng/1 giờ.
- Chi thẩm định nhận xét đánh giá CTK dạy nghề: trình độ cao đẳng nghề 30.000 đồng/1 giờ; trình độ trung cấp nghề 25.000 đồng/1 giờ;
2.4.2. Số giờ chuẩn quy định cho từng nghề, từng cấp trình độ dạy nghề để tổ chức thiết kế, biên soạn, thẩm định CTK dạy nghề tối đa không quá số giờ quy định tại Quyết định số 58/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 09/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quy định về CTK trình độ trung cấp nghề, CTK trình độ cao đẳng nghề.
2.4.3. Đối với những nghề chưa có tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, khi xây dựng CTK được vận dụng nội dung chi, mức chi quy định tại mục 2, phần III của Thông tư này để phân tích nghề, phân tích công việc xác định chuẩn kiến thức, kỹ năng nghề làm cơ sở xây dựng CTK dạy nghề.
2.4.4. Chi chỉnh sửa, bổ sung CTK dạy nghề: mức chi tối đa không quá 30% mức chi xây dựng mới CTK quy định trên đây.
2.5. Hỗ trợ xây dựng chương trình dạy nghề, giáo trình dạy nghề:
2.5.1. Xây dựng chương trình dạy nghề.
- Mức chi thiết kế, biên soạn, thẩm định chương trình dạy nghề tối đa bằng 20% định mức chi thiết kế CTK tương ứng.
- Trường hợp chương trình dạy nghề chưa được biên soạn trong CTK thì mức chi thực hiện theo quy định tại điểm 2.4, mục III Thông tư này.
2.5.2. Biên soạn giáo trình dạy nghề.
- Viết giáo trình: trình độ cao đẳng nghề 70.000 đồng/1 trang chuẩn; trình độ trung cấp nghề 65.000 đồng/1 trang chuẩn.
- Sửa chữa, biên tập tổng thể: trình độ cao đẳng nghề 40.000 đồng/1 trang chuẩn; trình độ trung cấp nghề 35.000 đồng/1 trang chuẩn.
- Thẩm định, nhận xét: trình độ cao đẳng nghề 35.000 đồng/1 trang chuẩn; trình độ trung cấp nghề 30.000 đồng/1 trang chuẩn.
2.5.3. Chi xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình dạy nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên: Mức chi tối đa không quá 70% mức chi xây dựng mới chương trình và biên soạn giáo trình dạy nghề theo quy định trên.
2.6. Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề:
2.6.1. Nội dung và mức chi xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề được áp dụng theo điểm 2.2, mục III của Thông tư này.
2.6.2. Chi thực hiện thí điểm kiểm định chất lượng dạy nghề ở một số cơ sở dạy nghề để làm căn cứ xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. (Số lượng cơ sở dạy nghề làm thí điểm kiểm định chất lượng dạy nghề do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định căn cứ theo yêu cầu thực tế).
Một số nội dung chi và mức chi cụ thể :
- Chi cho viết báo cáo tiêu chuẩn; báo cáo kiểm định tiêu chí; báo cáo tự kiểm định; báo cáo tổng hợp của Đoàn kiểm định: 1.500.000 đồng/01 báo cáo.
- Thuê chuyên gia tư vấn kiểm định chất lượng dạy nghề: 800.000 đồng/01báo cáo tiêu chuẩn.
- Chi cho đánh giá hồ sơ tự kiểm định: 200.000 đồng/ 01 báo cáo tiêu chuẩn.
- Chi cho lập báo cáo, đánh giá các minh chứng so với báo cáo kiểm định: 1.500.000 đồng/01 báo cáo tiêu chuẩn.
- Chi thù lao cho Đoàn kiểm định, Hội đồng tự kiểm định của trường: mức chi áp dụng theo quy định tại Thông tư số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 07/05/2007 của liên Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Chi thuê chuyên gia nước ngoài phân tích, đánh giá kết quả kiểm định: Tuỳ theo mức độ cần thiết, các cơ quan đơn vị trình cấp có thẩm quyền quyết định việc mời chuyên gia nước ngoài tham gia đoàn kiểm định. Mức thù lao cho chuyên gia nước ngoài do cơ quan đơn vị thoả thuận với chuyên gia trên cơ sở khả năng bố trí kinh phí của cơ quan, đơn vị. Tuỳ theo yêu cầu, mức độ cần thiết, khả năng ngân sách được phân bổ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét quyết định tổ chức đấu thầu quốc tế việc kiểm định chất lượng dạy nghề theo quy định hiện hành trên cơ sở đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
Các mức chi tại các điểm 2.2; 2.3; 2.4; 2.5; 2.6 mục III của Thông tư này là mức chi tối đa, tuỳ theo tính chất, mức độ phức tạp của công việc, khả năng và điều kiện cụ thể từng đơn vị, thủ trưởng đơn vị, cơ quan có thẩm quyền quyết định mức chi cho phù hợp với mỗi nội dung công việc.
2.7. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, kiểm định viên và cán bộ quản lý chất lượng dạy nghề, đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia:
2.7.1. Chi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên dạy nghề, cán bộ quản lý dạy nghề thực hiện theo Thông tư số 16/2007/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 08/3/2007 của liên Bộ Tài chính - Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí bồi dưỡng giáo viên dạy nghề.
2.7.2. Chi bồi dưỡng, tập huấn cho kiểm định viên và cán bộ quản lý chất lượng dạy nghề, đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia. Mức chi được áp dụng theo quy định tại điểm 1.4, mục III của Thông tư này.
2.7.3. Chi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, kiểm định viên và cán bộ quản lý chất lượng dạy nghề, đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia do cấp có thẩm quyền quyết định. Nội dung chi và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 91/2005/TT-BTC ngày 18/10/2005 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài.
2.7.4. Chi xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu bồi dưỡng giáo viên dạy nghề, cán bộ quản lý dạy nghề, kiểm định viên, đánh giá viên dạy nghề; chỉnh sửa, bổ sung chương trình, giáo trình bồi dưỡng giáo viên dạy nghề hiện có để đáp ứng nhu cầu học tập và giảng dạy:
- Nội dung, mức chi xây dựng chương trình bồi dưỡng thực hiện theo điểm 2.5.1, mục III Thông tư này.
- Nội dung, mức chi xây dựng giáo trình, tài liệu bồi dưỡng thực hiện theo điểm 2.5.2, mục III Thông tư này.
- Nội dung, mức chi chỉnh sửa, bổ sung chương trình, giáo trình bồi dưỡng giáo viên dạy nghề tối đa không quá 30% mức chi xây dựng mới chương trình, giáo trình dạy nghề.
2.7.5. Chi phát triển khoa sư phạm nghề ở một số trường cao đẳng nghề gồm chi cải tạo, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo thực hiện theo quy định tại điểm 2.1 mục III và các quy định khác liên quan tại Thông tư này.
2.7.6. Chi xây dựng hệ thống dữ liệu về giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề thực hiện theo Thông tư số 137/2007/TT-BTC ngày 28/11/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập tin điện tử và các quy định khác về xây dựng và quản lý hệ thống dữ liệu của Nhà nước.
2.8. Hỗ trợ dạy nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên:
2.8.1. Hỗ trợ dạy nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới một năm cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2006/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 19/01/2006 của liên Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn và các quy định hiện hành.
2.8.2. Hỗ trợ dạy nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới một năm cho người tàn tật thực hiện theo quy định tại Thông tư số 19/2005/TTLT/BLĐTBXH-BTC-BKHĐT ngày 19/3/2005 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 81/CP ngày 23/11/1995 và Nghị định số 116/2004/NĐ-CP ngày 23/4/2004 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người tàn tật và các quy định hiện hành.
Các địa phương có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc lồng ghép kinh phí dạy nghề hàng năm cho các đối tượng thuộc các chương trình, mục tiêu, dự án, chính sách khác trên cùng một địa bàn.
2.9. Đặt hàng dạy nghề:
- Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
- Đơn giá đặt hàng dạy nghề do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính và phải được xác định trên cơ sở các định mức kinh tế - kỹ thuật; định mức chi phí hiện hành do cơ quan có thẩm quyền ban hành; thời gian triển khai, hoàn thành; khối lượng, chất lượng dạy nghề.
- Hợp đồng đặt hàng dạy nghề phải thể hiện rõ các căn cứ đặc thù của kết quả đặt hàng dạy nghề được ký kết và các chỉ tiêu về số lượng, chất lượng học sinh đặt hàng dạy nghề, định mức đơn giá/học sinh; thời gian hoàn thành, trách nhiệm, nghĩa vụ giữa cơ quan đặt hàng, nhà cung cấp và một số nội dung khác phù hợp với quy định của Pháp luật.
- Việc đặt hàng dạy nghề phải đảm bảo sau khi tốt nghiệp trong vòng 3 tháng phải có ít nhất trên 90 % tổng số học sinh tốt nghiệp có được việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo.
2.10. Chi hoạt động giám sát, đánh giá thực hiện Dự án, bao gồm:
2.10.1. Xây dựng tiêu chí giám sát, đánh giá Dự án theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
2.10.2. Thiết lập phương pháp thu thập và xử lý thông tin, quản lý kinh phí Dự án ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Bộ, ngành, cơ quan trung ương.
2.10.3. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Dự án ở trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hàng năm, giữa kỳ và cuối kỳ.
2.10.4. Báo cáo, tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung Dự án; tình hình quản lý và sử dụng ngân sách của Dự án ở trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2.10.5. Nâng cao năng lực xây dựng kế hoạch, quản lý, triển khai và tổ chức thực hiện Dự án ở các cấp.
2.10.6. Xây dựng phần mềm quản lý Dự án. Nội dung chi và mức chi thực hiện theo quy định tại điểm 2.7.6 mục III của Thông tư này.
Căn cứ vào quy định chế độ chi tiêu hiện hành, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức hỗ trợ cụ thể kinh phí hoạt động giám sát, đánh giá cho cơ quan, đơn vị thực hiện phù hợp với nhiệm vụ được giao nhưng tối đa không quá 1% số kinh phí được phân bổ cho Dự án.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Bộ, cơ quan Trung ương:
- Chỉ đạo các cơ quan cấp dưới tổ chức thực hiện các nội dung của Dự án trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các nội dung của Dự án, báo cáo tình hình thực hiện về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
2. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án tại địa phương trên cơ sở Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành;
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn thực hiện các nội dung của Dự án, quản lý, sử dụng nguồn ngân sách Trung ương phân bổ đúng quy định;
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện các nội dung của Dự án tại địa phương.
V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo và thay thế Thông tư liên tịch số 92/2003/TTLT-BTC-LĐTBXH ngày 25/09/2003 của liên Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý tài chính đối với Dự án tăng cường năng lực dạy nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về liên Bộ để nghiên cứu, giải quyết.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI THỨ TRƯỞNG Đàm Hữu Đắc | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH THỨ TRƯỞNG Phạm Sỹ Danh |
01 | Văn bản căn cứ |
02 | Văn bản căn cứ |
03 | Văn bản hết hiệu lực |
04 | Văn bản thay thế |
05 | Văn bản được hướng dẫn |
06 | Văn bản dẫn chiếu |
07 | Văn bản dẫn chiếu |
08 | Văn bản dẫn chiếu |
09 | Văn bản dẫn chiếu |
10 | Văn bản dẫn chiếu |
11 | Văn bản dẫn chiếu |
12 | Văn bản dẫn chiếu |
13 | Văn bản dẫn chiếu |
14 | Văn bản dẫn chiếu |
15 | Văn bản dẫn chiếu |
16 | Văn bản dẫn chiếu |
17 | Văn bản dẫn chiếu |
18 | Văn bản dẫn chiếu |
19 | Văn bản dẫn chiếu |
20 | Văn bản dẫn chiếu |
Thông tư liên tịch 90/2008/TTLT-BTC-BLĐTBXH quản lý và sử dụng kinh phí Dự án Tăng cường năng lực dạy nghề
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính |
Số hiệu: | 90/2008/TTLT-BTC-BLĐTBXH |
Loại văn bản: | Thông tư liên tịch |
Ngày ban hành: | 16/10/2008 |
Hiệu lực: | 16/11/2008 |
Lĩnh vực: | Thuế-Phí-Lệ phí, Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, Chính sách |
Ngày công báo: | 01/11/2008 |
Số công báo: | 591&592 - 11/2008 |
Người ký: | Đàm Hữu Đắc, Phạm Sĩ Danh |
Ngày hết hiệu lực: | 15/09/2013 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!