Cơ quan ban hành: | Số công báo: | Đang cập nhật | |
Số hiệu: | khongso | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Nghị định thư | Người ký: | Đang cập nhật |
Ngày ban hành: | 27/06/1989 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 27/06/1989 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Thương mại-Quảng cáo, Sở hữu trí tuệ, Ngoại giao |
NGHỊ ĐỊNH THƯ
LIÊN QUAN ĐẾN THỎA ƯỚC MADRID VỀ ĐĂNG KÝ QUỐC TẾ NHÃN HIỆU HÀNG HÓA
Thông qua tại Madrid ngày 27 tháng 6 năm 1989
Điều 1. Tư cách thành viên trong Liên hiệp Madrid
Các Nước tham gia Nghị định thư này (sau đây gọi là “các Nước thành viên”), kể cả những nước không tham gia Thỏa ước Madrid về Đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa được sửa đổi tại Stockholm năm 1967 và sửa đổi năm 1979 (sau đây gọi là “Thỏa ước Madrid (Stockholm)”), và các tổ chức được đề cập tại Điều 14 (1) (b) tham gia Nghị định thư này (sau đây gọi là “các Tổ chức thành viên”) sẽ là các thành viên của chính Liên hiệp mà các nước tham gia Thỏa ước Madrid (Stockholm) là thành viên. Trong Nghị định thư này, bất cứ sự đề cập nào đến “các Bên tham gia” sẽ được hiểu là đề cập đến cả các Nước thành viên và các Tổ chức thành viên.
Điều 2. Đạt được sự bảo hộ thông qua Đăng ký quốc tế
(1) Trường hợp đơn đăng ký nhãn hiệu đã được nộp cho Cơ quan của một Bên tham gia, hoặc nếu nhãn hiệu đã được đăng ký trong Đăng bạ của Cơ quan của một Bên tham gia, người đứng tên trong đơn đó (sau đây gọi là “đơn cơ sở”) hoặc đăng ký đó (sau đây gọi là “đăng ký cơ sở”) có thể, theo các quy định của Nghị định thư này, đạt được sự bảo hộ đối với nhãn hiệu của mình trong lãnh thổ của các Bên tham gia, thông qua việc đăng ký nhãn hiệu đó trong Đăng bạ của Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (sau đây lần lượt gọi là “đăng ký quốc tế”, “Đăng bạ quốc tế”, “Văn phòng quốc tế” và “Tổ chức”), với điều kiện,
(i) Nếu đơn cơ sở đã được nộp cho Cơ quan của một Nước thành viên hoặc nếu đăng ký cơ sở đã được thực hiện bởi Cơ quan của một Nước thành viên, thì người đứng tên trong đơn hoặc đăng ký đó phải là công dân của Nước thành viên đó hoặc cư trú hoặc có cơ sở công nghiệp hoặc thương mại hoạt động thực sự tại Nước thành viên đó;
(ii) Nếu đơn cơ sở đã được nộp cho Cơ quan của một tổ chức thành viên hoặc đăng ký cơ sở đã được thực hiện bởi Cơ quan của một Tổ chức thành viên thì người đứng tên trong đơn hoặc đăng ký đó phải là công dân của một Nước thành viên của Tổ chức thành viên đó hoặc cư trú hoặc có cơ sở thương mại hoặc công nghiệp hoạt động thực sự trong lãnh thổ của Tổ chức thành viên đó.
(2) Đơn đăng ký quốc tế (sau đây gọi là “đơn quốc tế”) được nộp cho Văn phòng quốc tế thông qua trung gian là Cơ quan đã nhận đơn cơ sở hoặc đã cấp đăng ký cơ sở, tùy từng trường hợp (sau đây gọi là “Cơ quan xuất xứ”).
(3) Bất cứ sự đề cập nào đến một “Cơ quan” hoặc một “Cơ quan của một Bên tham gia” trong Nghị định thư này đều được hiểu là sự đề cập đến cơ quan có trách nhiệm thay mặt Bên tham gia đăng ký nhãn hiệu và bất cứ sự đề cập nào đến “nhãn hiệu” trong Nghị định thư này đều được hiểu là sự đề cập đến nhãn hiệu hàng hóa và nhãn hiệu dịch vụ.
(4) Nhằm mục đích của Nghị định thư này, “Lãnh thổ của một Bên tham gia” có nghĩa là lãnh thổ của một Nước nếu Bên tham gia là một Nước và lãnh thổ áp dụng hiệp ước thành lập tổ chức liên Chính phủ nếu Bên tham gia là một tổ chức liên Chính phủ.
Điều 3. Đơn quốc tế
(1) Mọi đơn quốc tế theo Nghị định thư này đều phải được làm theo mẫu quy định tại Quy chế. Cơ quan xuất xứ phải xác nhận rằng các thông tin trong đơn quốc tế tương ứng với các thông tin trong đơn cơ sở hoặc đăng ký cơ sở, tùy từng trường hợp, tại thời điểm xác nhận. Ngoài ra, Cơ quan đó phải nêu
(i) ngày nộp đơn và số đơn, đối với đơn cơ sở;
(ii) ngày đăng ký và số đăng ký cũng như ngày nộp đơn và số đơn đăng ký cơ sở, đối với đăng ký cơ sở.
Cơ quan xuất xứ cũng phải nêu ngày nộp đơn quốc tế.
(2) Người nộp đơn phải nêu hàng hóa và dịch vụ mà theo đó nhãn hiệu được yêu cầu bảo hộ và nếu có thể, phải nêu cả nhóm hoặc các nhóm tương ứng theo Bảng phân loại được thiết lập theo Thỏa ước Nice về phân loại quốc tế hàng hóa và dịch vụ nhằm mục đích đăng ký nhãn hiệu. Nếu người nộp đơn không nêu chỉ dẫn phân loại này thì Văn phòng quốc tế sẽ thực hiện việc phân loại hàng hóa và dịch vụ vào các nhóm phù hợp của Bảng phân loại nêu trên. Việc chỉ dẫn các nhóm hàng hóa của người nộp đơn sẽ được Văn phòng quốc tế phối hợp với Cơ quan xuất xứ kiểm tra. Trong trường hợp có sự bất đồng giữa Cơ quan xuất xứ và Văn phòng quốc tế thì quan điểm của Văn phòng quốc tế sẽ được ưu thắng.
(3) Nếu người nộp đơn yêu cầu bảo hộ màu sắc như đặc điểm phân biệt của nhãn hiệu thì người đó phải
(i) tuyên bố về điều đó, và nộp cùng với đơn quốc tế một thông báo chỉ rõ màu sắc hoặc tập hợp màn sắc cần được bảo hộ;
(ii) nộp kèm theo đơn quốc tế mẫu nhãn hiệu đó dưới dạng mầu, mẫu này sẽ được kèm theo thông báo của Văn phòng quốc tế; số lượng mẫu nhãn hiệu được ấn định tại Quy chế.
(4) Văn phòng quốc tế sẽ đăng ký ngay những nhãn hiệu được nộp theo Điều 2. Ngày đăng ký quốc tế sẽ là ngày Cơ quan xuất xứ nhận được đơn quốc tế, với điều kiện Văn phòng quốc tế nhận được đơn quốc tế đó trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày đó. Nếu Văn phòng quốc tế không nhận được đơn quốc tế trong thời hạn đó, ngày đăng ký quốc tế sẽ là ngày Văn phòng quốc tế nhận được đơn quốc tế đó. Văn phòng quốc tế sẽ không chậm trễ thông báo về đơn quốc tế đó cho các Cơ quan có liên quan. Nhãn hiệu được đăng ký trong Đăng bạ quốc tế sẽ được công bố trên công báo định kỳ do Văn phòng quốc tế phát hành, trên cơ sở các thông tin trong đơn quốc tế.
(5) Nhằm mục đích công bố các nhãn hiệu đã được đăng ký trong Đăng bạ quốc tế, mỗi Cơ quan sẽ được nhận từ Văn phòng quốc tế một số bản công báo miễn phí và một số bản công báo được giảm giá, theo những điều kiện do Đại hội đồng nêu tại Điều 10 (sau đây gọi là “Đại hội đồng”) quy định. Công bố này được coi là đủ đối với các mục đích của tất cả các Bên tham gia, và không được yêu cầu bất cứ sự công bố nào khác đối với chủ sở hữu đăng ký quốc tế.
Điều 3bis. Hiệu lực theo lãnh thổ
Sự bảo hộ đạt được từ đăng ký quốc tế sẽ chỉ được mở rộng tới Bên tham gia nào mà người nộp đơn quốc tế hoặc chủ sở hữu đăng ký quốc tế yêu cầu. Tuy nhiên, không được yêu cầu đối với Bên tham gia mà Cơ quan của Bên tham gia đó là Cơ quan xuất xứ.
Điều 3 ter. Yêu cầu “Mở rộng lãnh thổ”
(1) Mọi yêu cầu mở rộng lãnh thổ bảo hộ theo đăng ký quốc tế tới bất cứ Bên tham gia nào phải được đề cập cụ thể trong đơn quốc tế.
(2) Yêu cầu mở rộng lãnh thổ bảo hộ cũng có thể được thực hiện sau khi đăng ký quốc tế. Mọi yêu cầu như vậy phải được làm theo mẫu quy định tại Quy chế. Văn phòng quốc tế sẽ lập tức ghi nhận yêu cầu đó và không chậm trễ thông báo về việc ghi nhận đó cho Cơ quan hoặc các Cơ quan liên quan. Việc ghi nhận đó sẽ được công bố trong công báo định kỳ của Văn phòng quốc tế. Sự mở rộng lãnh thổ bảo hộ đó sẽ có hiệu quả kể từ ngày được ghi nhận trong Đăng bạ quốc tế; sự mở rộng đó sẽ hết hiệu lực khi đăng ký quốc tế liên quan hết hiệu lực.
Điều 4. Hiệu lực của Đăng ký quốc tế
(1) (a) Kể từ ngày việc đăng ký hoặc việc ghi nhận được thực hiện theo quy định tại Điều 3 và 3ter, sự bảo hộ đối với nhãn hiệu tại mỗi Bên tham gia liên quan sẽ y như thể đối với nhãn hiệu được nộp đơn đăng ký trực tiếp với Cơ quan của Bên tham gia đó. Nếu không có bất cứ thông báo từ chối nào được gửi cho Văn phòng quốc tế theo Điều 5(1) và (2) hoặc nếu thông báo từ chối đã gửi theo quy định tại Điều đó bị rút bỏ sau đó thì kể từ ngày nói trên, sự bảo hộ nhãn hiệu đó tại Bên tham gia liên quan sẽ y như thể nhãn hiệu được đăng ký bởi Cơ quan của Bên tham gia đó.
(b) Việc chỉ dẫn các nhóm hàng hóa và dịch vụ được quy định tại Điều 3 sẽ không ràng buộc các Bên tham gia trong việc xác định phạm vi bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.
(2) Mọi đăng ký quốc tế đều được hưởng quyền ưu tiên được quy định tại Điều 4 Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp mà không cần tuân thủ các thể thức được quy định tại khoản D của Điều đó.
Điều 4bis. Đăng ký quốc tế thay thế Đăng ký quốc gia hoặc Đăng ký khu vực
(1) Nếu một nhãn hiệu là đối tượng của một Đăng ký quốc gia hoặc Đăng ký khu vực tại Cơ quan của một Bên tham gia đồng thời là đối tượng của một Đăng ký quốc tế và cả hai đăng ký đó do cùng một người đứng tên thì Đăng ký quốc tế được coi là thay thế cho Đăng ký quốc gia hoặc Đăng ký khu vực mà không ảnh hưởng đến bất cứ quyền nào đạt được theo Đăng ký quốc gia hoặc Đăng ký khu vực, với điều kiện
(i) sự bảo hộ phát sinh từ Đăng ký quốc tế mở rộng lãnh thổ đến Bên tham gia nói trên theo Điều 3ter (1) hoặc (2),
(ii) tất cả các hàng hóa và dịch vụ được liệt kê trong Đăng ký quốc gia hoặc khu vực cũng được liệt kê trong Đăng ký quốc tế đối với Bên tham gia nói trên,
(iii) việc mở rộng lãnh thổ bảo hộ đó được thực hiện sau ngày đăng ký quốc gia hoặc đăng ký khu vực.
(2) Theo yêu cầu, Cơ quan nêu tại đoạn (1) phải ghi chú đăng ký quốc tế trong Đăng bạ của mình.
Điều 5. Từ chối và hủy bỏ hiệu lực Đăng ký quốc tế đối với một số Bên tham gia
(1) Trường hợp luật áp dụng cho phép, Cơ quan của một Bên tham gia nào đã được Văn phòng quốc tế thông báo về việc mở rộng lãnh thổ bảo hộ phát sinh từ Đăng ký quốc tế tới Bên tham gia đó theo Điều 3ter (1) hoặc (2) đều có quyền tuyên bố trong một thông báo từ chối rằng sự bảo hộ ở Bên tham gia đó không thể được dành cho nhãn hiệu là đối tượng của việc mở rộng bảo hộ đó. Mọi sự từ chối như vậy chỉ có thể dựa vào các lý do được áp dụng theo Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp trong trường hợp nhãn hiệu được đăng ký trực tiếp với Cơ quan ra thông báo từ chối. Tuy nhiên, không thể từ chối bảo hộ, thậm chí một phần, chỉ vì lý do luật áp dụng chỉ cho phép đăng ký cho một số lượng hạn chế nhóm hoặc cho hàng hóa hoặc dịch vụ.
(2) (a) Mọi Cơ quan muốn thực hiện quyền nêu trên phải thông báo sự từ chối của mình cho Văn phòng quốc tế, kèm theo tuyên bố về các lý do, trong thời hạn được quy định bởi luật áp dụng cho Cơ quan đó và chậm nhất, theo quy định tại điểm (b) và (c), là trước khi kết thúc thời hạn 1 năm kể từ ngày thông báo mở rộng sự bảo hộ theo quy định tại đoạn (1) được Văn phòng quốc tế gửi cho Cơ quan đó.
(b) Không phụ thuộc vào điểm (a) trên đây, mọi Bên tham gia đều có thể tuyên bố rằng, đối với các đăng ký quốc tế được thực hiện theo Nghị định thư này, thời hạn 1 năm nêu tại điểm (a) được thay thế bằng thời hạn 18 tháng.
(c) Tuyên bố như vậy cũng có thể chỉ ra rằng, nếu sự từ chối bảo hộ có thể dựa trên cơ sở đơn phản đối bảo hộ, sự từ chối như vậy có thể được Cơ quan của Bên tham gia nói trên thông báo cho Văn phòng quốc tế sau khi kết thúc thời hạn 18 tháng. Đối với bất kỳ đăng ký quốc tế cụ thể nào, một Cơ quan như vậy có thể thông báo từ chối bảo hộ sau khi kết thúc thời hạn 18 tháng, nhưng chỉ khi
(i) trước khi kết thúc thời hạn 18 tháng, Cơ quan này đã thông báo cho Văn phòng quốc tế về khả năng có đơn phản đối được nộp sau khi kết thúc thời hạn 18 tháng, và
(ii) thông báo từ chối trên cơ sở đơn phản đối được đưa ra trong thời hạn không quá 7 tháng kể từ ngày bắt đầy thời hạn phản đối; nếu thời hạn phản đối kết thúc trước thời hạn 7 tháng này, thông báo phải được đưa ra trong vòng 1 tháng kể từ khi kết thúc thời hạn phản đối.
(d) Mọi tuyên bố theo điểm (b) hoặc (c) có thể được đưa ra bằng các văn kiện nêu tại Điều 14(2), và ngày bắt đầu hiệu lực của tuyên bố đó sẽ là ngày Nghị định thư này bắt đầu có hiệu lực đối với Nước hoặc tổ chức liên Chính phủ đã đưa ra tuyên bố đó. Mọi tuyên bố như vậy cũng có thể được đưa ra muộn hơn và trong trường hợp đó tuyên bố sẽ bắt đầu có hiệu lực sau 3 tháng kể từ khi Tổng Giám đốc của Tổ chức (sau đây gọi là “Tổng Giám đốc”) nhận được tuyên bố, hoặc vào bất cứ thời điểm nào muộn hơn được chỉ ra trong tuyên bố, đối với bất cứ đăng ký quốc tế nào có ngày đăng ký trùng hoặc muộn hơn ngày có hiệu lực của tuyên bố.
(e) Khi kết thúc thời hạn 10 năm kể từ ngày Nghị định thư này bắt đầu có hiệu lực, Đại hội đồng sẽ kiểm tra hoạt động của hệ thống được thiết lập theo các điểm từ (a) đến (d). Sau đó, các quy định của các điểm đó có thể được thay đổi theo một quyết định nhất trí của Đại hội đồng.
(3) Văn phòng quốc tế sẽ không chậm trễ chuyển một trong các bản sao thông báo từ chối cho chủ đăng ký quốc tế. Chủ đăng ký nói trên sẽ có các biện pháp khắc phục y như thể nhãn hiệu được đăng ký trực tiếp với Cơ quan đã ra thông báo từ chối. Trường hợp nhận được thông tin theo đoạn (2)(c)(i), Văn phòng quốc tế sẽ nhanh chóng chuyển thông tin đó cho chủ đăng ký quốc tế.
(4) Các lý do từ chối đăng ký một nhãn hiệu sẽ được Văn phòng quốc tế thông báo cho bất cứ bên liên quan nào có yêu cầu.
(5) Đối với mỗi đăng ký quốc tế, bất cứ Cơ quan nào không gửi thông báo tạm thời hoặc cuối cùng về việc từ chối cho Văn phòng quốc tế theo đoạn (1) và (2) sẽ không được hưởng quyền quy định tại đoạn (1) đối với đăng ký quốc tế đó.
(6) Các cơ quan có thẩm quyền của một Bên tham gia không thể tuyên bố hủy bỏ hiệu lực một đăng ký quốc tế trong lãnh thổ của Bên tham gia đó mà không dành cho chủ đăng ký quốc tế đó cơ hội thích hợp về thời gian để bảo vệ quyền của mình. Việc hủy bỏ hiệu lực phải được thông báo cho Văn phòng quốc tế.
Điều 5bis. Bằng chứng về việc sử dụng hợp pháp một số yếu tố cấu thành nhãn hiệu
Bằng chứng về việc sử dụng hợp pháp một số yếu tố cấu thành nhãn hiệu như huy hiệu, chân dung, tước hiệu danh dự, danh hiệu, tên thương mại, tên của người không phải là người nộp đơn, hoặc các yếu tố khác như chữ đề tặng mà Cơ quan của các Bên tham gia có thể yêu cầu sẽ được miễn thủ tục chứng nhận hợp pháp cũng như bất cứ sự xác nhận nào ngoài sự xác nhận của Cơ quan xuất xứ.
Điều 5ter. Bản sao các mục của Đăng bạ quốc tế; Tra cứu dự báo; Trích lục Đăng bạ quốc tế
(1) Văn phòng quốc tế sẽ cấp cho bất cứ người nào có đơn yêu cầu và đã nộp phí quy định tại Quy chế về bản sao các mục trong Đăng bạ quốc tế liên quan đến một nhãn hiệu cụ thể.
(2) Văn phòng quốc tế cũng có thể thực hiện việc tra cứu nhanh đối với các nhãn hiệu đã đăng ký quốc tế với điều kiện phải nộp phí.
(3) Trích lục Đăng bạ quốc tế được yêu cầu nhằm mục đích xuất trình tại một trong các Bên tham gia được miễn mọi sự chứng nhận hợp pháp.
Điều 6. Thời hạn hiệu lực của Đăng ký quốc tế; Tính phụ thuộc và tính độc lập của Đăng ký quốc tế
(1) Đăng ký nhãn hiệu tại Văn phòng quốc tế có hiệu lực trong vòng 10 năm, có thể gia hạn theo các điều kiện quy định tại Điều 7.
(2) Sau khi kết thúc thời hạn 5 năm kể từ ngày đăng ký quốc tế, đăng ký quốc tế đó sẽ trở nên độc lập với đơn cơ sở hoặc đăng ký phát sinh từ đơn cơ sở, hoặc độc lập với đăng ký cơ sở, tùy từng trường hợp, theo những điều kiện sau đây.
(3) Sự bảo hộ phát sinh từ đăng ký quốc tế, bất kể đó có phải là đối tượng được chuyển giao hay không; sẽ không còn hiệu lực nếu trước khi kết thúc thời hạn 5 năm kể từ ngày đăng ký quốc tế, đơn cơ sở hoặc đăng ký phát sinh từ đơn cơ sở đó, hoặc đăng ký cơ sở trong trường hợp thích hợp, bị rút bỏ, mất hiệu lực, từ bỏ hoặc là đối tượng của một quyết định cuối cùng về việc từ chối, bãi bỏ, đình chỉ hoặc hủy bỏ, đối với tất cả hoặc một số hàng hóa và dịch vụ được liệt kê trong Đăng ký quốc tế. Quy định này cũng áp dụng nếu
(i) việc khiếu nại một quyết định từ chối hiệu lực của đơn cơ sở,
(ii) vụ kiện yêu cầu rút bỏ đơn cơ sở hoặc bãi bỏ, đình chỉ, hoặc hủy bỏ đăng ký phát sinh từ đơn cơ sở hoặc đăng ký cơ sở, hoặc
(iii) việc phản đối đơn cơ sở
Sau khi kết thúc thời hạn 5 năm, dẫn đến quyết định cuối cùng về việc từ chối, bãi bỏ, đình chỉ, hủy bỏ, hoặc quyết định buộc rút bỏ đơn cơ sở, hoặc đăng ký phát sinh từ đơn cơ sở đó, hoặc đăng ký cơ sở, tùy từng trường hợp, với điều kiện việc khiếu nại, vụ kiện hoặc việc phản đối đó đã bắt đầu từ trước khi kết thúc thời hạn 5 năm nói trên. Quy định này cũng áp dụng nếu đơn cơ sở bị rút bỏ hoặc đăng ký phát sinh từ đơn cơ sở đó hoặc đăng ký cơ sở bị từ bỏ sau khi kết thúc thời hạn 5 năm, với điều kiện tại thời điểm rút bỏ hoặc từ bỏ, đơn hoặc đăng ký nói trên là đối tượng của một thủ tục nêu tại mục (i), (ii) hoặc (iii) và thủ tục đó bắt đầu trước khi kết thúc thời hạn nói trên.
(4) Theo quy định tại Quy chế, Cơ quan xuất xứ phải thông báo cho Văn phòng quốc tế các thông tin và quyết định liên quan thuộc khoản (3), và theo quy định tại Quy chế, Văn phòng quốc tế phải thông báo cho các biên liên quan và tiến hành việc công bố tương ứng. Trường hợp trường hợp thích hợp, Cơ quan xuất xứ yêu cầu Văn phòng quốc tế hủy bỏ Đăng ký quốc tế trong phạm vi thích hợp, và Văn phòng quốc tế phải tiến hành theo yêu cầu đó.
Điều 7. Gia hạn hiệu lực đăng ký quốc tế
(1) Bất cứ Đăng ký quốc tế nào cũng có thể được gia hạn thêm 10 năm kể từ khi kết thúc kỳ hạn hiệu lực trước đó, chỉ bằng việc nộp phí cơ bản và, theo Điều 8(7), nộp thêm khoản phụ phí và phí bổ sung theo quy định tại Điều 8(2).
(2) Việc gia hạn không được dẫn đến bất cứ thay đổi nào trong Đăng ký quốc tế ở tình trạng mới nhất của Đăng ký.
(3) Sáu tháng trước khi kết thúc thời hạn bảo hộ, Văn phòng quốc tế sẽ, bằng cách gửi thông báo không chính thức, nhắc nhở chủ sở hữu đăng ký quốc tế và đại diện của họ, nếu có, về ngày hết hạn chính xác.
(4) Trên cơ sở nộp phụ phí trội được ấn định tại Quy chế, việc gia hạn Đăng ký quốc tế sẽ được hưởng một thời gian ân hạn 6 tháng.
Điều 8. Phí đối với Đơn giá quốc tế và Đăng ký quốc tế
(1) Cơ quan xuất xứ có thể quy định theo thẩm quyền riêng và thu vì lợi ích riêng, khoản phí đối với người nộp đơn đăng ký quốc tế hoặc chủ sở hữu Đăng ký quốc tế liên quan đến việc nộp đơn quốc tế hoặc gia hạn Đăng ký quốc tế.
(2) Để đăng ký nhãn hiệu tại Văn phòng quốc tế phải nộp trước khoản phí quốc tế, bao gồm:
(a) phí cơ bản;
(ii) phụ phí cho mỗi nhóm của phân loại hàng hóa quốc tế trong đó có hàng hóa, dịch vụ sẽ mang nhãn hiệu, tính từ nhóm thứ ba trở lên;
(iii) phí bổ sung đối với mỗi yêu cầu mở rộng lãnh thổ bảo hộ theo quy định tại Điều 3ter.
(3) Tuy nhiên, khoản phụ phí theo quy định tại khoản (2)(ii) có thể được nộp trong thời hạn quy định trong Quy chế mà không ảnh hưởng đến ngày đăng ký quốc tế nếu có nhóm hàng hóa hoặc dịch vụ do Văn phòng quốc tế xác định hoặc không nhất trí. Nếu kết thúc thời hạn nêu trên, phụ phí không được người nộp đơn nộp hoặc danh mục hàng hóa hoặc dịch vụ không được người nộp đơn thu hẹp đến phạm vi yêu cầu thì đăng ký quốc tế sẽ coi như bị bỏ.
(4) Thu nhập hàng năm từ các nguồn thu khác nhau đối với đăng ký quốc tế, không kể các khoản phí quy định tại khoản (2) (ii) và (iii) sẽ được Văn phòng quốc tế chia đều cho các Bên tham gia sau khi khấu trừ các chi phí cần thiết cho việc thi hành Nghị định thư này.
(5) Kết thúc mỗi năm, thu nhập có được từ phụ phí theo quy định tại khoản (2)(ii) sẽ được chia cho các Bên tham gia có liên quan theo tỷ lệ số nhãn hiệu được yêu cầu bảo hộ tại mỗi Bên tham gia trong năm đó; số lượng này sẽ được nhân với hệ số được quy định trong Quy chế đối với các Bên tham gia có tiến hành xét nghiệm.
(6) Số tiền thu được từ phí bổ sung theo quy định tại khoản (2)(iii) sẽ được chia theo quy định tại khoản (5).
(7)(a) Liên quan đến mỗi Đăng ký quốc tế được đề cập tại Điều 3ter và liên quan đến việc gia hạn bất cứ Đăng ký quốc tế nào như vậy, thay vì nhận một phần từ thu nhập có được từ các khoản phụ phí và phí bổ sung, bất cứ Bên tham gia nào đều có thể tuyên bố rằng mình muốn nhận một khoản phí (sau đây gọi là “phí riêng”) với mức nêu trong tuyên bố, và có thể được thay đổi trong những tuyên bố sau đó, nhưng không được cao hơn mức tương đương mà Cơ quan của Bên tham gia nói trên được phép thu từ người nộp đơn đối với đăng ký 10 năm hoặc từ chủ đăng ký gia hạn với thời hạn 10 năm của đăng ký đó đối với một nhãn hiệu được đăng ký tại Cơ quan đó, mức phí nói trên được khấu trừ các khoản thu được từ thủ tục quốc tế. Trường hợp phải nộp khoản phí riêng như vậy thì,
(i) không phải nộp các khoản phụ phí nêu tại khoản (2)(ii) nếu chỉ có các Bên ký kết đã đưa ra tuyên bố theo quy định tại khoản này được đề cập theo Điều 3ter, và
(ii) không phải nộp khoản phí bổ sung quy định tại khoản (2)(iii) đối với bất cứ Bên tham gia nào đã đưa ra tuyên bố theo khoản này.
(b) Bất cứ tuyên bố nào theo điểm (a) đều có thể được đưa ra trong những văn kiện quy định tại Điều 14(2), và ngày hiệu lực của tuyên bố đó sẽ là ngày bắt đầu hiệu lực của Nghị định thư này đối với Nước hoặc tổ chức liên Chính phủ đã đưa ra tuyên bố đó. Bất cứ tuyên bố nào như vậy cũng có thể được đưa ra sau đó, và trong trường hợp đó tuyên bố này sẽ có hiệu lực sau 3 tháng kể từ khi Tổng Giám đốc nhận được tuyên bố, hoặc có hiệu lực tại bất kỳ thời điểm nào muộn hơn nêu trong tuyên bố, đối với bất cứ đăng ký quốc tế nào có ngày trùng với hoặc muộn hơn ngày hiệu lực của tuyên bố đó.
Điều 9. Ghi nhận thay đổi về quyền và sở hữu Đăng ký quốc tế
Theo yêu cầu của người đứng tên Đăng ký quốc tế hoặc theo yêu cầu của Cơ quan có liên quan chủ động đưa ra hoặc theo yêu cầu của người có liên quan, Văn phòng quốc tế sẽ ghi nhận vào Đăng bạ quốc tế bất cứ thay đổi nào về quyền sở hữu đối với đăng ký đó, đối với tất cả hoặc một số Bên tham gia mà đăng ký đó có hiệu lực và đối với tất cả hoặc một số hàng hóa và dịch vụ được liệt kê trong đăng ký, với điều kiện chủ sở hữu mới phải là người được phép nộp đơn đăng ký quốc tế theo Điều 2(1).
Điều 9bis. Ghi nhận một số vấn đề liên quan đến Đăng ký quốc tế
Văn phòng quốc tế sẽ ghi nhận vào Đăng bạ quốc tế
(i) mọi thay đổi về tên và địa chỉ của chủ sở hữu Đăng ký quốc tế,
(ii) việc chỉ định đại diện của chủ sở hữu Đăng ký quốc tế và bất cứ sự kiện nào khác liên quan đến đại diện đó,
(iii) mọi sự thu hẹp danh mục hàng hóa và dịch vụ được liệt kê trong đăng ký quốc tế đối với tất cả hoặc một số Bên tham gia,
(iv) mọi sự từ bỏ, đình chỉ hoặc hủy bỏ Đăng ký quốc tế đối với tất cả hoặc một số Bên tham gia,
(v) mọi sự kiện khác được chỉ ra trong Quy chế liên quan đến các quyền đối với nhãn hiệu trong Đăng ký quốc tế.
Điều 9ter. Phí ghi nhận
Bất cứ việc ghi nhận nào theo Điều 9 hoặc Điều 9bis đều phải chịu phí.
Điều 9quarter. Cơ quan chung của một số Nước thành viên
(1) Nếu một số Nước thành viên thỏa thuận thực hiện việc đồng nhất hóa pháp luật quốc gia về nhãn hiệu của mình thì những nước này có thể thông báo cho Tổng Giám đốc
(i) rằng một Cơ quan chung sẽ thay thế cho Cơ quan quốc gia của mỗi nước, và
(ii) rằng toàn bộ lãnh thổ của các nước đó sẽ được coi như là một nước nhằm áp dụng một phần hoặc toàn bộ các quy định trên đây cũng như các quy định tại Điều 9quinquies và 9sexies
(2) Thông báo trên sẽ có hiệu lực sau sáu tháng kể từ ngày Tổng Giám đốc chuyển thông báo đó cho các Bên tham gia khác.
Điều 9quinquies. Chuyển đổi đăng ký quốc tế thành các đơn quốc gia hoặc khu vực
Trong trường hợp Đăng ký quốc tế bị đình chỉ theo yêu cầu của Cơ quan xuất xứ theo Điều 6(4) đối với toàn bộ hoặc một số hàng hóa và dịch vụ được liệt kê trong Đăng ký đó, nếu chủ sở hữu Đăng ký quốc tế đó nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đó cho Cơ quan của bất cứ Bên tham gia nào mà trong lãnh thổ của Bên đó Đăng ký quốc tế đó đã có hiệu lực thì đơn đó sẽ được coi như được nộp vào ngày đăng ký quốc tế theo Điều 3(4) hoặc vào ngày ghi nhận mở rộng lãnh thổ bảo hộ theo Điều 3ter(2) và, nếu đăng ký quốc tế có quyền ưu tiên thì sẽ được hưởng quyền ưu tiên đó, với điều kiện
(i) đơn đó được nộp trong vòng 3 tháng kể từ ngày Đăng ký quốc tế bị hủy bỏ, đình chỉ,
(ii) các hàng hóa và dịch vụ được liệt kê trong đơn thuộc danh mục hàng hóa và dịch vụ trong Đăng ký quốc tế đối với Bên tham gia liên quan, và
(iii) đơn đó đáp ứng mọi yêu cầu của luật áp dụng, bao gồm cả các yêu cầu liên quan đến phí.
Điều 9sexies. Bảo vệ Thỏa ước Madrid (Đạo luật Stockholm)
(1) Đối với một Đơn đăng ký quốc tế hoặc một Đăng ký quốc tế nhất định, Cơ quan xuất xứ là Cơ quan của một Nước là thành viên của cả Nghị định thư này và Thỏa ước Madrid (Đạo luật Stockholm), thì các quy định của Nghị định thư này sẽ không có hiệu lực trong lãnh thổ của bất cứ Nước nào khác cũng đồng thời là thành viên của cả Nghị định thư này và Thỏa ước Madrid (Đạo luật Stockholm).
(2) Với 3/4 phiếu thuận, Hội đồng có thể bãi bỏ khoản (1), hoặc hạn chế phạm vi áp dụng của khoản (1) sau khi kết thúc thời hạn 10 năm kể từ ngày Nghị định thư này bắt đầu có hiệu lực, nhưng không sớm hơn thời điểm kết thúc thời hạn 5 năm kể từ ngày đa số các Nước thành viên Thỏa ước Madrid (Đạo luật Stockholm) trở thành thành viên của Nghị định thư này. Khi bỏ phiếu tại Hội đồng, chỉ những Nước thành viên của cả Thỏa ước nói trên và Nghị định thư này mới có quyền bỏ phiếu.
Điều 10. Hội đồng
(1)(a) Các Bên tham gia sẽ là thành viên của chính Hội đồng của các nước thành viên Thỏa ước Madrid (Đạo luật Stockholm).
(b) Trong Hội đồng, mỗi Bên tham gia sẽ có một đại biểu tại, có thể được trợ giúp bởi các đại biểu thay thế, cố vấn, chuyên gia.
(c) Chi phí cho đoàn đại biểu sẽ do các Bên tham gia đã chỉ định chi trả, trừ các chi phí đi lại và ăn ở của một đại biểu của mỗi Bên tham gia sẽ được chi từ quỹ của Liên hiệp.
(2) Ngoài các chức năng theo Thỏa ước Madrid (Đạo luật Stockholm), Hội đồng cũng
(i) giải quyết mọi vấn đề liên quan đến việc thi hành Nghị định thư này;
(ii) hướng dẫn Văn phòng quốc tế và chuẩn bị các hội nghị sửa đổi Nghị định thư này, có xem xét đúng mức mọi ý kiến của các nước thuộc Liên hiệp nhưng không phải là thành viên của Nghị định thư này;
(iii) thông qua và sửa đổi các quy định của Quy chế thi hành Nghị định thư này;
(iv) thực hiện các chức năng khác phù hợp với Nghị định thư này.
(3)(a) Mỗi Bên tham gia sẽ có một phiếu trong Hội đồng. Đối với những vấn đề chỉ liên quan đến những Nước là thành viên của Thỏa ước Madrid (Đạo luật Stockholm), các Bên tham gia không phải là thành viên của Thỏa ước Madrid sẽ không có quyền bỏ phiếu, ngược lại đối với những vấn đề chỉ liên quan đến các Bên tham gia thì chỉ các Bên tham gia đó mới có quyền bỏ phiếu.
(b) Một nửa số thành viên của Hội đồng có quyền bỏ phiếu về một vấn đề liên quan sẽ tạo thành số đại biểu cần thiết cho việc bỏ phiếu về vấn đề đó.
(c) Không phụ thuộc vào các quy định tại điểm (b), tại bất cứ phiên họp nào nếu số thành viên của Hội đồng có quyền bỏ phiếu về một vấn đề nhất định có mặt chưa được một nửa nhưng bằng hoặc nhiều hơn một phần ba số thành viên của Hội đồng có quyền bỏ phiếu về vấn đề đó thì Hội đồng có thể đưa ra quyết định nhưng, trừ các quyết định liên quan tới thủ tục của chính Hội đồng, mọi quyết định như vậy sẽ chỉ có hiệu lực khi các điều kiện quy định sau đây được đáp ứng. Văn phòng quốc tế sẽ thông báo các quyết định trên cho các thành viên của Hội đồng có quyền bỏ phiếu về vấn đề trên mà không có mặt và sẽ yêu cầu các nước này thể hiện bằng văn bản về việc bỏ phiếu hoặc không bỏ phiếu trong vòng 3 tháng kể từ ngày thông báo. Sau khi kết thúc thời hạn này, nếu số Nước thành viên nêu trên đã trình bày ý kiến về việc bỏ phiếu hoặc không bỏ phiếu bằng số nước còn thiếu để tạo thành số đại biểu cần thiết theo quy định trong phiên họp đó thì các quyết định đó sẽ có hiệu lực với điều kiện tại thời điểm đó đạt được đa số phiếu cần thiết.
(d) Theo các quy định của Điều 5(2)(e), 9sexies(2), 12 và 13(2), các quyết định của Hội đồng cần phải có hai phần ba phiếu thuận.
(e) Việc không tham gia bỏ phiếu không được tính là bỏ phiếu.
(f) Mỗi đại biểu chỉ có thể đại diện và bỏ phiếu cho một thành viên của Hội đồng.
(4) Ngoài các khóa họp thường kỳ và bất thường theo quy định tại Thỏa ước Madrid (Đạo luật Stockholm), Hội đồng sẽ tiến hành các khóa họp bất thường theo triệu tập của Tổng Giám đốc, theo yêu cầu của một phần tư số thành viên của Hội đồng có quyền bỏ phiếu về vấn đề được đề xuất giải quyết trong chương trình nghị sự của khóa họp này. Chương trình nghị sự của phiên họp bất thường sẽ do Tổng Giám đốc chuẩn bị.
Điều 11. Văn phòng quốc tế
(1) Văn phòng quốc tế sẽ thực hiện việc đăng ký quốc tế và các nhiệm vụ liên quan cũng như mọi nhiệm vụ quản lý khác theo hoặc liên quan đến Nghị định thư này.
(2)(a) Theo hướng dẫn của Hội đồng, Văn phòng quốc tế sẽ chuẩn bị cho các hội nghị sửa đổi Nghị định thư này.
(b) Văn phòng quốc tế có thể tham vấn các tổ chức liên Chính phủ và tổ chức quốc tế phi Chính phủ về việc chuẩn bị các hội nghị sửa đổi nêu trên.
(c) Tổng Giám đốc và những người được Tổng Giám đốc chỉ định sẽ tham gia các cuộc thảo luận tại các hội nghị sửa đổi nhưng không có quyền bỏ phiếu.
(3) Văn phòng quốc tế sẽ thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào khác được phân công liên quan đến Nghị định thư này.
Điều 12. Tài chính
Trong phạm vi liên quan tới các Bên tham gia, vấn đề tài chính của Liên hiệp sẽ được điều chỉnh bởi các quy định liên quan đến vấn đề này tại Điều 12 của Thỏa ước Madrid (Đạo luật Stockholm), với điều kiện mọi sự dẫn chiếu đến Điều 8 của Thỏa ước trên sẽ được coi là dẫn chiếu đến Điều 8 của Nghị định thư này. Ngoài ra, nhằm mục đích của Điều 12(6)(b) của Thỏa ước nêu trên, theo một quyết định đồng thuận ngược lại của Hội đồng, các Tổ chức thành viên được coi là thuộc nhóm đóng góp I (một) theo Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp.
Điều 13. Sửa đổi một số Điều của Nghị định thư
(1) Đề nghị sửa đổi các Điều 10, 11, 12 và Điều này có thể được đề xuất bởi bất cứ Bên tham gia nào, hoặc bởi Tổng Giám đốc. Những đề nghị đó sẽ được Tổng Giám đốc thông báo cho các Bên tham gia ít nhất 6 tháng trước khi Hội đồng bắt đầu tiến hành xem xét.
(2) Những sửa đổi đối với các Điều nêu tại khoản (1) sẽ được Hội đồng thông qua. Việc thông qua này đòi hỏi phải có 3/4 phiếu thuận, với điều kiện mọi sự sửa đổi đối với Điều 10 và khoản này phải có 4/5 phiếu thuận.
(3) Bất cứ sự sửa đổi nào đối với các Điều nêu tại khoản (1) đều có hiệu lực sau một tháng kể từ ngày Tổng Giám đốc nhận được thông báo chấp nhận – có hiệu lực theo các quy trình lập pháp tương ứng – từ 3/4 số Nước và tổ chức liên Chính phủ là thành viên của Hội đồng và có quyền bỏ phiếu đối với việc sửa đổi vào thời điểm việc sửa đổi được thông qua. Mọi sự sửa đổi đối với các Điều nêu trên được chấp nhận như vậy sẽ ràng buộc tất cả các Nước và tổ chức liên Chính phủ là Bên tham gia tại thời điểm sửa đổi có hiệu lực, hoặc trở thành Bên tham gia tại một thời điểm sau đó.
Điều 14. Trở thành thành viên của Nghị định thư; Bắt đầu hiệu lực
(1)(a) Bất cứ Nước nào là thành viên của Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp đều có thể trở thành thành viên của Nghị định thư này.
(b) Ngoài ra, bất cứ tổ chức liên Chính phủ nào cũng có thể trở thành thành viên của Nghị định thư này khi đáp ứng các điều kiện sau:
(i) ít nhất một Nước thành viên của tổ chức đó là thành viên của Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp;
(ii) tổ chức đó có một Cơ quan khu vực để đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực trong lãnh thổ của tổ chức đó, với điều kiện Cơ quan này không phải là đối tượng thông báo theo Điều 9quarter.
(2) Bất cứ Nước hoặc tổ chức nào nêu tại khoản (1) đều có thể ký kết Nghị định thư này. Bất cứ Nước hoặc tổ chức nào như vậy, nếu đã ký Nghị định thư này, đều có thể nộp lưu văn kiện phê chuẩn, chấp thuận hoặc phê duyệt Nghị định thư này, hoặc nếu không ký Nghị định thư này thì có thể nộp văn kiện tham gia Nghị định thư này.
(3) Các văn kiện nêu tại khoản (2) sẽ được nộp lưu cho Tổng Giám đốc.
(4)(a) Nghị định thư này sẽ có hiệu lực sau 3 tháng kể từ khi có 4 văn kiện phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hoặc tham gia được nộp lưu, với điều kiện có ít nhất một trong số các văn kiện đó được nộp lưu bởi một Nước thành viên Thỏa ước Madrid (Đạo luật Stockholm) và ít nhất một văn kiện khác được nộp lưu bởi một Nước không phải là thành viên của Thỏa ước Madrid (Đạo luật Stockholm) hoặc bởi bất cứ tổ chức nào nêu tại khoản (1)(b).
(b) Đối với bất cứ Nước hoặc tổ chức nào nêu tại khoản (1), Nghị định thư này sẽ có hiệu lực sau 3 tháng kể từ ngày Tổng Giám đốc thông báo văn kiện phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hoặc tham gia của họ.
(5) Khi nộp lưu văn kiện phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hoặc tham gia Nghị định thư này, bất cứ Nước hoặc tổ chức nào được nêu tại khoản (1) đều có thể tuyên bố rằng sự bảo hộ phát sinh từ đăng ký quốc tế thực hiện theo Nghị định thư này trước ngày Nghị định thư này bắt đầu có hiệu lực tại Nước hoặc tổ chức đó sẽ không được mở rộng tới Nước hoặc tổ chức đó.
Điều 15. Bãi ước
(1) Nghị định thư này sẽ được duy trì hiệu lực mà không bị hạn chế về thời gian.
(2) Bất cứ Bên tham gia nào đều có thể bãi ước đối với Nghị định thư này bằng việc gửi thông báo cho Tổng Giám đốc.
(3) Việc bãi ước sẽ có hiệu lực sau một năm kể từ ngày Tổng Giám đốc nhận được thông báo bãi ước.
(4) Không Bên tham gia nào được thực hiện quyền bãi ước quy định tại Điều này trước khi kết thúc 5 năm kể từ ngày Nghị định thư này bắt đầu có hiệu lực đối với Bên tham gia đó.
(5)(a) Trường hợp nhãn hiệu là đối tượng của một Đăng ký quốc tế đang có hiệu lực ở một Nước hoặc tổ chức liên Chính phủ bãi ước tại thời điểm tuyên bố bãi ước bắt đầu có hiệu lực, chủ sở hữu đăng ký quốc tế đó có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đó cho Cơ quan của Nước hoặc tổ chức liên Chính phủ bãi ước và đơn đó sẽ được coi như đã được nộp vào ngày đăng ký quốc tế theo quy định tại Điều 3(4) hoặc vào ngày ghi nhận sự mở rộng lãnh thổ bảo hộ theo Điều 3ter(2) và nếu đăng ký quốc tế có quyền ưu tiên thì đơn này sẽ được hưởng quyền ưu tiên, với điều kiện.
(i) đơn đó được nộp trong vòng 2 năm kể từ ngày thông báo bãi ước bắt đầu có hiệu lực,
(ii) các hàng hóa và dịch vụ được liệt kê trong đơn đó thuộc danh mục các hàng hóa và dịch vụ của đăng ký quốc tế đối với Nước hoặc tổ chức liên Chính phủ bãi ước, và
(iii) đơn đó đáp ứng mọi yêu cầu của luật áp dụng, bao gồm cả các yêu cầu liên quan đến phí.
(b) Các quy định của điểm (a) cũng sẽ áp dụng cho bất cứ nhãn hiệu nào là đối tượng của đăng ký quốc tế đang có hiệu lực tại các Bên tham gia ngoài Nước hoặc tổ chức liên Chính phủ bãi ước tại thời điểm thông báo bãi ước bắt đầu có hiệu lực và chủ sở hữu đăng ký quốc tế đó không còn được phép nộp đơn quốc tế theo Điều 2(1) nữa do sự bãi ước đó.
Điều 16. Ký kết; Ngôn ngữ, Nhiệm vụ lưu giữ
(1)(a) Nghị định thư này sẽ được ký bằng một bản duy nhất bằng tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha, và sẽ được nộp lưu cho Tổng Giám đốc khi kết thúc thời gian để ngỏ cho việc ký kết tại Madrid. Các bản bằng ba thứ tiếng nói trên sẽ có giá trị ngang nhau.
(b) Các bản chính thức của Nghị định thư này bằng tiếng Ả rập, Trung quốc, Đức, Italia, Nhật, Bồ Đào Nha và Nga, và bằng các ngôn ngữ khác theo sự lựa chọn của Tổng Giám đốc, sẽ được Tổng Giám đốc ban hành, sau khi tham khảo ý kiến của các Chính phủ và tổ chức liên quan.
(2) Nghị định thư này được để ngỏ cho việc ký kết tại Madrid cho tới ngày 31 tháng 12 năm 1989.
(3) Tổng Giám đốc sẽ chuyển hai bản sao của văn bản đã được ký kết của Nghị định thư này – có sự xác nhận của Chính phủ Tây Ban Nha – cho tất cả các Nước và tổ chức liên Chính phủ có thể trở thành thành viên của Nghị định thư này.
(4) Tổng Giám đốc sẽ đăng ký Nghị định thư này với Ban Thư ký của Liên Hợp Quốc.
(5) Tổng Giám đốc sẽ thông báo cho tất cả các nước và tổ chức liên Chính phủ có thể trở thành hoặc đang là thành viên của Nghị định thư này về việc ký kết, nộp lưu văn kiện phê chuẩn, thừa nhận, phê duyệt hoặc tham gia, sự bắt đầu hiệu lực của Nghị định thư này và bất cứ sửa đổi nào, mọi thông báo bãi ước và bất cứ tuyên bố nào được quy định trong Nghị định thư này.
Không có văn bản liên quan. |
Nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa
In lược đồCơ quan ban hành: | |
Số hiệu: | khongso |
Loại văn bản: | Nghị định thư |
Ngày ban hành: | 27/06/1989 |
Hiệu lực: | 27/06/1989 |
Lĩnh vực: | Thương mại-Quảng cáo, Sở hữu trí tuệ, Ngoại giao |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Đang cập nhật |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |