Cơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 01/2017/QĐ-UBND | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Nguyễn Ngọc Thạch |
Ngày ban hành: | 16/01/2017 | Hết hiệu lực: | 10/05/2020 |
Áp dụng: | 26/01/2017 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Thương mại-Quảng cáo |
ỦY BAN NHÂN DÂN Số: 01/2017/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Ninh Bình, ngày 16 tháng 01 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
---------
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Cạnh tranh ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về Quản lý hoạt động bán hàng đa cấp;
Căn cứ Thông tư số 24/2014/TT-BCT ngày 30/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về Quản lý hoạt động bán hàng đa cấp;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 1481/TTr-SCT ngày 30/12/2016 và Báo cáo thẩm định số 330/BC-STP ngày 29/12/2016 của Giám đốc Sở Tư pháp.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2017.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2017/QĐ-UBND ngày 16/01/2017 của UBND tỉnh Ninh Bình)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về nguyên tắc, nội dung, trách nhiệm phối hợp quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với: Sở, ban, ngành ở tỉnh, Ủy ban nhân dân (UBND) các huyện, thành phố; doanh nghiệp bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp, cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp
1. Công tác phối hợp được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan đã được pháp luật quy định và yêu cầu công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp theo từng thời điểm.
2. Các nội dung công việc liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp thực hiện đúng quy định pháp luật. Nghiêm cấm mọi thái độ cửa quyền, quan liêu, vô trách nhiệm, gây phiền hà, sách nhiễu yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện những vấn đề trái với quy định của pháp luật.
3. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động bán hàng đa cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao các cơ quan có trách nhiệm chủ động phối hợp hoạt động với cơ quan, đơn vị liên quan để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo điều hành giữa các cơ quan quản lý của tỉnh.
4. Việc tổ chức phối hợp lực lượng kiểm tra và xử lý theo từng vụ việc căn cứ vào nguồn thông tin và công tác kiểm tra của từng cơ quan, đơn vị và phải do người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó có yêu cầu bằng văn bản.
Điều 3. Nội dung phối hợp
1. Phổ biến, tuyên truyền pháp luật đối với hoạt động bán hàng đa cấp cho các doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp, người dân trên địa bàn tỉnh.
2. Xác nhận tiếp nhận hồ sơ Thông báo hoạt động bán hàng đa cấp; Xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ thông báo hoạt động bán hàng đa cấp; Xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp; Xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm tại hội nghị, hội thảo.
3. Cung cấp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước tham gia thực hiện Quy chế này.
4. Thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp; phát hiện, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm theo quy định pháp luật.
5. Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả công tác phối hợp, rút kinh nghiệm và đề xuất kiến nghị (nếu có).
6. Báo cáo định kỳ việc thực hiện các thủ tục hành chính về hoạt động bán hàng đa cấp; báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh.
7. Tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn; đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp.
Điều 4. Phương thức phối hợp
1. Các cơ quan có trách nhiệm thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương, phân công đầu mối (lãnh đạo và chuyên viên) theo dõi, giải quyết các công việc liên quan đến công tác phối hợp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; làm đầu mối trong quá trình phối hợp xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của đơn vị mình; làm đầu mối tổng hợp thông tin số liệu định kỳ hàng năm hoặc đột xuất báo cáo gửi cơ quan đầu mối (Sở Công Thương) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
2. Các cơ quan phối hợp và cơ quan đầu mối thường xuyên, kịp thời trao đổi thông tin, đề xuất về các nội dung cần phối hợp; thông tin liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn; kết quả công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp của cơ quan, đơn vị mình theo chức năng nhiệm vụ; các đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp.
3. Để đảm bảo công tác phối hợp được kịp thời, các cơ quan có thể trao đổi thông tin thông qua hình thức trực tiếp gặp gỡ để trao đổi, thông qua văn bản hoặc thông qua các phương tiện thông tin liên lạc.
4. Đối với từng chuyên đề, vụ việc cụ thể cần huy động sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, đơn vị chủ trì tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành triển khai công tác kiểm tra có trách nhiệm: Bảo đảm tính pháp lý và trình tự thủ tục đối với các vụ việc tiến hành kiểm tra; chịu trách nhiệm về kinh phí trong quá trình tổ chức kiểm tra; báo cáo kết quả gửi Sở Công Thương để tổng hợp.
Chương II
TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP CỦA CÁC CƠ QUAN
Điều 5. Trách nhiệm Sở Công Thương
1. Là cơ quan đầu mối, chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh theo các quy định của pháp luật có liên quan; hướng dẫn, đôn đốc doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh tuân thủ các quy định của pháp luật.
2. Lập kế hoạch triển khai hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan, các cơ quan thông tin đại chúng, văn hóa tuyên truyền và các tổ chức đoàn thể quần chúng triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp bán hàng đa cấp và người tham gia bán hàng đa cấp trên địa bàn về hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định.
3. Chủ trì: Xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm tại hội nghị, hội thảo đối với sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Công Thương cho các doanh nghiệp bán hàng đa cấp có thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo trên địa bàn tỉnh; Xác nhận tiếp nhận hồ sơ Thông báo hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh; Xác nhận tiếp nhận Thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ thông báo hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh; Xác nhận tiếp nhận hồ sơ Thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo của doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh.
4. Gửi Giấy xác nhận tiếp nhận hồ sơ Thông báo hoạt động bán hàng đa cấp, xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ Thông báo hoạt động bán hàng đa cấp; xác nhận tiếp nhận hồ sơ Thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp cho các đơn vị, cơ quan có liên quan (gửi qua đường văn bản hoặc email); Sao gửi hồ sơ Thông báo hoạt động bán hàng đa cấp; xác nhận thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ Thông báo hoạt động bán hàng đa cấp, hồ sơ xác nhận tiếp nhận hồ sơ Thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp cho các đơn vị, cơ quan có liên quan khi cần thiết để phối hợp hoạt động quản lý bán hàng đa cấp trên địa bàn, công khai danh sách các doanh nghiệp đã được Xác nhận tiếp nhận hồ sơ Thông báo hoạt động bán hàng đa cấp trên trang thông tin điện tử của Sở Công Thương.
5. Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, đánh giá nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, đặc biệt là hàng hóa được sản xuất, gia công trong nước. Xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật.
6. Chỉ đạo Thanh tra Sở Công Thương thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm đối với đơn thư phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân gửi đến Sở Công Thương về hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn theo thẩm quyền và quy định hiện hành của pháp luật hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng theo quy định.
7. Chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức bán hàng đa cấp theo Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đã được Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cấp đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh và theo nội dung Thông báo hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn khi cần thiết, phát hiện và có biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật.
8. Phối hợp chỉ đạo, tổ chức huy động (khi cần thiết) lực lượng của các cơ quan để tham gia thực hiện công tác kiểm tra, xử lý các hoạt động bán hàng đa cấp trái phép. Tạo điều kiện cho lực lượng của cơ quan chức năng thực hiện điều tra, kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền của từng cơ quan.
9. Khi tiếp nhận được các thông tin về dấu hiệu vi phạm đối với hoạt động bán hàng đa cấp có liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thì Sở Công Thương thông tin đến các cơ quan đó để chủ động xác minh, điều tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc chuyển các cơ quan có thẩm xử lý vi phạm theo quy định.
10. Hàng năm, tổng hợp báo cáo định kỳ Bộ Công Thương, UBND tỉnh về việc tiếp nhận hồ sơ Thông báo hoạt động bán hàng đa cấp; Thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo của doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh; kết quả kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh.
11. Tổ chức việc giao ban giữa các cơ quan quản lý nhà nước thuộc tỉnh về công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn khi cần thiết. Kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp của Quy chế để việc phối hợp giữa các cơ quan đạt hiệu quả hơn.
12. Đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đối với các doanh nghiệp vi phạm quy định về hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh.
13. Kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung những quy định không phù hợp với tình hình thực tế trong quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Chủ trì, phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý đối với hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh.
Điều 6. Trách nhiệm Công an tỉnh
1. Chỉ định đơn vị trực thuộc làm đầu mối để thực hiện Quy chế này.
2. Tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra làm rõ hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp hoặc lợi dụng kinh doanh đa cấp biến tướng nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, gian lận thương mại, buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, huy động tài chính trái phép và các vi phạm pháp luật khác trên địa bàn tỉnh để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, góp phần răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
3. Thông qua công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bán hàng đa cấp để rút ra phương thức, thủ đoạn phạm tội để trao đổi, tuyên truyền cho các cơ quan, doanh nghiệp và người dân biết, nâng cao ý thức cảnh giác. Đồng thời phát hiện những bất cập trong quy định của pháp luật để kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ để người dân tham gia kinh doanh thuận lợi, an toàn.
4. Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan quản lý liên quan tiến hành kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ; tiếp nhận và tiến hành xác minh, điều tra, kiểm tra, xử lý theo quy định đối với những vụ việc có dấu hiệu của tội phạm do các cơ quan chức năng bàn giao.
5. Tăng cường công tác quản lý tạm trú, tạm vắng của người dân trên địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp có dấu hiệu vi phạm.
6. Chủ trì phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy định quản lý Nhà nước về an ninh trật tự trong hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh.
Điều 7. Trách nhiệm Sở Y tế
1. Là cơ quan chủ trì cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thông qua hình thức tổ chức hội nghị, hội thảo đối với sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Y tế trên địa bàn tỉnh (kết quả xác nhận của Sở Y tế là căn cứ để Sở Công Thương xác nhận tiếp nhận hồ sơ Thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Quy chế này trong trường hợp hội nghị, hội thảo, đào tạo có nội dung thông tin về hàng hóa được kinh doanh theo phương thức đa cấp).
2. Chủ trì chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý chất lượng sản phẩm và việc đáp ứng điều kiện kinh doanh sản phẩm đối với các mặt hàng kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp thuộc lĩnh vực Sở Y tế quản lý.
3. Kiểm tra, giám sát doanh nghiệp trong việc quảng cáo sản phẩm có liên quan đến lĩnh vực quản lý của Sở Y tế; việc thực hiện các hội nghị, hội thảo, sự kiện giới thiệu thực phẩm, mỹ phẩm tại địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
4. Kiểm tra, giám sát việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh đối với cơ sở, địa điểm kinh doanh các sản phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành y tế của doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại địa bàn tỉnh theo quy định pháp luật.
5. Chỉ định đơn vị trực thuộc làm đầu mối để thực hiện quy chế này. Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan quản lý có liên quan tiến hành kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ.
6. Thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc chuyển các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định khi tiếp nhận được các thông tin phản ánh có dấu hiệu vi phạm đối với hoạt động bán hàng đa cấp liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình do Sở Công Thương và các cơ quan liên quan cung cấp.
7. Thực hiện chế độ thông tin thường xuyên hoặc đột xuất về tình hình liên quan đến công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp thuộc lĩnh vực ngành phụ trách gửi Sở Công Thương phối hợp quản lý.
8. Phối hợp với Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh và kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định không phù hợp với tình hình thực tế trong quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Điều 8. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch Đầu tư
1. Là cơ quan chủ trì cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, đăng ký địa điểm kinh doanh đối với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
2. Chỉ định đơn vị trực thuộc làm đầu mối để thực hiện quy chế này. Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ.
3. Trực tiếp kiểm tra hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra doanh nghiệp bán hàng đa cấp theo nội dung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo cho Sở Công Thương và cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Thực hiện chế độ thông tin thường xuyên hoặc đột xuất về thông tin đăng ký doanh nghiệp, thành lập chi nhánh/văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp gửi Sở Công Thương để phối hợp quản lý.
5. Phối hợp với Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh và kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định không phù hợp với tình hình thực tế trong quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Điều 9. Trách nhiệm của Cục thuế tỉnh
1. Là cơ quan chủ trì hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế đối với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định.
2. Chỉ định đơn vị trực thuộc làm đầu mối để thực hiện quy chế này. Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan quản lý có liên quan tiến hành kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ.
3. Thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc chuyển các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định khi tiếp nhận được các thông tin phản ánh có dấu hiệu vi phạm đối với hoạt động bán hàng đa cấp liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình do Sở Công Thương và các cơ quan liên quan cung cấp.
4. Thực hiện chế độ thông tin thường xuyên hoặc đột xuất về việc chấp hành nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp, chi nhánh/văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp gửi Sở Công Thương phối hợp quản lý.
5. Phối hợp Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh và kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định không phù hợp với tình hình thực tế trong quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Điều 10. Trách nhiệm của Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh & Truyền hình Ninh Bình
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên tuyên truyền các thông tin, quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về bán hàng đa cấp.
Điều 11. Trách nhiệm của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Ninh Bình
1. Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp và nhận thức của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
2. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp; kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định không phù hợp với tình hình thực tế trong quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Điều 12. Trách nhiệm các sở, ban, ngành khác có liên quan
1. Có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý chất lượng hàng hóa và việc đáp ứng điều kiện kinh doanh sản phẩm đối với các mặt hàng kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp thuộc lĩnh vực do ngành mình quản lý.
2. Chủ trì, phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn có liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành theo quy định pháp luật.
3. Thực hiện chế độ thông tin thường xuyên hoặc đột xuất về tình hình liên quan đến công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp thuộc lĩnh vực ngành phụ trách gửi Sở Công Thương để phối hợp quản lý.
4. Phối hợp với Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh và kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định không phù hợp với tình hình thực tế trong quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Điều 13. Trách nhiệm UBND các huyện, thành phố
1. Quản lý hành chính nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp theo phân cấp trên địa bàn.
2. Chỉ đạo các lực lượng chức năng thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn và UBND các xã, phường, thị trấn chủ động kiểm soát phát hiện, ngăn ngừa những biến tướng trong hoạt động bán hàng đa cấp ngay tại cơ sở không để lan rộng khó kiểm tra, đồng thời tăng cường phổ biến, tuyên truyền các quy định pháp luật về quản lý bán hàng đa cấp, các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp, các dấu hiệu vi phạm của doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp để các cơ quan, tổ chức và nhân dân trên địa bàn biết để ngăn ngừa, phòng tránh.
3. Phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn quản lý. Chủ động giám sát, phát hiện các hiện tượng hoạt động bán hàng đa cấp trái phép trên địa bàn quản lý, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định.
4. Thực hiện chế độ thông tin thường xuyên hoặc đột xuất về tình hình liên quan đến công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp thuộc địa bàn quản lý gửi Sở Công Thương để phối hợp quản lý.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Triển khai tổ chức thực hiện Quy chế
Sở Công Thương chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tham mưu, giúp UBND tỉnh triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế này; đôn đốc các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai tổ chức thực hiện Quy chế này ở ngành mình, địa phương mình, đơn vị mình quản lý; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế này theo định kỳ hoặc đột xuất.
Điều 15. Khen thưởng và xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy chế này sẽ được khen thưởng theo chế độ khen thưởng hiện hành của Nhà nước. Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm Quy chế này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 16. Sửa đổi, bổ sung Quy chế
Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy chế nếu có vướng mắc, có nội dung không phù hợp với quy định của pháp hoặc không phù hợp với thực tế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh bằng văn bản gửi về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Quyết định 01/2017/QĐ-UBND Quy chế phối hợp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tỉnh Ninh Bình
In lược đồCơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình |
Số hiệu: | 01/2017/QĐ-UBND |
Loại văn bản: | Quyết định |
Ngày ban hành: | 16/01/2017 |
Hiệu lực: | 26/01/2017 |
Lĩnh vực: | Thương mại-Quảng cáo |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Nguyễn Ngọc Thạch |
Ngày hết hiệu lực: | 10/05/2020 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |