Cơ quan ban hành: | Bộ Lao động Thương binh và Xã hội | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 661/LĐTBXH-KHTC | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công văn | Người ký: | Phạm Quang Phụng |
Ngày ban hành: | 20/02/2019 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 20/02/2019 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Tiết kiệm-Phòng, chống tham nhũng, lãng phí |
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI Số: 661/LĐTBXH-KHTC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 20 tháng 02 năm 2019 |
Kính gửi: Bộ Tài chính
Thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo kết quả thực hiện về THTK, CLP năm 2018 như sau:
I. Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
1. Công tác tuyên truyền phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ
a) Quán triệt Nghị quyết số 01/NQ - CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 với phương châm hành động của Chính phủ là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (sau đây viết tắt là Bộ LĐTBXH) ban hành Chương trình công tác lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2018 tại Quyết định số 54/QĐ-LĐTBXH ngày 17/01/2018 cụ thể hóa Nghị quyết số 01, trong đó xác định trọng tâm chỉ đạo, điều hành là: “Tiếp tục hoàn thiện, phát triển thị trường lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cải thiện, nâng cao mức sống người có công, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an toàn xã hội, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội”. Kết quả năm 2018, đã đạt được những kết quả tích cực, cụ thể:
- Bộ đã hoàn thành 03 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao: Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,19%, trong đó khu vực thành thị là 3,10%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,6%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 23 - 23,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1,35% so với cuối năm 2017; riêng các huyện nghèo giảm trên 5%.
- Tham mưu ban hành quyết sách quan trọng về bảo hiểm xã hội, tiền lương.
- Hoàn thành 100% các đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo chất lượng, tiến độ, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, góp phần hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội giao. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người có công, đối tượng chính sách xã hội được cải thiện và từng bước được nâng lên; giảm nghèo đi vào thực chất hơn với các hoạt động thiết thực, đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau”; công tác người cao tuổi; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được quan tâm chỉ đạo; tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa thiết thực, có ý nghĩa giáo dục, nhân văn sâu sắc nhân ngày thương binh liệt sĩ, tập trung giải quyết chế độ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công.
b) Phối hợp với các tổ chức đoàn thể (công đoàn, đoàn thanh niên) tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt tư tưởng của Bác về THTK, CLP.
c) Các đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH đã thực hiện tổ chức tuyên truyền, thực hiện việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong hoạt động chuyên môn thường xuyên của đơn vị mình như xây dựng dự toán kinh phí chặt chẽ, phê duyệt quyết toán đúng quy định; lồng ghép, phối hợp các hoạt động thường xuyên với các hoạt động dự án, chương trình viện trợ nhằm đảm bảo hiệu quả về công tác chuyên môn và đảm bảo đúng tiến độ công việc.
d) Triển khai thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 08/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về ngân sách nhà nước, Bộ đã có Công văn số 4956/LĐTBXH-KHTC ngày 22/11/2018 đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện
e) Triển khai Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 09 năm 2016 và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc dự kiến phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 và năm 2018, Bộ LĐTBXH đã có các Công văn hướng dẫn các chủ đầu tư dự án do Bộ LĐTBXH quản lý, các đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án thực hiện tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư dự án theo đúng quy định.
g) Thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Ban cán sự Đảng bộ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành chương trình hành động số 400-CTr/BCS ngày 29/3/2018, trên cơ sở đó Bộ đã ban hành Quyết định số 1155/QĐ-LĐTBXH ngày 05/9/2018 về kế hoạch của Bộ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Kế hoạch số 07-KH/TW, Nghị quyết số 56/2017/QH14, Nghị quyết số 08/NQ-QH; Nghị quyết số 10/NQ-CP và Chương trình hành động số 400-CTr/BCS của Ban cán sự với một số nội dung chính như: Nghiên cứu tổng thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ theo Nghị định số 14/2017/NĐ-CP và Nghị định thay thế Nghị định số 123/2016/NĐ-CP; rà soát cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn bên trong các đơn vị quản lý nhà nước thuộc Bộ theo hướng tinh gọn, giảm mạnh đầu mối, bỏ cấp trung gian; rà soát, tổ chức lại cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, nhất là các trường thuộc Bộ; kiện toàn, chuyển đổi mô hình, sáp nhập đơn vị, thực hiện tinh giảm biên chế theo lộ trình, giảm số lượng cấp phó của đơn vị thuộc Bộ, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị; xây dựng kế hoạch và định mức tiết kiệm chi thường xuyên....
i) Triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường năng lực tiếp cận như phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử. Đối với công tác đổi mới giáo dục nghề nghiệp, Bộ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nhằm cụ thể hóa việc tổ chức Luật giáo dục nghề nghiệp 2014 và tiếp tục đổi mới giáo dục nghề nghiệp theo hướng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của chuyển giao và ứng dụng công nghệ.
k) Đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, tin học hóa quản lý nhà nước, thực hiện chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, đổi mới phương thức làm việc, giảm hội họp, giảm giấy tờ hành chính, đáp ứng các điều kiện cần thiết khác cho công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
g) Tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn, chế độ thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ sự nghiệp công và đánh giá THTK, CLP. Xây dựng, hoàn thiện tiêu chuẩn định mức sử dụng tài sản công tại các đơn vị thuộc Bộ, nhất là tài sản chuyên dùng, thực hiện phương thức mua sắm tập trung tài sản, đấu thầu qua mạng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, công khai kết quả xử lý lãng phí theo quy định của pháp luật.
h) Tiếp tục kế hoạch thoái vốn tại các doanh nghiệp thuộc Bộ theo lộ trình quy định của Chính phủ, đảm bảo hiệu quả, bảo toàn vốn nhà nước, không xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí.
2. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành xây dựng và tổ chức thực hiện
a) Thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí số 44/2013/QH13 ngày 26/11/2013 của Quốc hội khóa 13; Quyết định số 217/QĐ-TTg ngày 13/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018, Bộ LĐTBXH đã ban hành Quyết định số 392/QĐ-LĐTBXH ngày 05/4/2018 về việc ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2018 của Bộ LĐTBXH, trong đó yêu cầu các đơn vị thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải tiến hành thường xuyên, liên tục mọi lúc, mọi nơi, đồng thời phải được tiến hành đồng bộ với các hoạt động phòng chống tham nhũng, triệt để tiết kiệm chi ngân sách, lồng ghép chính sách. Xây dựng kế hoạch, dự toán trên cơ sở chế độ tiêu chuẩn, định mức chi của nhà nước cho những công việc thực sự cần thiết, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các khoản chi để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Đồng thời có các văn bản đôn đốc, chấn chỉnh thực hiện các quy định của Pháp luật về THTK, CLP tại Công văn số 2134/LĐTBXH-KHTC ngày 01/6/2018, Công văn số 4688/LĐTBXH-KHTC ngày 07/11/2018.
b) Triển khai đầy đủ, kịp thời các quy định về quản lý tài chính, tài sản công chặt chẽ, hiệu quả. Kịp thời chấn chỉnh đơn vị nghiêm túc thực hiện tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy hoạt động, bộ máy quản lý nhà nước. Ban hành quy định phân cấp quyết định tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng tạo sự chủ động cho đơn vị trong công tác quản lý. Thực hiện mua sắm tài sản tập trung cấp Bộ, hướng dẫn những vướng mắc trong quá trình thực hiện, qua đó đã tiết kiệm thời gian thẩm định, phê duyệt cũng như tiết kiệm kinh phí mua sắm. Đổi mới phương thức xét duyệt, thẩm định quyết toán năm đối với đơn vị trực thuộc theo hướng kiểm tra, xét duyệt việc sử dụng kinh phí gắn với kết quả sản phẩm đầu ra của việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao.
c) Tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện rà soát, xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn thuộc lĩnh vực của ngành LĐTBXH làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ sự nghiệp công.
3. Công tác thanh tra, kiểm tra về Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Thực hiện kiểm tra công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với tất cả các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và đơn vị sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng cùng với công tác xét duyệt, thẩm định quyết toán ngân sách năm, lồng ghép công tác kiểm tra cải cách hành chính với kiểm tra công tác THTK, CLP (trong năm 2018 đã thực hiện kiểm tra 07 đơn vị thuộc Bộ).
II. Tình hình, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
1. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ
a) Công tác xây dựng pháp luật được chú trọng, trong năm 2018 đã hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (11 đề án gồm: 03 Luật, pháp lệnh; 07 Nghị định của Chính phủ và 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ). Ngoài ra Bộ cũng đã trình 25 đề án phát sinh ngoài Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đã ban hành 21 đề án, gồm: 01 Nghị quyết của Trung ương Đảng, 03 Nghị quyết của Chính phủ, 04 Nghị định của Chính phủ, 11 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 02 Quyết định của Chủ tịch nước. Ban hành theo thẩm quyền 42 Thông tư quy định, hướng dẫn thực hiện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhìn chung đảm bảo chất lượng, đúng thẩm quyền, trình tự, tiến độ theo kế hoạch đề ra, góp phần hoàn thiện thể chế, văn bản quy phạm pháp luật về lao động, người có công và xã hội, làm cơ sở, tạo nền tảng pháp lý cho thực hiện chính sách an sinh xã hội.
b) Bộ đã có các nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị rà soát các văn bản đã ban hành về định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong sử dụng ngân sách, vốn, tài sản nhà nước, thời gian lao động trong khu vực nhà nước. Căn cứ kết quả rà soát các văn bản, các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ... các quy định chưa phù hợp với tình hình thực tế Bộ LĐTBXH đã yêu cầu các đơn vị sửa đổi cho phù hợp làm cơ sở thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời tiếp tục rà soát hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị mình, đảm bảo sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả:
- Thực hiện đúng tiêu chuẩn, định mức của nhà nước như: Diện tích trụ sở làm việc hiện có của Bộ LĐTBXH là 191.745,50 m2 đảm bảo bằng và thấp hơn tiêu chuẩn, định mức quy định của nhà nước tại Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ; tổng số biên chế tại các cơ quan, tổ chức hành chính của Bộ LĐTBXH hiện nay là 725 người bằng với số lượng biên chế được giao tại Quyết định số 338/QĐ-BNV ngày 21/03/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập năm 2018.
- Triển khai đầy đủ các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành, như ban hành Kế hoạch triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật tại Quyết định số 846/QĐ-LĐTBXH ngày 03/7/2018, phân cấp và ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng tại Quyết định số 1285/QĐ-LĐTBXH ngày 21/9/2018 và Quyết định số 1517/QĐ-LĐTBXH ngày 31/10/2018; hướng dẫn các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ về mua sắm tài sản theo phương thức tập trung cấp Bộ năm 2018 tại Công văn số 1398/LĐTBXH-KHTC ngày 11/4/2018 và Công văn số 2869/LĐTBXH-KHTC ngày 17/7/2018.
- Tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp tài sản (nhà, đất, xe ô tô, máy móc, thiết bị khác) theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định hiện hành, đề xuất xin ý kiến Bộ Tài chính về phương án sắp xếp, xử lý nhà đất đối với đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần và doanh nghiệp thoái vốn theo lộ trình của Chính phủ.
c) Qua công tác thẩm định phê duyệt mua sắm tài sản hằng năm Bộ LĐTBXH yêu cầu các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức thực hiện đúng quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng về trang thiết bị văn phòng cho các chức danh và phòng làm việc của chức danh đảm bảo tối đa không vượt quá định mức, tiêu chuẩn quy định tại Quyết định 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
d) Qua công tác thẩm định, xét duyệt, kiểm tra việc thực hiện chế độ, định mức tiêu chuẩn, về cơ bản các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ LĐTBXH đã thực hiện đầy đủ theo quy định hiện hành của pháp luật (kết quả, số liệu chi tiết nêu tại mục 2, 3, 4, 5, 6, 7 phần II báo cáo này).
e) Thí điểm đổi mới phương thức chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống Bưu điện đã tách bạch công tác quản lý và công tác chi trả, nâng cao tính minh bạch trong quản lý ngân sách. Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2018/NĐ-CP ngày 12/7/2018 quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng, trên cơ sở đó triển khai thực hiện tới các địa phương, đảm bảo việc chi trả trợ cấp kịp thời, đúng định mức, chế độ quy định, không thất thoát ngân sách nhà nước.
2. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.
a) Trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán:
- Thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 05/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và Thông tư số 71/2017/TT-BTC ngày 13/7/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2018-2020, Bộ LĐTBXH đã hướng dẫn các đơn vị trực thuộc và Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố xây dựng dự toán ngân sách năm 2018 đảm bảo các nhiệm vụ được giao. Bộ LĐTBXH đã tổ chức thảo luận ngân sách với các đơn vị trực thuộc trước khi tổng hợp gửi Bộ Tài chính, trong đó rà soát, cân đối cắt giảm dự toán đối với các nội dung thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên, đồng thời lồng ghép các nội dung có cùng tính chất, cắt giảm các nội dung kinh phí hội nghị, hội thảo khi chưa thực sự cần thiết...nhằm tiết kiệm chi ngân sách nhà nước.
- Khi tổng hợp dự toán căn cứ vào dự kiến khối lượng công việc và các định mức hiện hành đảm bảo không nâng dự toán lên quá cao; đối với các nội dung các đơn vị đề xuất quá lớn đều có trao đổi, làm rõ và tổng hợp vào dự toán ở mức phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách.
- Trong phân bổ, giao dự toán ngân sách nhà nước: Căn cứ Quyết định số 1916/QĐ-TTg ngày 29/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Quyết định số 2469/QĐ-BTC ngày 2911/2016 của Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2018 và Thông tư số 132/2017/TT-BTC ngày 15/12/2017 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã dự kiến phân bổ dự toán Ngân sách nhà nước năm 2018 đảm bảo yêu cầu khớp đúng về tổng mức, chi tiết các loại khoản theo hướng dẫn, gửi Bộ Tài chính thẩm định đảm bảo đúng chế độ, định mức và dự toán được giao theo quy định. Thực hiện giao dự toán cho đơn vị theo đúng dự toán đã được Bộ Tài chính thẩm định.
Trong năm 2018, Bộ đã kiến nghị hủy dự toán các đơn vị chậm triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 01/NQ-CP và Chỉ thị số 14/CT-TTg 684,441 triệu đồng, phân bổ nhưng chưa được phép sử dụng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính 9.070 triệu đồng.
b) Tiết kiệm trong sử dụng, quyết toán ngân sách nhà nước
- Hướng dẫn các đơn vị thực hiện quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, đúng chế độ, nâng cao hiệu quả sử dụng. Rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi, giảm tối đa các khoản chi hội nghị, hội thảo, khánh tiết, lễ hội, động thổ, khởi công, nghiên cứu, khảo sát tại nước ngoài và mua xe ô tô công (chi tiết số liệu tại phụ lục đính kèm). Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí tại đơn vị, thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ, ngành. Qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị số tiền 219.320 triệu đồng (trong đó kiến nghị xử phạt hành chính 32.234 triệu đồng, cắt giảm, thu hồi sai phạm 187.086 triệu đồng).
- Qua báo cáo của các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ LĐTBXH, tiết kiệm chi năm 2018 từ các nguồn kinh phí thuộc Bộ LĐTBXH là 232.904,06 triệu đồng, trong đó:
+ Tiết kiệm trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thường xuyên 37.701,43 triệu đồng (trong đó có: Qua quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, kinh phí chi chưa đảm bảo hoặc hết nhiệm vụ chi đã thực hiện xử lý, thu hồi là 1.564,33 triệu đồng, gồm: Kinh phí chi thường xuyên tại các đơn vị trực thuộc Bộ 347,896 triệu đồng và Kinh phí thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng 1.216,43 triệu đồng; kinh phí tiết kiệm qua phê duyệt kế hoạch đấu thầu 12.567,24 triệu đồng, qua đấu thầu 1131 triệu đồng).
+ Các khoản kiến nghị thu hồi nộp ngân sách do Thanh tra Bộ kiến nghị qua thanh tra các lĩnh vực thuộc ngành 187.086 triệu đồng.
+ Tiết kiệm từ đầu tư xây dựng các dự án sử dụng ngân sách nhà nước là 8.116,63 triệu đồng.
(chi tiết theo phụ lục kèm theo)
3. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm, quản lý tài sản, trang thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước.
a) Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành và các văn bản liên quan, Bộ đã triển khai mua sắm tài sản tập trung trong năm 2018, bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ và tiết kiệm, hiệu quả; tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp xe ô tô để xử lý theo quy định mới thay thế Quyết định số 32/QĐ-TTg, đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch, tránh thất thoát, lãng phí.
b) Triển khai mua sắm tập trung tài sản cấp Bộ đã giúp đơn vị tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng tính minh bạch trong sử dụng ngân sách, mua sắm tài sản. Kết quả thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm, sửa chữa tài sản; nâng cấp, cải tạo, bảo trì công trình xây dựng năm 2018 từ nguồn chi thường xuyên của 40 đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH trình phê duyệt với tổng số tiền 386.004,54 triệu đồng, qua thẩm định đã kiến nghị giảm giá gói thầu số tiền 12.567,24 triệu đồng; tăng dự phòng gói thầu 11.563,644 triệu đồng. Qua đấu thầu giảm so với giá gói thầu được phê duyệt 1.131 triệu đồng (trong đó kết quả của mua sắm tập trung, loại khỏi giá gói thầu 133,369 triệu đồng; giảm giá qua đấu thầu 22,97 triệu đồng).
c) Tiếp tục đôn đốc yêu cầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ LĐTBXH rà soát, báo cáo và lập phương án xử lý đối với các tài sản thuộc các dự án đã kết thúc nhưng chưa xử lý theo quy định.
4. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý trụ sở làm việc, nhà ở công vụ.
a) THTK, CLP trong đầu tư xây dựng cơ bản năm 2018.
- Trên cơ sở quyết định giao dự toán của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ đã thực hiện phân bổ vốn đầu tư năm 2018 của Bộ LĐTBXH 316.974 triệu đồng (trong đó vốn trong nước 294.000 triệu đồng, vốn ngoài nước 22.974 triệu đồng) cho 25 dự án đầu tư (trong đó 07 dự án khởi công, 12 dự án chuyển tiếp và 07 dự án kết thúc) kịp thời trước ngày 31/12/2017 theo quy định của Luật Ngân sách, đảm bảo đúng định hướng cơ cấu cấu theo ngành, theo nhiệm vụ Nhà nước giao và tuân thủ nguyên tắc tập trung dứt điểm, không dàn trải, việc phân bổ vốn cho cho từng dự án đã căn cứ tổng mức vốn được giao và yêu cầu tiến độ để đảm bảo thời gian đối với từng dự án theo quy định. Bộ thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2018. Thực hiện nghiêm tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư theo quy định tại Nghị quyết số 89/NQ-CP. Kết quả, trong năm 2018 tổng giá trị giải ngân của Bộ đạt 95% kế hoạch.
- Công tác đấu thầu, quyết toán dự án được nâng cao, không có sai phạm xảy ra, tăng cường công tác phân cấp cho Chủ đầu tư theo quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ. Trong năm 2018, Bộ LĐTBXH đã hướng dẫn chủ đầu tư tổ chức đấu thầu cho 115 gói thầu với tổng giá trị gói thầu là 315.267 triệu đồng, tổng giá trị trúng đầu là 308.824 triệu đồng, giảm 6.443 triệu đồng so với giá trị gói thầu được duyệt. Qua quyết toán dự án hoàn thành cho 09 dự án trong năm 2018 với tổng giá trị phê duyệt là 367.062 triệu đồng, đã cắt giảm 591 triệu đồng so với giá trị chủ đầu tư đề nghị.
b) Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ của cơ quan, tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước:
- Tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở nhà đất thuộc Bộ theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP. Yêu cầu tất cả các đơn vị báo cáo kê khai, đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý đối với tất cả các cơ sở nhà đất, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất của doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ đang quản lý, sử dụng. Kết hợp công tác kiểm tra, quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm với việc kiểm tra công tác quản lý, tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc. Qua kiểm tra, về cơ bản các đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH sử dụng trụ sở làm việc đúng mục đích, đúng đối tượng đảm bảo bằng và thấp hơn tiêu chuẩn, định mức quy định, chấn chỉnh đối với việc sử dụng trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết, cho thuê, đã yêu cầu chấm dứt đối với các trường hợp sử dụng không theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
- Tiếp tục xử lý, xin ý kiến các đơn vị liên quan (Bộ Tài chính...) phương án xử lý, sắp xếp các cơ sở nhà đất của các đơn vị sự nghiệp công thuộc Bộ chuyển thành công ty cổ phần theo Công văn số 58/TTg-ĐMDN ngày 08/1/2016, phương án sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất của các doanh nghiệp thuộc Bộ để thoái vốn theo lộ trình của Chính phủ tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020.
- Bố trí, sắp xếp trụ sở làm việc cho các đơn vị thuộc Bộ tại các cơ sở nhà đất mới tiếp nhận tại 37A Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức, hiệu quả. Tiếp tục rà soát, quy hoạch, xây mới trụ sở làm việc để bố trí, sắp xếp cho các đơn vị thuộc Bộ (Bộ đã tiến hành cải tạo sửa chữa các cơ sở 35 Trần Phú, 12 Ngô Quyền, lập dự án xây dựng mới trụ sở liên cơ quan Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại số 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội).
5. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng thời gian sử dụng lao động.
a) Tiếp tục đổi mới cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ LĐTBXH theo hướng tăng cường phân cấp và tăng cường tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tổ chức biên chế, tài chính trên cơ sở tính tới đặc điểm của từng loại hình dịch vụ, khả năng và nhu cầu thị trường, trình độ quản lý. Triển khai tích cực, hiệu quả Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác. Ban hành kế hoạch triển khai Nghị định số 141/2016/NĐ-CP tại Quyết định số 853/QĐ-LĐTBXH ngày 03/7/2018. Phê duyệt phương án tự chủ của đơn vị sự nghiệp khoa học tại Quyết định số 1609/QĐ-LĐTBXH ngày 12/11/2018; hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng phương án tự chủ giai đoạn 2019-2021 tại Công văn số 3030/LĐTBXH-KHTC ngày 30/7/2018. Thực hiện thẩm định phương án tự chủ các đơn vị (Công văn số 4246/LĐTBXH-KHTC), tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính theo quy định.
b) Khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ LĐTBXH đẩy mạnh hoạt động theo cơ chế tự chủ, tiến tới tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên, chi đầu tư, hạch toán như doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản và cung cấp dịch vụ công với chất lượng tốt hơn.
c) Rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ LĐTBXH và các đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH, đảm bảo cơ cấu tổ chức, đội ngũ công chức, viên chức của Bộ LĐTBXH và các đơn vị gọn nhẹ, hiệu quả, không đề xuất thành lập mới các đơn vị quản lý nhà nước cấp tổng cục để tránh phát sinh bộ máy quản lý cồng kềnh, phát sinh biên chế, chi phí hành chính và chi phí mua sắm tài sản trang thiết bị khác.
d) Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/04/2015 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 18, 19 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ đã ban hành nhiều văn bản triển khai, đồng thời tiếp tục thực hiện Kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 tại Quyết định số 1108/QĐ-LĐTBXH ngày 11/8/2015, kết quả trong năm 2018:
- Chỉ tiêu biên chế công chức được giao là 725 biên chế, giảm 01 biên chế so với năm 2017. Kết quả trong năm 2018 đã tinh giảm 11 biên chế. Phấn đấu đạt chỉ tiêu đề ra đến năm 2021 tối thiểu tinh giản đạt 10% số biên chế công chức (giảm tương đương 74 biên chế trên tổng biên chế năm 2015 là 737 người) và số lượng người làm việc ở đơn vị sự nghiệp (giảm tương đương 272 người làm việc trên tổng số người làm việc 2.719) của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được Bộ Nội vụ giao tính đến thời điểm năm 2015. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, trong năm 2018 rà soát, xây dựng số lượng viên chức tại các đơn vị, làm cơ sở phê duyệt thực hiện (đã phê duyệt trong năm 2019 tại Quyết định số 160/QĐ-LĐTBXH ngày 12/02/2019).
- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng người làm việc sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp.
- Ban hành Quyết định số 1155/QĐ-LĐTBXH ngày 05/9/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giải thể các phòng thuộc Vụ (khoảng 11 phòng), sáp nhập giảm 3 phòng thuộc các đơn vị thuộc Bộ, phấn đấu đến năm 2019 giảm ít nhất 10% đầu mối cấp phòng và tương đương trực thuộc so với năm 2015 (giảm 42 phòng), đến năm 2020 giảm ít nhất 10% đầu mối cấp phòng và tương đương trực thuộc so với năm 2019 (giảm 37 phòng), đến năm 2025 giảm ít nhất 20% đầu mối cấp phòng và tương đương trực thuộc so với năm 2020 (giảm 68 phòng).
e) Tiếp tục triển khai danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính của Bộ theo Quyết định số 1696/QĐ-BNV ngày 28/6/2016 phê duyệt danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đảm bảo số lượng biên chế phù hợp, đội ngũ công chức gọn nhẹ, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao.
g) Tiếp tục triển khai xây dựng quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, bám sát các cơ quan đơn vị liên quan để trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định phê duyệt hoặc tự phê duyệt theo thẩm quyền được phân cấp.
h) Tiếp tục các bước để chuyển đổi 03 Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn thuộc Bộ thành công ty cổ phần theo Công văn số 58/TTg-ĐMDN ngày 08/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ LĐTBXH chuyển thành công ty cổ phần. Bộ đã có văn bản xin ý kiến Bộ Tài chính về phương án xử lý nhà, đất đối với 03 Trung tâm (Công văn số 4927/LĐTBXH-KHTC ngày 21/11/2018, Công văn số 2668/LĐTBXH-KHTC ngày 05/7/2018) nhưng đến nay chưa có ý kiến trả lời làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
i) Lập kế hoạch xây dựng, áp dụng ISO vào các quy trình xét duyệt, thẩm định quyết toán ngân sách.
j) Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định các nhiệm vụ cụ thể cần tập trung chỉ đạo thực hiện cho năm 2018 và giai đoạn 2018 - 2020, trong đó tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) thuộc các lĩnh vực của Bộ, ngành có tác động nhiều đến người dân, doanh nghiệp theo Nghị quyết của Chính phủ; tăng cường cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của Bộ, của từng đơn vị. Xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; cải cách bộ máy hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ.
Thực hiện rà soát các thủ tục hành chính để cắt giảm, cắt bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC) theo Quyết định số 889/QĐ-LĐTBXH ngày 09/7/2018 phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh (ĐKKD) và thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Kết quả, Bộ đã trình Chính phủ đã ban hành Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, theo đó đã cắt giảm 60 điều kiện kinh doanh, đạt tỷ lệ 56,07% (60/107 điều kiện). Bộ đã ban hành Thông tư quy định Danh mục sản phẩm hàng hóa (SPHH) có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; theo đó, tổng số SPHH cắt giảm và đơn giản là 19/32 SPHH, đạt tỷ lệ 59,37% (vượt chỉ tiêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ là 50%).
k) Tiếp tục đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý theo Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 của Chính phủ, Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ, Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bộ đã có chỉ thị số 02/CT-LĐTBXH ngày 10/8/2018 về việc đẩy mạnh công tác cải cách tài chính và ứng dụng công nghệ thông tin ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đến năm 2020. Trong năm 2018 đã triển khai một số hoạt động cụ thể:
- Đã triển khai hạ tầng kỹ thuật thực hiện hội nghị trực tuyến do Đảng ủy Bộ tổ chức tại 03 điểm cầu.
- Cập nhật kịp thời tin tức, sự kiện (khoảng 1.750 tin, bài), cập nhật, chia sẻ dữ liệu (trong vòng 10 năm), văn bản quy phạm pháp luật (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) thuộc lĩnh vực của Bộ, ngành trên Cổng thông tin điện tử Bộ thuận tiện cho việc tra cứu, theo dõi, cung cấp dữ liệu trong công tác chỉ đạo điều hành và công tác nghiên cứu của các đơn vị trong Bộ. Ban hành danh mục mã định danh các cơ quan đơn vị thuộc Bộ phục vụ kết nối, trao đổi văn bản điện từ thông qua hệ thống quản lý văn bản điều hành (Quyết định số 1437/QĐ-LĐTBXH ngày 17/10/2018), đồng thời quy định việc kết nối, trao đổi văn bản điện tử thông qua hệ thống quản lý văn bản điều hành tại Quyết định số 1363/QĐ-LĐTBXH ngày 05/10/2018 phê duyệt Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
- Triển khai Đề án Hệ tri thức Việt số hóa năm 2018 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội tại Quyết định số 805/QĐ-BLĐTBXH ngày 27/6/2018.
- Tiếp tục triển khai các dịch vụ công trực tuyến thuộc các lĩnh vực của Bộ, triển khai ứng dụng trong việc quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, hồ sơ đối tượng người có công với cách mạng, phần mềm phiếu tự kiểm tra, phần mềm cập nhật dữ liệu thống kê từ CSDL có sẵn của các đơn vị thuộc Bộ, ngành, triển khai sử dụng hệ thống email công vụ tới tất cả cán bộ, công chức của Bộ...
Trong năm 2018, Cổng thông tin của Bộ xếp hạng 11 trong tổng số 22 Cổng thông tin điện tử Chính phủ, các Bộ và cơ quan trên website ALEXA, chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ năm 2018 đứng thứ 10 trong số các Bộ, ngành, tăng 01 hạng so với năm 2017.
6. Công tác thanh tra, kiểm tra trong năm
Năm 2018, Thanh tra toàn Ngành đã triển khai 6.979 cuộc thanh tra. Qua thanh tra đã ban hành 41.446 kiến nghị, phát hiện 25 cán bộ thực hiện sai chính sách, quy định của pháp luật, ban hành 1.076 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 32,234 tỷ đồng, kiến nghị cắt, thu hồi số tiền do sai phạm là 187,086 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 01 Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và 01 Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
7. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp
- Triển khai thoái vốn nhà nước theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020.
- Tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp tiếp tục rà soát lại các hoạt động sản xuất kinh doanh tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí quản lý, sắp xếp, bố trí sử dụng hiệu quả bộ máy tổ chức, nhân sự; tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nâng cao hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp, tăng lợi nhuận bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
8. Phân tích, đánh giá
8.1. Kết quả đạt được
- Bộ LĐTBXH đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện pháp luật về THTK, CLP; công tác tuyên truyền THTK, CLP được quan tâm; đã sử dụng các hình thức tuyên truyền linh hoạt hơn, đạt chất lượng hơn. Các giải pháp THTK, CLP được triển khai kịp thời, đồng bộ, đạt chất lượng như cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và thực hiện tốt chế độ, định mức, tiêu chuẩn về tài chính, quản lý, sử dụng tài sản công... công tác THTK, CLP dần trở thành công việc thường xuyên, liên tục và bước đầu đạt kết quả tích cực.
- Đã đưa nhiệm vụ THTK, CLP vào chương trình, kế hoạch công tác của Bộ LĐTBXH, của đơn vị. Bước đầu đã đạt được kết quả khả quan, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Bộ LĐTBXH. Hầu hết các đơn vị đã ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018, trên cơ sở đó thực hiện tốt các cơ chế quản lý tài chính mới ban hành; đặc biệt là thực hiện quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính trong cơ quan; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ cụ thể, rõ ràng, công khai các định mức, tiêu chuẩn chế độ chi tiêu trong các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách tạo điều kiện cho cán bộ, công chức giám sát, xây dựng phương án chi trả thu nhập, thực hiện tốt công tác công khai tài chính, góp phần cải tiến lề lối làm việc và cải cách hành chính.
- Qua công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các Luật, Nghị quyết và các văn bản hướng dẫn về công tác THTK, CLP đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về công tác đấu tranh THTK, CLP, vai trò tiên phong gương mẫu của người đứng đầu các cấp được phát huy.
- Thực hiện đầy đủ, đúng quy định hiện hành của nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc..., góp phần nâng cao hiệu quả công tác, quản lý, sử dụng tiền, tài sản nhà nước tại các đơn vị trực thuộc Bộ LĐTBXH.
- Qua công tác thẩm định, xét duyệt quyết toán hàng năm đã chấn chỉnh các đơn vị trực thuộc Bộ LĐTBXH thực hiện đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức của nhà nước.
- Năm 2018 đã tiết kiệm được số tiền 232.904,06 triệu đồng (chi tiết theo phụ lục đính kèm).
8.2. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
- Báo cáo định kỳ về công tác THTK, CLP của một số đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH thực hiện chưa nghiêm, báo cáo còn chung chung, chưa đúng thời gian quy định và chưa đạt yêu cầu về nội dung, biểu mẫu, chưa nêu bật được kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong năm, chưa có số liệu cụ thể chứng minh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một vài đơn vị còn chung chung, không xây dựng chỉ tiêu kế hoạch tiết kiệm cụ thể, chưa xác định được các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm cần tập trung chỉ đạo tiết kiệm, chưa bám sát vào đặc điểm, đặc thù của từng đơn vị để đặt ra chương trình hành động thiết thực.
- Chưa phân tích đánh giá cụ thể về kết quả tiết kiệm, chống lãng phí và kết quả thực hiện các chỉ tiêu THTK, CLP đã đề ra trong quản lý, sử dụng kinh phí NSNN, tài sản....cũng nhưng những tồn tại, hạn chế trong công tác THTK, CLP.
- Công tác sơ kết, tổng kết hoạt động THTK, CLP chưa có điều kiện để tổ chức thành các hội nghị riêng mà chủ yếu được lồng ghép với các hội nghị về các hoạt động chuyên môn khác của Bộ LĐTBXH, của đơn vị trực thuộc.
- Hệ thống tiêu chuẩn, định mức chưa phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của sự phát triển.
8.3. Những kinh nghiệm rút ra
- Xây dựng kịp thời hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, góp phần thực hiện tốt công tác THTK, CLP. Hoàn thiện hơn nữa hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ để làm cơ sở đánh giá kết quả THTK, CLP.
- Nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các đơn vị, bộ, ngành. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, các đoàn thể quản lý trong việc triển khai thực hiện THTK, CLP, đi đôi với thực hiện và phát huy cơ chế tự chủ tài chính, quy chế dân chủ ở cơ sở.
- Xây dựng kế hoạch THTK, CLP với mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp hết sức cụ thể, rõ ràng, tổng thể, quyết liệt và triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc kế hoạch đã đề ra.
- Tăng cường đúng mức sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, phát huy đúng mức vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu của tổ chức đơn vị. Chú trọng nâng cao chất lượng của công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm công chức, viên chức và người lao động về pháp luật THTK, CLP, nhất là vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức là người đứng đầu đơn vị trong công tác THTK, CLP.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các cấp trong việc chấp hành pháp luật về THTK, CLP, thường xuyên chỉ đạo công tác tự kiểm tra về tiết kiệm, chống lãng phí tại cơ quan, đơn vị. Xử lý kịp thời và nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.
- Công khai, minh bạch theo đúng quy định trong quản lý, sử dụng tài sản, kinh phí được giao trong năm và phân bố, sử dụng nguồn lao động. Nâng cao vai trò giám sát của Ban thanh tra nhân dân về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
III. Phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần tập trung triển khai trong năm tiếp theo.
1. Bám sát, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhất là các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, trong đó tập trung việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác quản lý. Thực hiện các giải pháp toàn diện để khắc phục các tồn tại, hoàn thành chương trình công tác năm 2019 của Bộ ban hành tại Quyết định số 98/QĐ-LĐTBXH ngày 18/01/2019, tạo cơ sở để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình THTK, CLP năm 2019 và Chương trình THTK, CLP giai đoạn 2016-2020.
2. Tiếp tục bám sát triển khai thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, các chương trình tổng thể của Chính phủ, chương trình hành động của Bộ về tăng cường thực hành Tiết kiệm, chống lãng phí bằng những chương trình, nhiệm vụ cụ thể đối với các lĩnh vực của Bộ, ngành. Tạo sự chuyển hóa trong nhận thức của lãnh đạo đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH.
3. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ LĐTBXH gắn với việc phát huy đúng mức vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị và cấp ủy các tổ chức cơ sở Đảng thuộc Đảng ủy Bộ LĐTBXH.
4. Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ: Thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ, ngành tinh gọn, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trước hết là cung cấp các dịch vụ công, thực hiện cung cấp ít nhất 30% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
5. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về ngân sách nhà nước. Thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật; triển khai đồng bộ, có hiệu quả phương thức mua sắm tập trung; mua sắm qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
6. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý sử dụng ngân sách, mua sắm tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các tồn tại, khắc phục hậu quả.
7. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ làm cơ sở cho THTK, CLP. Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá; đưa nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ từng cơ quan, đơn vị.
8. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới cán bộ, công chức, kết hợp với thực hiện học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là tư tưởng của người về Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Lồng ghép tổng kết công tác THTK, CLP với tổng kết, tập huấn công tác chuyên môn hàng năm.
IV. Đề xuất, kiến nghị về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
1. Qua tổng kết, đánh giá hằng năm cần nêu gương người tốt trong việc THTK, CLP để các cơ quan, tổ chức học tập kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.
2. Đề nghị nghiên cứu gắn quy định việc thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp với sửa đổi chế độ, chính sách về tiền lương, các phụ cấp ưu đãi đối với công chức, nhất là bình đẳng chế độ, chính sách đối với người lao động, viên chức chuyển sang hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp, như: Bổ nhiệm, phụ cấp ưu đãi nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập theo Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ, phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ...
3. Ban hành đầy đủ các định mức kinh tế kỹ thuật, giá dịch vụ sự nghiệp công trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công. Xây dựng hệ thống chỉ tiêu báo cáo thống nhất, tránh chồng chéo, trùng lắp giữa các lĩnh vực.
(Chi tiết văn bản triển khai theo Phụ lục 01 kèm theo)
Trên đây là báo cáo kết quả thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo./.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC 1
KẾT QUẢ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM CHỐNG LÃNG PHÍ 2018 CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo kết quả thực hiện về THTK, CLP năm 2018 như sau:
I. Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
1. Công tác tuyên truyền phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ
a) Quán triệt Nghị quyết số 01/NQ - CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 với phương châm hành động của Chính phủ là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (sau đây viết tắt là Bộ LĐTBXH) ban hành Chương trình công tác lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2018 tại Quyết định số 54/QĐ-LĐTBXH ngày 17/01/2018 cụ thể hóa Nghị quyết số 01, trong đó xác định trọng tâm chỉ đạo, điều hành là: “Tiếp tục hoàn thiện, phát triển thị trường lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cải thiện, nâng cao mức sống người có công, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an toàn xã hội, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo chỉ đạo của Bộ cùng với sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực, cụ thể:
- Bộ đã hoàn thành 03 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao: Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,19%, trong đó khu vực thành thị là 3,10%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,6%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 23 - 23,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1,35% so với cuối năm 2017; riêng các huyện nghèo giảm trên 5%.
- Tham mưu ban hành quyết sách quan trọng về bảo hiểm xã hội, tiền lương.
- Hoàn thành 100% các đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo chất lượng, tiến độ, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, góp phần hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội giao. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người có công, đối tượng chính sách xã hội được cải thiện và từng bước được nâng lên; giảm nghèo đi vào thực chất hơn với các hoạt động thiết thực, đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau công tác người cao tuổi; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được quan tâm chỉ đạo; tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa thiết thực, có ý nghĩa giáo dục, nhân văn sâu sắc nhân ngày thương binh liệt sĩ, tập trung giải quyết chế độ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công.
b) Phối hợp với các tổ chức đoàn thể (công đoàn, đoàn thanh niên) tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt tư tưởng của Bác về THTK, CLP.
c) Các đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH đã thực hiện tổ chức tuyên truyền, thực hiện việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong hoạt động chuyên môn thường xuyên của đơn vị mình như xây dựng dự toán kinh phí chặt chẽ, phê duyệt quyết toán đúng quy định; lồng ghép, phối hợp các hoạt động thường xuyên với các hoạt động dự án, chương trình viện trợ nhằm đảm bảo hiệu quả về công tác chuyên môn và đảm bảo đúng tiến độ công việc.
d) Triển khai thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 08/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về ngân sách nhà nước, Bộ đã có Công văn số 4956/LĐTBXH-KHTC ngày 22/11/2018 đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện
e) Triển khai Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 09 năm 2016 và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc dự kiến phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 và năm 2018, Bộ LĐTBXH đã có các Công văn hướng dẫn các chủ đầu tư dự án do Bộ LĐTBXH quản lý, các đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án thực hiện tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư dự án theo đúng quy định.
g) Thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Ban cán sự Đảng bộ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành chương trình hành động số 400-CTr/BCS ngày 29/3/2018, trên cơ sở đó Bộ đã ban hành Quyết định số 1155/QĐ-LĐTBXH ngày 05/9/2018 về kế hoạch của Bộ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Kế hoạch số 07-KH/TW, Nghị quyết số 56/2017/QH14, Nghị quyết số 08/NQ-QH; Nghị quyết số 10/NQ-CP và Chương trình hành động số 400-CTr/BCS của Ban cán sự với một số nội dung chính như: Nghiên cứu tổng thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ theo Nghị định số 14/2017/NĐ-CP và Nghị định thay thế Nghị định số 123/2016/NĐ-CP; rà soát cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn bên trong các đơn vị quản lý nhà nước thuộc Bộ theo hướng tinh gọn, giảm mạnh đầu mối, bỏ cấp trung gian; rà soát, tổ chức lại cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, nhất là các trường thuộc Bộ; kiện toàn, chuyển đổi mô hình, sáp nhập đơn vị, thực hiện tinh giảm biên chế theo lộ trình, giảm số lượng cấp phó của đơn vị thuộc Bộ, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị; xây dựng kế hoạch và định mức tiết kiệm chi thường xuyên....
i) Triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường năng lực tiếp cận như phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử. Đối với công tác đổi mới giáo dục nghề nghiệp, Bộ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nhằm cụ thể hóa việc tổ chức Luật giáo dục nghề nghiệp 2014 và tiếp tục đổi mới giáo dục nghề nghiệp theo hướng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của chuyển giao và ứng dụng công nghệ.
k) Đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, tin học hóa quản lý nhà nước, thực hiện chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, đổi mới phương thức làm việc, giảm hội họp, giảm giấy tờ hành chính, đáp ứng các điều kiện cần thiết khác cho công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
g) Tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn, chế độ thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ sự nghiệp công và đánh giá THTK, CLP. Xây dựng, hoàn thiện tiêu chuẩn định mức sử dụng tài sản công tại các đơn vị thuộc Bộ, nhất là tài sản chuyên dùng, thực hiện phương thức mua sắm tập trung tài sản, đấu thầu qua mạng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, công khai kết quả xử lý lãng phí theo quy định của pháp luật.
h) Tiếp tục kế hoạch thoái vốn tại các doanh nghiệp thuộc Bộ theo quy định của Chính phủ, đảm bảo hiệu quả, bảo toàn vốn nhà nước, không xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí.
2. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành xây dựng và tổ chức thực hiện
a) Thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí số 44/2013/QH13 ngày 26/11/2013 của Quốc hội khóa 13; Quyết định số 217/QĐ-TTg ngày 13/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018, Bộ LĐTBXH đã ban hành Quyết định số 392/QĐ-LĐTBXH ngày 05/4/2018 về việc ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2018 của Bộ LĐTBXH, trong đó yêu cầu các đơn vị thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải tiến hành thường xuyên, liên tục mọi lúc, mọi nơi, đồng thời phải được tiến hành đồng bộ với các hoạt động phòng chống tham nhũng, triệt để tiết kiệm chi ngân sách, lồng ghép chính sách. Xây dựng kế hoạch, dự toán trên cơ sở chế độ tiêu chuẩn, định mức chi của nhà nước cho những công việc thực sự cần thiết, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các khoản chi để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Đồng thời có các văn bản đôn đốc, chấn chỉnh thực hiện các quy định của Pháp luật về THTK, CLP tại Công văn số 2134/LĐTBXH-KHTC ngày 01/6/2018, Công văn số 4688/LĐTBXH-KHTC ngày 07/11/2018.
b) Triển khai đầy đủ, kịp thời các quy định về quản lý tài chính, tài sản công chặt chẽ, hiệu quả. Kịp thời chấn chỉnh đơn vị nghiêm túc thực hiện tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy hoạt động, bộ máy quản lý nhà nước. Ban hành quy định phân cấp quyết định tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng tạo sự chủ động cho đơn vị trong công tác quản lý. Thực hiện mua sắm tài sản tập trung cấp Bộ, hướng dẫn những vướng mắc trong quá trình thực hiện, qua đó đã tiết kiệm thời gian thẩm định, phê duyệt cũng như tiết kiệm kinh phí mua sắm. Thay đổi phương thức xét duyệt, thẩm định quyết toán các đơn vị trực thuộc, tăng cường kiểm tra việc sử dụng kinh phí gắn với kết quả đạt được. Cụ thể:
- Triển khai kịp thời, đầy đủ các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (tiêu chuẩn, định mức, mua sắm tập trung...) theo quy định Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
- Triển khai mua sắm trong năm 2018, Bộ đã có nhiều văn bản hướng dẫn đơn vị thực hiện như: Công văn số 1398/LĐTBXH-KHTC ngày 11/4/2018 về việc triển khai thực hiện đấu thầu mua sắm tài sản tập trung cấp Bộ; Công văn số 2869/LĐTBXH-KHTC ngày 17/7/2018 về việc hướng dẫn thực hiện mua sắm tập trung cấp Bộ đối với phần mềm ứng dụng tin học, thiết bị dạy nghề; tài sản, máy móc, thiết bị chuyên dùng; Công văn số 4877/LĐTBXH-KHTC ngày 19/11/2018 về việc hướng dẫn xử lý một số trường hợp cụ thể về mua sắm tài sản tập trung cấp Bộ năm 2018. Qua đó yêu cầu các đơn vị rà soát nội dung chi, nghiêm túc thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy nhà nước, chi hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công.
- Ban hành Công văn số 740/LĐTBXH-KHTC ngày 28/2/2018 về kế hoạch xét duyệt, thẩm định quyết toán ngân sách năm 2017. Thông qua công tác quyết toán đã chấn chỉnh các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ quản lý, sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả cao. Đồng thời, kiến nghị cắt giảm, thu hồi nộp ngân sách nhà nước các khoản chi không đảm bảo quy định. Qua thẩm định đã kiến nghị giảm quyết toán, thu hồi hoàn trả ngân sách 330 triệu đồng.
- Qua việc thực hiện phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm tài sản, cải tạo, bảo trì, nâng cấp các công trình xây dựng đã cắt giảm đối với các nội dung mua sắm, sửa chữa chưa thực sự cấp bách hoặc không phù hợp, giảm kinh phí mua sắm do so sánh với giá thực tế còn chưa phù hợp và giảm so với giá dự toán gói thầu qua đấu thầu số tiền 1.131 triệu đồng.
- Bộ LĐTBXH đã thực hiện chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, tài sản tại các đơn vị trực thuộc, các dự án đầu tư xây dựng thuộc Bộ LĐTBXH tại các văn bản:
+ Công văn số 232/LĐTBXH-KHTC ngày 19/01/2018 về tăng cường kỷ luật tài chính, hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng ngân sách, tiền, tài sản nhà nước, cơ chế tự chủ tài chính, khóa sổ, lập báo cáo quyết toán, xử lý ngân sách cuối năm. Qua đó yêu cầu các đơn vị chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, thực hiện đầy đủ kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán, kiểm tra.
+ Công văn số 193/LĐTBXH-KHTC ngày 18/01/2018 gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý tài chính, khóa sổ, lập báo cáo quyết toán, xử lý thu, chi và chuyển nguồn ngân sách cuối năm.
+ Chấn chỉnh khắc phục tồn tại và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tại các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 1818/LĐTBXH-KHTC và Công văn số 1819/LĐTBXH-KHTC ngày 14/5/2018.
+ Chấn chỉnh công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý tại Công văn số 1614/LĐTBXH-KHTC ngày 27/4/2018. Đồng thời, triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát đối với tất cả dự án đầu tư xây dựng được bố trí năm kế hoạch. Tính đến 31/5/2018, Vụ phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra tại 02 dự án và chủ động kiểm tra đối với 06 dự án.
+ Chấn chỉnh thực hiện các quy định của pháp luật về Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Công văn số 2134/LĐTBXH-KHTC ngày 01/6/2018.
- Hướng dẫn đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng dự toán ngân sách năm 2018 theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định hiện hành và quy định của Bộ tại Quyết định số 1241/QĐ-LĐTBXH ngày 09/8/2017.
c) Tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện rà soát, xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn thuộc lĩnh vực của ngành LĐTBXH, cụ thể:
- Ban hành Thông tư số 02/2018/TT-BLĐTBXH ngày 27/4/2018 quy định định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ trợ giúp xã hội;
- Ban hành định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng đối với dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực việc làm tại Quyết định số 1051/QĐ-LĐTBXH ngày 10/8/2018.
- Ban hành kế hoạch xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật ngành áp dụng đối với dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực tư vấn dự phòng nghiện ma túy; tư vấn điều trị, cai nghiện ma túy; cai nghiện phục hồi; đào tạo nghề, tạo việc làm cho người nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện công lập tại Quyết định số 1181/QĐ-LĐTBXH ngày 10/9/2018;
- Ban hành Thông tư số 08/2018/TT-BLĐTBXH ngày 14/8/2018 quy định định mức kinh tế kỹ thuật về đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng cho các nghề: Điện công nghiệp; Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí...
- Ban hành Khung định mức kinh tế kỹ thuật hỗ trợ xây dựng thí điểm các mô hình hỗ trợ người bán dâm tại Quyết định số 1875/QĐ-LĐTBXH ngày 28/12/2018.
- Ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động tại Thông tư số 42/2018/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2018.
- Thành lập các hội đồng thẩm định định mức kinh tế tạm thời cho 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế chuyển giao bộ chương trình từ Cộng hòa liên bang Đức tại Quyết định số 1688/QĐ-LĐTXH ngày 21/11/2018.
3. Công tác thanh tra, kiểm tra về Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Trong công tác xét duyệt, thẩm định quyết toán ngân sách năm Bộ LĐTBXH đều lồng ghép nội dung xét duyệt, thẩm định quyết toán NSNN với nội dung kiểm tra công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với tất cả các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và đơn vị sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, lồng ghép công tác kiểm tra cải cách hành chính công với kiểm tra công tác THTK, CLP (trong năm 2018 đã thực hiện kiểm tra 07 đơn vị thuộc Bộ).
II. Tình hình, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
1. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ
a) Công tác xây dựng pháp luật được chú trọng, trong năm 2018 đã hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (11 đề án gồm: 03 Luật, pháp lệnh; 07 Nghị định của Chính phủ và 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ). Ngoài ra Bộ cũng đã trình 25 đề án phát sinh ngoài Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đã ban hành 21 đề án, gồm: 01 Nghị quyết của Trung ương Đảng, 03 Nghị quyết của Chính phủ, 04 Nghị định của Chính phủ, 11 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 02 Quyết định của Chủ tịch nước. Ban hành theo thẩm quyền 42 Thông tư quy định, hướng dẫn thực hiện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhìn chung đảm bảo chất lượng, đúng thẩm quyền, trình tự, tiến độ theo kế hoạch đề ra, góp phần hoàn thiện thể chế, văn bản quy phạm pháp luật về lao động, người có công và xã hội, làm cơ sở, tạo nền tảng pháp lý cho thực hiện chính sách an sinh xã hội.
b) Bộ đã có các nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị rà soát các văn bản đã ban hành về định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong sử dụng ngân sách, vốn, tài sản nhà nước, thời gian lao động trong khu vực nhà nước. Căn cứ kết quả rà soát các văn bản, các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ... các quy định chưa phù hợp với tình hình thực tế Bộ LĐTBXH đã yêu cầu các đơn vị sửa đổi cho phù hợp làm cơ sở thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời tiếp tục rà soát hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị mình, đảm bảo sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả, cụ thể:
- Tổng diện tích trụ sở làm việc hiện có của Bộ LĐTBXH (gồm cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập) là 191.745,50 m2 đảm bảo bằng và thấp hơn tiêu chuẩn, định mức quy định của nhà nước tại Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.
- Tổng số biên chế tại các cơ quan, tổ chức hành chính của Bộ LĐTBXH hiện nay là 725 người bằng với số lượng biên chế được giao tại Quyết định số 338/QĐ-BNV ngày 21/03/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập năm 2018.
- Triển khai đầy đủ các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành, cụ thể:
+ Hướng dẫn các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ xây dựng tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc Bộ LĐTBXH và áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng tại các đơn vị thuộc Bộ tại Công văn số 185/LĐTBXH-KHTC ngày 17/01/2018, đôn đốc tại Công văn số 1116/LĐTBXH-KHTC ngày 23/3/2018 và Công văn số 1972/LĐTBXH-KHTC ngày 22/5/2018.
+ Ban hành Kế hoạch triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật tại Quyết định số 846/QĐ-LĐTBXH ngày 03/7/2018.
+ Rà soát, hướng dẫn các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ về mua sắm tài sản theo phương thức tập trung cấp Bộ năm 2018 tại Công văn số 1398/LĐTBXH-KHTC ngày 11/4/2018 về việc triển khai thực hiện đấu thầu mua sắm tài sản tập trung cấp Bộ và Công văn số 2869/LĐTBXH - KHTC ngày 17/7/2018 về việc hướng dẫn thực hiện mua sắm tập trung cấp Bộ đối với phần mềm ứng dụng tin học, thiết bị dạy nghề; tài sản, máy móc, thiết bị chuyên dùng.
+ Ban hành Quyết định số 1285/QĐ-LĐTBXH ngày 21/9/2018 về việc phân cấp thẩm quyền Quy định chi tiết hướng dẫn và áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng công trình sự nghiệp; tài sản, máy móc, thiết bị chuyên dùng tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Quyết định số 1517/QĐ-LĐTBXH ngày 31/10/2018 ban hành danh mục, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản, máy móc, thiết bị chuyên dùng của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc và trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp tài sản (nhà, đất, xe ô tô, máy móc, thiết bị khác) theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định hiện hành: Đề xuất với Bộ Tài chính tại Công văn số 2744/LĐTBXH-KHTC ngày 11/7/2018 phương án xử lý 03 cơ sở nhà, đất còn lại của Công ty Sona, Công văn số 2668/LĐTBXH-KHTC ngày 05/7/2018 phương án sắp xếp, sử dụng nhà đất của các Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn Khu vực I, II, II khi chuyển đổi thành công ty cổ phần; Công văn số 2661/LĐTBXH-KHTC ngày 05/7/2018 về việc lấy ý kiến UBND tỉnh Khánh Hòa phương án sắp xếp, sử dụng nhà đất; Công văn số 3195/LĐTBXH-KHTC ngày 2/8/2018 xin ý kiến Bộ Tài chính phương án sắp xếp, sử dụng nhà, đất của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi thành công ty cổ phần; Công văn số 3193/LĐTBXH-KHTC ngày 02/8/2018 yêu cầu đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ rà soát, sắp xếp tài sản; Công văn số 3775/LĐTBXH-KHTC ngày 10/9/2018 về việc phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất của công ty cổ phần nhân lực quốc tế Sovilaco và Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Lao động - Xã hội, Công văn số 4157/LĐTBXH-KHTC ngày 04/10/2018 giải trình phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất của Công ty cổ phần cung ứng nhân lực Quốc tế và Thương mại...
b) Qua công tác thẩm định phê duyệt mua sắm tài sản hằng năm Bộ LĐTBXH yêu cầu các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức thực hiện đúng quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng về trang thiết bị văn phòng cho các chức danh và phòng làm việc của chức danh đảm bảo tối đa không vượt quá định mức, tiêu chuẩn quy định tại Quyết định 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
c) Qua công tác thẩm định, xét duyệt, kiểm tra việc thực hiện chế độ, định mức tiêu chuẩn, về cơ bản các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ LĐTBXH đã thực hiện đầy đủ theo quy định hiện hành của pháp luật (kết quả, số liệu chi tiết nêu tại mục 2, 3, 4, 5, 6, 7 phần II báo cáo này).
d) Thí điểm đổi mới phương thức chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống Bưu điện đã tách công tác quản lý và công tác chi trả, nâng cao tính minh bạch trong quản lý ngân sách. Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2018/NĐ-CP ngày 12/7/2018 quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng, trên cơ sở đó triển khai thực hiện tới các địa phương, đảm bảo việc chi trả trợ cấp kịp thời, đúng định mức, chế độ quy định, không thất thoát ngân sách nhà nước.
2. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.
a) Trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán:
- Thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 05/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và Thông tư số 71/2017/TT-BTC ngày 13/7/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2018-2020, Bộ LĐTBXH đã hướng dẫn các đơn vị trực thuộc và Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố xây dựng dự toán ngân sách năm 2018 đảm bảo các nhiệm vụ được giao. Bộ LĐTBXH đã tổ chức thảo luận ngân sách với các đơn vị trực thuộc trước khi tổng hợp gửi Bộ Tài chính, trong đó rà soát, cân đối cắt giảm dự toán đối với các nội dung thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên, đồng thời lồng ghép các nội dung có cùng tính chất, cắt giảm các nội dung kinh phí hội nghị, hội thảo khi chưa thực sự cần thiết...nhằm tiết kiệm chi ngân sách nhà nước.
- Khi tổng hợp dự toán căn cứ vào dự kiến khối lượng công việc và các định mức hiện hành đảm bảo không nâng dự toán lên quá cao; đối với các nội dung các đơn vị đề xuất quá lớn đều có trao đổi, làm rõ và tổng hợp vào dự toán ở mức phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách.
- Trong phân bổ dự toán ngân sách nhà nước: Căn cứ Quyết định số 1916/QĐ-TTg ngày 29/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Quyết định số 2469/QĐ-BTC ngày 2911/2016 của Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2018 và Thông tư số 132/2017/TT-BTC ngày 15/12/2017 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã dự kiến phân bổ dự toán Ngân sách nhà nước năm 2018 đảm bảo yêu cầu khớp đúng về tổng mức, chi tiết các loại khoản theo hướng dẫn, gửi Bộ Tài chính thẩm định đảm bảo đúng chế độ, định mức và dự toán được giao theo quy định.
- Về giao dự toán ngân sách nhà nước: Trên cơ sở tiêu chuẩn, định mức quy định, Bộ LĐTBXH đã thực hiện phân bổ giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 cho các đơn vị trực thuộc tại Quyết định số 2093/QĐ-LĐTBXH ngày 29/12/2017 và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Quyết định số 2069/QĐ-LĐTBXH ngày 29/12/2017 theo đúng dự toán đã được Bộ Tài chính thẩm định.
Trong năm 2018, Bộ đã kiến nghị hủy dự toán các đơn vị chậm triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 01/NQ-CP và Chỉ thị số 14/CT-TTg 684,441 triệu đồng, phân bổ nhưng chưa được phép sử dụng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính 9.070 triệu đồng.
b) Tiết kiệm trong sử dụng, quyết toán ngân sách nhà nước
- Hướng dẫn các đơn vị thực hiện quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, đúng chế độ, nâng cao hiệu quả sử dụng. Rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi, giảm tối đa các khoản chi hội nghị, hội thảo, khánh tiết, lễ hội, động thổ, khởi công, nghiên cứu, khảo sát tại nước ngoài và mua xe ô tô công (chi tiết số liệu tại phụ lục đính kèm). Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí tại đơn vị, thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ, ngành. Qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị số tiền 219.320 triệu đồng (trong đó kiến nghị xử phạt hành chính 32.234 triệu đồng, cắt giảm, thu hồi sai phạm 187.086 triệu đồng).
- Qua báo cáo của các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ LĐTBXH, tiết kiệm chi năm 2018 từ các nguồn kinh phí thuộc Bộ LĐTBXH là 232.904,06 triệu đồng, trong đó:
+ Tiết kiệm trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thường xuyên 37.701,43 triệu đồng (trong đó có: Qua quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, kinh phí chi chưa đảm bảo hoặc hết nhiệm vụ chi đã thực hiện xử lý, thu hồi là 1.564,33 triệu đồng, gồm: Kinh phí chi thường xuyên tại các đơn vị trực thuộc Bộ 347,896 triệu đồng và Kinh phí thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng 1.216,43 triệu đồng; kinh phí tiết kiệm qua phê duyệt kế hoạch đấu thầu 12.567,24 triệu đồng, qua đấu thầu 1131 triệu đồng).
+ Các khoản kiến nghị thu hồi nộp ngân sách do Thanh tra Bộ kiến nghị qua thanh tra các lĩnh vực thuộc ngành 187.086 triệu đồng.
+ Tiết kiệm từ đầu tư xây dựng các dự án sử dụng ngân sách nhà nước là 8.116,63 triệu đồng.
(chi tiết theo phụ lục kèm theo)
3. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm, quản lý tài sản, trang thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước.
a) Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành và các văn bản liên quan, Bộ đã triển khai mua sắm tài sản tập trung trong năm 2018, bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ và tiết kiệm, hiệu quả; tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp xe ô tô để xử lý theo quy định mới thay thế Quyết định số 32/QĐ-TTg, đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch, tránh thất thoát, lãng phí.
b) Triển khai mua sắm tập trung tài sản cấp Bộ đã giúp đơn vị tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng tính minh bạch trong sử dụng ngân sách, mua sắm tài sản. Kết quả thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm, sửa chữa tài sản; nâng cấp, cải tạo, bảo trì công trình xây dựng năm 2018 từ nguồn chi thường xuyên của 40 đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH trình phê duyệt với tổng số tiền 386.004,54 triệu đồng, qua thẩm định đã kiến nghị giảm giá gói thầu số tiền 12.567,24 triệu đồng; tăng dự phòng gói thầu 11.563,644 triệu đồng. Qua đấu thầu giảm so với giá gói thầu được phê duyệt 1.131 triệu đồng (trong đó kết quả của mua sắm tập trung, loại khỏi giá gói thầu 133,369 triệu đồng; giảm giá qua đấu thầu 22,97 triệu đồng).
c) Tiếp tục đôn đốc yêu cầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ LĐTBXH rà soát, báo cáo và lập phương án xử lý đối với các tài sản thuộc các dự án đã kết thúc nhưng chưa xử lý theo quy định.
4. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý trụ sở làm việc, nhà ở công vụ.
a) THTK, CLP trong đầu tư xây dựng cơ bản năm 2018.
- Trên cơ sở quyết định giao dự toán của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ đã thực hiện phân bổ vốn đầu tư năm 2018 của Bộ LĐTBXH 316.974 triệu đồng (trong đó vốn trong nước 294.000 triệu đồng, vốn ngoài nước 22.974 triệu đồng) cho 25 dự án đầu tư (trong đó 07 dự án khởi công, 12 dự án chuyển tiếp và 07 dự án kết thúc) kịp thời trước ngày 31/12/2017 theo quy định của Luật Ngân sách, đảm bảo đúng định hướng cơ cấu cấu theo ngành, theo nhiệm vụ Nhà nước giao và tuân thủ nguyên tắc tập trung dứt điểm, không dàn trải, việc phân bổ vốn cho cho từng dự án đã căn cứ tổng mức vốn được giao và yêu cầu tiến độ để đảm bảo thời gian đối với từng dự án theo quy định. Bộ thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2018. Thực hiện nghiêm tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư theo quy định tại Nghị quyết số 89/NQ-CP. Kết quả, trong năm 2018 tổng giá trị giải ngân của Bộ đạt 95% kế hoạch.
- Công tác đấu thầu, quyết toán dự án được nâng cao, không có sai phạm xảy ra, tăng cường công tác phân cấp cho Chủ đầu tư theo quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ. Trong năm 2018, Bộ LĐTBXH đã hướng dẫn chủ đầu tư tổ chức đấu thầu cho 115 gói thầu với tổng giá trị gói thầu là 315.267 triệu đồng, tổng giá trị trúng đầu là 308.824 triệu đồng, giảm 6.443 triệu đồng so với giá trị gói thầu được duyệt. Qua quyết toán dự án hoàn thành cho 09 dự án trong năm 2018 với tổng giá trị phê duyệt là 367.062 triệu đồng, đã cắt giảm 591 triệu đồng so với giá trị chủ đầu tư đề nghị.
b) Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ của cơ quan, tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước:
- Tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở nhà đất thuộc Bộ theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP. Yêu cầu tất cả các đơn vị báo cáo kê khai, đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý đối với tất cả các cơ sở nhà đất, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất của doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ đang quản lý, sử dụng. Kết hợp công tác kiểm tra, quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm với việc kiểm tra công tác quản lý, tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc. Qua kiểm tra, về cơ bản các đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH sử dụng trụ sở làm việc đúng mục đích, đúng đối tượng đảm bảo bằng và thấp hơn tiêu chuẩn, định mức quy định. Bộ cũng kịp thời chấn chỉnh đối với việc sử dụng trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết, cho thuê. Trường hợp không theo quy định kiến nghị chấm dứt, thu hồi hoàn trả ngân sách nhà hoặc đề xuất phương án xử lý, điều chuyển cho đơn vị có nhu cầu quản lý, sử dụng.
- Tiếp tục xử lý, xin ý kiến các đơn vị liên quan (Bộ Tài chính) phương án xử lý, sắp xếp các cơ sở nhà đất của các đơn vị sự nghiệp công thuộc Bộ chuyển thành công ty cổ phần theo Công văn số 58/TTg-ĐMDN ngày 08/1/2016, phương án sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất của các doanh nghiệp thuộc Bộ để thoái vốn theo lộ trình của Chính phủ tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020, cụ thể:
+ Đối với các cơ sở nhà, đất của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ chuyển thành công ty cổ phần theo Công văn số 58/TTg-ĐMDN ngày 08/1/2016, Bộ đã xin ý kiến Bộ Tài chính về phương án sắp xếp, sử dụng nhà đất tại Công văn số 2668/LĐTBXH-KHTC ngày 05/7/2018, Công văn số 3195/LĐTBXH-KHTC ngày 02/8/2018, Công văn số 4927/LĐTBXH-KHTC ngày 21/11/2018.
+ Đối với các cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp thuộc Bộ thoái vốn theo lộ trình của Chính phủ tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xin ý kiến Bộ Tài chính về phương án xử lý nhà, đất của Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực Quốc tế và Thương mại (công ty Sona) (tại Công văn số 2744/LĐTBXH-KHTC ngày 11/7/2018), của Công ty cổ phần nhân lực quốc tế (công ty Sovilaco) và Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Lao động - Xã hội (tại Công văn số 3775/LĐTBXH-KHTC ngày 10/9/2018). Bộ cũng đã có các văn bản giải trình (Công văn số 4157/LĐTBXH-KHTC ngày 04/10/2018) và đôn đốc cho ý kiến về phương án sắp xếp theo quy định (Công văn số 5099b ngày 03/12/2018).
- Bố trí, sắp xếp trụ sở làm việc cho các đơn vị thuộc Bộ tại các cơ sở nhà đất mới tiếp nhận tại 37A Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức, hiệu quả. Tiếp tục rà soát, quy hoạch, xây mới trụ sở làm việc để bố trí, sắp xếp cho các đơn vị thuộc Bộ (Bộ đã tiến hành cải tạo sửa chữa các cơ sở 35 Trần Phú, 12 Ngô Quyền, lập dự án xây dựng mới trụ sở liên cơ quan Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại số 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội).
5. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng thời gian sử dụng lao động.
a) Tiếp tục đổi mới cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ LĐTBXH theo hướng tăng cường phân cấp và tăng cường tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực tài chính trên cơ sở tính tới đặc điểm của từng loại hình dịch vụ, khả năng và nhu cầu thị trường, trình độ quản lý. Triển khai tích cực, hiệu quả Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, cụ thể:
- Ban hành kế hoạch triển khai Nghị định số 141/2016/NĐ-CP tại Quyết định số 853/QĐ-LĐTBXH ngày 03/7/2018. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác trực thuộc Bộ xây dựng phương án tự chủ tài chính theo quy định
- Phê duyệt phương án tự chủ của đơn vị sự nghiệp khoa học tại Quyết định số 1609/QĐ-LĐTBXH ngày 12/11/2018 trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính tại Công văn số 8077/BTC-HCSN ngày 05/7/2018 về việc phương án tự chủ tài chính năm 2018 đối với các tổ chức khoa học và công nghệ công lập
- Hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng phương án tự chủ giai đoạn 2019-2021 tại Công văn số 3030/LĐTBXH-KHTC ngày 30/7/2018. Thực hiện thẩm định phương án tự chủ các đơn vị (Công văn số 4246/LĐTBXH-KHTC), tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính theo quy định.
b) Khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ LĐTBXH đẩy mạnh hoạt động theo cơ chế tự chủ, tiến tới tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên, chi đầu tư, hạch toán như doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản và cung cấp dịch vụ công với chất lượng tốt hơn.
d) Rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ LĐTBXH và các đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH, đảm bảo cơ cấu tổ chức, đội ngũ công chức, viên chức của Bộ LĐTBXH và các đơn vị gọn nhẹ, hiệu quả, không đề xuất thành lập mới các đơn vị quản lý nhà nước cấp tổng cục để tránh phát sinh bộ máy quản lý cồng kềnh, phát sinh biên chế, chi phí hành chính và chi phí mua sắm tài sản trang thiết bị khác.
e) Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/04/2015 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 18, 19 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ đã ban hành nhiều văn bản triển khai, đồng thời tiếp tục thực hiện Kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 tại Quyết định số 1108/QĐ-LĐTBXH ngày 11/8/2015, kết quả trong năm 2018:
- Chỉ tiêu biên chế công chức được giao là 725 biên chế, giảm 01 biên chế so với năm 2017. Kết quả trong năm 2018 đã tinh giảm 11 biên chế. Phấn đấu đạt chỉ tiêu đề ra đến năm 2021 tối thiểu tinh giản đạt 10% số biên chế công chức (giảm tương đương 74 biên chế trên tổng biên chế năm 2015 là 737 người) và số lượng người làm việc ở đơn vị sự nghiệp (giảm tương đương 272 người làm việc trên tổng số người làm việc 2.719) của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được Bộ Nội vụ giao tính đến thời điểm năm 2015. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, trong năm 2018 rà soát, xây dựng số lượng viên chức tại các đơn vị, làm cơ sở phê duyệt thực hiện (đã phê duyệt trong năm 2019 tại Quyết định số 160/QĐ-LĐTBXH ngày 12/02/2019).
- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng người làm việc sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp.
- Ban hành Quyết định số 1155/QĐ-LĐTBXH ngày 05/9/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giải thể các phòng thuộc Vụ (khoảng 11 phòng), sáp nhập giảm 3 phòng thuộc các đơn vị thuộc Bộ, phấn đấu đến năm 2019 giảm ít nhất 10% đầu mối cấp phòng và tương đương trực thuộc so với năm 2015 (giảm 42 phòng), đến năm 2020 giảm ít nhất 10% đầu mối cấp phòng và tương đương trực thuộc so với năm 2019 (giảm 37 phòng), đến năm 2025 giảm ít nhất 20% đầu mối cấp phòng và tương đương trực thuộc so với năm 2020 (giảm 68 phòng).
f) Tiếp tục triển khai danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính của Bộ theo Quyết định số 1696/QĐ-BNV ngày 28/6/2016 phê duyệt danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đảm bảo số lượng biên chế phù hợp, đội ngũ công chức gọn nhẹ, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao.
g) Tiếp tục triển khai xây dựng quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, bám sát các cơ quan đơn vị liên quan để trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định phê duyệt hoặc tự phê duyệt theo thẩm quyền được phân cấp.
h) Tiếp tục các bước để chuyển đổi 03 Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn thuộc Bộ thành công ty cổ phần theo Công văn số 58/TTg-ĐMDN ngày 08/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ LĐTBXH chuyển thành công ty cổ phần. Bộ đã có văn bản xin ý kiến Bộ Tài chính về phương án xử lý nhà, đất đối với 03 Trung tâm (Công văn số 4927/LĐTBXH-KHTC ngày 21/11/2018, Công văn số 2668/LĐTBXH-KHTC ngày 05/7/2018) nhưng đến nay chưa có ý kiến trả lời làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
i) Lập kế hoạch xây dựng, áp dụng ISO vào các quy trình xét duyệt, thẩm định quyết toán ngân sách.
j) Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định các nhiệm vụ cụ thể cần tập trung chỉ đạo thực hiện cho năm 2018 và giai đoạn 2018 - 2020, trong đó tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) thuộc các lĩnh vực của Bộ, ngành có tác động nhiều đến người dân, doanh nghiệp theo Nghị quyết của Chính phủ; tăng cường cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của Bộ, của từng đơn vị. Xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; cải cách bộ máy hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ.
Thực hiện rà soát các thủ tục hành chính để cắt giảm, cắt bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC) theo Quyết định số 889/QĐ-LĐTBXH ngày 09/7/2018 phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh (ĐKKD) và thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Kết quả, Bộ đã trình Chính phủ đã ban hành Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, theo đó đã cắt giảm 60 điều kiện kinh doanh, đạt tỷ lệ 56,07% (60/107 điều kiện). Bộ đã ban hành Thông tư quy định Danh mục sản phẩm hàng hóa (SPHH) có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; theo đó, tổng số SPHH cắt giảm và đơn giản là 19/32 SPHH, đạt tỷ lệ 59,37% (vượt chỉ tiêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ là 50%).
k) Tiếp tục đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý theo Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 của Chính phủ, Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ, Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bộ đã có chỉ thị số 02/CT-LĐTBXH ngày 10/8/2018 về việc đẩy mạnh công tác cải cách tài chính và ứng dụng công nghệ thông tin ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đến năm 2020. Trong năm 2018 đã triển khai một số hoạt động cụ thể:
- Đã triển khai hạ tầng kỹ thuật thực hiện hội nghị trực tuyến do Đảng ủy Bộ tổ chức tại 03 điểm cầu.
- Cập nhật kịp thời tin tức, sự kiện (khoảng 1.750 tin, bài), cập nhật, chia sẻ dữ liệu (trong vòng 10 năm), văn bản quy phạm pháp luật (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) thuộc lĩnh vực của Bộ, ngành trên Cổng thông tin điện tử Bộ thuận tiện cho việc tra cứu, theo dõi, cung cấp dữ liệu trong công tác chỉ đạo điều hành và công tác nghiên cứu của các đơn vị trong Bộ. Ban hành danh mục mã định danh các cơ quan đơn vị thuộc Bộ phục vụ kết nối, trao đổi văn bản điện từ thông qua hệ thống quản lý văn bản điều hành (Quyết định số 1437/QĐ-LĐTBXH ngày 17/10/2018), đồng thời quy định việc kết nối, trao đổi văn bản điện tử thông qua hệ thống quản lý văn bản điều hành tại Quyết định số 1363/QĐ-LĐTBXH ngày 05/10/2018 phê duyệt Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
- Triển khai Đề án Hệ tri thức Việt số hóa năm 2018 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội tại Quyết định số 805/QĐ-BLĐTBXH ngày 27/6/2018.
- Tiếp tục triển khai các dịch vụ công trực tuyến thuộc các lĩnh vực của Bộ, triển khai ứng dụng trong việc quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, hồ sơ đối tượng người có công với cách mạng, phần mềm phiếu tự kiểm tra, phần mềm cập nhật dữ liệu thống kê từ CSDL có sẵn của các đơn vị thuộc Bộ, ngành, triển khai sử dụng hệ thống email công vụ tới tất cả cán bộ, công chức của Bộ...
Trong năm 2018, Cổng thông tin của Bộ xếp hạng 11 trong tổng số 22 Cổng thông tin điện tử Chính phủ, các Bộ và cơ quan trên website ALEXA, chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ năm 2018 đứng thứ 10 trong số các Bộ, ngành, tăng 01 hạng so với năm 2017.
6. Công tác thanh tra, kiểm tra trong năm
Năm 2018, Thanh tra toàn Ngành đã triển khai 6.979 cuộc thanh tra. Qua thanh tra đã ban hành 41.446 kiến nghị, phát hiện 25 cán bộ thực hiện sai chính sách, quy định của pháp luật, ban hành 1.076 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 32,234 tỷ đồng, kiến nghị cắt, thu hồi số tiền do sai phạm là 187,086 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 01 Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và 01 Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, cụ thể:
6.1. Tại Thanh tra Bộ
a). Thanh tra hành chính: Triển khai 08 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính trong đó có 07 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 01 cuộc thanh tra đột xuất. Qua thanh tra, ban hành 107 kiến nghị yêu cầu các đơn vị thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tại các lĩnh vực được Bộ giao, thu hồi 417 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước, thu hồi về Quỹ đền ơn đáp nghĩa 67 triệu đồng.
b) Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành: Đã tiến hành 566 cuộc thanh tra, kiểm tra; ban hành 4.259 kiến nghị; 100 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 7,918 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền 175,343 tỷ đồng. Cụ thể:
- Về lĩnh vực lao động
+ Thanh tra vùng: Thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội tại 102 doanh nghiệp trên địa bàn 08 tỉnh. Qua thanh tra, ban hành 993 kiến nghị yêu cầu các đối tượng thanh tra thực hiện, 15 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 340 triệu đồng.
+ Thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội tại Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và 47 đơn vị thành viên. Qua thanh tra, ban hành 513 kiến nghị yêu cầu các đối tượng thực hiện khắc phục sai phạm, 02 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 30 triệu đồng.
+ Thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động tại Công ty TNHH Một thành viên Khảo sát thiết kế xây dựng điện 4. Qua thanh tra, ban hành 05 kiến nghị yêu cầu doanh nghiệp thực hiện, 01 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 07 triệu đồng.
- Về lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động: Thanh tra tại 53 doanh nghiệp trên địa bàn 03 tỉnh. Qua thanh tra, ban hành 1.432 kiến nghị yêu cầu các đơn vị thực hiện khắc phục sai phạm, 25 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 1,176 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động của 01 đơn vị.
- Về lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Thanh tra tại 16 doanh nghiệp. Qua thanh tra, ban hành 82 kiến nghị yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nhằm khắc phục sai phạm, 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 1,062 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của 01 doanh nghiệp.
- Về lĩnh vực người có công:
+ Thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại 07 tỉnh Sơn La, Bình Dương, Nam Định, Quảng Nam, Gia Lai, Bắc Giang và Khánh Hòa. Qua đó ban hành 85 kiến nghị yêu cầu đối tượng thực hiện, trong đó: (1) Xác định 388 trường hợp không đủ điều kiện tiếp tục hưởng chế độ và kiến nghị đình chỉ trợ cấp, yêu cầu thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền 40,799 tỷ đồng. (2) xác định 1.176 trường hợp được HĐ GDYK kết luận bệnh và xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể không đảm bảo quy định, kiến nghị Sở Y tế địa phương chỉ đạo hội đồng giám định y khoa xem xét lại chuyên môn giám định, điều chỉnh lại tỷ lệ tổn thương cơ thể theo đúng quy định (3) xác định 7.045 trường hợp cần tiếp tục kiểm tra, xác minh về tình trạng dị dạng, dị tật hoặc bổ sung giấy tờ hoàn thiện hồ sơ.
+ Kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra số 4912/KL-TTr ngày 01/12/2015 và Công văn số 618/LĐTBXH-TTr ngày 23/02/2017 về kiến nghị biện pháp xử lý tiếp theo Kết luận thanh tra số 4912/KL-TTr tại Quân khu 5, yêu cầu Bộ Tư lệnh Quân khu 5 ban hành quyết định thu hồi quyết định công nhận thương binh và trợ cấp thương tật đối với 73 trường hợp đã kiến nghị đình chỉ trợ cấp tại kết luận thanh tra, đồng thời chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh thu hồi giấy chứng nhận bị thương đã cấp cho đối tượng; ban hành quyết định thu hồi quyết định công nhận thương binh và trợ cấp thương tật, đồng thời chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên thu hồi giấy chứng nhận bị thương cấp cho 180 trường hợp đã kiến nghị tạm đình chỉ trợ cấp tại kết luận thanh tra, nay không bổ sung được giấy tờ chứng minh bị thương đảm bảo quy định; giao Sở LĐTBXH các tỉnh có đối tượng bị thu hồi quyết định công nhận thương binh, trợ cấp thương tật và giấy chứng nhận bị thương ban hành quyết định đình chỉ chế độ buộc hoàn trả số tiền đã hưởng sai quy định.
+ Kiến nghị xử lý sau thanh tra: (1) Thực hiện yêu cầu tại Kết luận thanh tra số 2877/KL-TTr ngày 03/8/2016 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH về việc xác lập hồ sơ thương binh tại Quân khu 4, căn cứ kết quả giám định kỹ thuật hình sự đối với 959 giấy tờ gốc và kết quả xác minh việc cấp sao danh sách quân nhân bị thương đối với 1.161 trường hợp, Bộ đã ban hành Công văn số 2295/LĐTBXH-TTr ngày 08/6/2018 về việc kiến nghị biện pháp xử lý tiếp theo Kết luận thanh tra số 2877/KL-TTr. Bộ trưởng đã kiến nghị đình chỉ chế độ đối với 844 trường hợp và yêu cầu thu hồi 113,038 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước. (2) trên cơ sở kết quả thanh tra năm 2017 tại Quân khu 1 và kết quả giám định kỹ thuật hình sự, ngày 06/3/2018, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã ban hành Kết luận thanh tra số 806/KL-LĐTBXH trong đó: Xác định 157 đối tượng sử dụng giấy tờ giả để xác lập hồ sơ hưởng thương binh, yêu cầu thu hồi quyết định công nhận thương binh, đình chỉ chế độ và thu hồi số tiền 18,684 tỷ đồng hưởng sai chế độ nộp ngân sách nhà nước; 1.119 hồ sơ có nghi vấn sai sót cần trưng cầu giám định giấy tờ gốc hoặc tiếp tục xác minh tại cơ quan, đơn vị có liên quan.
- Về lĩnh vực trẻ em và xã hội:
+ Bảo trợ Xã hội: Thanh tra 02 tỉnh Quảng Ninh và Thái Nguyên. Qua thanh tra, ban hành 23 kiến nghị yêu cầu đối tượng thanh tra khắc phục sai phạm, thiếu sót; đề nghị truy trả tiền ăn ngày lễ, Tết còn thiếu cho 551 đối tượng tại cơ sở với tổng số tiền là 20,018 triệu đồng.
+ Trẻ em: Thanh tra tại 02 tỉnh Yên Bái và Hà Tĩnh. Qua thanh tra, ban hành 74 kiến nghị yêu cầu đối tượng thanh tra thực hiện khắc phục sai phạm, thiếu sót; thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền 130 triệu đồng.
+ Thanh tra việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại 26 đơn vị trên địa bàn 03 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Lào Cai. Qua thanh tra, ban hành 61 kiến nghị yêu cầu các đơn vị thực hiện để khắc phục sai phạm; thu hồi nộp ngân sách nhà nước với tổng số tiền 2,55 tỷ đồng.
+ Thanh tra việc thực hiện chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội tại 05 tỉnh Tiền Giang, Bình Phước, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hải Dương. Qua thanh tra, ban hành 170 kiến nghị yêu cầu các đơn vị thực hiện để khắc phục sai phạm; thu hồi nộp ngân sách nhà nước với tổng số tiền 108 triệu đồng; yêu cầu truy trả cho đối tượng số tiền 2,81 tỷ đồng.
+ Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bình đẳng giới tại 02 tỉnh Đắk Lắk và Phú Thọ. Qua thanh tra, ban hành 06 kiến nghị đối với Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm khắc phục thiếu sót phát hiện qua thanh tra.
- Về lĩnh vực bảo hiểm xã hội
+ Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế tại 04 tỉnh, thành phố Hà Nội, Nam Định, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu. Qua thanh tra tại Bảo hiểm xã hội tỉnh, 22 cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện và 92 doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, ban hành 343 kiến nghị yêu cầu đối tượng thực hiện để khắc phục sai phạm, thiếu sót; ban hành 03 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 450 triệu đồng.
+ Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật bảo hiểm thất nghiệp tại Sở LĐTBXH; trung tâm dịch vụ việc làm; cơ quan Bảo hiểm xã hội và 71 doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn 06 tỉnh Hà Tĩnh, Sơn La, Bình Thuận, Quảng Bình, Vĩnh Long và Bình Phước. Qua thanh tra, ban hành 321 kiến nghị yêu cầu đối tượng thanh tra thực hiện nhằm khắc phục sai phạm, thiếu sót; 12 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 578 triệu đồng.
+ Thanh tra đột xuất việc thanh toán hỗ trợ học nghề cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại 03 đơn vị (Trường Trung cấp nghề số 1 Bắc Giang, Trung tâm dạy nghề và đào tạo lái xe Đức Trung - Lạng Giang; Công ty Cổ phần Đầu tư và dạy nghề Thành Công), ban hành 02 kiến nghị yêu cầu đối tượng thực hiện, 01 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 12 triệu đồng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền 33 triệu đồng.
- Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp: Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật giáo dục nghề nghiệp tại 26 đơn vị trên địa bàn 02 tỉnh, thành phố Hà Nội và Quảng Ninh. Qua thanh tra, ban hành 149 kiến nghị yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện nhằm khắc phục sai phạm.
b) Tại Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Cục An toàn lao động
- Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp: Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật giáo dục nghề nghiệp tại 45/48 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Qua thanh tra, ban hành 780 kiến nghị; ban hành 01 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 60 triệu đồng; kiến nghị đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với 09 ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp không bảo đảm điều kiện; dừng tổ chức đào tạo tại 15 địa điểm đào tạo không bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dụng cụ đào tạo, không đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp; thu hồi 45 văn bằng tốt nghiệp trung cấp nghề; dừng tổ chức đào tạo cho 646 sinh viên học liên thông có bằng tốt nghiệp trung cấp không cùng ngành, nghề.
- Cục Quản lý lao động ngoài nước: Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại 11/30 doanh nghiệp; ban hành 35 kiến nghị yêu cầu đối tượng thanh tra thực hiện; 05 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 365 triệu đồng.
- Cục An toàn lao động: Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại 51/60 đơn vị. Qua thanh tra, ban hành 117 kiến nghị yêu cầu các đơn vị thực hiện để khắc phục sai phạm; 01 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 35 triệu đồng.
c) Tại Thanh tra Sở
- Qua thanh tra đã ban hành 36.213 kiến nghị và 969 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 23,856 tỷ đồng; phát hiện 25 cán bộ thực hiện sai chính sách, quy định của pháp luật; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước với tổng số tiền là 11,327 tỷ đồng.
- Về thực hiện phiếu tự kiểm tra: Tổng số phiếu phát ra tại 63 địa phương là 15.970 phiếu; số phiếu thu về là 5.773 phiếu; số phiếu được xử lý là 6.309 phiếu; số sai phạm được phát hiện theo phiếu là 26.742 sai phạm.
7. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp
- Hoàn thành việc giám sát tài chính năm 2017 và 06 tháng đầu năm 2018 đối với 03 doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, báo cáo Bộ Tài chính theo đúng quy định (Công văn số 2999/LĐTBXH-KHTC ngày 27/7/2018 về việc báo cáo giám sát tài chính 06 tháng năm 2018, Công văn số 1930/LĐTBXH-KHTC ngày 18/5/2018 về việc báo cáo kết quả giám sát tài chính 6 tháng và năm 2017).
- Xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc về tài chính, tranh chấp, lấn chiếm đất đai tại các doanh nghiệp thuộc Bộ. Công tác thoái vốn nhà nước được triển khai theo đúng quy định và kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ (thực hiện Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020, Bộ đã đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện tại Công văn số 1033/LĐTBXH-KHTC, Công văn số 1034/LĐTBXH-KHTC ngày 19/3/2018, Công văn số 3809/LĐTBXH-KHTC và 3810/LĐTBXH-KHTC ngày 12/9/2018; Công văn số 1128/LĐTBXH-KHTC ngày 23/3/2018, theo đó trong năm 2018, công ty cổ phần Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại thoái vốn nhà nước là 47,31%.
- Tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp tiếp tục rà soát lại các hoạt động sản xuất kinh doanh tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí quản lý, sắp xếp, bố trí sử dụng hiệu quả bộ máy tổ chức, nhân sự; tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nâng cao hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp, tăng lợi nhuận bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
PHỤ LỤC SỐ 02
BẢNG TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG CHI THƯỜNG XUYÊN NĂM 2018 CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
(Kèm theo Công văn số 661/LĐTBXH-KHTC ngày 20 tháng 02 năm 2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
STT | Nội dung/Tiêu chí/Tiêu chí thành phần | Điểm tối đa | Điểm tự đánh giá |
Tổng cộng (A+B+C+D) | 100 | 89,5 | |
A. | Công tác chỉ đạo, điều hành trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí | 10 | 9,5 |
I | Xây dựng chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí | 5 | 4,5 |
1 | Sự kịp thời trong việc ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm của Bộ, cơ quan ở Trung ương | 2,5 | 2 |
- | Trong vòng 30 ngày kể từ ngày Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ được thông qua | 2,5 | |
- | Sau từ 31 - 60 ngày kể từ ngày Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ được thông qua | 2 | 2 |
- | Sau từ 61 ngày trở lên kể từ ngày Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ được thông qua | 1,5 | |
- | Không ban hành | 0 | |
2 | Sự phù hợp với Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ | 2,5 | 2,5 |
- | Đề ra mức chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên bằng hoặc cao hơn chỉ tiêu trong Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ | 2,5 | 2,5 |
- | Đề ra mức chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên thấp hơn chỉ tiêu trong Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ | 0 | |
II | Ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí | 5 | 5 |
1 | Có ban hành, trong đó có nội dung chỉ đạo, điều hành về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên | 5 | 5 |
2 | Có ban hành nhưng không có nội dung chỉ đạo, điều hành về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên | 4 | |
3 | Không ban hành | 0 | |
B. | Kết quả cụ thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên | 40 | 30 |
I | Tiết kiệm kinh phí các đoàn đi công tác nước ngoài và đón các đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam tại Bộ, cơ quan trung ương | 5 | 5 |
II | Kết quả tiết kiệm dự toán chi thường xuyên (loại trừ số kinh phí đã thực hiện tiết kiệm để cải cách tiền lương) | 20 | 15 |
1 | Tiết kiệm dưới 5% so với dự toán kinh phí được giao | 10 | |
2 | Tiết kiệm trên 5% đến 9% so với dự toán kinh phí được giao | 15 | 15 |
3 | Tiết kiệm trên 9% so với dự toán kinh phí được giao | 20 | |
III | Thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đối với các chức danh được sử dụng xe ô tô để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác theo quy định pháp luật của cấp có thẩm quyền | 5 | 0 |
Đã thực hiện khoán | 5 | 0 | |
Chưa thực hiện khoán | 0 | 0 | |
IV | Kết quả thực hiện chỉ tiêu giảm biên chế hành chính và biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo kế hoạch, chỉ tiêu được cấp có thẩm quyền giao | 10 | 10 |
Thực hiện đúng kế hoạch, chỉ tiêu theo quy định | 10 | 10 | |
Không thực hiện đúng kế hoạch, chỉ tiêu theo quy định | 0 | ||
C | Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của đơn vị dự toán ngân sách cấp dưới trực tiếp | 40 | 40 |
I | Kết quả chấm điểm của các đơn vị dự toán ngân sách cấp dưới trực tiếp | 20 | 20 |
1 | Trên 80% số đơn vị dự toán ngân sách cấp dưới trực tiếp có kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt 80 điểm trở lên | 20 | 20 |
2 | Từ 50 %- 80 % số đơn vị dự toán ngân sách cấp dưới trực tiếp có kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt 80 điểm trở lên | 15 | |
3 | Từ 20% đến dưới 50% đơn vị dự toán ngân sách cấp dưới trực tiếp có kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt 80 điểm trở lên | 10 | |
4 | Dưới 20% đơn vị dự toán ngân sách cấp dưới trực tiếp có kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt 80 điểm trở lên | 5 | |
II | Tỷ lệ đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ thuộc loại hình tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và tự bảo đảm chi thường xuyên: Các Bộ, cơ quan trung ương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu tỷ lệ % đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên để làm căn cứ chấm điểm chỉ tiêu này. | 20 | 20 |
Thực hiện đúng kế hoạch, chỉ tiêu theo quy định | 20 | 20 | |
Không thực hiện đúng kế hoạch, chỉ tiêu theo quy định | 0 | ||
D. | Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra, thanh tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí | 10 | 10 |
I | Tuyên truyền, phổ biến về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí | 5 | 5 |
1 | Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí | 2 | 2 |
2 | Mức độ thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí | 3 | 3 |
II | Hoạt động kiểm tra, thanh tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với các đơn vị trực thuộc | 5 | 5 |
1 | Ban hành kế hoạch kiểm tra, thanh tra | 2 | 2 |
2 | Mức độ thực hiện kế hoạch kiểm tra, thanh tra. | 3 | 3 |
PHỤ LỤC 03
KẾT QUẢ CÔNG TÁC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM CHỐNG LÃNG PHÍ NĂM 2018
(Kèm theo Công văn số 661/LĐTBXH-KHTC ngày 20 tháng 02 năm 2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
STT | Nội dung | Đơn vị tính | Kết quả năm trước | Kế hoạch năm báo cáo | Kết quả năm báo cáo | So sánh với năm trước và kế hoạch | Ghi chú | |
So sánh với năm trước | So sánh với kế hoạch | |||||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7=6/4(%) | 8=6/5(%) | 9 |
1 | Số văn bản quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ mới được ban hành | văn bản | 2 | 2 | ||||
II | TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ NSNN | 65.571,55 | 35.842,08 | 37.701,43 | 54,66 | 105,19 | Số tiền tiết kiệm xác định trên cơ sở dự toán được duyệt; mức khoán chi được duyệt | |
1 | Lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán NSNN | - | 9.754,44 | 9.754,44 | - | - | ||
1.2 | Số tiền tiết kiệm dự toán chi thường xuyên theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ | triệu đồng | - | 684,44 | 684,44 | - | ||
1.4 | Các nội dung khác | - | 9.070,00 | 9.070,00 | - | |||
2 | Sử dụng và thanh quyết toán NSNN | 21.288,52 | 24.464,91 | 26.227,04 | 114,92 | 107,20 | ||
2.1 | Tiết kiệm chi quản lý hành chính, gồm: | 16.725,14 | 22.545,60 | 23.002,99 | 134,80 | 102,03 | ||
Tiết kiệm văn phòng phẩm | triệu đồng | 727,01 | 1.427,43 | 1.424,11 | 196,34 | 99,77 | ||
Tiết kiệm cước phí thông tin liên lạc | triệu đồng | 221,08 | 755,08 | 1.402,99 | 341,54 | 185,81 | ||
Tiết kiệm sử dụng điện | triệu đồng | 452,35 | 924,00 | 874,49 | 204,26 | 94,64 | ||
Tiết kiệm xăng, dầu | triệu đồng | 439,89 | 705,60 | 906,53 | 160,40 | 128,48 | ||
Tiết kiệm nước sạch | triệu đồng | 167,95 | 404,29 | 466,41 | 240,72 | 115,36 | ||
Tiết kiệm công tác phí | triệu đồng | 1.125,83 | 1.167,72 | 1.019,96 | 103,72 | 87,35 | ||
Tiết kiệm trong tổ chức hội nghị, hội thảo | triệu đồng | 551,76 | 751,32 | 812,97 | 136,17 | 108,21 | ||
Tiết kiệm chi tiếp khách, khánh tiết, lễ hội, kỷ niệm | triệu đồng | 810,65 | 780,93 | 863,72 | 96,33 | 110,60 | ||
Tiết kiệm trong mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị làm việc, phương tiện thông tin, liên lạc | triệu đồng | 12.228,63 | 15.629,23 | 15.231,81 | 127,81 | 97,46 | ||
2.2 | Tiết kiệm trong mua sắm, sửa chữa phương tiện đi lại (ô tô, mô tô, xe gắn máy) | 84,03 | 30,00 | 40,66 | 35,70 | 135,54 | ||
Các nội dung khác | triệu đồng | 17,00 | 30,00 | 40,66 | 135,54 | |||
2.3 | Tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ cho cơ quan, tổ chức | triệu đồng | 3.646,62 | 1.387,31 | 2.266,39 | 38,04 | 163,37 | |
2.4 | Tiết kiệm kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia | triệu đồng | 827,62 | 427,00 | 767,00 | 51,59 | 179,63 | |
2.5 | Tiết kiệm kinh phí nghiên cứu khoa học, công nghệ | triệu đồng | 5,10 | 75,00 | 150,00 | 200,00 | ||
3 | Sử dụng, quyết toán NSNN lãng phí, sai chế độ | 43.293,69 | 1.564,33 | 1.564,33 | 3,61 | 100,00 | ||
3.3 | Số tiền vi phạm đã phát hiện | triệu đồng | 43.293,69 | 1.564,33 | 1.564,33 | 3,61 | 100,00 | |
4 | Các nội dung khác | 989,35 | 58,41 | 155,62 | 5,90 | 266,45 | ||
1.1 | Số lượng phương tiện hiện có đầu kỳ | chiếc | - | 195,00 | 195,00 | |||
IV | ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÁC DỰ ÁN SỬ DỤNG NSNN, TIỀN, TÀI SẢN NHÀ NƯỚC | 21.898,76 | 7.509,59 | 8.116,63 | 34,29 | 108,08 | ||
2 | Số kinh phí tiết kiệm được, gồm: | 21.898,76 | 7.509,59 | 8.116,63 | 34,29 | 108,08 | ||
Thẩm định, phê duyệt dự án, tổng dự toán | triệu đồng | 1.305,53 | 62,59 | 403,63 | 4,79 | 644,90 | ||
Thực hiện đấu thầu, chào hàng cạnh tranh,... | triệu đồng | 17.463,23 | 6.851,00 | 7.119,00 | 39,23 | 103,91 | ||
Thẩm tra, phê duyệt quyết toán | triệu đồng | 3.112,00 | 594,00 | 594,00 | 19,09 | 100,00 | ||
1.1 | Tổng diện tích trụ sở hiện có đầu kỳ | m2 | - | 191.745,50 | 191.745,50 | - | ||
IX | TỔNG HỢP TÌNH HÌNH THANH TRA, KIỂM TRA GIÁM SÁT VÀ XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ THTK, CLP | - | 187.086,00 | 187.086,00 | 100,000 | 100,000 | ||
5 | Tổng giá trị tiền, tài sản bị lãng phí, sử dụng sai chế độ phát hiện được qua thanh tra, kiểm tra, giám sát | triệu đồng | - | 187.086,00 | 187.086,00 | 100,000 | 100,00 | |
Tổng cộng | 87.470,32 | 230.437,67 | 232.904,06 |
PHỤ LỤC 04
(Ban hành kèm theo Công văn số 661/LĐTBXH-KHTC ngày 20 tháng 02 năm 2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
KẾT QUẢ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ
Năm 2018
STT | Nội dung | Đơn vị tính | Kết quả của năm trước | Kế hoạch của năm báo cáo | Kết quả năm báo cáo | So sánh với năm trước và kế hoạch | Ghi chú | |
So sánh với năm trước | So sánh với kế hoạch | |||||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7=6/4(%) | 8=6/5(%) | 9 |
I | Tiết kiệm chi phí, giá thành sản xuất kinh doanh | |||||||
1 | Tiết kiệm nguyên, vật liệu | triệu đồng | 95,00 | 100,00 | 97,00 | |||
2 | Tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng | triệu đồng | 11,00 | 12,00 | 14,00 | |||
2.1 | Tiết kiệm điện | Kw/h | 580,00 | 650,00 | 670,00 | |||
2.2 | Tiết kiệm xăng, dầu | Tấn (lít) | 500,00 | 570,00 | 575,00 | |||
3 | Tiết kiệm chi phí quản lý | triệu đồng | 95,00 | 110,00 | 100,00 | |||
4 | Tiết kiệm do áp dụng khoa học, công nghệ, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật | triệu đồng | ||||||
5 | Chi phí tiết giảm đã đăng ký | triệu đồng | ||||||
6 | Chi phí tiết giảm đã thực hiện | triệu đồng | ||||||
II | Quản lý đầu tư xây dựng | |||||||
1 | Tổng số dự án đầu tư, xây dựng đang thực hiện | dự án | ||||||
2 | Số lượng dự án thực hiện đúng tiến độ, có hiệu quả | dự án | ||||||
3 | Chi phí đầu tư tiết kiệm được | |||||||
3.1 | Thẩm định, phê duyệt dự án, tổng dự toán | triệu đồng | ||||||
3.2 | Thực hiện đấu thầu, chào hàng cạnh tranh... | triệu đồng | ||||||
3.3 | Thực hiện đầu tư, thi công | triệu đồng | ||||||
3.4 | Thẩm tra, phê duyệt quyết toán | triệu đồng | ||||||
4 | Lãng phí, vi phạm, thất thoát vốn | |||||||
4.1 | Số lượng dự án chậm tiến độ, có lãng phí, vi phạm pháp luật | dự án | ||||||
4.2 | Số tiền bị thất thoát, lãng phí, vi phạm pháp luật | triệu đồng | ||||||
5 | Các nội dung khác | |||||||
III | Sử dụng các nguồn kinh phí được cấp từ Ngân sách nhà nước | |||||||
1 | Số tiền tiết kiệm được | triệu đồng | ||||||
2 | Số tiền chậm giải ngân, quyết toán so với thời hạn được duyệt | triệu đồng | ||||||
3 | Số tiền sử dụng sai chế độ, lãng phí | triệu đồng | ||||||
IV | Mua sắm phương tiện | |||||||
1 | Mua sắm, trang bị xe ô tô con | |||||||
1.1 | Số lượng xe đầu kỳ | chiếc | ||||||
1.2 | Số lượng xe tăng trong kỳ (mua mới) | chiếc | ||||||
1.3 | Số tiền mua mới xe ô tô trong kỳ | chiếc | ||||||
1.4 | Số lượng xe giảm trong kỳ (thanh lý, chuyển nhượng) | chiếc | ||||||
1.5 | Số tiền thu hồi do thanh lý, chuyển nhượng | triệu đồng | ||||||
2 | Trang bị xe ô tô con sai tiêu chuẩn, chế độ | chiếc | ||||||
2.1 | Số lượng xe mua sắm, trang bị sai chế độ | chiếc | ||||||
2.2 | Số tiền mua xe trang bị sai chế độ | triệu đồng | ||||||
V | Nợ phải thu khó đòi | |||||||
1 | Số đầu kỳ | triệu đồng | 7.000,00 | 6.500,00 | 7.000,00 | |||
2 | Số cuối kỳ | triệu đồng | 7.000,00 | 6.500,00 | 7.000,00 | |||
VI | Vốn chủ sở hữu | |||||||
1 | Số đầu năm | triệu đồng | 15.405,00 | 8.774,00 | 8.774,00 | |||
2 | Số cuối kỳ | triệu đồng | 8.774,00 | 9.574,00 | 4.974,00 |
01 | Văn bản dẫn chiếu |
02 | Văn bản dẫn chiếu |
03 | Văn bản dẫn chiếu |
04 | Văn bản dẫn chiếu |
05 | Văn bản dẫn chiếu |
06 | Văn bản dẫn chiếu |
07 | Văn bản dẫn chiếu |
08 | Văn bản dẫn chiếu |
09 | Văn bản dẫn chiếu |
10 | Văn bản dẫn chiếu |
11 | Văn bản dẫn chiếu |
12 | Văn bản dẫn chiếu |
13 | Văn bản dẫn chiếu |
14 | Văn bản dẫn chiếu |
15 | Văn bản dẫn chiếu |
16 | Văn bản dẫn chiếu |
17 | Văn bản dẫn chiếu |
18 | Văn bản dẫn chiếu |
19 | Văn bản dẫn chiếu |
20 | Văn bản dẫn chiếu |
Công văn 661/LĐTBXH-KHTC báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Lao động Thương binh và Xã hội |
Số hiệu: | 661/LĐTBXH-KHTC |
Loại văn bản: | Công văn |
Ngày ban hành: | 20/02/2019 |
Hiệu lực: | 20/02/2019 |
Lĩnh vực: | Tiết kiệm-Phòng, chống tham nhũng, lãng phí |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Phạm Quang Phụng |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |