Với sự phát triển của công nghệ thì việc “đạo”, “chế” một tác phẩm khá dễ dàng và được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau như sao chép, sửa chữa, cắt xén… Chính vì vậy, việc đảm bảo quyền lợi cho tác giả là cần thiết. Tuy nhiên, không phải bất cứ tác phẩm nào cũng được bảo hộ quyền tác giả.
Bảo hộ quyền tác giả là gì?
Theo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 2009, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Các tác phẩm này có thể là tác phẩm văn học, khoa học, mỹ thuật, âm nhạc, kiến trúc…
Cụ thể hơn, quyền tác giả bao gồm những quyền cụ thể về việc đặt tên, đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; sao chép, điều chỉnh, công bố tác phẩm đến với công chúng; cho phép người khác sao chép hoặc tham gia vào quá trình khai thác tác phẩm…
Do đó, bảo hộ quyền tác giả đồng nghĩa với việc tác phẩm sẽ được pháp luật và xã hội công nhận, không bị sử dụng trái phép như sao chép hay lạm dụng.
12 loại tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả
Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả
Khoản 5 Điều 1 Luật này và chương II Nghị định 22/2018/NĐ-CP nêu rõ 12 loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Cụ thể:
- Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác
Trong đó, tác phẩm thể hiện dưới dạng ký tự khác là tác phẩm thể hiện bằng chữ nổi cho người khiếm thị, ký hiệu tốc ký và các ký hiệu tương tự thay cho chữ viết mà các đối tượng tiếp cận có thể sao chép được bằng nhiều hình thức khác nhau.
- Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác
Là tác phẩm được thể hiện bằng ngôn ngữ nói và phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định.
Trường hợp tác giả tự định hình bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác dưới hình thức ghi âm, ghi hình, thì tác giả được hưởng quyền tác giả đối với bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác, đồng thời là chủ sở hữu đối với bản ghi âm, ghi hình.
- Tác phẩm báo chí
Là tác phẩm có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, bao gồm các thể loại như phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc phương tiện khác.
- Tác phẩm âm nhạc
Là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có lời hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không.
- Tác phẩm sân khấu
Bao gồm: chèo, tuồng, cải lương, múa rối, kịch nói, kịch dân ca, kịch hình thể, nhạc kịch, xiếc, tấu hài, tạp kỹ và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.
Ngoài ra, còn có các tác phẩm sân khấu được sáng tạo bởi đạo diễn, biên kịch, biên đạo múa, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật sân khấu, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo…
- Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự
Là tác phẩm được thể hiện bằng hình ảnh động kết hợp hoặc không kết hợp với âm thanh và các phương tiện khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh.
Bên cạnh đó, còn có tác phẩm điện ảnh được sáng tạo bởi đạo diễn, biên kịch, người quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, âm thanh, ánh sáng, trường quay, đạo cụ, kỹ xảo…
Tác phẩm điện ảnh, sân khấu
- Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng
Tác phẩm tạo hình là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục như hội họa, đồ họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt và các hình thức thể hiện tương tự, tồn tại dưới dạng độc bản.
Riêng loại hình đồ họa, có thể được thể hiện tới phiên bản thứ 50, được đánh số thứ tự có chữ ký của tác giả.
Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp như thiết kế đồ họa (biểu tượng, bao bì sản phẩm), thiết kế thời trang, tạo dáng sản phẩm, thiết kế nội thất, trang trí.
- Tác phẩm nhiếp ảnh
Là tác phẩm thể hiện hình ảnh trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra, hay có thể được tạo ra bằng các phương pháp hóa học, điện tử hoặc kỹ thuật khác. Tác phẩm nhiếp ảnh có thể có chú thích hoặc không có chú thích.
- Tác phẩm kiến trúc
Bao gồm: công trình kiến trúc; bản vẽ thiết kế kiến trúc công trình hoặc tổ hợp công trình, nội thất, phong cảnh.
- Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học
Bao gồm: họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, các loại công trình khoa học và kiến trúc.
- Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian
Bao gồm: truyện, thơ, câu đố; điệu hát, làn điệu âm nhạc; điệu múa, vở diễn, nghi lễ và các trò chơi; sản phẩm nghệ thuật đồ hoạ, hội hoạ, điêu khắc, nhạc cụ, hình mẫu kiến trúc và các loại hình nghệ thuật khác được thể hiện dưới bất kỳ hình thức vật chất nào.
Trong đó, truyện, thơ, câu đố thể hiện dưới dạng nghệ thuật ngôn từ.
Điệu hát, làn điệu âm nhạc hay điệu múa, vở diễn, nghi lễ và các trò chơi thể hiện dưới dạng nghệ thuật biểu diễn như chèo, tuồng, cải lương, múa rối, điệu hát, làn điệu âm nhạc; điệu múa, vở diễn, trò chơi dân gian, hội làng, các hình thức nghi lễ dân gian.
- Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu
Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể.
Sưu tập dữ liệu là tập hợp có tính sáng tạo thể hiện ở sự tuyển chọn, sắp xếp các tư liệu dưới dạng điện tử hoặc dạng khác.
Lưu ý:
- Các tác phẩm nêu phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.
- Tác phẩm phái sinh (tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn) được bảo hộ quyền tác giả khi không gây hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
Xem thêm: