hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 30/08/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Những loại tài sản bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu là gì?

Người dân phải đăng ký quyền sở hữu đối với một số loại tài sản. Vậy loại tài sản nào phải đăng ký quyền sở hữu? tại sao phải đăng ký quyền sở hữu tài sản?

 

 
Mục lục bài viết
  • Tài sản là gì?
  • Tài sản phải đăng ký quyền sở hữu là gì?
  • (1) Đối với bất động sản:
  • (2) Đối với động sản:
  • Tại sao phải đăng ký quyền sở hữu tài sản?
Câu hỏi: Tôi vừa mua chiếc xe gắn máy và được yêu cầu phải đăng ký xe. Cho tôi hỏi có bắt buộc phải làm giấy đăng ký xe không? Nếu không đăng ký thì có bị xử phạt gì không?

Tài sản là gì?

Tài sản có thể hiểu là các vật có giá trị, là điều kiện vật chất do con người tạo ra và dùng để duy trì, phát triển cuộc sống của con người.

Đăng ký quyền sở hữu tài sản

Đăng ký quyền sở hữu tài sản

Theo quy định pháp luật Việt Nam hiện nay, tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản được quy định như sau:

“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”

Như vậy, tài sản được chia ra làm 02 loại: bất động sản và động sản. Căn cứ quy định tại Điều 106 Bộ luật Dân sự 2015, đối với bất động sản bắt buộc phải đăng ký tài sản theo quy định; đối với tài sản là động sản, không bắt buộc tất cả phải đăng ký, trừ các trường hợp bắt buộc đăng ký theo quy định cụ thể.

Tài sản phải đăng ký quyền sở hữu là gì?

(1) Đối với bất động sản:

Căn cứ quy định nêu trên, tài sản là bất động sản bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu, bao gồm:

- Đất đai;

- Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;

- Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng;

- Tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, khoản 1 Điều 95 Luật Đất đai 2013 quy định rõ người sử dụng đất, người được giao quản lý đất bắt buộc phải đăng ký đất đai; quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất thì đăng ký theo yêu cầu của chủ sở hữu.

Tài sản nào bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu?

(2) Đối với động sản:

Các loại tài sản đặc biệt là động sản bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu bao gồm:

* Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ: Khi mua xe máy, xe ô tô, chủ sở hữu phương tiện phải làm giấy đăng ký xe.

Đồng thời, theo điểm a khoản 2 Điều 10 Thông tư 65/2020/TT-BCA, giấy đăng ký xe là một trong những loại giấy tờ phải trình báo với công an giao thông khi được yêu cầu xuất trình giấy tờ.

Do đó, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là một trong những loại tài sản bắt buộc chủ sở hữu phải đăng ký tài sản.

* Tàu biển: Điều 19 Bộ luật Hàng hải 2015 quy định tàu biển là loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, theo đó:

- Các loại tàu biển phải đăng ký vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam:

+ Tàu biển có động cơ với tổng công suất máy chính từ 75 KW trở lên;

+ Tàu biển không có động cơ, nhưng có tổng dung tích từ 50 GT trở lên hoặc có trọng tải từ 100 tấn trở lên hoặc có chiều dài đường nước thiết kế từ 20m trở lên;

+ Tàu biển nhỏ hơn các loại tàu biển quy định tại 02 khoản trên, nhưng hoạt động tuyến nước ngoài.

- Các loại tàu biển khác không thuộc 03 trường hợp nêu trên thực hiện đăng ký quyền sở hữu tài sản theo quy định của Chính phủ.

* Phương tiện nội thủy:

Theo Điều 24 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 (sửa đổi 2014), một trong các điều kiện hoạt động của phương tiện thủy nội địa là phải có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa.

(Trừ trường hợp phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người hoặc bè.)

* Tàu cá: Căn cứ Điều 19 Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên, tàu công vụ thủy sản trước khi đưa vào hoạt động thì bắt buộc phải đăng ký theo quy định pháp luật và được ghi vào Sổ đăng ký tàu cá quốc gia.

* Tàu bay: Tàu bay là loại tài sản bắt buộc phải thực hiện đăng ký quốc tịch và đăng ký quyền sở hữu, cụ thể:

- Điều 4 Nghị định 68/2015/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 64/2022/NĐ-CP) quy định “tàu bay thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam và do tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác (trường hợp tàu bay do cá nhân khai thác thì cá nhân phải thường trú tại Việt Nam); tàu bay được thuê mua hoặc thuê theo hình thức thuê không có tổ bay với thời hạn thuê từ 24 tháng trở lên để khai thác tại Việt Nam phải đăng ký mang quốc tịch Việt Nam…”.

- Đồng thời, khoản 1 Điều 14 Nghị định 68/2015/NĐ-CP cũng quy định tàu bay mang quốc tịch Việt Nam phải thực hiện đăng ký quyền sở hữu tài sản.

* Phương tiện giao thông đường sắt:

Đối với phương tiện giao thông đường sắt nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp trong nước phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện trước khi đưa vào khai thác, vận dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 14/2023/TT-BGTVT.

* Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ: 

Điều 4 Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ khi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất… phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép, giấy xác nhận; trước khi sản xuất, kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam phải được thử nghiệm, kiểm định, đánh giá và đăng ký theo quy định.

* Di vật, cổ vật:

Điều 42 Luật Di sản văn hóa 2001 (sửa đổi 2009) quy định không bắt buộc đăng ký quyền sở hữu đối với di vật, cổ vật. Tuy nhiên, nhà nước khuyến khích người dân đăng ký quyền sở hữu di vật, cổ vật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được tạo điều kiện bảo vệ di vật, cổ vật một cách tốt nhất.

Tại sao phải đăng ký quyền sở hữu tài sản?

Đăng ký quyền sở hữu tài sản là cách để công dân có thể bảo vệ tài sản của mình một cách tốt nhất. Khi thực hiện đăng ký quyền sở hữu tài sản đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà nước có trách nhiệm bảo hộ quyền sở hữu và tạo điều kiện, hỗ trợ để người dân bảo vệ tài sản của mình thông qua các quy định pháp luật, các biện pháp xử lý…

Tại sao phải đăng ký quyền sở hữu tài sản?

Tại sao phải đăng ký quyền sở hữu tài sản?

Đồng thời, đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản là chứng cứ quan trọng trong việc chứng minh quyền sở hữu và các quyền hợp pháp của chủ sở hữu đối với tài sản mà không ai có thể xâm phạm được.

Không đăng ký tài sản có bị phạt không?

Các loại tài sản bắt buộc đăng ký tài sản nhưng cá nhân, tổ chức không thực hiện đăng ký, không có giấy đăng ký sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật, đơn cử như:

- Đối với tài sản là bất động sản, đất đai nếu không thực hiện đăng ký đất đai sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể:

Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Các trường hợp khác tùy theo quy định không thực hiện đăng ký biến động đất đai sẽ xử phạt theo quy định tại  Nghị định 91/2019/NĐ-CP.

- Đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (xe ô tô, gắn máy):

Khoản 4 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định trường hợp người điều khiển xe ô tô không có Giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Đối với người điều khiển xe gắn máy, trường hợp không có Giấy đăng ký xe, phạt từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo điểm a khoản 2 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ/CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Trên đây là một số thông tin về việc đăng ký quyền sở hữu tài sản theo quy định pháp luật mà chúng tôi cung cấp đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc liên quan đến quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản, vui lòng liên hệ đến tổng đài:  19006192 để được tư vấn và hỗ trợ.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X