hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 25/09/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Nhà nước quản lý về đất đai theo những nội dung nào?

Ở Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sỡ hữu, việc Nhà nước thực hiện quyền quản lý nhằm làm cho đất đai được sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích và hiệu quả kinh tế cao. Vậy, 15 nội dung quản lý nhà nước về đất đai cụ thể thế nào?

Câu hỏi: xin hỏi, hiện nay đất đai do Nhà nước đại diện làm chủ sở hữu và thực hiện quản lý. Vậy Nhà nước quản lý đất đai như thế nào? - Linh Nguyễn (Bắc Giang)

Thế nào là quản lý nhà nước về đất đai?

Quản lý nhà nước về đất đai là các hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm trong việc nắm chắc tình hình sử dụng đất đai, phân phối và phân phối lại theo quy hoạch, kế hoạch, trong việc kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng đất đai với mục đích sử dụng nguồn tài nguyên đất đai hiệu quả, tiết kiệm.

Với nhu cầu khách quan của việc sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đã thúc đẩy nhà nước ngày càng tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý, đáp ứng được nhu cầu đời sống của nhân dân.

Để quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên đất, từ năm 1993 Luật Đất đai ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt đáng kể trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. Thông qua đó, nhà nước đưa ra và thừa nhận các quyền của con người về đất đai như: Quyền thừa kế, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, cầm cố, góp vốn quyền sử dụng đất...

15 nội dung quản lý nhà nước về đất đai theo Luật Đất đai 2013 (Ảnh minh họa)


Nội dung quản lý Nhà nước về đất đai thế nào?

Theo quy định tại Điều 22 Luật Đất đai 2013, 15 nội dung quản lý nhà nước về đất đai gồm:

1. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và tổ chức thực hiện văn bản đó.

2. Xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính, lập bản đồ hành chính.

3. Khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất; điều tra, đánh giá tài nguyên đất; điều tra xây dựng giá đất.

4. Quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

5. Quản lý việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

6. Quản lý việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất.

7. Đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

8. Thống kê, kiểm kê đất đai.

9. Xây dựng hệ thống thông tin đất đai.

10. Quản lý tài chính về đất đai và giá đất.

11. Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

12. Thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.

13. Phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai.

14. Giải quyết tranh chấp về đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý và sử dụng đất đai.

15. Quản lý hoạt động dịch vụ về đất đai.

Nhà nước quản lý đất đai bằng những công cụ nào?

Quản lý nhà nước về đất đai được thực hiện bằng nhiều công cụ khác nhau, trong đó pháp luật là công cụ quan trọng nhất.

Hiện nay, đất đai là một trong những vấn đề dễ nảy sinh mâu thuẫn nhất bởi đất đai gắn chặt với lợi ích vật chất và tinh thần của mọi chủ thể sử dụng đất. Có những mâu thuẫn phải dùng đến pháp luật mới có thể xử lý được.

Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng đất đai, người sử dụng đất có nghĩa vụ phải nộp thuế và các khoản tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, không phải lúc nào nghĩa vụ đó cũng được thực hiện một cách đầy đủ, có nhiều trường hợp phải dùng biện pháp cưỡng chế và bắt buộc thực hiện.

Ngoài ra, pháp luật là công cụ mà qua đó Nhà nước bảo đảm sự bình đẳng, công bằng giữa những người sử dụng đất. Pháp luật đề ra các chính sách hỗ trợ, chế tài xử phạt,... cho phép Nhà nước thực hiện được sự bình đẳng cũng như giải quyết tốt mối quan hệ về lợi ích trong lĩnh vực đất đai giữa những người sử dụng đất.

Cùng với pháp luật, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất cũng là công cụ để Nhà nước thực hiện quản lý đất đai.Theo Điều 21 Luật Đất đai 2013, Quốc hội quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Theo đó, thông qua quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt, việc sử dụng các loại đất được bố trí, sắp xếp một cách tiết kiệm và hiệu quả, giúp Nhà nước kiểm soát được mọi diễn biến về tình hình đất đai, từ đó ngăn chặn được việc sử dụng đất sai mục đích, lãng phí. Đồng thời, thông qua quy hoạch, kế hoạch buộc các đối tượng sử dụng đất chỉ được phép sử dụng trong phạm vi ranh giới của mình.

Trên đây là giải đáp về 15 nội dung quản lý nhà nước về đất đai. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X