hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 29/09/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ được nhận quyền lợi gì?

Bộ luật Lao động từ xưa đến nay luôn có những quy định cụ thể để bảo vệ lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ.

Câu hỏi: Xin hỏi, lao động nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ có những đặc quyền như thế nào?

Chào bạn. Để bảo vệ quyền lợi bà mẹ và trẻ em, pháp luật luôn quy định những đặc quyền dành riêng cho lao động nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ. Hiện này, Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định những quyền lợi sau:

Không phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa

Theo quy định của Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp sau đây:

- Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;

- Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.

Như vậy, người lao động mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 (nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo) sẽ không phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa.

Nghĩa là, lao động nữ mang thai dưới 07 tháng hoặc dưới 06 tháng (đối với công việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo) vẫn có thể phải làm đêm, đi công tác xa theo sự sắp xếp của người sử dụng lao động trừ trường hợp không đồng ý làm thêm giờ (bởi khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động quy định, người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động làm thêm giờ nếu người đó đồng ý).

Còn với người lao động nuôi con dưới 12 tháng chỉ phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa nếu đồng ý.

Được chuyển công việc nhẹ nhàng hơn

Căn cứ khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019, lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Như vậy, lao động nữ, điều kiện lao động nữ được chuyển công việc nhẹ nhàng hơn là:

- Đang làm công việc có yêu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con;

- Mang thai và đến khi nuôi con dưới 12 tháng tuổi

4 quyền lợi chỉ dành cho lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ

Không bị sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Hiện hành, khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019 nghiêm cấm người sử dụng lao động sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

Như vậy, trong trường hợp không phải người sử dụng lao động chết, doanh nghiệp chấm dứt hoạt động thì không được phép chấm sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do lao động nữ mang thai, nuôi con dưới 12 tháng.

Theo quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2019, nếu lao động nữ bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng thì người sử dụng lao động buộc phải nhận người lao động trở lại làm việc, đồng thời bồi thường tổn thất về vật chất và tinh thần cho người lao động.

Không bị xử lý kỷ luật lao động

Theo điểm d khoản 4 Điều 122 Bộ luật Lao động năm 2019, không xử lý kỷ luật với lao động nữ trong thời gian mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Nghĩa là, trong thời gian mang thai hay nuôi con dưới 12 tháng mà vi phạm kỷ luật thì lao động nữ sẽ không bị xử lý. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mọi sai lầm sẽ được bỏ qua mà người sử dụng lao động sẽ phải chờ đến khi hết thời gian mang thai và nuôi con dưới 12 tháng để đem ra xem xét kỷ luật nếu còn thời hiệu xử lý.

Theo Điều 123 Bộ luật Lao động năm 2019, thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp đặc biệt là 12 tháng. Khi hết thời gian người lao động nuôi con dưới 12 tháng, nếu hết thời hiệu hoặc còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày thì được kéo dài thời hiệu nhưng không quá 60 ngày.

Trên đây là 4 quyền lợi chỉ dành cho lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Hướng dẫn làm hồ sơ giải quyết chế độ khám thai cho lao động nữ

>> Có phải đóng BHXH khi nghỉ thai sản?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X