Không ít cặp vợ chồng hiếm muộn trong xã hội hiện nay lựa chọn nhờ mang thai hộ. Để đảm bảo sức khỏe cho cả người mẹ và thai nhi, pháp luật quy định những chi phí nào người nhờ mang thai bắt buộc phải trả cho người mang thai?
Khi nào được mang thai hộ?
Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo mà cấm mọi hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Trong đó, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được xác định là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.
Tuy nhiên, việc mang thai hộ phải có những điều kiện nhất định.
Đối với vợ chồng nhờ mang thai hộ:
- Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
- Vợ chồng đang không có con chung;
- Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Đối với người mang thai hộ:
- Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
- Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
- Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
- Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
- Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
5 chi phí phải trả khi nhờ mang thai hộ
Điều 3 Thông tư 32/2016/TT-BYT liệt kê chi tiết các chi phí bắt buộc bên nhờ mang thai hộ chi trả. Cụ thể:
- Chi phí đi lại tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được tư vấn, khám, kiểm tra, theo dõi sức khỏe, thực hiện dịch vụ, kỹ thuật y tế: xác định theo giá ghi trên vé, hóa đơn, hoặc giấy biên nhận thanh toán với chủ phương tiện.
- Chi phí thực hiện các dịch vụ tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, kỹ thuật y tế trong việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản: xác định dựa trên hóa đơn, chứng từ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người mang thai hộ theo mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh do cấp có thẩm quyền quy định áp dụng tại cơ sở khám, chữa bệnh;
- Chi phí các loại thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế chưa được tính vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh: căn cứ vào các hóa đơn, chứng từ thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng cho người mang thai hộ theo chỉ định của bác sỹ, phù hợp với quy định, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật và giá mua theo quy định của pháp luật;
- Các dịch vụ chưa được cấp có thẩm quyền quy định giá: thanh toán theo hóa đơn, chứng từ của cơ sở khám, chữa bệnh căn cứ chi phí thực tế thực hiện dịch vụ.
- Chi phí dinh dưỡng để bảo đảm sức khỏe cho người mang thai hộ, chi phí các vật dụng chăm sóc vệ sinh cá nhân trước, trong và sau sinh cho người mang thai hộ theo thỏa thuận giữa hai bên: xác định theo hóa đơn (nếu có) hoặc giấy biên nhận.
Ngoài các chi phí bắt buộc nêu trên, hai bên có thể tự thỏa thuận để chi trả các chi phí khác.
Xem thêm: