hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 06/05/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cho người khác mượn hồ sơ đóng BHXH bị xử lý thế nào?

Tình trạng đóng trùng bảo hiểm xã hội (BHXH) do cho người khác mượn hồ sơ để làm BHXh không phải là chuyện hiếm gặp hiện nay. Hành vi cố tình cho người khác mượn hồ sơ để đóng BHXH có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của chính người cho mượn và cơ quan BHXH. Vậy, cho người khác mượn hồ sơ đóng BHXH giải quyết thế nào?

Câu hỏi: Trước đây tôi có cho em gái mượn hồ sơ của mình (gồm CMND) để đủ tuổi đi làm và được cấp sổ BHXH, trong đó tên và các thông tin vẫn là của tôi. Nay em gái tôi muốn điều chỉnh lại sổ BHXH để thành tên em tôi (hồ sơ BHXH của tôi và em tôi bị trùng).Vậy xin hỏi nếu bị phát hiện tôi có phải chịu trách nhiệm gì không và cách giải quyết để điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH như thế nào?

Cho người khác mượn hồ sơ đóng BHXH bị xử lý thế nào?

Tại khoản 4 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, gồm:

4. Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.”

Với trường hợp của bạn cho người khác mượn hồ sơ bao gồm chứng minh nhân dân để đi làm hồ sơ BHXH là hành vi bị nghiêm cấm trong Luật bảo hiểm xã hội 2014.

Mặt khác, căn cứ tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP  quy định về mức xử phạt vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chứng minh nhân dân như sau:

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng chứng minh nhân dân của người khác để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;

b) Tẩy xóa, sửa chữa chứng minh nhân dân;

c) Thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn chứng minh nhân dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.”

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 27 Nghị định 88/2015/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp như sau:

“1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi giả mạo hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giả mạo.”

Như vậy, hành vi bạn cho người khác mượn hồ sơ, chứng minh thư để làm hồ sơ đóng BHXH sẽ bị xử phạt hành chính. Ngoài ra, bên mượn và bên người sử dụng lao động cũng sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 88/2015/NĐ – CP.

Cho người khác mượn hồ sơ đóng BHXH xử lý thế nào? (Ảnh minh họa)


Phải làm gì khi cho người khác mượn hồ sơ đóng BHXH?

Trường hợp đã cho người khác mượn hồ sơ đóng BHXH giải quyết như sau:

Bước 1: Người mượn hồ sơ phải đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh (nơi làm việc) để trình báo về việc đi mượn hồ sơ của người khác.

Sau đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiến hành kiểm tra, lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính và có Công văn kết luận đề nghị Cơ quan BHXH hiệu chỉnh thông tin người tham gia.

Bước 2: Căn cứ vào Công văn trên, Biên bản (nếu có) và Phiếu nộp phạt vi phạm hành chính, người mượn hồ sơ hoặc đơn vị sẽ mang đến BHXH tỉnh (bộ phận một cửa Tiếp nhận hồ sơ) kèm theo các hồ sơ sau để làm thủ tục hiệu chỉnh hồ sơ BHXH, cấp lại (hoặc cấp mới) sổ BHXH:

- Tờ khai TK1-TS.

- Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh do cơ quan có thẩm quyền về hộ tịch cấp theo quy định và chứng minh thư/thẻ căn cước/hộ chiếu.

- Sơ yếu lý lịch khai lại của người mượn hồ sơ có xác nhận của người sử dụng lao động (đơn vị).

- Bản Xác nhận của người sử dụng lao động về thời gian người lao động làm việc tại đơn vị Trong đó có cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xác nhận.

- Bản Cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật của người cho mượn hồ sơ (trừ trường hợp đã chết) có chứng thực của chính quyền địa phương nơi thường trú (hộ khẩu).

- Bản Cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật của người mượn hồ sơ có chứng thực của chính quyền địa phương nơi thường trú (hộ khẩu).

Bên cạnh đó, Căn cứ vào Khoản 7 Mục II Công văn 3663/BHXHTHU:

Trường hợp người mượn hồ sơ tham gia BHXH và đã hưởng hết các chế độ trên sổ mượn tên (hồ sơ giả), nay nộp hồ sơ giải quyết điều chỉnh nhân thân, có Quyết định xử phạt thì thực hiện:

- Bộ phận cấp sổ thẻ khóa quá trình tham gia BHXH trên dữ liệu theo phương án CT, TT và lập biên bản thu hồi sổ tại mục “Thu hồi sổ giải quyết chế độ”.

- Trường hợp không còn sổ do bị cơ quan BHXH thu hồi hoặc bị mất sau khi hưởng hết chế độ thì chỉ khóa quá trình tham gia BHXH trên dữ liệu theo phương án CT, TT.

Như vậy, trường hợp của bạn khi cho người khác mượn hồ sơ để tham gia BHXH với mục đích nào đó sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Khi đó, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ dựa vào hồ sơ và trường hợp của bạn để giải quyết, điều chỉnh thông tin.

Trên đây là giải đáp về Cho người khác mượn hồ sơ đóng BHXH bị xử lý thế nào? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X