hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 20/05/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Có được ủy quyền thỏa thuận phân chia di sản thừa kế?

Có được ủy quyền thực hiện thỏa thuận phân chia tài sản? Đây là một trong những vấn đề được khá nhiều người quan tâm và thắc mắc. Cùng giải đáp vấn đề này qua bài viết dưới đây.

Mục lục bài viết
  • Có được ủy quyền thỏa thuận phân chia di sản thừa kế không?
  • Thực hiện công chứng hợp đồng ủy quyền thế nào?
  • Các bước thực hiện thỏa thuận chia di sản thừa kế quyền sử dụng đất?
Câu hỏi: Tôi muốn được giải đáp vấn đề sau: Anh chị em tôi muốn thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế. Tuy nhiên, hiện tại tôi đang làm việc xa nên không thể trực tiếp có mặt để ký vào văn bản thỏa thuận, vì vậy tôi muốn làm Giấy ủy quyền để ủy quyền cho anh cả thay tôi ký tên vào văn bản thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế 600m2 đất. Vậy, cho tôi hỏi, tôi có được ủy quyền cho anh cả thực hiện việc ký tên vào văn bản thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất không (Giấy ủy quyền chỉ có một bên ký tên, tôi định chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền này). Ngoài ra, văn bản thỏa thuận chia di sản thừa kế này có bắt buộc phải công chứng không? – Nguyễn Hưng (Lạng Sơn).

Có được ủy quyền thỏa thuận phân chia di sản thừa kế không?

Có thể hiểu, chứng thực chữ ký là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người đã yêu cầu chứng thực.

Chữ ký được chứng thực có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.

Theo quy định tại Điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì thủ tục chứng thực chữ ký cũng được áp dụng đối với trường hợp chứng thực giấy ủy quyền, khi hành vi ủy quyền đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

- Không có thù lao;

- Không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền;

- Không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản

Như vậy, theo quy định này không thể chứng thực chữ ký đối với giấy ủy quyền thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản.

Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 14 Thông tư số 01/2020/TT-BTP, việc ủy quyền cho người khác tham gia phân chia, định đoạt quyền sử dụng đất không thuộc trường hợp được chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền.

Do đó, các bên phải xác lập hợp đồng ủy quyền và thực hiện công chứng hoặc chứng thực hợp đồng ủy quyền theo quy định pháp luật.

Theo những căn cứ nêu trên, bạn không thể yêu cầu chứng thực chữ ký văn bản ủy quyền để thực hiện ủy quyền cho người khác ký tên vào văn bản thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất. Thay vào đó, các bên cần lập hợp đồng ủy quyền và công chứng, chứng thực theo quy định.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015:

3. Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Xét trong trường hợp của bạn, việc bạn ủy quyền cho anh trai cả để thực hiện thỏa thuận phân chia di sản thừa kế quyền sử dụng đất là vi phạm pháp luật bởi anh trai bạn cũng là một trong số những người được hưởng thừa kế quyền sử dụng đất.

Do vậy, anh trai bạn không thể thay bạn thực hiện việc thỏa thuận phân chia di sản với chính mình.

Nói tóm lại, để có thể ủy quyền cho người khác thực hiện phân chia di sản thừa kế quyền sử dụng đất, bạn có thể ủy quyền cho một người ngoài không có quyền, nghĩa vụ liên quan đến di sản thừa kế thông qua hợp đồng ủy quyền được công chứng, chứng thực.

 

Có được ủy quyền thỏa thuận phân chia di sản thừa kế? (Ảnh minh họa)

 

Thực hiện công chứng hợp đồng ủy quyền thế nào?

Căn cứ khoản 2 Điều 55 Luật Công chứng 2014, trường hợp bạn và người được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì thực hiện như sau:

- Bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền;

- Bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.

 

Các bước thực hiện thỏa thuận chia di sản thừa kế quyền sử dụng đất?

Việc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế quyền sử dụng đất được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Họp mặt các đồng thừa kế và làm văn bản thỏa thuận phân chia di sản

Căn cứ Điều 656 Bộ luật Dân sự 2015:

Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận những việc sau đây:

- Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;

- Cách thức phân chia di sản.

Lưu ý, mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản

Bước 2. Công chứng hoặc chứng thực văn bản thỏa thuận

Các bên tiến hành phòng công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản tại Văn phòng công chứng hoặc chứng thực chữ ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn và mang theo các giấy tờ:

- Chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy khai sinh của những người khi nhận di sản thừa kế.

- Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế .

- Bản sơ yếu lý lịch của người được ủy quyền phân chia di sản thừa kế.

- Giấy tờ về di sản thừa kế như: giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;…

- Giấy ủy quyền, giấy từ chối nhận di sản (nếu có).

Bước 3. Làm thủ tục sang tên và xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở.

Trên đây là giải đáp về Có được ủy quyền thỏa thuận phân chia di sản thừa kế? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X