hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 19/03/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cần làm gì khi diện tích đất tăng so với Sổ đỏ?

Biến động diện tích đất so với Sổ đỏ đã được cấp trước kia sau khi đo đạc lại xảy ra tương đối phổ biến hiện nay. Vậy, trong trường hợp này người sử dụng đất nên làm gì?

Mục lục bài viết
  • Nguyên nhân dẫn đến diện tích đất tăng thêm
  • Cần đăng ký biến động đất đai khi có thay đổi về diện tích
  • Thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế nào?
Câu hỏi: Chào Vanbanluat! Đất nhà tôi được cấp sổ đỏ có tổng diện tích là 617 m2 gồm đất vườn và đất ở. Bây giờ tôi có nhu cầu tách thửa đất để làm nhà nên địa chính đã đo đạc và vẽ trích lục bản đồ đất. Tuy nhiên không biết vì lý do gì mà bây giờ diện tích đất của nhà tôi lại bị biến động tăng lên 40 m2. Trường hợp này tôi phải làm như thế nào? – Quỳnh Hương (Hà Nam).

Nguyên nhân dẫn đến diện tích đất tăng thêm

Trên thực tế, tình trạng diện tích đất tăng thêm so với Sổ đỏ xảy ra tương đối nhiều bởi các nguyên nhân dưới đây:

- Do đo đạc chưa chính xác.

- Do người sử dụng đất lấn, chiếm.

- Do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế.

Diện tích đất tăng thêm so với Sổ đỏ do đâu? (Ảnh minh họa)

Cần đăng ký biến động đất đai khi có thay đổi về diện tích

Căn cứ theo điểm c khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013 quy định đăng ký biến động đất đai được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đã đăng ký mà có thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất.

Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 98 Luật Đất đai 2013 cũng quy định:

Trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này hoặc Giấy chứng nhận đã cấp mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế. Người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch nhiều hơn nếu có.

Trường hợp đo đạc lại mà ranh giới thửa đất có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất và diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có) được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 99 của Luật này.

Như vậy, theo quy định trên thì trường hợp đất khi đo đạc lại chỉ thay đổi về diện tích thực tế (khác với diện tích ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trước đó) mà không thay đổi về ranh giới thửa đất, đồng thời không có tranh chấp với những hộ liền kề, thì sẽ được cấp hoặc đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích đất.

Sổ được cấp lại hoặc đổi mới sẽ được xác định theo số liệu đo đạc thực tế và người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất chênh lệch nhiều hơn này.

Khi đó, bạn cần làm thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Phải làm gì khi có diện tích đất tăng thêm? (Ảnh minh họa)

Thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế nào?

Thành phần hồ sơ:

Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT thì hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gồm có:

+ Đơn đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK;

+ Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;

+ Văn bản chứng minh diện tích đo đạc chênh lệch so với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

+ Văn bản xác nhận không có tranh chấp

Nơi nộp hồ sơ

Căn cứ khoản 19 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP:

Người sử dụng đất nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có nhu cầu nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả.

Trường hợp đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã phải chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

Thời hạn giải quyết

Khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi điểm i Khoản 1 Điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP đã rút ngắn thời gian đăng ký biến động khá nhiều so với quy định cũ, theo đó thời hạn giải quyết không quá 10 ngày.

Lưu ý rằng thời gian thực hiện được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không tính các thời gian sau;

+ Các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật;

+ Thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất;

+ Thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

Như vậy, 10 ngày như trên đây được tính là ngày làm việc của các cơ quan nhà nước.

Trên đây giải đáp về trường hợp biến động diện tích đất so với giấy chứng nhận. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X