hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 22/05/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Ghi nợ tiền sử dụng đất 2023: Đối tượng, điều kiện như thế nào?

Ghi nợ tiền sử dụng đất đã có thay đổi so với quy định cũ (Nghị định 45/2014/NĐ-CP). Cụ thể, đối tượng, điều kiện, thời hạn ghi nợ được thay đổi ra sao? Cùng tìm hiểu ngay nhé.

Mục lục bài viết
  • Ghi nợ tiền sử dụng đất là gì?
  • Đối tượng nào được ghi nợ tiền sử dụng đất?
  • Điều kiện ghi nợ tiền sử dụng đất là gì?
  • Được ghi nợ tiền sử dụng đất trong bao lâu?
  • Thẩm quyền cho ghi nợ tiền sử dụng đất là của ai?

Câu hỏi: Tôi được nhà nước giao mảnh đất tái định cư, tuy nhiên do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên tôi chưa thể thanh toán được tiền sử dụng đất.

Tôi có nghe nói, hiện nay không phải mọi trường hợp có khó khăn trong việc đóng nộp tiền sử dụng đất đều được chấp thuận.

Vậy, cho tôi hỏi những trường hợp nào mới được nợ tiền sử dụng đất?

Phải đáp ứng điều kiện gì mới được ghi nợ tiền sử dụng đất?

Thời hạn được ghi nợ tiền sử dụng đất là bao lâu?

Tôi phải thực hiện ghi nợ tiền sử dụng đất tại cơ quan nào? 
H.A (Cà Mau).

Chào bạn, ghi nợ tiền sử dụng đất là một trong số những chính sách về đất đai của Nhà nước được áp dụng cho những đối tượng được hưởng.

Với những vướng mắc của bạn, chúng tôi giải đáp như sau:

Ghi nợ tiền sử dụng đất là gì?

Trước hết, khoản 21 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định, tiền sử dụng đất là khoản tiền mà người sử dụng đất phải nộp cho Nhà nước khi họ được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Đây là khoản tiền mà người sử dụng đất có thể được Nhà nước cho ghi nợ nếu được hưởng chính sách hỗ trợ về đất đai của Nhà nước.

Nói cách khác, ghi nợ tiền sử dụng đất chính là việc hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất có yêu cầu ghi nợ tiền sử dụng đất phải nộp trong thời hạn nhất định theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp phải đóng nộp tiền sử dụng đất đều được ghi nợ, mà chỉ có một số đối tượng đảm bảo các điều kiện nhất định mới có thể được ghi nợ tiền sử dụng đất theo quy định.

Nghị định 79/2019/NĐ-CP của Chính phủ, sửa đổi bổ sung Điều 16 Nghị định 45/2014/NĐ-CP là văn bản đang có hiệu lực thi hành quy định chi tiết về thời gian, điều kiện, thẩm quyền cho phép ghi nợ tiền sử dụng đất.

Như vậy, ghi nợ tiền sử dụng đất là việc cơ quan Nhà nước cho phép người sử dụng đất được ghi nợ số tiền sử dụng đất mà họ có nghĩa vụ đóng nộp trong thời hạn nhất định.

Kể từ ngày 10/12/2019, khi Nghị định 79/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, việc ghi nợ tiền sử dụng đất như xác định đối tượng, thẩm quyền, điều kiện ghi nợ được thực hiện khác so với quy định cũ tại Nghị định 45 năm 2014 của Chính Phủ, chi tiết như chúng tôi trình bày ở phần dưới.

Quy định về ghi nợ tiền sử dụng đất 2023Quy định về ghi nợ tiền sử dụng đất 2023

Đối tượng nào được ghi nợ tiền sử dụng đất?

Nghị định 79/2019/NĐ-CP ra đời đã bãi bỏ hoàn toàn quy định cũ về đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất tại Điều 16 Nghị định 45/2014/NĐ-CP.

Đồng thời, đối tượng được ghi nợ tại Nghị định 79/2019/NĐ-CP bị thu hẹp đi rất nhiều.

Cụ thể, khoản 1 Điều 1 Nghị định 79/2019/NĐ-CP có liệt kê các hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất là một trong 4 nhóm đối tượng được giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được chúng tôi liệt kê dưới đây:

  • Người có công với cách mạng;

  • Hộ nghèo;

  • Hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số;

  • Hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn;

Như vậy, pháp luật hiện hành quy định chỉ còn 4 nhóm đối tượng được Nhà nước giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là được quyền ghi nợ tiền sử dụng đất (trước đây gồm các đối tượng có nhu cầu và có khó khăn về tài chính là được ghi nợ).

Đối chiếu trường hợp của bạn, dù được giao đất tái định cư nhưng bạn phải thuộc đối tượng hộ nghèo, đăng ký thường trú tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn... như chúng tôi đã liệt kê thì được ghi nợ tiền sử dụng đất.
 

Điều kiện ghi nợ tiền sử dụng đất là gì?

Căn cứ Điều 1 Nghị định 79/2019/NĐ-CP, điều kiện được ghi nợ tiền sử dụng đất của người sử dụng đất có nhu cầu bao gồm về đối tượng, về hồ sơ, trình tự thực hiện.

Cụ thể như sau:

  • Về đối tượng: Phải là hộ gia đình, cá nhân thuộc một trong số 4 đối tượng được liệt kê ở trên (ví dụ như hộ nghèo,..);

  • Trường hợp được ghi nợ: Được giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;

  • Hồ sơ: Người được ghi nợ tiền sử dụng đất phải chuẩn bị đầy đủ tài liệu, giấy tờ như giấy tờ chứng minh là hộ nghèo, đơn đề nghị được ghi nợ tiền sử dụng đất, quyết định giao đất tái định cư...;

  • Thủ tục: Đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất chuẩn bị hồ sơ, nộp cho cơ quan có thẩm quyền để được xác nhận, ghi nợ tiền sử dụng đất theo quy định;

Như vậy, điều kiện để được ghi nợ tiền sử dụng đất bao gồm các yếu tố như thuộc đối tượng, trường hợp được ghi nợ, có hồ sơ ghi nợ và thực hiện ghi nợ theo quy định pháp luật.

Đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất 2023Đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất 2023

Được ghi nợ tiền sử dụng đất trong bao lâu?

Trước hết, số tiền sử dụng đất được ghi nợ tính bằng chênh lệch giữa tiền sử dụng đất phải nộp khi hộ gia đình, cá nhân được giao đất tái định cư trừ (-) giá trị được bồi thường về đất, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất.

Thời gian được ghi nợ tiền sử dụng đất chính là thời hạn mà hộ gia đình, cá nhân được hưởng chính sách ưu đãi về việc đóng, nộp tiền sử dụng đất theo quy định.

Theo đó, khoản 3 Điều 1 Nghị định 79/2019/NĐ-CP quy định thời hạn trả nợ tiền sử dụng đất đã được ghi nợ như sau:

  • Hộ gia đình, cá nhân ghi nợ tiền sử dụng được trả nợ dần trong 05 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và không phải nộp tiền chậm nộp trong 05 năm này;

  • Sau 05 năm kể từ ngày được ghi nợ mà hộ gia đình, cá nhân chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất ghi trên Giấy chứng nhận thì phải nộp đủ số tiền sử dụng đất còn nợ;

    • Số tiền mà người sử dụng đất phải nộp sau 5 năm được tính là tổng số tiền sử dụng đất được ghi nợ còn lại và số tiền chậm nộp cho khoản tiền còn nợ theo quy định của pháp luật về quản lý thuế từ thời điểm hết thời hạn 5 năm được ghi nợ đến thời điểm trả nợ;

Như vậy, thời hạn hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất mà không bị tính tiền chậm nộp là 5 năm, kể từ thời điểm có quyết định giao đất tái định cư.

Quá thời hạn 5 năm, số tiền người sử dụng đất phải nộp gồm số tiền còn lại và cả tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về thuế. 

Thời hạn được ghi nợ tiền sử dụng đấtThời hạn được ghi nợ tiền sử dụng đất

Thẩm quyền cho ghi nợ tiền sử dụng đất là của ai?

Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 79/2019/NĐ-CP, người được ghi nợ tiền sử dụng đất sau khi nộp hồ sơ đề nghị được ghi nợ tiền sử dụng đất thì văn phòng đăng ký đất đai lập phiếu chuyển thông tin sang cơ quan thuế để tính toán tiền sử dụng đất phải nộp, số tiền được ghi nợ.

Căn cứ phiếu chuyển hồ sơ của văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan thuế thực hiện xác định và thông báo tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, văn phòng đăng ký đất đai theo quy định.

Điều này cũng có nghĩa rằng, cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, rà soát hồ sơ ghi nợ tiền sử dụng đất của bạn là văn phòng đăng ký đất đai (hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai), cơ quan có thẩm quyền xác định, thông báo về việc được ghi nợ bao nhiêu tiền sử dụng đất là cơ quan thuế.

Nói cách khác, quyền quyết định cuối cùng cho phép được ghi nợ tiền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân là cơ quan thuế.

Tuy nhiên, cơ quan thuế chỉ xác định được việc ghi nợ tiền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân khi có phiếu chuyển thông tin của văn phòng đăng ký đất đai.

Như vậy, thẩm quyền cho ghi nợ tiền sử dụng đất cuối cùng là của cơ quan thuế.

Sở dĩ có thể nhận định như vậy vì đây là cơ quan ban hành thông báo về tiền sử dụng đất phải nộp, số tiền sử dụng đất được ghi nợ của hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất.

Trên đây là giải đáp của chúng tôi về vấn đề ghi nợ tiền sử dụng đất, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X