hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 16/05/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Hợp đồng thuê nhà có cần công chứng không?

Hầu hết các bên khi làm hợp đồng thuê nhà đều chỉ làm hợp đồng bằng giấy viết tay mà không thực hiện công chứng hợp đồng. Vậy, hợp đồng bằng giấy viết tay có hiệu lực không? Cùng tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây.

Câu hỏi: Tôi đang thuê một căn hộ với thời hạn 03 năm, tuy nhiên, chỉ làm hợp đồng với nhau mà không công chứng, cứ 03 năm thì ký lại hợp đồng. Tuy nhiên, khi chưa hết 02 năm, bên cho thuê nhà muốn đươn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà với lý do “văn bản viết tay không có công chứng, chứng thực không có hiệu lực pháp luật” cùng với một số lý do khác để gây khó dễ nhằm chấm dứt hợp đồng sớm hơn. Vậy, cho tôi hỏi hợp đồng thuê nhà đó có hiệu lực pháp luật hay không? Bên cho thuê có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng hay không? – Mỹ Hà (Đông Anh)

Hợp đồng thuê nhà bằng giấy viết tay có hiệu lực không?

Tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về các điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực như sau:

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 còn quy định trường hợp giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định này.

Đối với trường hợp giao dịch về nhà ở (cho thuê nhà ở), khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở 2014 quy định về việc công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở như sau:

“2. Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng”.

Như vậy, theo quy định trên, không bắt buộc các bên khi thuê nhà ở phải tiến hành công chứng, chứng thực hợp đồng thuê nhà nếu các bên không có nhu cầu. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm do các bên thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận là thời điểm các bên ký kết hợp đồng.

Do đó, trường hợp khi làm hợp đồng thuê nhà, nếu bạn và bên cho thuê không có thoả thuận về việc công chứng hợp đồng thì hợp đồng sẽ không bắt buộc phải công chứng. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được xác định theo thỏa thuận hoặc thời điểm ký kết.

Hợp đồng thuê nhà có cần công chứng

Hợp đồng thuê nhà có cần công chứng không? (Ảnh minh họa)


Bên cho thuê nhà có được đơn phương chấm dứt hợp đồng?

Do đây là hợp đồng thuê tài sản, nên căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 480 và khoản 2 Điều 481 Bộ luật Dân sự 2015, bên cho thuê tài sản có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong trường hợp bên thuê sử dụng tài sản không đúng mục đích, không đúng công dụng hoặc bên thuê không trả tiền trong ba kỳ liên tiếp đối với thỏa thuận trả tiền thuê theo kì.

Ngoài ra, về thời hạn thuê, Điều 474 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“1. Thời hạn thuê do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì được xác định theo mục đích thuê”.

Xét trong trường hợp của bạn, hợp đồng thuê nhà được ký với thời hạn lên đến 3 năm tuy nhiên mới thực hiện được 2 năm hợp đồng mà bên thuê nhà đã gây khó dễ và muốn đơn phương chấm đứt hợp đồng thuê.

Trường hợp này, căn cứ theo khoản 1 Điều 132 Luật Nhà ở:

“1. Trong thời hạn thuê nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng, bên cho thuê không được đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà và thu hồi nhà ở đang cho thuê, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.” thì bên cho thuê nhà không thể đơn phương chấm dứt hợp đông khi mà hợp đồng đã ký vẫn chưa hết thời hạn."

Theo những quy định trên, trừ trường hợp bên thuê nhà làm trái với những điều khoản đã ký trong hợp đồng thuê nhà, nếu không thì bên cho thuê không thể đơn phương chấm dứt hợp đông cho thuê cho đến ngày hết hạn hợp đồng.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X