Người sử dụng đất có quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất khi có đủ điều kiện. Không ít người thắc mắc trong trường hợp nợ tiền sử dụng đất có được chuyển nhượng không? Cùng Vanbanluat tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Khi nào được chuyển nhượng quyền sử dụng đất?
Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định người sử dụng đất được thực hiện các quyền, trong đó gồm quyền chuyển nhượng đất khi đáp ứng các điều kiện:
+ Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
+ Đất không có tranh chấp;
+ Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
+ Trong thời hạn sử dụng.
Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai.
Nợ tiền sử dụng đất có được chuyển nhượng không? (Ảnh minh họa)
Nợ tiền sử dụng đất có được chuyển nhượng?
Khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013 quy định thời điểm thực hiện các quyền của người sử dụng đất như sau:
Điều 168. Thời điểm được thực hiện các quyền của người sử dụng đất
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 79/2019/NĐ-CP, hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất phải nộp đủ tiền sử dụng đất còn nợ, tiền chậm nộp (nếu có) trước khi chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Do đó, để được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trước hết, bạn cần phải tiến hành thanh toán đủ số tiền sử dụng đất phải nộp.
Xóa nợ tiền sử dụng đất thế nào? (Ảnh minh họa)
Xóa nợ tiền sử dụng đất như thế nào?
Người sử dụng đất đến Chi cục Thuế nơi có đất kê khai thanh toán nợ nghĩa vụ tài chính. Chi cục Thuế xác nhận việc thanh toán của người sử dụng đất.
Theo Điều 16 Nghị định 79/2019/NĐ-CP, đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất và trả dần trong thời hạn 05 năm kể từ ngày có quyết định.
Sau khi thanh toán xong số tiền sử dụng đất còn nợ, bạn thực hiện thủ tục sau để được xóa nợ tiền sử dụng đất:
Căn cứ Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, người sử dụng đất chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm:
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất (theo mẫu 09/ĐK);
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp (Bản gốc);
- Thông báo của Chi cục Thuế về việc xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính (Bản gốc hoặc bản sao chứng thực);
Người sử dụng đất nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất. Văn phòng đăng ký đất đai tiến hành thủ tục xóa nợ nghĩa vụ tài chính trên Giấy chứng nhận kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Nếu hồ sơ hợp lệ, Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Lưu ý: Đối với địa phương chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì Người sử dụng đất nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên và môi trường.
Như vậy, sau khi tiến hành xong thủ tục đăng ký xóa nợ trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bạn tiếp tục thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định.
Trên đây là giải đáp về trường hợp chuyển nhượng đất khi đang ghi nợ. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.