hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 05/04/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thủ tục hợp thửa đất thực hiện thế nào?

Khi có nhu cầu gộp hai hay nhiều thửa đất lại với nhau để tăng diện tích sử dụng đất, người dân cần tiến hành thủ tục hợp thửa. Vậy, điều kiện và thủ tục hợp thửa đất hiện nay như thế nào? Cùng tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây.

Mục lục bài viết
  • Hợp thửa đất là gì?
  • Muốn hợp thửa đất cần đáp ứng điều kiện gì?
  • Hồ sơ, thủ tục hợp thửa đất năm 2021 thế nào?
Câu hỏi: Mảnh đất tôi đang sử dụng có diện tích 340 mét vuông, là loại đất ở. Sắp tới do nhu cầu sử dụng nên tôi muốn mua thêm mảnh đất để bổ sung vào diện tích mảnh đất hiện tại đang sử dụng. Vậy tôi cần phải làm những thủ tục gì? Tôi xin chân thành cảm ơn. – Thúy Mai (Bắc Giang)

Hợp thửa đất là gì?

Tại khoản 1 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định:

“Thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ”.

Đồng thời, tại tiết a điểm 2.3 khoản 2 Điều 8 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT quy định:

Thửa đất được xác định theo phạm vi quản lý, sử dụng của một người sử dụng đất hoặc của một nhóm người cùng sử dụng đất hoặc của một người được Nhà nước giao quản lý đất; có cùng mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.

Như vậy, có thể hiểu, hợp thửa là gộp các quyền sử dụng đối với các thửa đất liền kề của một chủ sử hữu lại thành quyền sử dụng đất chung nói cách khác hợp thửa đất là việc đăng ký quyền sử dụng đất mới tương ứng với thửa đất mới được tạo thành từ các thửa đất liền kề, có cùng mục đích sử dụng đất.

Thủ tục hợp thửa đất thực hiện thế nào? (Ảnh minh họa)

Muốn hợp thửa đất cần đáp ứng điều kiện gì?

Khi hợp thửa đất cần đảm bảo các điều kiện sau:

Thứ nhất, các thửa đất phải liền kề nhau:

Khoản 1 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định, thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ.

Theo đó, khi hợp hai thửa đất thành một thửa thì thửa đất hình thành sau khi hợp phải được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ. Do vậy, muốn phần diện tích thửa đất hình thành sau khi hợp thửa được giới hạn bằng ranh giới xác định thì các thửa đất muốn hợp thửa phải liền kề nhau.

Thứ hai, các thửa đất có cùng mục đích sử dụng:

Như đã trình bày ở trên, theo tiết a điểm 2.3 Khoản 2 Điều 8 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT, thửa đất được xác định theo phạm vi quản lý, sử dụng của một người sử dụng đất hoặc của một nhóm người cùng sử dụng đất hoặc của một người được Nhà nước giao quản lý đất; có cùng mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai…”.

Với quy định trên, khi tiến hành hợp thửa đất bạn cần xác định rõ xem các thửa đất muốn hợp lại có cùng loại và cùng mục đích sử dụng hay không.

Cụ thể, căn cứ để xác định loại đất như sau:

- Căn cứ vào các loại giấy tờ sử dụng đất quy định tại Điều 11 Luật Đất đai 2013:

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã được cấp trước ngày 10/12/2009; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

+ Giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai 2013 đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận;

+ Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận;

- Trường hợp đất không có các giấy tờ nêu trên thì xác định loại đất căn cứ theo:

+ Đang sử dụng đất ổn định mà không phải do lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép thì loại đất được xác định theo hiện trạng đang sử dụng.

+ Đất đang sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau (không phải là đất ở có vườn, ao trong cùng thửa đất) thì:

Trường hợp xác định được ranh giới sử dụng giữa các mục đích sử dụng thì tách thửa đất theo từng mục đích và xác định mục đích theo hiện trạng sử dụng của từng thửa đất đó.

Trường hợp không xác định được ranh giới sử dụng giữa các mục đích thì mục đích sử dụng đất chính được xác định theo loại đất hiện trạng có mức giá cao nhất trong bảng giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

Đối với trường hợp các thửa đất không cùng mục đích sử dụng đất, bạn phải làm thủ tục chuyển đổi một trong số các thửa để đưa về cùng mục đích sử dụng đất, sau đó mới có thể tiến hành hợp thửa. Tuy nhiên, cần đáp ứng thêm về các điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất.

Như vậy, để tiến hành hợp thửa đất bạn cần đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên. Ngoài ra, lưu ý trường hợp hợp thửa vượt quá hạn mức theo quy định. Nếu ngoài hạn mức, người sử dụng đất sẽ bị hạn chế quyền lợi hoặc không được áp dụng các chế độ miễn giảm về đất đai theo quy định.

Hợp thửa đất thực hiện rao sao? (Ảnh minh họa)

Hồ sơ, thủ tục hợp thửa đất thế nào?

- Chuẩn bị hồ sơ:

Theo khoản 11 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT người có nhu cầu hợp thửa cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ như sau:

+ Đơn đề nghị hợp thửa;

+ Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp (Bản gốc Sổ đỏ).

- Thủ tục thực hiện:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Khoản 2 và khoản 3 Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định nơi nộp hồ sơ như sau:

Cách 1: Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi có đất nếu có nhu cầu.

Cách 2: Không nộp tại UBND cấp xã

+ Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện đối với nơi chưa thành lập Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

+ Đối với địa phương đã tổ chức bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thì nộp tại bộ phận một cửa.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung.

Bước 3: Giải quyết yêu cầu

+ Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;

+ Ở bước này, người có nhu cầu hợp thửa cần lưu ý nghĩa vụ thanh toán tài chính.

Bước 4: Trả kết quả

Cơ quan đăng ký đất đai trao giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân có yêu cầu hoặc gửi UBND cấp xã để trao trong trường hợp nộp hồ sơ tại xã.

- Thời gian thực hiện:

Theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thời gian cấp Giấy chứng nhận lần đầu:

+ Không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ;

+ Không quá 40 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Thời gian trên không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

Trên đây là giải đáp về Thủ tục hợp thửa đất. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X