hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 02/04/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thủ tục tách Sổ đỏ hộ gia đình thực hiện như thế nào?

Có thể hiểu đơn giản Sổ đỏ hộ gia đình là Sổ đỏ được ghi “Hộ ông” hoặc “Hộ bà” và các thành viên trong hộ gia đình đều là có quyền sử dụng đất. Muốn tách Sổ đỏ hộ gia đình cần thực hiện thủ tục thế nào?

Mục lục bài viết
  • Sổ đỏ cấp cho hộ gia đình là gì?
  • Điều kiện tách Sổ đỏ hộ gia đình thế nào?
  • Hồ sơ, thủ tục tách Sổ đỏ hộ gia đình thực hiện thế nào?
Câu hỏi: Nhà tôi trong hộ khẩu có những người sau: Bố, mẹ, anh, chị và tôi. Mảnh đất nhà tôi đang sử dụng có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ghi là hộ gia đình và bố tôi đứng tên. Với tổng diện tích 600m2 của 2 thửa 1 thửa 400m2 và 1 thửa 200m2. Nhưng trong hộ thì bà tôi đã mất năm 2015. Và bà tôi thì có 5 người con, trong đó có bố tôi. Giờ tôi muốn làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sở hữu cá nhân, thì có làm được không?

Sổ đỏ cấp cho hộ gia đình là gì?

Tại khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định về hộ gia đình sử dụng đất như sau:

29. Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Theo đó, điểm c khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất:

“Điều 5. Thể hiện thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất tại trang 1 của Giấy chứng nhận

Ghi thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận theo quy định sau:

Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ ông” (hoặc “Hộ bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số của giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.”

Đối với đất được cấp cho hộ gia đình thì các thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất. Căn cứ theo quy định tại Điều 212 Bộ luật Dân sự 2015 về sở hữu chung của hộ gia đình.

“Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Việc sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.”

Vì vậy, khi có chung quyền sử dụng đất thì các thành viên trong gia đình có quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đủ điều kiện.

Tthủ tục tách Sổ đỏ hộ gia đình thế nào? (Ảnh minh họa)

Điều kiện tách Sổ đỏ hộ gia đình thế nào?

Để tách Sổ đỏ cấp cho hộ gia đình, trước tiên cần đảm bảo các điều kiện chung sau:

Căn cứ theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013, Điều 29 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, khoản 11 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, khi thực hiện tách sổ cần đáp ứng các điều kiện:

- Có Giấy chứng nhận.

- Thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách thửa không được nhỏ hơn diện tích tối thiểu.

- Đất không có tranh chấp.

- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.

- Trong thời hạn sử dụng đất.

Bên cạnh đó, do đây là đất cấp cho hộ gia đình nên để có thể tách thửa đất và cấp Sổ đỏ, bạn phải được sự đồng ý của các thành viên trong hộ gia đình. Lưu ý các thỏa thuận về phân chia, định đoạt đất đai không được vi phạm pháp luật và không trái đạo đức xã hội.

Khi các bên lập một bản thỏa thuận và bản thỏa thuận được công chứng, chứng thực thì bạn có thể đi làm thủ tục tách thửa theo như đã thỏa thuận và xin cấp Sổ đỏ cho phần diện tích đã tách thửa này.

Tóm lại, khi đáp ứng đủ điều kiện tách thửa và được sự thỏa thuận, đồng ý phân chia của các thành viên có tên trong hộ gia đình thì bạn hoàn toàn có thể tiến hành tách thửa đất đứng tên bạn.

Thủ tục cấp Sổ đỏ hộ gia đình (Ảnh minh họa)

Hồ sơ, thủ tục tách Sổ đỏ hộ gia đình thực hiện thế nào?

- Chuẩn bị hồ sơ:

Căn cứ khoản 11 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hộ gia đình, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị tách thửa như sau:

+ Đơn đề nghị tách thửa.

+ Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.

+ Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận phân chia quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình.

- Trình tự, thủ tục thực hiện:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Khoản 2 và khoản 3 Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định nơi nộp hồ sơ như sau:

Cách 1: Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi có đất nếu có nhu cầu.

Cách 2: Không nộp tại UBND cấp xã

+ Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện đối với nơi chưa thành lập Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

+ Đối với địa phương đã tổ chức bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thì nộp tại bộ phận một cửa.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung.

Bước 3: Giải quyết yêu cầu

Ở bước này, người có nhu cầu xin tách Sổ đỏ cần lưu ý nghĩa vụ thanh toán tài chính.

Bước 4: Trả kết quả

Cơ quan đăng ký đất đai trao giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân có yêu cầu hoặc gửi UBND cấp xã để trao trong trường hợp nộp hồ sơ tại xã.

- Thời gian thực hiện:

Theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thời gian cấp Giấy chứng nhận lần đầu:

+ Không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ;

+ Không quá 40 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Thời gian trên không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

Trên đây là giải đáp về Thủ tục tách Sổ đỏ hộ gia đình. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X