hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 07/07/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Bán đất hộ gia đình khi có thành viên mất tích thế nào?

Khi bán đất hộ gia đình, bên cạnh những điều kiện chung, người sử dụng đất cần tuân theo những điều kiện nhất định. Vậy, trường hợp một thành viên mất tích thì có thể bán đất hộ gia đình không?

Mục lục bài viết
  • Đất hộ gia đình là gì?
  • Chuyển nhượng đất hộ gia đình cần điều kiện gì?
  • Bán đất hộ gia đình khi có thành viên mất tích thế nào?
Câu hỏi: Năm 2003, hộ gia đình tôi được cấp sổ đỏ đất hộ gia đình. Tại thời điểm cấp sổ đỏ, sổ hộ khẩu gia đình tôi bao gồm bố, mẹ, em trai và tôi.
Năm 2015, em trai tôi có bỏ nhà đi biệt tích và em trai tôi đang sống độc thân.Đến nay, gia đình tôi không hề có tin tức về em trai tôi.
Hiện nay, gia đình tôi đang muốn chuyển nhượng mảnh đất trên cho người khác.
Tuy nhiên, do vắng mặt em trai tôi nên gia đình tôi không thể hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Vậy gia đình tôi phải làm thế nào để có thể chuyển nhượng được mảnh đất trên? Xin cảm ơn - Nguyễn Mai (Hải Phòng)

Đất hộ gia đình là gì?

Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định:

“Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”.

Như vậy, các thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Có quan hệ hôn nhân (vợ, chồng), quan hệ huyết thống (cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ,…), quan hệ nuôi dưỡng (cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi).

- Đang sống chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

- Có quyền sử dụng đất chung bằng các hình thức như: Cùng nhau đóng góp, tạo lập để có quyền sử dụng đất chung hoặc được tặng cho, thừa kế chung,…

Theo như bạn trình bày, tại thời điểm năm 2003, gia đình bạn đã được Nhà nước cấp sổ đỏ hộ gia đình. Dođó, những thành viên có tên trong sổ hộ khẩu vào thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bao gồm bố, mẹ, em trai và bạn thì đều được xác định có chung quyền sử dụng đất đối với mảnh đất này.

Bán đất hộ gia đình khi có thành viên mất tích thế nào? (Ảnh minh họa)


Bán đất hộ gia đình cần điều kiện gì?

Căn cứ theo khoản 2, Điều 212 Bộ luật Dân sự 2015, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của thành viên hộ gia đình được thực hiện như sau:

- Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.

Do đó, để có thể chuyển nhượng được mảnh đất trên thì phải có sự đồng ý của tất cả các thành viên gia đình có quyền chung đối với mảnh đất. Việc vắng mặt em trai bạn sẽ làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chuyển nhượng mảnh đất trên.

Bán đất hộ gia đình khi có thành viên mất tích thế nào?

- Chuyển nhượng quyền sử dụng đất một phần thửa đất.

Căn cứ Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tuyên bố mất tích như sau:

“1. Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng….”

Do em trai của bạn đã đi biệt tích từ năm 2015 cho nên gia đình bạn có quyền yêu cầu tòa án tuyên em trai bạn mất tích.

Căn cứ theo khoản 1, Điều 65 và Điều 69 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích:

“Điều 65. Quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú

1. Theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án giao tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú cho người sau đây quản lý:

a) Đối với tài sản đã được người vắng mặt ủy quyền quản lý thì người được ủy quyền tiếp tục quản lý;

b) Đối với tài sản chung thì do chủ sở hữu chung còn lại quản lý;

c) Đối với tài sản do vợ hoặc chồng đang quản lý thì vợ hoặc chồng tiếp tục quản lý; nếu vợ hoặc chồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì con thành niên hoặc cha, mẹ của người vắng mặt quản lý.”

“Điều 69. Quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích

Người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại Điều 65 của Bộ luật này tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Tòa án tuyên bố mất tích và có các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Bộ luật này….”

Theo quy định trên, khi em trai bạn bị tòa án tuyên bố mất tích thìgia đình bạn có thể yêu cầu tòa án giao phần quyền sử dụng đất của em trai bạn cho gia đình bạn quản lý (Theo điểm b, khoản 1 Điều 65 Bộ luật Dân sự 2015).

Việc quản lý tài sản nàychỉ có ý nghĩa là gia đình bạn thay mặt em trai bạn bảo quản, duy trì tài sản chứ không có quyền sở hữu đối với phần tài sản là phần đất này.

Do đó, gia đình bạn chỉ có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất một phần một phần thửa đất trên. Đối với phần quyền sử dụng đất thuộc em trai bạn thì sẽ do người được tòa án chỉ định thay mặt em trai bạn quản lý.

- Chuyển nhượng quyền sử dụng đất toàn bộ thửa đất.

Căn cứ theo khoản 1, Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về tuyên bố một người đã chết như sau:

“1. Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây:

a) Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

b) Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

d) Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này.”

Do đó, nếu em trai bạn thuộc một trong các trường hợp nêu trên, bạn có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố em trai bạn đã chết.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 72 và điểm a, khoản 1, Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố chết:

“Điều 72 Quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết

2. Quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.”

“Điều 651: Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”

Đối với tài sản của người bị tòa án tuyên bố là đã chết sẽ được giải quyết như đối với người đã chết. Phần quyền sử dụng đất của em trai bạn trong thửa đất trên sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: bố, mẹ và bạn.

Do đó, trong trường hợp này của gia đình bạn có thể chuyển nhượng được toàn bộ thửa đất trên nếu yêu cầu tòa án tuyên bố em trai bạn đã chết.

Trên đây là giải đáp về Bán đất hộ gia đình khi có thành viên mất tích thế nào? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Có được bán đất khi người đồng sở hữu không đông ý?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X