hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 25/09/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chi phí lập vi bằng hiện nay là bao nhiêu? [Cập nhật mới nhất]

Mục lục bài viết
  • Vi bằng là gì? Vi bằng có giá trị pháp lý như thế nào?
  • Chi phí lập vi bằng hiện nay là bao nhiêu?
  • Thủ tục lập vi bằng theo quy định mới nhất

Việc lập vi bằng được người dân sử dụng như một phương thức ghi nhận lại những giao dịch có thật, nhằm làm căn cứ chứng minh trước Tòa. Vậy chi phí lập vi bằng hiện nay là bao nhiêu?

Câu hỏi: Tôi đang thỏa thuận để mua một lô đất, tôi hẹn với chủ đất sẽ hoàn tất thủ tục chuyển nhượng trong một tháng sau. Tuy nhiên, trong 07 ngày tới tôi sẽ đặt cọc cho chủ đất 200 triệu. Việc đặt cọc không công chứng, do đó tôi muốn lập vi bằng để ghi nhận sự kiện này tránh tranh chấp về sau. Vậy chi phí lập vi bằng giao dịch đặt cọc là bao nhiêu?

Vi bằng là gì? Vi bằng có giá trị pháp lý như thế nào?

Định nghĩa vi bằng được quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP như sau:

“Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.”

Vi bằng là gì? Vi bằng có giá trị pháp lý như thế nào?Vi bằng là gì? Vi bằng có giá trị pháp lý như thế nào?

Từ định nghĩa trên, có thể hiểu rằng vi bằng là một văn bản được lập bởi Thừa phát lại để ghi nhận lại những sự kiện, hành vi xảy ra trên thực tế theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Những sự kiện được ghi nhận trong vi bằng được đích thân Thừa phát lại chứng kiện một cách khách quan, trung thực và chịu trách nhiệm đối với vi bằng đã lập trước người yêu cầu và pháp luật.

Thừa phát lại có thể lập vi bằng trên phạm vi cả nước. Trong một số trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có thể mời người làm chứng chứng kiến quá trình lập vi bằng.

Lưu ý, vi bằng không mang tính chất đánh giá tính hợp pháp của sự kiện, hành vi, giao dịch mà chỉ ghi nhận những gì có thật đã xảy ra.

Vi bằng là văn bản có giá trị pháp lý, theo khoản 3 Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết các vụ việc hành chính và dân sự theo quy định pháp luật, đồng thời, ngoài ra vi bằng còn là căn cứ để xác định các giao dịch của cá nhân, tổ chức.

Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì vi bằng không được dùng để thay thế cho văn bản công chứng, chứng thực và các văn bản hành chính khác. Bởi vi bằng chỉ ghi nhận lại sự việc, các giao dịch, giao nhận,... chứ không xác định tính pháp lý của giao dịch đó như công chứng, chứng thực.

Như vậy, vi bằng chỉ có giá trị chứng cứ, được Toà án ghi nhận trong quá trình giải quyết các vụ việc.

Chi phí lập vi bằng hiện nay là bao nhiêu?

Hiện nay, Nghị định 08/2020/NĐ-CP và các văn bản pháp luật liên quan chưa có quy định cụ thể về chi phí lập vi bằng hết bao nhiêu tiền.

Mặt khác, tại Điều 64 Nghị định 08/2020/NĐ-CP có quy định chung về chi phí lập vi bằng do sự thỏa thuận giữa người yêu cầu lập vi bằng và Văn phòng Thừa phát lại dựa trên khối lượng công việc thực hiện, thời điểm lập vi bằng cũng như khoảng cách đến nơi cần lập vi bằng,...

Do đó, Văn phòng Thừa phát lại quy định mức chi phí lập vi bằng, đồng thời niêm yết công khai về khung chi phí lập vi bằng, trong đó đề cập rõ ràng mức tối đa, tối thiểu và nguyên tắc tính chi phí để khách hàng tham khảo và quyết định về thỏa thuận lập vi bằng.

Ngoài ra, Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu có thể thỏa thuận thêm về các khoản chi phí ngoài chi phí niêm yết công khai, tùy thuộc vào từng yêu cầu nhất định như: Chi phí đi lại, chi phí dịch vụ cho các cơ quan/đơn vị cung cấp thông tin, chi phí người làm chứng,...

Chi phí lập vi bằng hiện nay là bao nhiêu?Chi phí lập vi bằng hiện nay là bao nhiêu?

Tóm lại, chi phí lập vi bằng sẽ tùy thuộc vào chi phí niêm công khai của mỗi Văn phòng Thừa phát lại và từng nội dung công việc cụ thể, thời gian lập vi bằng,... mà chi phí sẽ khác nhau và có sự dao động so với chi phí niêm yết tại văn phòng.

Chi phí này sẽ được ghi cụ thể trong hợp đồng dịch vụ lập vi bằng. Hiện nay, chi phí lập vi bằng tại các Văn phòng Thừa phát lại khoảng 03 - 05 triệu đồng.

Thủ tục lập vi bằng theo quy định mới nhất

Thủ tục lập vi bằng hiện nay gồm các bước như sau:

Bước 1: Thừa phát lại xác định yêu cầu lập vi bằng

Khách hàng sẽ đến Văn phòng Thừa phát lại để yêu cầu về việc lập vi bằng với những nội dung mà mình yêu cầu. Đồng thời thỏa thuận về giá cả, thời gian lập vi bằng cũng như các nội dung trong hợp đồng dịch vụ lập vi bằng.

Bước 2: Ký hợp đồng dịch vụ lập vi bằng giữa các bên

Khách hàng và Văn phòng Thừa phát lại sẽ giao kết hợp đồng dịch vụ về việc lập vi bằng dựa trên các nội dung công việc và nội dung khác mà các bên thỏa thuận.

Bước 3: Thừa phát lại thực hiện lập vi bằng

Đến thời điểm các bên thỏa thuận lập vi bằng, Thừa phát lại sẽ tiến hành lập vi bằng theo như thỏa thuận đã ký kết.

Bước 4: Thừa phát lại đăng ký vi bằng

Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc lập vi bằng, Thừa phát lại có trách nhiệm gửi vi bằng và các tài liệu kèm theo đến Sở Tư pháp để đăng ký. Trong vòng 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp vào sổ đăng ký vi bằng. Việc lập vi bằng được xác định hoàn tất và Văn phòng Thừa phát lại sẽ gửi vi bằng đã đăng ký cho khách hàng để lưu giữ.

Trên đây là những thông tin về chi phí lập vi bằng. Nếu có thắc mắc, hãy liên hệ tổng đài:  19006192 để được giải đáp.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X