Hiện nay, có hai loại hình bảo hiểm xã hội song song tồn tại, là bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc và BHXH tự nguyện. Hai loại hình BHXH này khác nhau như thế nào? Quyền lợi cụ thể của mỗi loại ra sao?
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì? Ai được tham gia?
Tôi vừa nghỉ làm ở công ty, quyết định lập nghiệp bằng việc bán hàng online. Chồng tôi bảo tôi nên mua BHXH tự nguyện để sau này còn có chút lương hưu. Vậy tôi muốn hỏi BHXH tự nguyện là gì? Người lao động tự do như tôi có được tham gia? – Mỹ Linh (Hà Nội)
Trả lời:
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình (khoản 3 Điều 3 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước) thì đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.
Như vậy, trường hợp bạn đã nghỉ làm và chỉ ở nhà bán hàng online thì bạn hoàn toàn có quyền tham gia BHXH tự nguyện để hưởng các quyền lợi của loại hình BHXH này.
BHXH tự nguyện khác gì BHXH bắt buộc?
Tôi nghe nói tham gia BHXH tự nguyện thì mức đóng thấp hơn so với BHXH bắt buộc. Đồng thời, quyền lợi nhận được cũng ít hơn. Như vậy có đúng không? BHXH tự nguyện khác biệt gì so với BHXH bắt buộc? – Trịnh Văn Quốc (Thanh Hóa)
Trả lời:
Về bản chất
Sự khác nhau giữa BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc trước hết nằm ở bản chất của 02 loại hình BHXH này. Một bên là được lựa chọn tự nguyện tham gia còn một bên là bắt buộc phải tham gia.
Về mức đóng
Mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do mình lựa chọn (khoản 1 Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Mức đóng BHXH bắt buộc là 8% với người lao động và 3,5% với người sử dụng lao động (theo Điều 85, Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội, Nghị định số 58/2020/NĐ-CP).
Về các chế độ hưởng
BHXH tự nguyện chỉ bao gồm 02 chế độ: Hưu trí và Tử tuất
BHXH bắt buộc có các chế độ: Ốm đau; Thai sản; Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Hưu trí; Tử tuất.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện khác gì bảo hiểm xã hội bắt buộc?
BHXH bắt buộc có được cộng nối với BHXH tự nguyện?
Tôi có 10 năm làm bảo vệ cho một công ty nước ngoài và được đóng bảo hiểm đầy đủ. Đầu năm 2020, tôi xin nghỉ do sức khỏe giảm sút. Tôi lựa chọn đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu khi về già. Vậy cho tôi hỏi 10 năm đóng BHXH bắt buộc của tôi có được cộng nối với thời gian tham gia BHXH tự nguyện để hưởng quyền lợi? - Nguyễn Thị Mùi (Thái Bình)
Trả lời:
Khoản 5, Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian đóng bảo hiểm xã hội như sau:
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Do vậy, thời gian bạn đã đóng BHXH bắt buộc vẫn được tính cộng nối với thời gian bạn đóng BHXH tự nguyện sau này.
Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý rằng, BHXH tự nguyện chỉ chi trả chế độ hưu trí và tử tuất. Do đó, thời gian tham gia BHXH tự nguyện sẽ được cộng nối với BHXH bắt buộc để giải quyết hưởng hai chế độ này. Còn những chế độ về thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì BHXH tự nguyện không chi trả.
Có được chuyển từ BHXH bắt buộc sang BHXH tự nguyện không?
Tôi đã đóng BHXH bắt buộc được gần 07 năm với mức lương đóng là 05 triệu đồng/tháng. Nay tôi muốn chuyển sang đóng BHXH tự nguyện thì có được không? Tôi cần phải làm thủ tục gì? - Trịnh Văn Thanh (Lạng Sơn)
Trả lời:
Về điều kiện chuyển
Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật BHXH 2014 thì người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Do đó, nếu bạn muốn chuyển từ BHXH bắt buộc sang BHXH tự nguyện thì bạn phải không còn thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc.
Về thủ tục chuyển
Theo quy định tại Điều 24 Quyết định số 595/QĐ-BHXH, người có nhu cầu đăng ký tham gia và cấp sổ BHXH cần chuẩn bị Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS), điền các thông tin và nộp tại cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú (nơi tạm trú hoặc thường trú).
Thời hạn cấp mới sổ BHXH tự nguyện không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Tính lương hưu khi vừa đóng BHXH bắt buộc vừa đóng BHXH tự nguyện
Tôi năm nay 56 tuổi, tôi có 10 năm đóng BHXH bắt buộc và mới đóng BHXH tự nguyện được 03 năm. Cho tôi hỏi trong trường hợp của tôi, khi nào tôi được hưởng lương hưu? Lương hưu của tôi được tính như thế nào? - Vũ Như Ý (Hà Nội)
Trả lời:
Điều 71 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
Người lao động vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện, chế độ hưu trí được thực hiện như sau: Có từ đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên thì điều kiện, mức hưởng lương hưu thực hiện theo chính sách BXHH bắt buộc; mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương cơ sở, trừ người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Trong khi đó theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 115/2017/NĐ-CP: Thời gian tính hưởng chế độ hưu trí là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Từ năm 2021, điều kiện nghỉ hưu được thay đổi theo Bộ luật Lao động 2019. Theo Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, sửa đổi bởi Bộ luật Lao động 2019, người lao động trong điều kiện bình thường được hưởng lương hưu khi:
- Có đủ 20 năm đóng BHXH
- Nam từ đủ 60 tuổi 3 tháng và nữ đủ 55 tuổi 4 tháng vào năm 2021; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ” cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Trong trường hợp của bạn, bạn cần tiếp tục đóng BHXH tự nguyện thêm 07 năm nữa để được hưởng lương hưu.
Theo Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội, mức hưởng lương hưu của bạn được tính như sau:
- Đóng đủ 15 năm BHXH thì được 45%.
- Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%.
Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng tối đa là 75%.
Trên đây là thông tin liên quan đến Bảo hiểm xã hội tự nguyện khác gì bảo hiểm xã hội bắt buộc? Nếu có băn khoăn về chế độ bảo hiểm xã hội, bạn đọc vui lòng đặt câu hỏi tại đây.
>> Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Những thông tin cần biết trước khi tham gia