hieuluat
Chia sẻ email

Bao nhiêu tuổi được đi bầu cử? Cách tính tuổi đi bầu cử

Bầu cử vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của công dân. Vậy, công dân bao nhiêu tuổi được đi bầu cử? Cách tính tuổi đi bầu cử thế nào?

Mục lục bài viết
  • Công dân từ 18 tuổi trở lên được đi bầu cử có đúng không?
  • Cách để tính được tuổi đi bầu cử thế nào?
  • Kê khai sai tuổi của người đi bầu cử có bị phạt không?
  • Danh sách cử tri đi bầu cử được lập theo nguyên tắc nào?

Công dân từ 18 tuổi trở lên được đi bầu cử có đúng không?

Câu hỏi: Xin hỏi, tuổi được đi bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân quy định như thế nào? - Trịnh Quyên (Hòa Bình).

Trả lời:

Tại Điều 27 Hiến pháp 2013 quy định như sau:

Điều 27.

Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.

Đồng thời, Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 nêu rõ, tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Từ những quy định trên, công dân đủ mười tám (18) tuổi trở lên có quyền bầu cử và có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân nếu đủ từ 21 tuổi trở lên.


Cách để tính được tuổi đi bầu cử thế nào?

Câu hỏi: Em có xem thông tin sắp tới là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Em sinh ngày 21/6/2003. Xin hỏi, em đã đủ tuổi chưa và cách tính tuổi bầu cử thế nào? - Nguyễn Ngọc (Nha Trang).

Trả lời:

Căn cứ Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, tuổi bầu cử được quy định như sau:

Điều 2. Tuổi bầu cử và tuổi ứng cử

Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này.

Theo đó, tuổi bầu cử được tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền đi bầu cử. Cụ thể như sau:

- Tuổi để thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của công dân được tính từ ngày, tháng, năm sinh ghi trong Giấy khai sinh đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được ấn định.

- Trường hợp không có Giấy khai sinh thì căn cứ vào Sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng minh nhân dân để tính tuổi thực hiện quyền bầu cử.

- Mỗi tuổi tròn được tính từ ngày, tháng, năm sinh dương lịch của năm trước đến ngày, tháng, năm sinh dương lịch của năm sau.

- Trường hợp không xác định được ngày sinh thì lấy ngày 01 của tháng sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử. Trường hợp không xác định được ngày và tháng sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử.

Tại Nghị quyết 133/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là ngày 23/5/2021.

Trong trường hợp của bạn, bạn sinh ngày 21/6/2003, nếu tính đến 23/5/2021, bạn chưa đủ 18 tuổi, do đó bạn không có quyền tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Như vậy chỉ những người sinh từ ngày 23/5/2003 trở về trước mới được ghi tên vào danh sách cử tri để đi bầu cử.

bao nhieu tuoi duoc di bau cu

Bao nhiêu tuổi được đi bầu cử? Cách tính tuổi đi bầu cử (Ảnh minh họa)


Kê khai sai tuổi của người đi bầu cử có bị phạt không?

Câu hỏi: Xin tư vấn cho tôi trường hợp kê khai sai tuổi của người đi bầu cử. Khi lập danh sách cử tri có kê khai ngày, tháng, năm sinh của người đi bầu cử nhưng viết không đúng năm sinh của người tham gia. Tính đúng theo sổ hộ khẩu và giấy khai sinh thì người này sinh năm 2004, năm nay chưa đủ tuổi.Trường hợp này có bị phạt không? - Lê Chi (Thanh Hóa).

Trả lời:

Theo Điều 95 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, việc xử lý vi phạm được quy định như sau:

Điều 95. Xử lý vi phạm

Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Từ quy định trên, hành vi kê khai độ tuổi của người đi bầu cử tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do đó, với trường hợp của bạn đọc cần căn cứ vào hành vi có phải do cố ý không mà có hình thức xử lý khác nhau.


Danh sách cử tri đi bầu cử được lập theo nguyên tắc nào?

Câu hỏi: Cho tôi hỏi, danh sách cử tri đi bầu cử được lập như thế nào? Tôi cảm ơn! - Phạm Vinh (Lào Cai).

Trả lời:

Theo Điều 29 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, việc lập danh sách cử tri được thực hiện như sau:

- Mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri, trừ các trường hợp như người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án…

- Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú.

- Cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng, cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ở nơi tạm trú hoặc đóng quân.

- Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (nếu xuất trình tại nơi đăng ký thường trú) hoặc bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (nêu xuất trình tại nơi đăng ký tạm trú).

- Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Trên đây là giải đáp bao nhiêu tuổi được đi bầu cử. Nếu còn thắc mắc khác, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X