hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 28/01/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

8 thông tin quan trọng cần lưu ý về bầu cử 2021

Chỉ còn vài tháng nữa là đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) 2021. Dưới đây, Vanbanluat sẽ giải đáp một số thắc mắc trong quy định về ngày bầu cử năm 2021 sắp tới.

Mục lục bài viết
  • Bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND năm 2021 vào ngày nào?
  • Tuổi bầu cử được quy định thế nào? Cách tính tuổi bầu cử
  • Có bắt buộc đi bầu cử không? Không đi có bị phạt?
  • Có được bỏ phiếu bầu cử ở nơi tạm trú hay phải về quê?
  • Hình thức bỏ phiếu bầu cử được thực hiện thế nào?

Bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND năm 2021 vào ngày nào?

Câu hỏi: Tôi được biết năm nay tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND. Xin hỏi, cụ thể diễn ra vào ngày nào? Có tổ chức vào trong tuần làm việc không? - Phan Thành (Hải Dương).

Trả lời:

Ngày bầu cử được quy định tại Điều 5 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân 2015 như sau:

Điều 5. Ngày bầu cử

Ngày bầu cử phải là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử.

Bên cạnh đó, theo Nghị quyết 133/2020/QH14 của Quốc hội đã quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là Chủ nhật ngày 23/5/2021.

Như vậy, ngày bầu cử năm 2021 được tổ chức vào tháng 5. Theo quy định trên, ngày bầu cử phải tổ chức vào chủ nhật, không phải ngày làm việc trong tuần.

Xem thêm…


Tuổi bầu cử được quy định thế nào? Cách tính tuổi bầu cử

Câu hỏi: Em có nghe mọi người nói 18 tuổi là được đi bầu cử. Năm nay em 18 tuổi nhưng theo giấy khai sinh đến tháng 12 mới đủ tuổi. Cho em hỏi, tuổi đi bầu cử được tính thế nào? - Nguyễn Ánh ( Vũng Tàu).

Trả lời:

Điều 27 Hiến pháp 2013 quy định công dân đủ 18 trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND.

Đồng thời, để quy định chi tiết về tuổi bầu cử, Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử HĐND nêu rõ:

Điều 2. Tuổi bầu cử và tuổi ứng cử

Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này.

Theo đó, tuổi bầu cử của công dân là đủ 18 tuổi trở lên. Tuổi để thực hiện quyền bầu cử được tính từ ngày, tháng, năm sinh ghi trong Giấy khai sinh đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV đã được quy định.

Với trường hợp của bạn, theo giấy khai sinh đến tháng 12 bạn mới đủ 18 tuổi. Ngày diễn ra bầu cử Quốc hội và HĐND năm 2021 là 23/5/2021. Vậy, bạn chưa đủ tuổi tham gia bầu cử.

bau cu quoc hoi va hoi dong nhan dan 2021

Thông tin về bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2021 (Ảnh minh họa)


Có bắt buộc đi bầu cử không? Không đi có bị phạt?

Câu hỏi: Xin chào Vanbanluat, tôi có nghe trong phường mọi người nói ai đủ tuổi cũng phải đi bầu cử, không đi sẽ bị phạt. Cho tôi hỏi có đúng như vậy không? - Lê Trang (Quảng Trị).

Trả lời:

Căn cứ quy định trên, công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội và HĐND. Vậy, có thể thấy đây là quyền của mỗi cá nhân, không phải nghĩa vụ bắt buộc. Do đó, không ai có quyền ép buộc người khác tham gia bầu cử.

Vì tham gia bầu cử là quyền của công dân khi đủ 18 tuổi trở lên, đi bỏ phiếu bầu cử thể hiện trách nhiệm của công dân. Việc không đi bầu cử bị phạt là không đúng. Cán bộ xã, phường chỉ có trách nhiệm nhắc nhở công dân ghi tên vào danh sách cử tri.

Tóm lại, tham gia bỏ phiếu bầu cử là không bắt buộc, người không đi bầu cử sẽ không bị phạt.

Xem thêm…


Có được bỏ phiếu bầu cử ở nơi tạm trú hay phải về quê?

Câu hỏi: Hiện nay tôi đang làm việc ở trong Bình Dương nhưng quê lại ở ngoài Bắc. Sắp tới đến ngày bầu cử tôi có được tham gia trong đây không hay phải về quê? Xin cảm ơn! - Huỳnh Nhật (Bình Dương).

Trả lời:

Căn cứ Điều 29 Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND, mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri nơi mình thường trú hoặc tạm trú. Theo đó, cử tri là người có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng.

Ngoài ra, Điều 6 Thông tư số 01/2021/TT-BNV hướng dẫn tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND có nêu rõ địa điểm bỏ phiếu bầu cử:

Điều 6. Bố trí địa điểm bỏ phiếu

1. Tùy theo điều kiện cơ sở vật chất ở địa phương như: nhà văn hóa, hội trường, trường học,... và căn cứ mật độ phân bố dân cư ở khu vực bỏ phiếu, Tổ bầu cử lựa chọn địa điểm bỏ phiếu (phòng bỏ phiếu) cho phù hợp, bảo đảm thuận tiện để cử tri đến bầu cử...

Như vậy, công dân có thể tham gia bỏ phiếu ở nơi tạm trú. Công dân cần theo dõi thông báo của địa phương nơi mình sinh sống để biết cụ thể địa điểm tổ chức bỏ phiếu tại nơi mình tạm trú.

Bên cạnh đó, với công dân đã có tên trong danh sách niêm yết cử tri. Cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nào vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên thì có quyền xin giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung tên ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu.

Khi cấp giấy chứng nhận, Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu thuộc địa phương mình bên cạnh tên cử tri cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi khác”.

Xem thêm…

bau cu quoc hoi va hoi dong nhan dan 2021

Luật Bầu cử: Toàn bộ quy định nên biết (Ảnh minh họa)


Hình thức bỏ phiếu bầu cử được thực hiện thế nào?

Câu hỏi: Cho em hỏi, cách thức bầu cử được thực hiện thế nào? Thời gian bầu cử bắt đầu từ mấy giờ và kết thúc lúc nào? - Phạm Tú (tuphamminh…@gmail.com).

Trả lời:

Hướng dẫn bỏ phiếu bầu cử

Theo Điều 69, Điều 70, Điều 71 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND và Điều 10 Thông tư 1/2021/TT-BTC, cách thức bỏ phiếu được thực hiện như sau:

- Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử phải thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu.

- Việc bỏ phiếu bắt đầu từ 07 giờ sáng đến 07 giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 05 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 09 giờ tối cùng ngày.

- Trước khi bỏ phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm tra hòm phiếu trước sự chứng kiến của cử tri.

- Cử tri xuất trình Thẻ cử tri để được nhận phiếu bầu khi đến phòng bỏ phiếu.

- Cử tri được đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào Thẻ cử tri khi đã bỏ phiếu bầu xong.

Phiếu bầu cử không hợp lệ

Những phiếu bầu thuộc trường hợp theo quy định tại Điều 74 Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND sau đây thì được coi là không hợp lệ:

- Phiếu không có dấu của Tổ bầu cử.

- Phiếu gạch xóa tên những người ứng cử.

- Phiếu ghi thêm tên người ngoài danh sách những người ứng cử hoặc phiếu có ghi thêm nội dung khác.

- Phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra.

- Phiếu để số người được bầu nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử.


Trường hợp nào bị hạn chế quyền bầu cử?

Câu hỏi: Xin chào Vanbanluat, cho tôi hỏi có trường hợp nào không được đi bầu cử hay mọi người đủ tuổi đều được tham gia? - Hoàng Chinh (hoangphuongchinh…@gmail.com).

Trả lời:

Theo Điều 30 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND, những trường hợp sau đây bị hạn chế quyền bầu cử, xóa tên khỏi danh sách bầu cử:

- Người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo.

- Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

- Người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án.

- Người mất năng lực hành vi dân sự không được ghi tên vào danh sách cử tri.

- Người có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bỏ phiếu bị Tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì bị xóa tên khỏi danh sách cử tri và thu hồi Thẻ cử tri.

Xem thêm…

bau cu quoc hoi va hoi dong nhan dan 2021

Năm 2021, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND (Ảnh minh họa)


Nhờ người khác bỏ phiếu, viết thay phiếu được không?

Câu hỏi: Em đã đăng ký tham gia bỏ phiếu bầu cử, nhưng đến ngày bỏ phiếu em có việc bận không đi được. Em có được nhờ mẹ viết phiếu bầu và bỏ phiếu thay không ạ? Em cảm ơn! - Võ Nam (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Căn cứ Điều 69 Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND, cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp dưới đây:

- Với trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu và bỏ phiếu bầu cử.

- Trường hợp cử tri không tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ nhưng phải tự mình bỏ phiếu. Người viết hộ phải đảm bảo bí mật thông tin trong phiếu bầu cử.

- Với cử tri đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà ở đó không có khu vực bỏ phiếu riêng. Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, tạm giữ… để cử tri nhận phiếu và thực hiện việc bầu cử.

Với câu hỏi của bạn đọc, bạn có công việc bận không thể đi bầu cử không thuộc một trong các trường hợp được bỏ phiếu, viết phiếu thay. Do vậy bạn không thể nhờ mẹ đi bầu cử thay.


Gian lận phiếu bầu bị phạt thế nào? Cách xác định người trúng cử

Câu hỏi: Xin hỏi, làm thế nào để xác định người trúng cử và gian lận phiếu bầu cử bị phạt thế nào? - Nguyễn Sơn (sonnguyen…@gmail.com).

Trả lời:

Về hành vi gian lận kết quả bầu cử

Hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử được quy định tại Điều 95 Luật Bầu cử Quốc hội và bầu cử HĐND, cụ thể như sau:

- Người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử.

- Dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân.

- Vi phạm các quy định về vận động bầu cử như lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền làm tổn hại danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khác; Hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản để lôi kéo, mua chuộc cử tri…

Như vậy, gian lận phiếu bầu cử được xem là hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử. Theo đó, Điều 161 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội làm sai lệch kết quả bầu cử như sau:

- Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm với trường hợp:

Người có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân.

- Bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Có tổ chức.

- Dẫn đến phải tổ chức lại việc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Xem thêm…

Nguyên tắc xác định người trúng cử

Theo Điều 78 Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND, cách xác định người trúng cử như sau:

- Kết quả bầu cử được tính, trên số phiếu bầu hợp lệ và chỉ được công nhận khi đã có quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri tại đơn vị bầu cử tham gia bầu cử (trừ trường hợp bầu cử lại).

- Người trúng cử phải là người ứng cử đạt số phiếu bầu quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ.

- Trường hợp số người ứng cử đạt số phiếu bầu quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ nhiều hơn số lượng đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu thì những người trúng cử là những người có số phiếu bầu cao hơn.

- Trường hợp cuối danh sách trúng cử có nhiều người được số phiếu bầu bằng nhau và nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử.

Trên đây là toàn bộ thông tin về bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND. Nếu còn thắc mắc nào khác về chủ đề này, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây để được giải đáp nhanh nhất.

>> Hướng dẫn cách thức bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X