Sa thải là hình thức xử lý kỷ luật lao động nghiêm khắc nhất đối với người lao động. Tuy nhiên, nếu không sa thải đúng pháp luật sẽ gây ra nhiều thiệt hại và ảnh hưởng tới cuộc sống người lao động. Vậy, khi bị sa thải trái pháp luật, người lao động phải làm gì?
Sa thải hợp pháp phải đảm bảo những điều kiện nào?
Căn cứ Bộ luật Lao động 2019 (BLLĐ) và Nghị định 145/2020/NĐ-CP, xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải được coi là hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Đúng các nguyên tắc xử lý kỷ luật;
- Đúng hành vi vi phạm;
- Đúng trình tự, thủ tục;
- Đúng thẩm quyền xử lý;
- Đảm bảo thời hiệu xử lý kỷ luật;
- Không vi phạm các trường hợp đặc biệt không được xử lý kỷ luật.
Trong đó, thời hiệu xử lý kỷ luật Điều 123 BLLĐ quy định thời hiệu tiến hành xử lý kỷ luật lao động như sau:
- 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm;
- 12 tháng đối với hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh
- Có thể kéo dài thêm không quá 60 ngày trong một số trường hợp như: Thời gian nghỉ ốm đau; thời gian bị tạm giam, tạm giữ,…
Như vậy, xét trong trường hợp của bạn, đã quá 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm mà công ty mới tiến hành xử lý kỷ luật lao động. Do đó, trong trường hợp này, công ty đã vi phạm về thời hiệu xử lý kỷ luật lao động.
Do đó, việc công ty ra quyết định xử lý kỷ luật sa thải đối với bạn là trái pháp luật.
Bị sa thải trái pháp luật, người lao động phải làm gì? (Ảnh minh họa)
Bị sa thải trái pháp luật, cần làm gì để bảo vệ quyền lợi?
Khi người lao động có căn cứ cho rằng việc sa thải là trái với quy định pháp luật, người lao động có thể:
- Khiếu nại với người sử dụng lao động, đề nghị hủy quyết định sa thải.
- Nộp đơn lên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Đơn nộp là đơn khiếu nại hoặc đơn đề nghị.
- Khởi kiện ra Tòa án cấp huyện nơi có trụ sở của người sử dụng lao động.
- Tố cáo ra cơ quan công an theo Điều 162 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật.
Như vậy, khi người lao động thấy mình bị xử lý kỷ luật sa thải không thỏa đáng, trái pháp luật, người lao động có thể khiếu nại hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Sau khi giải quyết khiếu nại hoặc tranh chấp lao động, nếu có kết luận người lao động bị kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải trái pháp luật thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện các quy định các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 42 của BLLĐ.
Cụ thể, hậu quả pháp lý của việc sa thải trái pháp luật như sau:
- Buộc nhận người lao động trở lại làm việc, trả đủ tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong khoảng thời gian người lao động không được làm việc, và ít nhất là 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động
- Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường nêu trên, người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định tại Điều 48 BLLĐ, cứ mỗi năm làm việc không đóng bảo hiểm thất nghiệp là nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
- Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều 42 BLLĐ và và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của BLLĐ, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
- Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều 42 BLLĐ, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
Trên đây là giải đáp về Bị sa thải trái pháp luật, người lao động phải làm gì? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.
>> Điều kiện tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động thế nào?