Thông tin thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú được nhiều người dân quan tâm trong thời gian qua, nhất là khi Luật Cư trú mới có hiệu lực. Vậy thực hư việc thu hồi Sổ hộ khẩu ra sao?
Khi nào bị thu hồi sổ hộ khẩu?
Khoản 2, Điều 26, Luật Cư trú 2020 quy định khi công dân thực hiện các thủ tục sau cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp.
- Đăng ký thường trú
- Điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
Đồng thời, cơ quan đăng ký lưu trú sẽ thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
Bên cạnh đó, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm chuyển Sổ hộ khẩu đã thu hồi kèm hồ sơ đăng ký cư trú vào tàng thư hồ sơ cư trú và bảo quản, lưu trữ Sổ tạm trú đã thu hồi theo quy định.
Như vậy, trường hợp con trai bạn tách hộ sẽ làm thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu nên sẽ bị thu hồi Sổ hộ khẩu.
Bị thu hồi sổ hộ khẩu trong những trường hợp nào? Ảnh minh họa.
Bị thu hồi sổ hộ khẩu, dùng giấy tờ gì để thay thế?
Theo khoản 3, Điều 38, Luật Cư trú 2020 nếu không nằm trong các trường hợp bị thu hồi thì Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng, có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022.
Cũng theo quy định tại Điều 3, Luật Cư trú 2020, thông tin về cư trú phải được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của pháp luật.
Như vậy sau khi thực hiện các thủ tục như đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, tách hộ hay xóa đăng ký thường trú…, cơ quan đăng ký lưu trú sẽ có trách nhiệm cập nhật thông tin mới vào Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Tại điểm 3, khoản 6, Điều 1, Nghị định 37/2021 của Chính phủ hướng dẫn Luật Căn cước công dân:
Công dân khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc thông qua dịch vụ nhắn tin, cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an.
Như vậy, công dân được quyền khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia…để nộp cho cơ quan Nhà nước khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Ngoài ra:
- Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao qua việc kết nối, chia sẻ thông tin theo quy định trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh hoặc khai thác bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin.
- Tổ chức tín dụng, tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, di động, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, định danh điện tử, tổ chức hành nghề công chứng, thừa phát lại và tổ chức khác được giao thực hiện dịch vụ công khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an hoặc bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc theo phương thức khai thác khác do Bộ Công an hướng dẫn.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 23/2015 của Chính phủ, bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Vì vậy, trường hợp Sổ hộ khẩu bị thu hồi, người dân có thể dùng bản sao đã chứng thực để thay thế để thực hiện các thủ tục, giao dịch bên cạnh việc khai thác thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trên đây là giải đáp về Bị thu hồi sổ hộ khẩu trong những trường hợp nào? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.