hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 03/03/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Công ty chấm dứt hợp đồng lao động trái luật phải bồi thường thế nào?

Khi nào công ty được quyền chấm dứt hợp đồng lao động? Mức bồi thường khi chấm dứt hợp đồng trái pháp luật của người sử dụng được quy định thế nào tại Bộ luật Lao động 2019?

Mục lục bài viết
  • Trường hợp nào công ty được đơn phương chấm dứt hợp đồng?
  • Khi nào công ty không được chấm dứt hợp đồng lao động?
  • Mức bồi thường khi chấm dứt hợp đồng trái pháp luật thế nào?
  • Vi phạm về bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, doanh nghiệp bị xử phạt thế nào?

1. Trường hợp nào công ty được đơn phương chấm dứt hợp đồng?

Câu hỏi: Em chào Vanbanluat, em xin hỏi theo quy định hiện nay các trường hợp nào người sử dụng lao động được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với người lao động ạ? – Vũ Thị Bích Hà (Bắc Giang).

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019, có 07 trường hợp người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ đúng luật, gồm:

- Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc;

- Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị trong thời gian quy định mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe bình phục, người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;

- Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

- Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng;

- Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

- Người lao động tự ý bỏ việc không có lý do chính đáng từ 05 ngày liên tục trở lên;

- Người lao động cung cấp không trung thực thông tin cá nhân khi ký hợp đồng làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng.

Như vậy, nếu thuộc một trong bảy trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ nêu trên, doanh nghiệp không vi phạm vào quy định chấm dứt hợp đồng trái luật.
Để tìm hiểu thêm về quy định báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, tham khảo thêm tại đây: Khi nào công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp?

boi thuong khi cham dut hop dong trai phap luat

Mức bồi thường khi chấm dứt hợp đồng trái pháp luật (Ảnh minh họa)

2. Khi nào công ty không được chấm dứt hợp đồng lao động?

Câu hỏi: Em đang làm việc tại một công ty sản xuất nhựa với hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Hiện tại, em đã làm ở đây được gần hai năm. Em đang trong thời gian nghỉ sinh, gần đến ngày đi làm trở lại. Nhưng em mới nhận được thông báo từ phòng nhân sự về việc chấm dứt hợp đồng lao động với em vì đã tuyển được người thay thế em trong khi em nghỉ sinh con. Cho em hỏi, trường hợp chấm dứt hợp đồng này của công ty em có đúng luật không? – Vi Thị Mây (Quảng Ngãi).

Trả lời:

Điều 37 Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019 đã nêu cụ thể các trường hợp dưới đây, doanh nghiệp không được đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động:

1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

2. Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.

3. Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Như vậy, việc bạn đang trong thời gian nghỉ thai sản thuộc khoản 3 Điều 37 là một trong các trường hợp người sử dụng lao động không được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.

3. Mức bồi thường khi chấm dứt hợp đồng trái pháp luật thế nào?

Câu hỏi: Em vừa biết kết quả mang thai con thứ 2, thì cũng là khi công ty thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với em do em đã mang thai trong năm đầu tiên làm việc tại công ty. Cho em hỏi, trường hợp chấm dứt hợp đồng này của công ty có đúng luật không? Nếu vi phạm thì công ty phải bồi thường cho em thế nào? – Nguyễn Thủy Nguyên (Hải Phỏng).

Trả lời:

Căn cứ quy định tại Điều 37 BLLĐ 2019, người sử dụng không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động trong trường hợp đang mang thai, nghỉ thai sản hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Như vậy việc công ty chấm dứt hợp đồng với bạn như vậy là trái luật.

Mức bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật của doanh nghiệp được quy định cụ thể như sau tại Điều 41 BLLĐ 2019:

* Nhận lại người lao động vào làm việc

Khi người sử dụng lao động nhận lại người lao động vào làm việc tại doanh nghiệp mình thì cần thực hiện các nội dung sau:

- Thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc;

- Trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương trong những ngày không báo trước (nếu vi phạm thời hạn báo trước);

- Trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo HĐLĐ.

* Công ty không muốn nhận lại và được sự đồng ý của người lao động

Trường hợp công ty chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, sau đó không muốn nhận lại người lao động vào làm việc, người lao động đồng ý thì ngoài các khoản tiền như đã nêu ở trường hợp 1, người sử dụng lao động phải trả cho người lao động ít nhất 02 tháng tiền lương theo HĐLĐ theo thỏa thuận hai bên.

* Người lao động không muốn quay lại làm việc

Lúc này, người sử dụng lao động phải trả cho người lao động các khoản tiền đã nêu ở trường hợp 1, đồng thời thêm khoản trợ cấp thôi việc theo quy định người lao động được hưởng.

Ngoài ra, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, doanh nghiệp còn phải đóng bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc, đảm bảo các mức bồi thường tổn thất về cả vật chất lẫn tinh thần cho người lao động.

Đồng thời, căn cứ khoản 3 Điều 48 BLLĐ 2019, khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ với người lao động, doanh nghiệp còn có trách nhiệm:

- Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của người lao động (nếu có);

- Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.

4. Vi phạm về bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, doanh nghiệp bị xử phạt thế nào?

Câu hỏi: Em mang thai gần đến ngày sinh, công ty tìm được một nhân sự thay thế em, và muốn chấm dứt hợp đồng lao động với em. Vậy với việc đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật của công ty sẽ bị xử phạt thế nào? – Trần Thị Mai (Cao Bằng).

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 28/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, nếu doanh nghiệp vi phạm về mức bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động sẽ bị xử phạt hành chính. Cụ thể nếu doanh nghiệp có các hành vi sau:

- Không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động;

- Không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định của pháp luật;

- Không trả hoặc trả không đủ tiền bồi thường cho người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;

- Không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Thì bị xử phạt hành chính các mức như sau:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Như vậy, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền đến 20 triệu đồng tùy thuộc vào mức độ vi phạm các quy định về thanh toán quyền lợi cho người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng với họ.

Trên đây là các thông tin Vanbanluat cung cấp tới độc giả liên quan tới mức bồi thường khi chấm dứt hợp đồng trái luật của doanh nghiệp. Nếu còn băn khoăn, độc giả vui lòng gửi câu hỏi tại đây. Các chuyên gia pháp lý của hieuluat.vn sẽ hỗ trợ bạn câu trả lời trong vòng 24 giờ làm việc, nếu câu hỏi đầy đủ thông tin.

Xem thêm:
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cần lưu ý gì?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X