hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 12/09/2019
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Các loại giấy tờ không được chứng thực bản sao từ bản chính

Trong cuộc sống thường ngày, có khá nhiều việc cùng sử dụng một loại giấy tờ trong khi bản gốc chỉ có một. Do đó, việc sử dụng các bản sao là cần thiết. Tuy nhiên, không phải loại giấy tờ nào cũng có thể chứng thực bản sao từ bản chính.

Chứng thực là gì?

Cho đến nay, pháp luật hiện hành vẫn chưa có định nghĩa nào cụ thể về chứng thực, tuy nhiên, theo Nghị định 23/2015/NĐ-CP, dựa trên các loại chứng thực, có thể hiểu:

Chứng thực là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận tính chính xác, hợp lệ và hợp pháp của các loại giấy tờ, chữ ký, hợp đồng hay giao dịch khi có người yêu cầu.

Trong đó:

- Chứng thực bản sao từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.

- Chứng thực chữ ký là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.

- Chứng thực hợp đồng, giao dịch là việc cơ quan có thẩm quyền chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

Giấy tờ không được chứng thực bản sao

Giấy tờ không được chứng thực bản sao từ bản chính

6 loại giấy tờ không được chứng thực bản sao từ bản chính

Điều 22 Nghị định 23/2015/NĐ-CP liệt kê chi tiết 06 loại giấy tờ, văn bản bản chính không được làm cơ sở để chứng thực bản sao. Cụ thể:

- Bản chính bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt nội dung không hợp lệ;

- Bản chính bị hư hỏng, cũ nát, không xác định được nội dung;

- Bản chính đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được sao chụp;

- Bản chính có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân;

- Bản chính do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận chưa được hợp pháp hóa lãnh sự;

- Giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập nhưng không có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Xem thêm:

Xác định giá trị thời hạn của giấy tờ công chứng, chứng thực

5 mức phí chứng thực đang được áp dụng hiện nay

hieuluat.vn

Có thể bạn quan tâm

X