hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 21/12/2020
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Khi nào Đảng viên bị khai trừ ra khỏi Đảng?

Khi nào Đảng viên bị khai trừ ra khỏi Đảng? Có những hình thức kỷ luật Đảng viên nào? Bị khai trừ khỏi Đảng, Đảng viên có được kết nạp lại không? Là thắc mắc của nhiều người hiện nay.

1. Các trường hợp bị khai trừ khỏi Đảng?

Tôi là Khuất Thanh Thủy, cán bộ về hưu của tỉnh Cao Bằng. Tôi đã có hơn 20 năm tuổi Đảng, hiện tôi đang sinh hoạt tại cơ sở Đảng địa phương. Tôi có thắc mắc là các trường hợp vi phạm thế nào thì sẽ bị khai trừ khỏi Đảng? Xin cảm ơn Vanbanluat (bác Khuất Thanh Thủy- Cao Bằng).

Trả lời:

Theo quy định tại Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm của Ban Chấp hành Trung ương, Đảng viên có một trong những hành vi vi phạm sau sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng, cụ thể:

* Vi phạm về quan điểm chính trị và chính trị nội bộ:

- Cố ý nói, viết có nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự thật, phủ nhận vai trò lãnh đạo và thành quả cách mạng của Đảng và dân tộc.

- Cố ý đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; bôi nhọ lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước; truyền thống của dân tộc, của Đảng và Nhà nước.

- Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước.

- Hoạt động trong các đảng phái, tổ chức chính trị phản động.

- Xúi giục, kích động, ép buộc người khác nói, viết, lưu giữ, tán phát, xuất bản, cung cấp những thông tin, tài liệu, hiện vật có nội dung trái Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng…

...

* Vi phạm về nguyên tắc tập trung dân chủ:

- Vô tổ chức, vô kỷ luật, bỏ vị trí công tác nhiều lần không có lý do chính đáng; có hành vi chống lại các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Không chấp hành các quyết định lãnh đạo, chỉ đạo, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của tổ chức đảng cấp trên và cấp mình, gây hậu quả "rất nghiêm trọng".

...

* Vi phạm các quy định về bầu cử như:

- Tổ chức thực hiện việc giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc làm sai lệch kết quả bầu cử.

- Không trung thực trong việc kê khai, nhận xét, xác nhận hoặc thẩm định hồ sơ, lý lịch, tài sản, thu nhập của người ứng cử theo quy định về bầu cử, gây hậu quả "rất nghiêm trọng".

...

* Vi phạm về tuyên truyền, phát ngôn:

- Kích động, lôi kéo người khác tham gia hội thảo, tọa đàm không được tổ chức có thẩm quyền cho phép, có nội dung trái chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Lợi dụng việc phát ngôn, chất vấn, trả lời chất vấn, nhân danh việc phản ánh, góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng, dự thảo Hiến pháp, pháp luật...

...

* Vi phạm trong công tác tổ chức cán bộ

- Nhận hối lộ trong tiếp nhận, tuyển dụng, cử tuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, bố trí công tác hoặc nâng lương trái quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

- Có hành vi chạy chức, bằng cấp, vị trí công tác, luân chuyển; mua chuộc để bản thân hoặc người khác được quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, chuyển đổi vị trí công tác.

...

* Vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước

- Trao đổi, tán phát thông tin, tài liệu, hiện vật có nội dung thuộc bí mật của Đảng, Nhà nước trên mạng viễn thông, Internet và các phương tiện thông tin đại chúng khác.

- Cung cấp, tiết lộ trái quy định những thông tin, tài liệu, hiện vật thuộc phạm vi bí mật của Đảng, Nhà nước cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, gây hậu quả "rất nghiêm trọng".

...

*Vi phạm trong công tác phòng chống tội phạm:

- Bảo kê, bao che, tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật, gây hậu quả "rất nghiêm trọng".

- Cố ý tham mưu việc quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án, khởi tố bị can hoặc tạm giữ, tạm giam người trái quy định của pháp luật gây hậu quả "rất nghiêm trọng".

...

* Vi phạm hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán như:

- Phát hiện hành vi vi phạm trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đến mức phải xử lý mà không chỉ đạo, quyết định hoặc không kiến nghị xử lý, gây hậu quả "rất nghiêm trọng".

- Giấu giếm, sửa chữa chứng từ, sổ sách hoặc thay đổi, tiêu hủy chứng cứ nhằm đối phó với các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, gây hậu quả "rất nghiêm trọng".

...

* Vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí

- Mở tài khoản ở nước ngoài trái quy định; tham gia các hoạt động rửa tiền.

- Quyết định, phê duyệt hoặc tổ chức thực hiện dự án đầu tư gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước; đầu tư công tràn lan không hiệu quả; chi tiêu công quỹ trái quy định, gây hậu quả "rất nghiêm trọng".

- Kê khai tài sản và giải trình về biến động tài sản, nguồn gốc tài sản không trung thực, gây hậu quả "rất nghiêm trọng".

...

Ngoài ra, nếu vi phạm một trong nhiều các quy định trong các lĩnh vực sau, Đảng viên sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng, như: vi phạm các quy định về đầu tư, xây dựng, đất đai, nhà ở, hôn nhân và gia đình, quan hệ với tổ chức, cá nhân người nước ngoài, kết hôn với người nước ngoài, đạo đức nghề nghiệp trong ngành Y tế, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình...

cac truong hop bi khai tru khoi Dang

Các trường hợp bị khai trừ khỏi Đảng (Ảnh minh họa)

2. Các hình thức kỷ luật đối với Đảng viên chính thức

Tôi hiện đang tham gia sinh hoạt Đảng tại một trường THCS dân lập trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Do mới trở thành Đảng viên chính thức chưa lâu, nên tôi chưa nắm rõ được các hình thức kỷ luật đối với Đảng viên chính thức như tôi hiện nay đang được quy định thế nào? (Đình Trung Trungnd...@gmail.com – TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Theo Quy định 102-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đảng viên chính thức sẽ phải chịu 04 hình thức xử lý kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Trong đó, khai trừ là hình thức kỷ luật nặng nhất đối với mỗi Đảng viên. Lưu ý:

- Không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng với những hành vi vi phạm đến mức phải khai trừ;

- Đối với các hình thức xử lý kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, sau 01 năm kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật mà Đảng viên không khiếu nại, tái phạm hoặc có vi phạm mới đến mức phải kỷ luật thì quyết định kỷ luật đương nhiên hết hiệu lực.

3. Những trường hợp không được xem xét kết nạp Đảng lại?

Tôi vì một số lý do cá nhân đã tự ý bỏ sinh hoạt Đảng 15 tháng. Hiện nay, tôi có nguyện vọng kết nạp lại vào Đảng có được không? Mong sớm nhận được thông tin từ Vanbanluat (Minh Hiếu – Hieuvm8...@gmail.com – Hải Phòng).

Trả lời:

Theo Quy định 29-QĐ/TW ngày 25/7/2016, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ không được xem xét kết nạp Đảng lại:

- Tự ý bỏ sinh hoạt Đảng;

- Làm đơn xin ra khỏi Đảng trừ lý do gia đình đặc biệt khó khăn;

- Gây mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng;

- Bị kết án vì tội tham nhũng hoặc về tội nghiêm trọng trở lên.

Đồng thời, để được kết nạp lại thì Đảng viên đó phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

- Có đủ điều kiện và tiêu chuẩn của người vào Đảng: Từ 18 tuổi trở lên; có đạo đức và lối sống lành mạnh; Có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…

- Làm đơn xin kết nạp lại vào Đảng sau ít nhất 36 tháng kể từ khi ra khỏi Đảng. Riêng người bị án hình sự vì tội ít nghiêm trọng thì phải sau 60 tháng kể từ khi được xóa án tích;

- Được Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy đồng ý bằng văn bản; Cấp ủy có thẩm quyền xem xết, quyết định.

- Thực hiện đúng các thủ tục xin kết nạp lại: Người xin kết nạp phải có đơn tự nguyện xin kết nạp lại, báo cáo trung thực lý lịch với chi bộ, được hai Đảng viên chính thức giới thiệu…

Riêng với trường hợp Đảng viên bị khai trừ khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, Điều 3 Quy định 05 năm 2018 nêu rõ, sẽ không xem xét kết nạp lại Đảng viên sau khi bị đưa ra khỏi Đảng lại tiếp tục vi phạm.

Như vậy, nếu thuộc bất kỳ trường hợp nào nêu trên thì không được xem xét kết nạp lại.

Xem thêm:

Cập nhật quy trình xử lý kỷ luật Đảng viên mới nhất

hieuluat.vn

Có thể bạn quan tâm

X