Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang đến gần. Sau đây Vanbanluat sẽ giải đáp một số thắc mắc về cách thức bỏ phiếu bầu cử.
Trả lời:
Cách thức bỏ phiếu bầu cử thế nào?
Căn cứ Điều 69 Luật Bầu cử Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân 2015, mỗi cử tri phải tự mình, đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp không thể tự viết phiếu bầu hoặc do ốm đau, già yếu…
Theo đó, khoản 3 Điều 10 Thông tư 1/2021/TT-BTC hướng dẫn cách bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV như sau:
- Khi đến phòng bỏ phiếu, cử tri xuất trình Thẻ cử tri để được nhận phiếu bầu.
- Khi bắt đầu việc bỏ phiếu, những cử tri có tên trong danh sách cử tri là lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, người có công với cách mạng, chức sắc tôn giáo (nếu có) và cử tri là người cao tuổi nhất có mặt tại thời điểm khai mạc bỏ phiếu trước.
- Việc bỏ phiếu được tiến hành liên tục. Cử tri được hướng dẫn thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bầu cử, thể lệ bầu cử, nội quy phòng bỏ phiếu; hướng dẫn cách thức bỏ phiếu và gạch phiếu bầu.
- Khi cử tri gạch phiếu bầu, không ai được xem, kể cả các thành viên Tổ bầu cử.
- Nếu cử tri gạch bị nhầm hoặc bị hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.
- Cử tri không thể tự gạch phiếu bầu thì nhờ người khác gạch phiếu hộ nhưng phải tự mình bỏ phiếu. Người gạch phiếu hộ phải đọc đầy đủ họ và tên những người ứng cử trên phiếu bầu để cử tri tự mình quyết định.
- Người gạch hộ phiếu bầu phải ghi trung thực ý muốn của cử tri nhờ viết hộ và bảo đảm bí mật phiếu bầu. Khi viết hộ phiếu bầu xong phải giao lại phiếu bầu cho cử tri để cử tri tự mình bỏ phiếu vào hòm phiếu. Người khuyết tật không thể bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
- Cử tri đã bỏ phiếu bầu xong được đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào Thẻ cử tri.
Cách thức bỏ phiếu bầu cử thế nào? Địa điểm bầu cử ở đâu? (Ảnh minh họa)
Bắt đầu tổ chức bỏ phiếu bầu cử từ lúc nào?
Theo Điều 70, Điều 71 Luật Bầu cử Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân 2015, trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử phải thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu bằng hình thức niêm yết, phát thanh và các phương tiện thông tin đại chúng khác của địa phương.
Theo đó, thời gian bầu cử được quy định:
1. Việc bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá chín giờ tối cùng ngày.
2. Trước khi bỏ phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm tra hòm phiếu trước sự chứng kiến của cử tri.
3. Việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục. Trong trường hợp có sự kiện bất ngờ làm gián đoạn việc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cáo cho Ban bầu cử, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục.
Về hướng dẫn bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân, khoản 1 Điều 10 Thông tư 1/2021/TT-BNV nêu rõ:
- Các thành viên Tổ bầu cử phải đến trước giờ khai mạc để kiểm tra công tác chuẩn bị, bảo đảm thời gian khai mạc đúng giờ quy định.
- Việc bỏ phiếu bắt đầu từ bảy (07) giờ sáng và kết thúc vào bảy giờ tối cùng ngày.
- Căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá chín giờ tối cùng ngày.
Sau khi đã kiểm tra đầy đủ các điều kiện cần thiết cho ngày bầu cử, Tổ bầu cử mới tổ chức lễ khai mạc và tiến hành việc bỏ phiếu.
Căn cứ Nghị quyết 133/2020/QH14, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là Chủ nhật ngày 23/5/2021.
Như vậy, việc bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV bắt đầu từ 07 giờ sáng Chủ nhật ngày 23/5/2021 và kết thúc vào 07 giờ tối cùng ngày. Có thể bỏ phiếu sớm hoặc kết thúc muộn hơn theo quy định trên.
Tại địa phương tổ chức bầu cử ở đâu?
Tại Điều 6 Luật Bầu cử Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân, địa điểm bỏ phiếu được quy định:
Điều 6. Bố trí địa điểm bỏ phiếu
1. Tùy theo điều kiện cơ sở vật chất ở địa phương như: nhà văn hóa, hội trường, trường học,... và căn cứ mật độ phân bổ dân cư ở khu vực bỏ phiếu, Tổ bầu cử lựa chọn địa điểm bỏ phiếu (phòng bỏ phiếu) cho phù hợp, bảo đảm thuận tiện để cử tri đến bầu cử. Địa điểm bỏ phiếu phải được trang trí trang nghiêm, tiết kiệm; bố trí lối vào cho cử tri bỏ phiếu và lối ra cho cử tri sau khi đã bỏ phiếu xong; địa điểm bỏ phiếu phải bảo đảm an ninh, trật tự.
2. Địa điểm bỏ phiếu gồm: cổng ra - vào, khu vực bên ngoài phòng bỏ phiếu và khu vực bên trong phòng bỏ phiếu phải được trang trí theo mẫu hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó, Điều 6 Thông tư 1/2021/TT-BNV hướng dẫn bố trí địa điểm bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV tùy theo điều kiện cơ sở vật chất ở địa phương sẽ tổ chức như: Nhà văn hóa, hội trường, trường học,...
Căn cứ mật độ phân bổ dân cư ở khu vực bỏ phiếu, Tổ bầu cử lựa chọn địa điểm bỏ phiếu (phòng bỏ phiếu) cho phù hợp, bảo đảm thuận tiện để cử tri đến bầu cử.
Trên đây là hướng dẫn cách thức bỏ phiếu. Về chủ đề bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân, bạn đọc có thể theo dõi các bài viết khác của Vanbanluat dưới đây.
Xem thêm: