hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 07/04/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cách tính bảo hiểm thất nghiệp dễ, chuẩn nhất

Bảo hiểm thất nghiệp là chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho người lao động bị mất việc làm. Biết cách tính bảo hiểm thất nghiệp chuẩn sẽ giúp người lao động tự tính toán mức tiền được nhận sau khoảng thời gian làm việc và tham gia bảo hiểm để vững tin vượt qua thời kì khó khăn và sớm tìm được việc làm mới.

Mục lục bài viết
  • Cách tính bảo hiểm thất nghiệp theo quy định
  • Hướng dẫn cách tính bảo hiểm thất nghiệp theo quy định
  • Ví dụ cách tính bảo hiểm thất nghiệp
  • Cách tính bảo hiểm thất nghiệp online như thế nào?
  • Hướng dẫn tính bảo hiểm thất nghiệp trong một số trường hợp cụ thể

Cách tính bảo hiểm thất nghiệp theo quy định

Hướng dẫn cách tính bảo hiểm thất nghiệp theo quy định

Dựa vào khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm và khoản 1 Điều 8 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH, ta có thể tính tiền bảo hiểm thất nghiệp theo công thức sau:

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp mỗi tháng

=

60%

x

Mức lương bình quân 06 tháng liền kề tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp

*Lưu ý:

- Nếu trong 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp người lao động bị gián đoạn quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp thì mức lương bình quân tại công thức này được tính trên 06 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi người đó chấm dứt hợp đồng theo quy định.

- Mức hưởng trợ cấp hằng tháng không được vượt quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định (ví dụ: viên chức) hoặc không quá 05 lần lương tối thiểu vùng đối với người theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

Tóm lại, tiền bảo hiểm thất nghiệp chi trả cho người lao động mỗi tháng bằng 60% mức lương hàng tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian 06 tháng trước khi nghỉ việc.

Ví dụ cách tính bảo hiểm thất nghiệp

Để dễ hình dung cách tính tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng đối với người lao động, ta xét ví dụ sau:

Anh X làm việc tại công ty A từ 01/01/2014 đến 31/12/2015 (24 tháng) và đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục. Mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp trong 06 tháng cuối trước khi chấm dứt hợp đồng lao động là 7 triệu đồng/tháng.

Suy ra, tiền trợ cấp thất nghiệp mỗi tháng anh X được nhận là:  60% x 7 triệu đồng/tháng = 4,2 triệu đồng/tháng.

Bắt đầu từ 01/04/2016 – 31/03/2017, anh X làm việc tại công ty B với mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là 9 triệu đồng/tháng. Do phải giải quyết việc gia đình nên anh X xin nghỉ 01 tháng không lương (tháng 2/2017).

Lúc này, tiền trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của anh X là 60% mức tiền lương của tháng 3, 1 (năm 2017) và tháng 12, 11, 10, 9 (năm 2016). Tức là, anh X sẽ được nhận 60% x 9 triệu đồng/tháng = 5,4 triệu đồng/tháng tiền trợ cấp thất nghiệp.

Cách tính bảo hiểm thất nghiệp online như thế nào?

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính bằng 60% tiền lương trung bình của 06 tháng liền kề tham gia bảo hiểm trước khi nghỉ việc.

Khi tính tiền trợ cấp online, bạn cần cung cấp một số thông tin như: chế độ tiền lương, vùng, tiền lương được tính đóng bảo hiểm thất nghiệp

Cách tính bảo hiểm thất nghiệp theo quy định mới nhất

Cách tính bảo hiểm thất nghiệp theo quy định mới nhất

Hướng dẫn tính bảo hiểm thất nghiệp trong một số trường hợp cụ thể

Cách tính bảo hiểm thất nghiệp có thời gian làm trước 2009

Người lao động ký hợp đồng và đi làm chính thức trước năm 2009 sẽ không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp, nhưng được nhận trợ cấp mất việc làm từ người sử dụng lao động.

Theo Điều 47 của Bộ luật Lao động 2019, trong trường hợp những đối tượng này đã làm việc trên 12 tháng mà bị mất việc sẽ được lĩnh trợ cấp mất việc làm nếu rơi vào một trong những trường hợp sau:

- Thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế (ví dụ: suy thoái…);

- Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp hoặc bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp đó.

Khi đó, mỗi năm người lao động làm việc sẽ được trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.

*Lưu ý: 

Theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 145/2020, thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc là:

Tổng thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc

=

Tổng thời gian làm việc thực tế

-

Thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp

-

Thời gian làm việc được dùng để chi trả trợ cấp mất việc

Trong đó:

  • Tổng thời gian làm việc thực tế: thời gian thử việc, trực tiếp làm việc; thời gian được cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản, ốm đau, phục hồi sau tai nạn lao động; thời gian nghỉ hằng tuần…
  • Thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp: gồm thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian mà người lao động không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng được người sử dụng lao động chi trả một khoản tiền tương đương với mức 1% đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (bên cạnh chi trả tiền lương);
  • Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc: sẽ tính theo năm (đủ 12 tháng). Nếu lẻ từ 06 tháng đóng bảo hiểm trở xuống thì được tính bằng 1/2 năm, lẻ từ 07 tháng thì làm tròn thành 01 năm làm việc.

Cách tính cộng dồn bảo hiểm thất nghiệp

Hiện nay, người lao động có thể cộng dồn thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng trợ cấp. Cụ thể, theo nội dung khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm:

Thời gian đóng bảo hiểm dùng để xét hưởng trợ thất nghiệp là tổng số tháng đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Khoảng thời gian đóng bảo hiểm có thể là liên tục hoặc ngắt quãng.

Người lao động có thể tính cộng dồn bảo hiểm thất nghiệp thế nào?

Người lao động có thể tính cộng dồn bảo hiểm thất nghiệp thế nào?

Ví dụ: Anh A làm việc ở công ty X 12 tháng (từ 01/01-31/12/2021), đóng bảo hiểm thất nghiệp 10 tháng. Sau đó anh chuyển sang làm chính thức ở công ty Y thêm 01 năm từ 01/02/2022 và tham gia bảo hiểm đầy đủ.

Khi kết thúc hợp đồng với công ty Y, anh đã có tổng cộng 22 tháng trích đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Tính bảo hiểm thất nghiệp khi có tháng lẻ như thế nào?

Theo khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm, người lao động sẽ có 03 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu tích lũy đủ từ 12 – 36 tháng đóng bảo hiểm; sau đó cứ đóng thêm 12 tháng tiền bảo hiểm thì có thêm 01 tháng nhận trợ cấp nếu nghỉ việc.

Đối với những tháng chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp bị lẻ ra, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ xử lý theo quy định tại khoản 7 Điều 18 Nghị định 28/2015 như sau: bảo lưu tổng số tháng làm căn cứ tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp bị lẻ ra của người lao động để tính cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi người đó đủ điều kiện hưởng.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có tháng lẻ vẫn áp dụng theo công thức nêu tại khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm là 60% mức lương bình quân 06 tháng liền kề tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước khi nghỉ việc.

Cách tính bảo hiểm thất nghiệp khi về hưu

Theo nội dung Điều 49 Luật Việc làm, người lao động có lương hưu sẽ không phải đối tượng được chi trả trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, trong trường hợp người này không đủ điều kiện lĩnh lương hưu thì có thể được xem xét lĩnh tiền thất nghiệp nếu có đủ bốn tiêu chí sau:

- Đã kết thúc hợp đồng với bên sử dụng lao động (trừ trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật hoặc hưởng trợ cấp mất sức);

- Đã tham gia đủ từ 12 tháng bảo hiểm thất nghiệp trở lên trong vòng 24 hoặc 36 tháng (tùy từng trường hợp) trước khi chấm dứt hợp đồng;

- Đã đến trung tâm dịch vụ việc làm để nộp hồ sơ đề nghị nhận trợ cấp thất nghiệp;

- Không tìm được việc mới sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ nói trên (không áp dụng cho trường hợp: đi xuất khẩu lao động, đi học từ đủ 12 tháng, đi định cư nước ngoài, bị tạm giam hoặc chấp hành hình phạt tù…).

Khi người lao động đã đáp ứng được những điều kiện này thì bảo hiểm thất nghiệp sẽ được tính như sau:

- Số tháng nhận trợ cấp: tối thiểu là 03 tháng nếu đã tích lũy được từ 12-36 tháng đóng bảo hiểm; sau đó cứ đóng được thêm 12 tháng bảo hiểm thì nhận thêm 01 tháng trợ cấp;

- Số tiền nhận trợ cấp: bằng 60% bình quân 06 tháng lương làm căn cứ xét đóng bảo hiểm thất nghiệp liền kề trước khi nghỉ việc.

Người lao động đủ tuổi hưu nhưng không có lương hưu vẫn có thể nhận bảo hiểm thất nghiệp nếu đủ điều kiện

Người lao động đủ tuổi hưu nhưng không có lương hưu vẫn có thể nhận bảo hiểm thất nghiệp nếu đủ điều kiện

Cách tính số tháng hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Để tính số tháng nhận trợ cấp thất nghiệp, ta xét quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm:

- Người lao động tích lũy đủ 12 – 36 tháng bảo hiểm thất nghiệp: 03 tháng trợ cấp;

- Sau đó, cứ tích lũy đủ thêm 12 tháng đóng bảo hiểm: hưởng thêm 01 tháng trợ cấp;

*Lưu ý: Mỗi người lao động chỉ được hưởng 12 tháng tiền trợ cấp thất nghiệp.

Giải đáp một số thắc mắc khác khi tính bảo hiểm thất nghiệp

Tính bảo hiểm thất nghiệp qua VssID được không?

Người lao động có thể tính bảo hiểm thất nghiệp trên ứng dụng VssID theo tinh thần Nghị quyết 116/ND-CP hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp, tổ chức…bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 từ ngày 01/10/2021. Tuy nhiên, tính năng này hiện nay đã không còn trên VssID nữa.

Như vậy có thể khẳng định, người lao động hiện giờ không thể tính bảo hiểm thất nghiệp qua VssID được như trước. Thay vào đó, người lao động có thể tự tính hoặc tính qua phần mềm.

Bảo hiểm thất nghiệp tính từ năm nào?

Bảo hiểm thất nghiệp xuất hiện lần đầu tại nội dung Luật Bảo hiểm xã hội 2006 (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2007), trong đó theo khoản 1 Điều 140 của Luật này, thời điểm áp dụng quy định về bảo hiểm thất nghiệp bắt đầu tính từ 01/01/2009.

Như vậy, bảo hiểm thất nghiệp được tính từ năm 2009.

Bảo hiểm thất nghiệp tính trên lương nào?

Theo Điều 58 Luật Việc làm 2013, Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp chính là tiền lương được dùng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cụ thể:

- Người lao động nhận lương từ Nhà nước:

  • Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là lương theo ngạch, bậc hoặc cấp bậc quân hàm cộng thêm các khoản như phụ cấp thâm niên vượt khung, thâm niên nghề hoặc phụ cấp chức vụ (nếu có).
  • Đồng thời, khoản tiền lương này cũng là mức lương cơ sở đối với người hoạt động không chuyên trách tại địa phương (xã, phường, thị trấn).

- Người lao động theo chế độ tiền lương do bên sử dụng lao động quyết định: lương tháng đóng bảo hiểm xã hội chính là lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác (nếu có).

Như vậy, bảo hiểm thất nghiệp được tính trên lương dùng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Bảo hiểm thất nghiệp tính trên lương nào?Bảo hiểm thất nghiệp tính trên lương nào?

Có tính bảo hiểm thất nghiệp 1 lần được không?

Theo khoản Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 (đã hết hiệu lực từ 01/01/2016), người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà tìm được việc làm mới hoặc phải tham gia nghĩa vụ quân sự thì sẽ được lấy luôn trong 1 lần tiền trợ cấp thất nghiệp của những tháng còn lại.

Song hiện nay, việc chi trả trợ cấp cho người lao động mất việc đã thay đổi, cụ thể:

- Thứ nhất, căn cứ khoản 2 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp tháng đầu tiên cho người lao động trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày có Quyết định hưởng trợ cấp và từ tháng trợ cấp tiếp theo người lao động sẽ được lĩnh trợ cấp trong 05 ngày làm việc tính từ ngày thứ 7 của tháng hưởng trợ cấp đó.

(Chỉ áp dụng khi người lao động không bị tạm dừng hoặc chấm dứt nhận trợ cấp thất nghiệp).

- Thứ hai, Điều 52 Luật Việc làm cũng chỉ rõ, hằng tháng người lao động bắt buộc phải thông báo tìm việc làm tại trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp, trừ một số trường hợp đặc biệt như: thai sản, ốm đau có xác nhận của bệnh viện; gặp sự cố bất khả kháng (thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn…)

Vậy là có thể thấy, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ chi trả tiền trợ cấp thất nghiệp cho người lao động theo từng tháng. Cho nên, không thể tính bảo hiểm thất nghiệp một lần theo các quy định mới được nữa.

Trên đây là những thông tin liên quan đến cách tính bảo hiểm thất nghiệp theo quy định hiện hành. Nếu còn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ giải đáp.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X