Lương của công chức tập sự là bao nhiêu?
Căn cứ khoản 1 Điều 22 Nghị định 138/2020/NĐ-CP, trong thời gian tập sự công chức được hưởng mức lương theo tỷ lệ quy định. Mức lương này phụ thuộc vào trình độ học vấn và một số trường hợp đặc biệt khác. Cụ thể công chức tập sự có thể được nhận mức lương như sau:
100% mức lương ngạch tuyển dụng đối với các trường hợp
- Người tập sự tại những vùng có kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Tập sự đối với các ngành, nghề độc hại nguy hiểm;
- Người tập sự đã hoàn thành nghĩa vụ công an nhân dân, nghĩa vụ quân sự;
- Người tập sự là sĩ quan công an hoặc sĩ quan quân đội, hoặc quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành,
- Người tập sự đã tốt nghiệp khóa đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở (đã được phong quân hàm sĩ quan dự bị và đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị);
- Người tập sự đã tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị,
- Người tập sự là đội viên thanh niên xung phong hoặc đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi (phải từ đủ hai mươi bốn tháng trở lên và đã hoàn thành nhiệm vụ)
85% mức lương của bậc, ngạch tuyển dụng tương ứng với với trình độ
- 85% mức lương bậc 2 của ngạch tuyển dụng: Đối với người tập sự có trình độ thạc sĩ (chuyên ngành phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm tuyển dụng)
- 85% mức lương bậc 3 của ngạch tuyển dụng: Đối với người tập sự có trình độ tiến sĩ (chuyên ngành phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm tuyển dụng)
- 85% mức lương bậc 1 của ngạch tuyển dụng: Đối với người tập sự công chức không thuộc các trường hợp nêu trên.
Hướng dẫn cách tính lương công chức tập sự
Công thức tính
Tỷ lệ (%) theo quy định x Mức lương theo bậc của ngạch tuyển dụng = Lương công chức tập sự.
Trong đó:
Tỷ lệ (%) được pháp luật quy định dựa vào trình độ học vấn và một số trường hợp đặc biệt. Hiện nay có hai mức tỷ lệ 85% và 100% (đã phân tích ở phần trên)
Mức lương theo bậc của ngạch tuyển dụng: Mức lương này được tính dựa trên mức lương cơ sở và hệ số lương của bậc, loại công chức.
Thời gian tính lương công chức tập sự
Đối với người được tuyển vào vị trí công chức loại C thì thời gian tập sự là 12 tháng. Còn đối với vị trí của công chức loại D thì thời gian tập sự là 6 tháng.
Trong đó, lưu ý những khoảng thời gian sau không được tính là thời gian hưởng lương:
- Thời gian nghỉ sinh con theo BHXH
- Thời gian nghỉ bệnh từ 14 ngày trở lên
- Thời gian nghỉ không hưởng lương
- Thời gian bị tạm giam, tạm giữ
- Thời gian bị tạm đình chỉ công tác
Trường hợp nào công chức tập sự được hưởng 100% lương?
Trường hợp nào công chức tập sự được hưởng 100% lương?
Căn cứ khoản 1 Điều 22 Nghị định 138/2020/NĐ-CP công chức tập sự được hưởng 100% lương khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Thứ nhất, tập sự tại những vùng có kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
- Thứ hai, tập sự trong các ngành nghề độc hại nguy hiểm;
- Thứ ba, người tập sự thuộc một những đối tượng:
Đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự hoặc nghĩa vụ công an nhân dân;
Sĩ quan công an, sĩ quan quân đội, quân nhân chuyên nghiệp phục viên hoặc người làm công tác cơ yếu chuyển ngành;
Đã tốt nghiệp khóa đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở (đã được phong quân hàm sĩ quan dự bị và đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị);
Đã tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị;
Đội viên thanh niên xung phong hoặc đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi (từ đủ 24 tháng trở lên và đã hoàn thành nhiệm vụ).
Công chức tập sự được hưởng phụ cấp gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 22 Nghị định 138/2020/NĐ-CP công chức tập sự vẫn được hưởng những khoản phụ cấp theo quy định của pháp luật.
Cụ thể một số khoản phụ cấp công chức tập sự có thể được nhận và mức phụ cấp theo quy định hiện nay bao gồm:
Phụ cấp khu vực
- Căn cứ Mục I Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT người đang trong thời gian tập sự thuộc đối tượng hưởng phụ cấp khu vực nếu làm việc ở những nơi hẻo lánh, xa xôi, khí hậu xấu.
- Hệ số phụ cấp là 0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7 và 1,0 so với mức lương cơ sở.
Phụ cấp đặc biệt
- Căn cứ Mục I Thông tư số 09/2005/TT-BNV người đang trong thời gian tập sự thuộc đối tượng hưởng phụ cấp đặc biệt nếu làm việc ở các đảo xa đất liền và vùng biên giới với điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn.
- Mức hưởng 30%; 50% và 100% mức lương cộng với phụ cấp (phụ cấp được cộng là phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung hoặc phụ cấp quân hàm).
Phụ cấp thu hút
- Căn cứ Mục I Thông tư liên tịch số 10/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC người đang tập sự thuộc đối tượng hưởng phụ cấp thu hút nếu đến làm việc ở những cơ sở kinh tế, vùng kinh tế mới, những đảo xa đất liền có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn.
- Mức hưởng 20%; 30%; 50% và 70% mức lương cộng với phụ cấp (phụ cấp được cộng là phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung)
Phụ cấp lưu động
- Căn cứ Mục I Thông tư số 06/2005/TT-BNV có quy định người đang trong thời gian tập sự thuộc đối tượng hưởng phụ cấp lưu động nếu làm việc ở một số nghề hoặc công việc yêu cầu phải thường xuyên thay đổi nơi làm việc và nơi ở.
- Hệ số phụ cấp là 0,2; 0,4 và 0,6 so với mức lương cơ sở.
Phụ cấp độc hại, nguy hiểm
- Căn cứ Mục I Thông tư số 07/2005/TT-BNV người đang tập sự thuộc đối tượng hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm nếu làm những nghề hoặc công việc trong điều kiện lao động có tính độc hại, nguy hiểm và đặc biệt độc hại, nguy hiểm (lưu ý yếu tố này phải chưa được xác định trong mức lương).
- Hệ số phụ cấp là 0,1; 0,2; 0,3 và 0,4 so với mức lương cơ sở.
Phụ cấp trách nhiệm công việc
- Căn cứ Mục I Thông tư số 05/2005/TT-BNV người đang trong thời gian tập sự thuộc đối tượng hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc
- Hệ số phụ cấp là 0,1; 0,2; 0,3 và 0,5 so với mức lương cơ sở.
Trên đây là thông tin liên quan đến lương của công chức tập sự. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ ngay tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.