hieuluat
Chia sẻ email

Năm 2022, thời gian làm việc tính hưởng phép năm thế nào?

Nghỉ phép năm cũng là một trong những vấn đề mà người lao động đặc biệt quan tâm bởi trong những ngày phép này, người lao động vẫn được hưởng lương, đảm bảo quyền lợi của mình. Vậy, năm 2022, thời gian làm việc tính hưởng phép năm thế nào?

Mục lục bài viết
  • Tính thời gian nghỉ phép năm thế nào cho đúng?
  • Từ năm 2021, thời gian làm việc tính hưởng phép năm thế nào?
  • Cách tính lương nghỉ phép năm thế nào?

Tính thời gian nghỉ phép năm thế nào cho đúng?

Câu hỏi: Theo tôi tìm hiểu tại Bộ luật Lao động 2019, thời gian nghỉ phép năm được tính khi người lao động làm việc cho 01 người sử dụng lao động đủ 12 tháng thì sẽ tính 12 ngày phép năm.
Tuy nhiên, ở nơi tôi làm việc thì tính thời gian nghỉ phép năm dựa trên thời gian tham gia đóng BHXH của người lao động, người lao động đóng bảo hiểm xã hội bao nhiêu năm thì căn cứ vào đó để tính thời gian nghỉ phép năm.
Vậy công ty tôi đang áp dụng cách tính như vậy có đúng không? - Hùng Mạnh (Hòa Bình)

Theo quy định tại Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 đang có hiệu lực thì việc nghỉ hằng năm của người lao động được tính như sau:

Điều 113. Nghỉ hằng năm

1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

2. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

Như vậy, khi người lao động làm việc cho 01 người sử dụng lao động được đủ 12 tháng thì sẽ được hưởng 12 ngày nghỉ hằng năm. Do đó, việc tính thời gian nghỉ hằng năm theo số năm đóng bảo hiểm xã hội như ở cơ quan bạn hiện tại là không đúng với quy định của pháp luật.

Trong trường hợp này người lao động trong công ty có thể phản ánh lại với công ty để được điều chỉnh. Nếu công ty không giải quyết thì người lao động có thể gửi đơn lên Phòng Lao động - Thương Binh và Xã hội để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Bộ luật Lao động 2019 còn quy định ngày nghỉ phép năm sẽ được tăng theo thâm niên. Cụ thể, tại Điều 114 Bộ luật lao động 2019 chỉ rõ, ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc.

Người lao động cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động được tăng thêm tương ứng 01 ngày.

Ví dụ:

Người lao động làm việc đủ 12 tháng, làm công việc trong điều kiện bình thường được nghỉ phép năm 12 ngày làm việc. Khi có đủ từ 5 năm làm việc cho 1 người lao động trở lên thì số ngày nghỉ phép năm tăng lên 13 ngày.

Tương tự ngày nghỉ phép năm tăng lên 15 ngày đối với công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật; tăng lên 17 ngày đối với người làm việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Năm 2022, thời gian làm việc tính hưởng nghỉ phép năm thế nào?(Ảnh minh họa)


Từ năm 2021, thời gian làm việc tính hưởng phép năm thế nào?

Câu hỏi: Theo như tôi được biết, từ năm 2021 sẽ áp dụng BLLĐ 2019 và Nghị định hướng dẫn thi hành mới, vậy đối với thười gian tính hưởng phép năm có gì thay đổi so với quy định cũ không? - Hiếu Nguyễn (Hải Phòng)

Thời gian được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP đã có sự điều chỉnh.

Cụ thể, Điều 65 Nghị định này đã liệt kê cụ thể 10 khoảng thời gian được tính là thời gian làm việc để hưởng phép năm như sau:

- Thời gian học nghề, tập nghề nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà người lao động làm việc cho người sử dụng lao động;

- Thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc;

- Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương;

- Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng/năm;

- Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 06 tháng;

- Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng/năm;

- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản;

- Thời gian thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà được tính là thời gian làm việc (trước đó quy định là thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn);

- Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động;

- Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật lao động (trước đó quy định là thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc);

Đồng thời, quy định mới đã bỏ nội dung về thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội. Theo đó, thời gian bị tạm giữ, tạm giam từ năm 2021 sẽ không được tính là thời gian làm việc để tính hưởng phép năm.

Sự thay đổi này sẽ phần nào ảnh hưởng đến số ngày nghỉ hằng cũng như thời gian tính thâm niên để hưởng phép năm của người lao động. Vì vậy, người lao động cần lưu ý để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình.

Cách tính lương nghỉ phép năm thế nào?

Câu hỏi: Tôi muốn hỏi về cách tính lương nghỉ phép năm theo quy định mới nhất hiện nay thế nào? - Thu Quỳnh (Lào Cai)

Theo khoản 2 Điều 67 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định như sau:

2. Tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động những ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng có hưởng lương theo Điều 112, khoản 1 và khoản 2 Điều 113, Điều 114, khoản 1 Điều 115 của Bộ luật Lao động là tiền lương theo hợp đồng lao động tại thời điểm người lao động nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng có hưởng lương.

Theo đó, người lao động sẽ được trả lương cho những ngày nghỉ phép năm theo tiền lương trong hợp đồng lao động tại thời điểm nghỉ phép. Như vậy, có thể tính tiền lương nghỉ phép năm theo công thức sau:

Tiền lương nghỉ phép năm = Tiền lương tháng theo hợp đồng lao động tại thời điểm nghỉ : Thời gian làm việc bình thường của tháng tại thời điểm nghỉ x Số ngày nghỉ phép năm

Bên cạnh đó, trường hợp người lao động do thôi việc hoặc bị mất việc làm mà chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết phép năm sẽ được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày này theo tiền lương của tháng trước liền kề trước khi nghỉ việc.

Trên đây là giải đáp về Thời gian và cách tính lương nghỉ phép năm. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X