Trong một số trường hợp, người lao động phải ngừng việc. Và điều khiến nhiều người thắc mắc là cách tính tiền lương ngừng việc thế nào? Có phải ai ngừng việc cũng đều được hưởng lương không?
Trường hợp nào người lao động phải ngừng việc?
Tại Điều 99 Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019 quy định các trường hợp phải ngừng việc như sau:
- Phải ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động;
- Phải ngừng việc do lỗi của người lao động;
- Phải ngừng việc do sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế.
Như vậy, căn cứ theo quy định này, người lao động phải ngừng việc nếu thuộc một trong 03 trường hợp trên.
Xét trong trường hợp của bạn ngừng việc là do lỗi của công ty (người sử dụng lao động) nên được hưởng lương ngừng việc. Muốn biết cách tính tiền lương ngừng việc bạn có thể tham khảo tiếp thông tin chúng tôi nêu dưới đây.
Cách tính tiền lương ngừng việc cho người lao động thế nào? (Ảnh minh họa)
Lương ngừng việc của người lao động được tính thế nào?
Với 03 trường hợp người lao động phải ngừng việc, BLLĐ 2019 quy định cách tính lương ngừng việc cho người lao động thuộc 03 trường hợp này cũng khác nhau. Cụ thể:
- Ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động
Theo khoản 1 Điều 99 BLLĐ năm 2019 quy định:
1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng quy định thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương:
5. Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động.
Như vậy, nếu phải ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động vẫn sẽ được tính thời gian làm việc hưởng lương. Theo đó, người sử dụng lao động phải trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động tương ứng với số ngày ngừng việc.
- Ngừng việc do lỗi của người lao động
Khoản 2 Điều 99 BLLĐ 2019 chỉ rõ:
2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;
- Ngừng việc vì sự cố điện, nước; thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, di dời địa điểm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước vì lý do kinh tế
Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên vẫn được thỏa thuận về tiền lương ngừng việc.
Khi đó:
+ Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng;
+ Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Như vậy, người lao động chỉ được đảm bảo tiền lương không thấp hơn lương tối thiểu trong 14 ngày đầu ngừng việc hoặc ngừng việc dưới 14 ngày. Nếu phải ngừng việc trên 14 ngày thì không bắt buộc người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động ít nhất bằng lương tối thiểu vùng.
Trường hợp của bạn phải ngừng việc trên 14 ngày do dịch Covid-19 nên tiền lương ngừng việc sẽ do bạn và công ty thỏa thuận. Tuy nhiên, tiền lương trong 14 ngày đầu ngừng việc được đảm bảo không thấp hơn lương tối thiểu vùng.
Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng được áp dụng theo quy định tại Điều 3 Nghị định 38/2022 của Chính phủ như sau:
Vùng | Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng) | Mức lương tối thiểu vùng dành cho người qua học nghề, đào tạo (đồng/tháng) |
Vùng I | 4.680.000 | 5.007.600 |
Vùng II | 4.160.000 | 4.451.200 |
Vùng III | 3.640.000 | 3.894.800 |
Vùng IV | 3.250.000 | 3.477.500 |
Trên đây là giải đáp về Cách tính tiền lương ngừng việc cho người lao động thế nào? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.